Dành cả thanh xuân để khởi nghiệp
Chúng tôi gặp ông Trịnh Thành Nhơn , Chủ tịch HĐQT Công ty ICC, Nhà sáng lập thương hiệu Kem đánh răng Dạ Lan, tại một quán cà phê ở khu Thảo Điền quận 2, TP.HCM. Người đàn ông ngoài 60 tuổi, tay cầm đủ loại nguyên liệu pha chế kem đánh răng ngồi say mê nói về câu khởi nghiệp của mình và thương hiệu Dạ Lan.
Ông nói muốn chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của mình để cho thế hệ trẻ và con cháu hôm nay biết doanh nhân thế hệ trước họ khởi nghiệp như thế nào, gặp phải những sóng gió thương trường ra sao để hôm nay một thương hiệu Dạ Lan đang từng bước hồi sinh sau những biến cố.
Ông Trịnh Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty ICC, Nhà sáng lập thương hiệu Kem đánh răng Dạ Lan . Ảnh: Cẩm Viên |
Ông nói cả cuộc đời mình chỉ gắn liền với kinh doanh và kem đánh răng Dạ Lan là cái duyên.
Ông Trịnh Thành Nhơn kể, năm 1975 giải phóng miền Nam, các trường học phải tạm đóng cửa vì học sinh tham gia phong trào chính quyền cách mạng, ông cũng không ngoại lệ. Năm đó, ông là sinh viên Trường Đại học Vạn Hạnh với ước mơ trở thành thầy giáo.
Gia đình ông có tiệm bán sỉ trong chợ Bình Tây và chủ yếu là xà bông vì thời điểm đó hàng hóa còn khan hiếm. Để có được lượng xà bông bán, ông phải xếp hàng từ sáng sớm với lượng người xếp hàng đếm không xuể. Trong lúc đứng xếp hàng ông nghĩ nếu mình có một xưởng xà bông sẽ kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng để chế biến được xà bông thì cần có người trong nghề.
Hàng ngày ông quanh quẩn bên xưởng sản xuất xà bông để tiếp cận và thuyết phục một người thợ về làm cho mình. Nhìn thấy ông Nhơn nghèo rớt mồng tơi, chẳng có gì ngoài chiếc xe đạp, ông thợ bán tín bán nghi về khả năng kinh doanh nên từ chối nhưng bị ông Nhơn đeo bám kịch liệt, ông thợ miễn cưỡng gật đầu.
Lúc đó, ông Nhơn mượn tiền ba mẹ và bạn bè được 3.000 đồng để mua nguyên liệu. Ông thợ là người Hoa nên rất giấu nghề. Ông Nhơn cho biết phải rất kiên trì, cẩn thận ghi chép từng ngày ông mới tìm ra công thức làm xà bông. Việc buôn bán xà bông rất thuận lợi, khối lượng xà bông tăng dần và ông đã mang đi bán ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc, chẳng mấy chốc mà khá giả.
Sau năm 1988, chính sách nhà nước mở cửa cho các tiểu thương tự do mua bán, nhiều nhà sản xuất xà bông ra đời, việc kinh doanh xà bông của ông vào con đường khó khăn.
Bán nhẫn cưới để đưa Dạ Lan đi dọc miền đất nước
Theo ông Nhơn cơ duyên đưa ông đến với nghề sản xuất kem đánh răng là một lần bán hàng ở miền Trung, Giám đốc Công ty Công nghệ phẩm, tỉnh Nghĩa Bình (tức là hai tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi) cầu cứu vì lô hàng lớn kem đánh răng bị mất chất không tiêu thụ được. Vì tình nghĩa ông Nhơn đã mua giúp. Sau đó ông Nhơn tìm đến các đơn vị sản xuất kem đánh răng để gia công lại số kem đánh răng này nhưng không một ai giúp đỡ.
Kem đánh răng Dạ Lan của ngày hôm nay đã xuất hiện lại tại các siêu thị. Ảnh: Cẩm Viên |
Tình cờ một người bạn giúp ông Nhơn kết nối làm quen với ông Lưu Trung Nghĩa, Phó Giám đốc kỹ thuật kem đánh răng P/S. Ông Nghĩa đã nhận lời hướng dẫn sản xuất.
Một tháng sau, công việc hoàn thành, ông Nhơn giao đủ hàng cho công ty công nghệ phẩm tỉnh Nghĩa Bình và ông lại có thêm một nghề làm kem đánh răng.
Có công nghệ và máy móc trong tay, ông Nhơn tiếp tục sản xuất đánh răng và đặt tên là Sonhai tức tên đứa con trai đầu và thứ hai của ông là Sơn và Hải.
Lúc đó ngày nào vợ ông cũng chở 4-5 thùng kem đánh răng đi ký gửi khắp các hợp tác xã tại Sài Gòn. Còn ông mua một chiếc xe tải 2 tấn, chở kem đánh răng xuống tận Cà Mau và các tỉnh miền Trung để bán. “Thời điểm đó chủ yếu là ký gửi, có khi 2,3 tháng mới nhận được tiền, có khi lỗ vốn. Tôi nhớ có lần giao hàng miền Trung gặp phải tai nạn, tôi phải bán luôn chiếc nhẫn cưới còn sót lại để có thể đi dọc miền đất nước bán kem đánh răng”, ông Nhơn tâm sự.
Dạ Lan, cái tên đình đám một thời. |
Theo ông Nhơn, người tiêu dùng lúc đó quen sử dụng thương hiệu cũ nên rất khó thay đổi thói quen. “Buôn bán ế ẩm, tôi chán nản đạp xe đi vòng quanh thành phố suy nghĩ tại sao kem đánh răng của mình không thể tiếp cập người tiêu dùng, có khi cái tên Sơn Hải còn quá mới trong thị trường nên rất khó tiếp cận người tiêu dùng chăng?
Phải chăng nó cần một cái tên mới thân thiện đi vào lòng người tiêu dùng và rồi tôi vô tình nghe được một chương trình ca nhạc Dạ Lan. Thời điểm đó chương trình ca nhạc này rất có tiếng, ai ai cũng biết. Tôi nghĩ tại sao mình không lấy cái tên quen thuộc với mọi người để đặt cho thương hiệu của mình. Tôi đã chọn cái tên Dạ Lan đặt cho thương hiệu kem đánh răng của mình. Năm 1989, kem đánh răng chính thức mang tên Dạ Lan ra đời nhưng vẫn bán rất ế ẩm”, ông Nhơn tâm sự.
"Hơn cả một giấc mơ"
Một hôm có một anh phóng viên báo Thương mại tới phỏng vấn, biết tình hình công ty đang gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường. Anh phóng viên gợi ý tiến công ra thị trường miền Bắc thông qua hội chợ. Sau đó anh phóng viên này đã làm các thủ tục đưa Dạ Lan tham dự hội chợ miền Bắc.
Lúc chuẩn bị ra Hà Nội, công ty gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, ông Nhơn đánh bạo lên ngân hàng Sài Gòn công thương vay 100 triệu, nhưng không được vì nguyên tắc thời điểm đó chỉ cho vay để sản xuất. May sao bà giám đốc ngân hàng hiểu hoàn cảnh khó khăn đã đồng ý cho vay. Có thể nói anh phóng viên và bà giám đốc ngân hàng là hai ân nhân cứu lấy Dạ Lan lúc mấy giờ.
Ông đưa một container để chở hàng ra ngoài Bắc nhưng người ta chỉ đi qua, đi lại nhìn chứ không mua. “Chúng tôi đưa hàng ra ngoài chợ năn nỉ ký gửi cũng không ai nhận. Cuối cùng thì tôi phải ra nhà sách đặt mua lịch, thuê in lên dòng chữ: "Công ty Sơn Hải, kem đánh răng Dạ Lan kính biếu". Cứ mỗi quầy bán tạp hóa, tặng vài cuốn lịch kèm 10 ống kem đánh răng Dạ Lan.
Thời điểm đó, có một quyển lịch rất quý, người ta tranh nhau nhận kem đánh răng chỉ để... có cuốn lịch. Sau đó, có người đã tìm đến chúng tôi, sau 10 ngày sản phẩm của chúng tôi được bán hết, đó có lẽ là kỉ niệm mà cả cuộc đời tôi chẳng thể nào quên được. Cũng từ đó, sản phẩm Dạ Lan bắt đầu phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh phía Bắc", ông Nhơn cho biết.
Dạ Lan xuất hiện khắp nơi trên mọi miền đất nước. |
Chỉ sau mấy ngày, nhiều tiểu thương tìm đến đặt hàng, trong vài ngày một toa xe lửa chở gần 2.000 thùng kem đánh răng đã bán hết. Ông gọi điện về cho vợ chỉ đạo nhà máy chạy hết công suất để gửi hàng ra Hà Nội. Chỉ hơn một tháng, lô kem đánh răng đã bán hết. Một giấc mơ hơn cả giấc mơ. Đây là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của ông.
Ông Nhơn nhớ thời vàng son của Dạ Lan cứ sáng sớm mỗi lần mở cửa nhà máy lại thấy có rất nhiều người đang xếp hàng chờ mua sản phẩm Dạ Lan. Và để giải quyết lượng khách, nhà máy phát cho mỗi người một phiếu mua hàng, y như bây giờ các bạn bốc số chờ khám bệnh. "Tôi có thể ví lúc đó chúng tôi tựa như một cô gái đẹp, có rất nhiều thương hiệu và nhãn hàng nước ngoài tìm đến để xin được hợp tác cùng Dạ Lan..."
Còn tiếp...