• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Từng bị vùi dập tại Shark Tank, startup xe máy điện Dat Bike vẫn tăng trưởng 35% mỗi tháng, huy động được 2,6 triệu USD

Dat Bike, công ty khởi nghiệp Việt Nam với tham vọng trở thành công ty xe máy điện hàng đầu...

Được sản xuất tại Việt Nam với hầu hết các phụ tùng trong nước, điểm ăn khách của Dat Bike là khả năng cạnh tranh với các dòng xe máy xăng về giá cả và khả năng vận hành. Nguồn vốn mới của công ty là từ Jungle Ventures cùng sự tham gia của các nhà đầu tư khác như Wavemaker Partners, Hustle Fund và iSeed Ventures.

Huy động thành công 2,6 triệu USD, tăng trưởng 35 %/tháng

Người sáng lập kiêm CEO của Dat Bike là Sơn Nguyễn. Anh bắt đầu học cách chế tạo xe đạp từ các bộ phận phế liệu khi đang làm kỹ sư phần mềm tại Thung lũng Silicon. Năm 2018, anh chuyển về Việt Nam và cho ra đời Dat Bike.

Theo vị CEO này, hơn 80% hộ gia đình ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam sở hữu xe hai bánh, nhưng phần lớn chạy bằng khí đốt. Sơn nói với TechCrunch rằng, nhiều người muốn chuyển sang xe máy điện, nhưng hiệu suất là một trở ngại lớn.

Sơn Nguyễn cho biết, Dat Bike mang lại hiệu suất cao gấp ba lần (5 kW so với 1,5 kW) và phạm vi hoạt động gấp hai lần (100 km so với 50 km) của hầu hết các loại xe máy điện trên thị trường, ở cùng một mức giá. 

weaver.jpg
Weaver - mẫu xe điện hàng đầu của Dat Bike.

Chiếc xe máy hàng đầu của công ty, được gọi là Weaver, được tạo ra để cạnh tranh với xe máy chạy bằng xăng. Chiếc xe này có chỗ ngồi cho hai người, một lợi thế phù hợp với người tiêu dùng Đông Nam Á, và có động cơ 5.000 W giúp tăng tốc từ 0 đến 50 km/h chỉ trong 3 giây. 

Weaver có thể được sạc đầy tại một ổ cắm điện tiêu chuẩn trong khoảng 3 giờ và đi được tới 100 km trong một lần sạc (lần nạp tiếp theo xe máy sẽ đi được 200 km trong một lần sạc).

Dat Bike đã khai trương cửa hàng vật lý đầu tiên tại TP.HCM vào tháng 12/2020. Sơn cho biết, công ty “đã giao được vài trăm chiếc xe máy cho đến nay và vẫn còn tồn đọng đơn đặt hàng”. Anh nói thêm rằng, công ty đã tăng trưởng 35% so với tháng trước trong số lượng đơn đặt hàng mới, sau khi cửa hàng tại TP.HCM khai trương.

Với giá 39,9 triệu đồng, tương đương khoảng 1.700 USD, định giá của Weaver cũng tương đương với mức giá trung bình của xe máy xăng. Bên cạnh đó, Dat Bike đã hợp tác với các ngân hàng và tổ chức tài chính để mang đến cho người tiêu dùng gói trả góp 12 tháng không lãi suất.

“Các ngân hàng và tổ chức tài chính đang cạnh tranh với nhau để lần đầu tiên đưa tầng lớp trung lưu mới nổi của Việt Nam lên thị trường tài chính kỹ thuật số và kết quả là chúng tôi nhận được một tỷ lệ rất tốt”, CEO Sơn Nguyễn nói.

Lợi thế từ việc sản xuất trong nước

Mặt dù chính phủ Việt Nam chưa thực hiện trợ giá cho xe máy điện nhưng điểm tích cực là Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất các quy định mới bắt buộc cơ sở hạ tầng điện tại các bãi đậu xe và trạm xe đạp. Điều này sẽ làm tăng việc sử dụng xe điện. Theo đó, các công ty sản xuất xe hai bánh chạy điện khác của Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi như Vinfast và PEGA.

Một trong những lợi thế của Dat Bike là xe được phát triển tại Việt Nam, với các phụ tầng được sản xuất trong nước. Sơn Nguyễn cho biết, lợi ích của việc sản xuất tại Việt Nam là, thay vì tìm nguồn cung ứng từ Trung Quốc và các nước khác, bao gồm dịch vụ hậu cần hợp lý và chuỗi cung ứng hiệu quả hơn, thì hầu hết các nhà cung cấp của Dat Bike đều là trong nước.

nguyen-ba-canh-son.jpg
CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn mong muốn Dat Bike sẽ tận dụng được lợi thế từ việc sản xuất trong nước để mở rộng ra khu vực Đông Nam Á và trong tương lai là toàn cầu. 

CEO Dat Bike cho biết: “Cũng có những lợi thế về thuế rất lớn đối với việc sản xuất trong nước, vì thuế nhập khẩu đối với xe đạp là 45% và đối với phụ tùng xe đạp từ 15 - 30%. Tuy nhiên, thương mại trong khu vực Đông Nam Á được miễn thuế, điều đó có nghĩa là chúng tôi có lợi thế cạnh tranh để mở rộng ra khu vực, so với xe đạp nhập khẩu nước ngoài”.

Dat Bike có kế hoạch mở rộng bằng cách xây dựng chuỗi cung ứng của mình ở Đông Nam Á trong vòng 2-3 năm tới, với sự giúp đỡ của các nhà đầu tư như Jungle Ventures.

Trong một tuyên bố, đối tác sáng lập Jungle Ventures, ông Amit Anand, cho biết: “Ngành công nghiệp xe hai bánh trị giá 25 tỷ USD ở Đông Nam Á nói riêng đã chín muồi để gặt hái lợi ích từ những phát triển mới về xe điện và tự động hóa. Chúng tôi tin rằng Dat Bike sẽ dẫn đầu hướng đi này và tạo ra một chuẩn mực mới, không chỉ trong khu vực mà còn có khả năng trên toàn cầu về diện mạo và hoạt động của thế hệ xe điện hai bánh tiếp theo”.

Dat Bike, startup xe máy điện của nhà sáng lập Nguyễn Bá Cảnh Sơn, từng tham gia gọi vốn tại tập 10, chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 3. Tuy nhiên khi đó, CEO Sơn Nguyễn đã phải hứng chịu màn vùi dập từ dàn "cá mập".

Chiếc xe điện của Dat Bike bị shark Việt chê nguy hiểm, còn shark Bình thì cho rằng, startup này đang tạo ra một sản phẩm mà chưa chắc người tiêu dùng đã cần, có cũng được không có cũng được.

Cuối cùng, CEO Dat Bike đã thuyết phục được shark Hưng với thỏa thuận 60.000 USD cho 2% cổ phần công ty, kèm 2% ESOP có điều kiện đi kèm.

NHẬT SANG

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật