• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Đêm đông" của Nguyễn Văn Thương: 80 năm giai điệu mùa đông buồn

Đêm Đông là một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương,...

Câu chuyện chàng nhạc sỹ nghèo cô đơn đêm giao thừa

Nguyễn Văn Thương là một trong những nhạc sĩ tiên phong của tân nhạc Việt Nam. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm khí nhạc, giao hưởng, nhạc phim được giới chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá rất cao.

Đêm đông là sáng tác nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, được ông viết vào năm 1939, khi mới tròn 20 tuổi.

Nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương thời trẻ
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương thời trẻ

Nhạc sỹ kể lại:  "Vào dịp Tết năm 1939, khi đó Nguyễn Văn Thương đang theo học tại trường Thăng Long - Hà Nội, do không có tiền nên ông không thể về quê ăn Tết với gia đình. Lần đầu tiên phải ăn Tết xa nhà, ông rất buồn. Năm ấy, Hà Nội rất rét. Để chống lạnh, có bao quần áo, ông "nhồi" tất vào người. Như bản năng, ông cứ thế rời phòng trọ lững thững đi về phía Ga Hàng Cỏ,

Đến chỗ chắn tàu ở phố Khâm Thiên, bỗng ông chợt nảy ra ý định đi tìm những người cùng cảnh ngộ với mình trong đêm nay. Phố Khâm Thiên hồi ấy có nhiều nhà hát ả đào, ông muốn xem trong đêm giao thừa này, có người nào không ở nhà với gia đình mà đi hát. Hoặc ca nhi nào, vì kế sinh nhai mà phải ở lại hành nghề không?

Đêm ấy, có hai nhà còn để đèn ngoài cổng để chờ khách. Ông đi qua nhà đầu tiên, cửa mở, nhưng không có người ra. Đến nhà thứ hai thì có một ca nhi đi ra mở cửa. Nhưng khi nhìn thấy một cậu thanh niên, tuổi vừa đôi mươi, ăn mặc lôi thôi thì cô ta đã thất vọng. Khi quay trở vào, cô không quên soi mình trong tấm gương treo cạnh cửa, và đưa cánh tay trần vuốt nhẹ lên mái tóc. Buồn bã, ông bỏ đi lang thang mãi trên nhiều đường phố Hà Nội tối hôm đó - cho đến khuya, khi thấy các bà mang hương, đèn ra cúng trước thềm nhà tôi mới quay về căn gác trọ số 10 ngõ Hội Vũ.

Lên giường nằm, nhưng nỗi nhớ nhà và cảm giác cô đơn nơi đất khách khiến chàng trai 20 tuổi không tài nào ngủ được. Và ông nảy ra ý định sáng tác một bài hát để nói lên cảm xúc và suy nghĩ của mình trong đêm giao thừa đầu tiên phải xa nhà.

Ông đã đưa vào ca khúc hình ảnh thực tế lúc đi qua phố Khâm Thiên. Đó là người "ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng" , là ông viết về cô ca nhi ngồi khóc trong ngôi nhà gỗ mà trong lúc đi lang thang ngoài phố đêm ấy ông đã nhìn thấy. Còn "Thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư" hoặc "Cô lữ đêm đông không nhà" là hình ảnh ông viết về chính bản thân mình trong đêm giao thừa ấy.

Trong đêm đó, ca khúc chưa được hoàn thiện, cho đến khi ông vào Sài Gòn khi làm việc ở Bưu điện Thành phố, có một người học trò theo học guitar là Kim Minh cùng trau chuốt lại lời ca thì bài hát kể như mới chính thức hoàn thành.

Ca khúc về mùa đông buồn bã nhất

Ngay từ khi công bố, ca khúc Đêm đông đã được rất nhiều người yêu thích, đặc biệt là khán thính giả miền Nam, mặc dù ca khúc được viết ở Hà Nội.

Có lần, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, em rể của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương cũng cho biết: “Hồi còn làm Trưởng đoàn Văn công Liên khu IV, trong những buổi chuyện trò, anh Thương kể rằng đêm 29 Tết năm ấy, anh hận gia đình lắm vì đã để anh vuột mất một mùa xuân đoàn tụ cùng gia đình. Nhưng sau đó nghĩ lại, anh Thương cho rằng đó là ý trời, bởi nếu như ba mẹ anh gửi tiền ra, thì làm gì anh có bài hát "Đêm đông" để khẳng định tên tuổi của mình…”

Theo lời nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, lúc bài hát ra đời chỉ mới có các nhịp điệu như Foxtrot, Valse, Tango,... mãi sau năm 1950 mới có Slow Rock. Lúc ban đầu Đêm đông mang giai điệu Tango. Chính ca sĩ Bạch Yến đã đổi Đêm đông từ Tango sang Slow Rock.

Người hát bài này hay nhất, thành công nhất đến nỗi gắn tên tuổi với ca khúc là ca sỹ Bạch Yến. Ca sỹ Bạch Yến cũng là người đóng góp ý kiến để chuyển ca khúc từ điệu Tango thành Slow Rock Trong thư của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương kể về việc lần đầu tiên ông gặp ca sĩ Bạch Yến tại Pháp năm 1982, ông viết: Tôi muốn nói là cám ơn Bạch Yến rất nhiều về sự đóng góp đầy ý nghĩa trong cách thể hiện tác phẩm của tôi. Và cũng đã từ lâu, sau khi nghe băng của Bạch Yến hát, tôi đã bỏ chữ "Tango" để thay vào đó là "Slow Rock".

Ngoài ra, ca khúc Đêm đông còn được rất nhiều thế hệ ca sĩ thể hiện, từ Ngọc Bảo, Lê Dung tới Cẩm Vân, Đàm Vĩnh Hưng...

Sau 80 năm ra đời, có thể coi Đêm Đông đã trở thành giai điệu bất hủ cho những đêm mùa đông buồn xứ Bắc lạnh lẽo, là ca khúc của mọi tâm hồn cô đơn nhớ về một mái ấm gia đình. Nó là đốm lửa trong một đêm đen lạnh lùng. 

LA (t/h)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật