• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

‘Nhạc Lâm Ngũ Bá’: Phạm Duy có xứng đáng là Vương Trùng Dương? Anh Bằng, Trần Thiện Thanh, ai ‘quái’ hơn ai?

Trung Thần Thông, Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái, trong giang hồ và trong cả âm nhạc, ai tài...

“Võ lâm ngũ bá” hay “Thiên hạ ngũ tuyệt” là năm đại cao thủ lừng danh thiên hạ, có võ công mạnh nhất trong võ lâm do tác giả Kim Dung xây dựng nên trong “Xạ Điêu Tam Bộ Khúc” vẫn được lưu truyền gần một thế kỉ.

“Võ lâm ngũ bá” được chọn ra qua một cuộc “Hoa Sơn luận kiếm”, trong đó, những cao thủ của các môn phái sẽ được mời đến núi Hoa Sơn, thi thố võ nghệ để chọn ra năm người mạnh nhất. Sau nhiều lần tranh hùng tranh bá suy chuyển càn khôn, cao thủ các môn phái đã phải cúi đầu công nhận trước năm đại cao thủ có võ công mạnh nhất, đó là: Trung Thần Thông Vương Trùng Dương, Đông Tà Hoàng Dược Sư, Tây Độc Âu Dương Phong, Bắc Cái Hồng Thất Công và Nam Đế Đoàn Trí Hưng… năm người, với những công phu độc môn riêng của mình, hùng cứ năm phương Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung tâm, cũng là đại diện cho năm nguyên tố là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, giữ thế cân bằng cho trời đất.

Luận chiếu từ kiếm pháp Kim Dung, một nhạc sỹ gạo cội của Việt Nam tại hải ngoại có lần có ý kiến so sánh rằng, giang hồ có “Võ lâm ngũ bá”, thì âm nhạc cũng có “Nhạc lâm ngũ bá”, đó là 5 “đại cao thủ” trong âm nhạc, mỗi người một phong cách, một màu sắc, tạo nên bản sắc âm nhạc Việt Nam. Nhạc sỹ cũng cho rằng, Vương Trùng Dương  trong nhạc Việt không ai khác chính là nhạc sỹ Phạm Duy, các cao thủ khác có thể lần lượt là Lam Phương, Anh Bằng, Phạm Đình Chương, Trần Thiện Thanh…

‘Nhạc Lâm Ngũ Bá’: Phạm Duy có xứng đáng là Vương Trùng Dương? Anh Bằng, Trần Thiện Thanh, ai ‘quái’ hơn ai?

Một số nhạc sỹ khác có thể được coi là chưởng môn phái như Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Nguyễn Ánh 9, Phạm Tuyên, Hoàng Thi Thơ…

Bài viết dưới đây sẽ đi phân tích và cụ thể hóa ý kiến này.

Phạm Duy – Trung Thần Thông Vương Trùng Dương

Dù còn nhiều tranh cãi, nhưng sau nhiều lần tỉ thí võ công khốc liệt trên đỉnh Hoa Sơn, anh hùng thiên hạ đã phải công nhận Vương Trùng Dương là thiên hạ vô địch, là người có võ công cao siêu nhất trong "Võ lâm ngũ bá". Ông cũng được chọn là người giữ bí kíp “Cửu Âm Chân Kinh” tuyệt đỉnh thiên hạ.

Cũng như Vương Trùng Dương, việc Phạm Duy có phải là nhạc sỹ bậc nhất trong âm nhạc Việt Nam hay không, vẫn còn nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng, nhạc của Phạm Duy ngang ngửa với nhạc của Văn Cao, thậm chí mang nhiều ảnh hưởng từ nhạc của Văn Cao vì hai người là bạn tâm giao, Văn Cao cũng dìu dắt Phạm Duy rất nhiều trong những ngày đầu âm nhạc.

(Tất nhiên, việc so sánh trong âm nhạc là một điều rất khó, và với 2 nhạc sỹ gạo cội như Phạm Duy và Văn Cao, cũng có phần hơi bất kính, nhưng trong khuôn khổ bài viết, xin phép “tạm so sánh” để có được cái nhìn tổng quan nhất cho bình diện âm nhạc)

Sinh thời, Văn Cao có “Thiên thai”, Phạm Duy có “Tiếng sáo Thiên thai”, Văn Cao có “Trương Chi”, Phạm Duy cũng có “Khối tình Trương Chi”, Văn Cao có “Trường ca sông Lô”, Phạm Duy cũng có “Tiếng hát sông Lô”… đều là những tác phẩm bất hủ. Nhưng với Văn Cao, Phạm Duy vẫn luôn một mực tương kính và nhún nhường: “Văn Cao tài hơn tôi, giỏi hơn tôi!”

Tuy nhiên, xét một cách công tâm, dù những sáng tác của Văn Cao có ảnh hưởng mang tính định hướng và đặt nền móng cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam hiện đại, thì những sáng tác nổi bật nhất của Văn Cao vẫn nằm ở trường ca, nhạc kháng chiến và tình ca lãng mạn. Ngược lại, Phạm Duy viết nhạc và ghi dấu ấn trên hầu hết các thể loại: Tình ca, Dân ca, Kháng chiến ca, Đạo ca, Nữ Ca, Rong ca, Bé ca… thậm chí cả nhạc phổ thơ, ở bất cứ thể loại nào, ông cũng tỏa sáng và để lại những tác phẩm xuất sắc hàng đầu. Gần như không có thể loại nào có thể làm khó được Phạm Duy.

Phạm Duy có xứng đáng là Trung Thần Thông trong âm nhạc?
Phạm Duy có xứng đáng là Trung Thần Thông trong âm nhạc?

Xét về gia tài âm nhạc để lại, Phạm Duy cũng có số lượng tác phẩm đồ sộ nhất trong số các nhạc sỹ từ Việt Nam sang đến hải ngoại (ông để lại cho đời hàng nghìn tác phẩm), Văn Cao có phần hạn chế hơn (khoảng hơn 100 tác phẩm).

Đối với Phạm Duy, chính Văn Cao cũng từng từng khẳng định: “Muốn nói gì thì nói, Phạm Duy vẫn là một nhạc sĩ lớn. Nó (cách gọi thân mật) là người có công trong việc sử dụng các chất liệu dân ca đưa vào những sáng tác của mình một cách sáng tạo, mở ra một con đường cho các nhạc sĩ sau này đi theo. Không thể phủ định nó trong lịch sử của nền âm nhạc Việt Nam”.

Với âm nhạc của mình, Phạm Duy không chỉ có những đóng góp về mặt học thuật với những khai mở mới cho Tân nhạc Việt Nam, những ca từ trong sáng tác của ông còn góp phần làm giàu đẹp thêm ngôn ngữ tiếng Việt trong âm nhạc. Không chỉ có vậy, ông còn có công đào tạo ra một lớp nghệ sỹ kế cận:  Duy Quang, Duy Cường, Thái Thanh, Julie Quang, Thái Hiền, Thái Thảo…

Cũng giống như Vương Trùng Dương xuất thân trong một gia đình giàu có, học cao hiểu rộng, văn võ toàn tài, tính tình hào sảng, Phạm Duy cũng là một bậc trí thức tài hoa của nước Việt, thân phụ ông là nhà văn Phạm Duy Tốn, sau này, đại gia đình của ông cũng được coi là gia đình nghệ sỹ “danh gia vọng tộc” nổi tiếng nhất Việt Nam. Phạm Duy có cách sống ngang tàng, hào hoa, lại nhạy cảm và luôn hướng đến cái đẹp, ông luôn hết mình với cuộc sống, với âm nhạc, không màng công danh. Dù cuộc đời không tránh khỏi những sai lầm, ‘vô minh”, nhưng sau tất thảy, ông trả nợ đời bằng tác phẩm, không hơn thua, không thanh minh. Đó là cách sống của một nghệ sỹ thực thụ, một cách sống “tiêu dao” không khác gì Vương Trùng Dương từ bỏ công danh về cứu nhân độ thế.

Nhạc sỹ Phạm Duy thời trẻ
Nhạc sỹ Phạm Duy thời trẻ

Trong “Xạ Điêu Tam Bộ Khúc”, Vương Trùng Dương là người sáng lập nên đạo giáo Toàn Chân, dựa trên căn nguyên cốt lõi là Đạo Giáo và Nho Giáo, hướng về con người. Phạm Duy cũng gần như là người đầu tiên khai mở cho Tân nhạc Việt Nam, ông cũng thoát dần ra khỏi hệ thống cổ nhạc ngũ cung và âm nhạc lâm li lãng mạn thời kì đầu tân nhạc. Những sáng tác của Phạm Duy đến gần hơn với cuộc sống thực, với con người, với kiếp khổ nhân sinh.

Giáo sư Việt Nam học Eric Henry đã từng nói rằng: “Nhạc Việt Nam là một môn học, mà trong đó nhạc Phạm Duy là một môn học nữa”, điều này cũng như một mình Vương Trùng Dương với võ công tuyệt đỉnh, cùng lúc có thể quần đấu với Tứ tuyệt còn lại.

Vương Trùng Dương có nhiều tuyệt chiêu lẫy lừng thiên hạ. Phạm Duy thì khác một chút thôi, ông không có tuyệt chiêu nào cho riêng mình, mà bất cứ mảng lĩnh vực nghệ thuật nào ông “chạm” đến, đều trở thành tuyệt chiêu của riêng ông, mà khó ai sánh bằng.

Vương Trùng Dương hay Phạm Duy đều có thể coi là chòm sao Bắc Đẩu trong vùng trời của mình, chiếm giữ vị trí trung tâm, tượng trưng cho con người.

Phạm Đình Chương – Nam Đế Đoàn Trí Hưng

Để so sánh với Nam Đế Đoàn Trí Hưng, trong làng âm nhạc, có lẽ không ai phù hợp hơn Phạm Đình Chương, cả về tài năng, tâm tính và đức độ.

Trước khi hành tẩu giang hồ, Đoàn Trí Hưng là vua nước Đại Lý, là người có cuộc đời thăng trầm, bị phụ bạc tình cảm, mất con, mất vợ, quá đau buồn nên ông xuất gia đi tu, trút bỏ mọi ưu phiền, lấy pháp hiệu là “Nhất Đăng Đại Sư”.

Đoàn Trí Hưng cũng là một trong những người tài đức song toàn trong “Võ Lâm Ngũ Bá”, là hiện thân của sự từ bi, nhân hậu, nên cuộc đời ông cũng nhiều thua thiệt và đau xót.

Cũng như Đoàn Trí Hưng, Phạm Đình Chương có cuộc đời bi kịch buồn bã. Khi cuộc hôn nhân với ca sĩ Khánh Ngọc tan vỡ, Phạm Đình Chương gửi gắm hết nỗi lòng vào âm nhạc với những bản nhạc buốt giá tâm can: “Đêm cuối cùng”, “Thuở ban đầu”, “Người đi qua đời tôi”, “Nửa hồn thương đau”, sau này đều là những tuyệt phẩm nổi tiếng của âm nhạc Việt Nam.

Để so sánh với Nam Đế Đoàn Trí Hưng, trong làng âm nhạc, có lẽ không ai phù hợp hơn Phạm Đình Chương, cả về tài năng và tâm tính, đức độ.
Để so sánh với Nam Đế Đoàn Trí Hưng, trong làng âm nhạc, có lẽ không ai phù hợp hơn Phạm Đình Chương, cả về tài năng và tâm tính, đức độ.

Trong lịch sử Tân nhạc, Phạm Đình Chương là nhạc sỹ giàu lòng trắc ẩn, có nhạc cảm và mỹ quan vô cùng phong phú, có chăng trong âm nhạc chỉ thua kém một mình Phạm Duy. Nhạc của Phạm Đình Chương là sự kết hợp tuyệt vời giữa nhạc và thơ, ông khéo léo vận dụng dân ca Việt Nam với âm nhạc hiện đại của phương Tây, tạo nên những ca khúc vô cùng sang trọng, tinh tế và thanh nhã.

Các sáng tác của Phạm Đình Chương, dù ở mảng tiền chiến, hay sau này ông viết tình ca, xuân ca hay trường ca… đều thể hiện một nội tâm sâu sắc và mãnh liệt. Dù là hạnh phúc hay buồn đau, cảm xúc trong âm nhạc của Phạm Đình Chương đều luôn rực cháy như một ngọn lửa. Trong “Xạ Điêu Tam Bộ Khúc”, Nam Đế Đoàn Trí Hưng cũng là hiện thân của lửa, soi chiếu bởi chòm sao Chu Tước.

Lam Phương – Bắc Cái Hồng Thất Công

Bắc Cái Hồng Thất Công còn được người đời gọi là “Lão Ăn Mày”, là bang chủ thứ mười tám của Cái Bang. Hồng Thất Công sinh thời là người hào hiệp trượng nghĩa, ngay thẳng xởi lởi. Dù tính tình cổ quái, hành tung bí ẩn, nhưng Hồng Thất Công là người luôn vui vẻ, gần gũi, được tất cả mọi người quý mến.

Lam Phương cũng từng là một nghệ sỹ xuất thân từ gia đình nghèo khó, tuổi thơ phải chật vật kiếm sống, vừa làm thuê vừa nuôi gia đình, “tay trắng” bước vào âm nhạc. Nên nhạc của Lam Phương cũng luôn dung dị, dễ hiểu, không cầu kì hoa mỹ, mà bình dân, nói lên những suy tư, xúc cảm của con người một cách bình dị.

Lam Phương xứng đáng là “Bắc Cái” lẫy lừng một cõi trong âm nhạc
Lam Phương xứng đáng là “Bắc Cái” lẫy lừng một cõi trong âm nhạc

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Lam Phương viết gần 200 tác phẩm. Nhạc của Lam Phương phần lớn nói về tình yêu đôi lứa, nỗi niềm của con người trong cuộc sống, với giai điệu và ca từ đều dễ nghe, dễ thuộc, nên hầu như tất cả đều đi vào đời sống âm nhạc một cách tự nhiên, như là hơi thở. Ông để lại cho đời hàng loạt các tác phẩm bất hủ như “Thành phố buồn”, “Tình bơ vơ”, “Kiếp nghèo”, “Một mình”…

Cho nên, có thể nói rằng, nói về âm nhạc trữ tình của miền Nam thế kỉ trước, có lẽ không ai “qua mặt” được “đại cao thủ” Lam Phương. Ông được coi là nhạc sĩ tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam với dòng nhạc tình quê hương, nhạc Bolero từ trước năm 1975 cho đến tận bây giờ.

Về danh tiếng và mức độ ảnh hưởng, quả thực chưa ai sánh kịp được Lam Phương, xứng danh “Bắc Cái” lẫy lừng một cõi.

Anh Bằng – Đông Tà Hoàng Dược Sư

Nếu đem so sánh nhạc sỹ Anh Bằng với Đông Tà Hoàng Dược Sư, chắc sẽ có nhiều ý kiến phản đối. Vì Hoàng Dược Sư (hay còn gọi là Hoàng Lão Tà – Đảo chủ đảo Đào hoa) tính tình quái dị, ngạo mạn khinh bạc, thường hành sự theo ý mình và có phần hiểm độc. Ngược lại, nhạc sỹ Anh Bằng sống khiêm cung, hiền hậu, đúng mực.

Tuy nhiên, xét về mặt tài năng và nội lực, không ai xứng đáng để sánh ngang với Đông Tà Hoàng Dược Sư hơn người nhạc sỹ xứ Thanh.

Hoàng Dược Sư, trái lại với vẻ ngoài cổ quái, lạnh lùng thì lại là người có trái tim vị tha, ấm áp, võ công của ông vô cùng thâm hậu, có phần tàn độc, nhưng ẩn trong đó là sự hoa mỹ, tiêu diêu, tự tại vô cùng tao nhã. Ngoài ra Hoàng Dược sư cũng là người văn võ song toàn, thông minh, hiểu biết, quán thế trước sau.

Giống như Hoàng Dược Sư chọn hoa đào để luyện thành tuyệt kĩ võ công, Anh Bằng cũng có “Ngọn trúc đào” làm nên danh tiếng, ông cũng mãi là người “hái hoa tiên cho đời” bằng âm nhạc, với những sáng tác đẹp đến mức thổn thức, “ngơ ngẩn” người nghe.

Không ai xứng đáng để sánh ngang với Đông Tà Hoàng Dược Sư hơn nhạc sỹ Anh Bằng
Không ai xứng đáng để sánh ngang với Đông Tà Hoàng Dược Sư hơn nhạc sỹ Anh Bằng

Nhạc Anh Bằng mang cái tự sự của con người, cái rung động lãng mạn của một lớp thanh niên trí thức mới, mang cái  buồn vui của cuộc đời mà người ta dù thế nào, ở thời nào, cũng không thể chối bỏ. Không cầu kì phô trương, Anh Bằng luôn lựa chọn hình thức bình dị, gần gũi với những thang âm và hòa thanh đơn giản cho âm nhạc của mình, phần ca từ đi vào lòng người, có tính khái quát cao.

Tuy nhiên, đằng sau cái đơn giản, gần gũi ấy, nếu nghe kĩ hơn, luôn có một cái “quái” rất riêng của Anh Bằng, một nét chấm phá như một note hoa mỹ, một nét ly điệu, hay một vòng hòa thanh đặc biệt mà chỉ Anh Bằng mới có. Đó là những “độc chiêu” khiến cho nhạc của Anh Bằng qua bao thế hệ vẫn tồn tại sâu sắc trong lòng người Việt.

Trần Thiện Thanh – Tây Độc Âu Dương Phong

Trong Kim Dung Truyện, Âu Dương Phong vẫn ‘mang tiếng” là người độc ác nhất, còn được mọi người gọi là Lão Độc Vật - chủ nhân Bạch Đà sơn ở Tây Vực, gian xảo, tàn độc.

Thế nhưng, trong tình yêu, Âu Dương Phong lại là người si tình, cả đời đau khổ chỉ vì một người phụ nữ. Lão Độc Vật có võ công rất cao, với những tuyệt chiêu cực độc mà không ai có thể hóa giải được.

Cũng như Âu Dương Phong, khi mới tiếp xúc, nhạc sỹ Trần Thiện Thanh có phần xa cách lạnh lùng, khó gần, tình tự ái và tự tôn khá cao. Tuy nhiên, trong âm nhạc, ông lại có một sự si tình, yêu đời, yêu người đến say sưa, si mê cuồng nhiệt.

Trần Thiện Thanh -
Trần Thiện Thanh - "Tây độc" Âu Dương Phong si tình của âm nhạc Việt Nam

“Tuyệt chiêu” của Trần Thiện Thanh là nhạc tình và nhạc lính. Trong giai đoạn những tập kỉ 60, 70 của thế kỉ trước, khi mà âm nhạc Việt Nam có phần ủy mị, buồn bã, đặc biệt là nhạc tình. Thì Trần Thiện Thanh là người đi đầu trong việc làm trong sáng, vui tươi, thi vị hóa và lãng mạn hóa một mảng âm nhạc lớn của Việt Nam.

Ông sáng tác nhiều (trên dưới 200 tác phẩm), với đa dạng thể loại tù dân ca, nhạc vàng, nhạc trẻ…, nhiều tác phẩm của Trần Thiện Thanh đã đi vào lịch sử của âm nhạc như “Chiếc áo bà ba”, “Chuyện hẹn hò”, “Gặp nhau làm ngơ”, “Lâu đài tình ái”, “Mùa đông của anh”…

Các sáng tác của Trần Thiện Thanh (trước 1975) đã có những đóng góp đáng kể trong việc cách tân “nhạc vàng”, đặc biệt là làm cho dòng nhạc này bớt đi nhiều tính bi lụy, ủy mỵ , tô điểm thêm những màu sắc tươi tắn, lạc quan, tạo ra một “không gian” âm nhạc của riêng ông, mà đến nay vẫn chưa ai vượt qua được.

Âm nhạc của Trần Thiện Thanh nhiều màu sắc, biến hóa đa dạng, khó nắm bắt như là “gió”. Cũng như Tây Độc Âu Dương Phong được chiếu mệnh bởi chòm Bạch hổ phía tây, tượng trưng cho Phong, chính là gió!

***

Tất nhiên, bài viết trên đây chỉ mang tính so sánh tương đối, cũng như núi cao còn có núi cao hơn, sóng sau sẽ xô sóng trước, tuy nhiên, về tài năng, tầm ảnh hưởng và sự đóng góp lớn lao của 5 nhạc sỹ gạo cội trên đây cho âm nhạc Việt Nam là điều không thể bàn cãi. Đến nay, trong 5 người thì 4 người đã “khuất núi”, chỉ hi vọng rằng, ở những thế hệ tiếp theo, âm nhạc Việt Nam sẽ được đón nhận thêm nhiều những “đại cao thủ” lừng lẫy thiên hạ khác nữa.

Lan Anh

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật