Đối với khán giả xem truyền hình Trác Thúy Miêu không còn là cái tên quá xa lạ, không những vậy còn rất ấn tượng bởi phong cách dẫn chương trình vô cùng đặc biệt. Trác Thúy Miêu tên thật là Vũ Hoài Phương, là một người dành tình yêu vô bờ bến với thành phố nơi mình đang sinh sống, đó là lý do vì sao cô cho ra đời tập tản văn đầu tiên mang tên Vọng Sài Gòn. Đây không chỉ là một sáng tác đơn thuần mà còn là cuốn nhật ký ghi lại những gì được nghe, được thấy và được trải nghiệm của nhà báo, MC Trác Thúy Miêu với mảnh đất Sài Gòn.
Cuốn sách nói về miền đất đã hơn 40 năm cô gắn bó, với những miền đất, con người chỉ thuộc riêng về nó. Cách mà Trác Thúy Miêu gửi gắm vào trong tản văn này là tình yêu, sự quyết tâm gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của Sài Gòn.
Nhà báo, MC Trác Thúy Miêu. |
Trong Vọng Sài Gòn, Trác Thúy Miêu thể hiện một cá tính mới với vô vàn các ý tưởng, ngôn từ, chữ nghĩa rất độc đáo. MC, diễn viên Liêu Hà Trinh chia sẻ về cuốn sách như sau: “Nếu bạn đang tìm một nàng thơ áo trắng, đạp xe tới Dinh Độc lập trên con đường Trưng Vương đầy lá me, hay những hợp xướng ngợi ca cho sức sống trai trẻ tráng kiến của 300 năm thành phố, rất tiếc phải nói bạn tìm nhầm chỗ. Miêu ví Sài Gòn như một ả đàn bà vừa hồn nhiên vừa giảo hoạt. Phép so sánh đó có phần phiến diện đó hy vọng không làm người đọc khó chịu. Bản thân tác giả cũng đóng vai xuất sắc vào thân phận đào hoa của một ả mỹ nhân “dễ bỏ khó quên” với những dẫn chứng hùng hồn chắc nịch khiến người ta khó nghĩ khác”.
"Vọng Sài Gòn" của Trác Thúy Miêu do do NXB Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam liên kết xuất bản và phát hành. |
Những hình ảnh của Sài Gòn dù thể hiện bằng câu chữ nhưng lại khiến người đọc cảm thấy như đang được vẽ nên bởi bàn tay của người họa sĩ và trở thành những khoảnh khắc đắt giá đến kỳ lạ. Tâm thức của con người trở về với vùng đất thân yêu này từ những năm 1980 mang đầy sự khắc khoải về một miền ký ức trẻ trung, đầy sức sống. Sài Gòn qua bao nhiêu năm vẫn vậy, có thay đổi phải chăng chỉ là sự cắt ngang xẻ dọc để thể hiện cái mới, sự chuyển mình năng động của vài thập niên mà thôi.
Trác Thúy Miêu dùng những ngôn từ rất giản dị, trau chuốt nhưng rất “thật”, cái tưởng chừng như đanh thép thực ra lại rất hợp lý và thuyết phục như truyện tranh của họa sĩ Văn Minh và Đức Lâm trên báo Khăn quàng đỏ những năm 1980, hay những câu chuyện diễm tình của chị em phụ nữ ngày xưa, mùi nước hoa Oriental mang phong vị phương Đông từ thập niên 1920… Tất cả bỗng như được gói gọn chỉ trong vài trang giấy.
Sài Gòn của Trác Thúy Miêu được đặt cho một cái tên là “Kỷ phục sinh đánh dấu thời kỳ Việt Nam bắt đầu hé vào cuộc mở cửa khá tưng bừng, sau hơn một thập niên khóa kín”. Hàng loạt những điều tưởng đã cũ mà chẳng hề cũ như: màn khai sinh ồ ạt của những huyền thoại thời vụ như taxi vàng, điện thoại công cộng; sự tàn lụi của sân khấu cải lương; món nghêu phô mai đốt lò; tính hay chuyện của dân Sài Gòn, mì Tàu Chợ Lớn, nghiệp vận của Thiên Hương, huyền thoại Miliket, Vị Hương giấy kraft; những gánh nhạc rong góp phần lưu truyền dòng nhạc đặc thù của Sài Gòn - dòng nhạc vàng, hay bolero, kịch nói đến phim trường, phòng trà đến vũ trường, kỷ niệm 30/4 cho đến lễ Giáng sinh; thương xá Tax bị phá bỏ đến hàng cây đường Tôn Đức Thắng bị đốn gục… Qua từng sự kiện, câu chữ, Trác Thúy Miêu đã miêu tả rất tỉ mỉ, chỉn chu như một kẻ si tình với cô gái mang tên Sài Gòn thực thụ.
Dành nhiều tâm tư cho Vọng Sài Gòn, Trác Thúy Miêu không chỉ nói về tình cảm của người yêu vùng đất thân thương này mà còn muốn kêu gọi thê hệ trẻ, những con người mới hãy yêu thương Sài Gòn nhiều hơn nữa, hãy “Yêu thương mê đắm và hồn nhiên. Yêu không cầu hơn thua cao thấp, yêu bất luận xuất xứ nhân thân. Yêu khỏi ai hô hào thi đua phấn đấu”.