Giữa những ngày tháng hoang mang, ảm đạm vì dịch bệnh do viruscorona, giải thưởng Phim hay nhất (Best Picture) tại lễ trao giải Oscar lần thứ 92 bất ngờ gọi tên Parasite của đạo diễn Bong Joon Ho, như một cơn gió mát lành mang lại sự phấn khích và những hi vọng đầy tươi mới cho khán giả châu Á.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Oscar, một bộ phim Á Đông đã giành được giải thưởng cao quý này.
Parasite bất ngờ giành giải Phim hay nhất tại Oscar lần thứ 92 |
Chiến thắng mang tính lịch sử
Vượt qua những đối thủ “nặng kí” như Joker, 1917 và Once Upon a Time in Hollywood… Parasite đã làm nên lịch sử khi trở thành phim không nói tiếng Anh đầu tiên giành được tượng vàng Phim hay nhất, điều chưa hề có tiền lệ trong lịch sử Oscar (giải thưởng điện ảnh hằng năm của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ).
Cùng với giải thưởng này, Parasite đồng thời được vinh danh ở các giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản hay nhất và Phim quốc tế hay nhất. Mỗi giải thưởng mà Parasite đạt được đều là những cột mốc đầu tiên trong lịch sử. Ngoài Oscar, Parasite cũng bội thu tận 155 giải thưởng điện ảnh trên toàn thế giới, và trở thành “cơn bão” phòng vé với hơn 180 triệu USD doanh thu trên toàn cầu.
Không quá mới lạ về đề tài, Parasite là câu chuyện quen thuộc và khá trực diện về hai gia đình, đại diện cho hai tầng lớp khác nhau, một giàu, một nghèo, với những mâu thuẫn dai dẳng được che đậy bởi sự thân thiện giả tạo trong xã hội Hàn Quốc hiện đại. Một câu chuyện dường như có thể gặp ở bất cứ đâu, bất cứ quốc gia nào, đặc biệt là châu Á. Tuy nhiên, với cách kể chuyện bậc thầy, trong phong cách “hài đen” (black humor) vốn là thế mạnh của đạo diễn Bong, ông đã đàng hoàng đưa điện ảnh châu Á bứt phá trên đường đua và sánh ngang tầm với một nửa còn lại của thế giới.
Parasite là câu chuyện quen thuộc và khá trực diện về hai gia đình một giàu, một nghèo, với những mâu thuẫn dai dẳng được che đậy bởi sự thân thiện giả tạo trong xã hội Hàn Quốc hiện đại |
Sự thành công của Parasite có thể nói là sự hội tụ của đầy đủ các yếu tố: Nội lực, thời điểm, và một chút may mắn. Khi mà lần đầu tiên, tinh thần #Oscarsowhite (Oscar cho người da trắng) của Hollywood đang thực sự thay đổi, với 20% Hội đồng bình chọn là những người đến từ những quốc gia khác trên thế giới, cùng với một chiến lược truyền thông khôn ngoan tại Mỹ từ trước đó. Đặc biệt, sự kết hợp vừa đủ giữa yếu tố giải trí hài hước sâu cay với giá trị nghệ thuật bậc thầy, Parasite thuyết phục hầu hết các khán giả thuộc đủ mọi tầng lớp.
Không chỉ là một giải thưởng mang dấu ấn lịch sử của thời đại và sắc tộc, chiến thắng của Parasite còn là lời kêu gọi đầy thuyết phục của các nhà làm phim châu Á muốn gửi tới khán giả phương Tây, như đạo diễn Bong đã nói trong bài phát biểu khi nhận giải: “Tất cả chúng ta đều kết nối với nhau rồi. Nên tôi nghĩ, một cách tự nhiên, chúng ta rồi sẽ đi đến cái ngày mà chuyện một bộ phim không nói tiếng Anh thắng giải sẽ không còn xa lạ nữa”.
Đạo diễn Bog Joon Ho |
Sự nhìn nhận của Hollywood
Có lẽ sẽ là không công bằng nếu nói rằng Parasite là một làn gió mới của điện ảnh châu Á. Thực tế, trước bộ phim này, điện ảnh châu Á nói chung và Hàn Quốc nói riêng đã có một hành trình dài nỗ lực và phát triển với những tác phẩm xuất sắc
Trước đó, chúng ta đã có những Tokyo Story của Ozu Yasujiro, In the mood for love của Vương Gia Vệ, Farewell my Concubine của Trần Khải Ca, Ngọa hổ tàng Long hay Brokeback Mountain của Lý An, Burning của Lee Chang Dong, Mother hoặc Memories of Murder cũng của Bong Joon Ho, hoặc mới đây nhất là The Farewell của Lulu Wang… tuy nhiên, có vẻ như Oscar vẫn chưa một lần thực sự nhìn nhận, hoặc chỉ là những giải thưởng mang tính cá nhân, chưa thực sự gây được tiếng vang trên toàn cầu.
Cho đến khi Parasite được xướng tên, gần như tất cả vỡ òa trong hạnh phúc. Lần đầu tiên, sau 92 năm, Hollywood đã gạt bỏ những định kiến và sự bảo thủ trong tư duy, thẩm mỹ để vinh danh một bộ phim châu Á ở giải thưởng Phim hay nhất.
"The Farewell" của Lulu Wang - Một tác phẩm châu Á khác giành giải Quả cầu vàng 2020 |
Với Parasite, dù mang đầy những thông điệp mang tính toàn cầu, nhưng vẫn ngập tràn màu sắc Á Đông. Ở đó, đạo diễn Bong (cũng như nhiều đạo diễn châu Á khác) không ngần ngại phơi bày những mặt đen tối nhất trong xã hội, với những nét khác biệt trong tư duy của người châu Á, đó là hình ảnh những người đàn ông yếm thế bất lực, sự cam phận kìm nén của những người phụ nữ, hay cái ngột ngạt tối tăm không lối thoát… những điều rất thường thấy trong những bộ phim châu Á, tạo nên một màu sắc bí ẩn huyền ảo rất phương Đông khiến khán giả quốc tế tò mò và thích thú.
Các nhà làm phim châu Á giai đoạn này cũng đã khéo léo kết hợp giữa nghệ thuật và thương mại, để từng bước tiếp cận Hollywood và công chúng Mỹ bằng chính tinh thần và cốt cách bản địa, với những mảng hiện thực, dù trần trụi và tăm tối, nhưng đến gần với con người và mang tính phổ quát hơn, thay vì chạy theo phong cách lãng mạn hư vô như những tác phẩm của thập niên trước.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, không riêng với Parasite và Bong Joon Ho, Viện hàn lâm cũng có không ít những sự chuyển mình, đây là kết quả của một quá trình dài vận động hội nhập với tư tưởng tự do dân chủ đang ngày càng lan rộng, trước hết là trong các nghệ sỹ tại Hollywood, một sự thay đổi tích cực cho khán giả cảm thấy Oscar đang ngày càng đáng tin cậy hơn, cởi mở hơn và ít sự bảo thủ hơn, không chỉ đối với điện ảnh châu Á, mà còn với phụ nữ, hoặc các nghệ sỹ da màu.
Oscar đang ngày càng đáng tin cậy hơn, cởi mở hơn và ít sự bảo thủ hơn, không chỉ đối với điện ảnh châu Á, mà còn với phụ nữ, hoặc các nghệ sỹ da màu. |
Có lẽ, Oscar lần thứ 92 này, với chiến thắng ấn tượng của Parasite, là minh chứng rõ ràng nhất cho sự công nhận của Viện hàn lâm với các nghệ sĩ châu Á, một dấu ấn mang tính bước ngoặt, gây được sự chú ý và tạo tiền đề cho các tác phẩm châu Á sau này trên đấu trường thế giới. Và hi vọng rằng, sau Parasite, điện ảnh châu Á sẽ có thêm nhiều những tác phẩm xuất sắc khác vinh danh tại các giải thưởng điện ảnh quốc tế.