Chưa khi nào câu chuyện kiểm duyệt phim lại được mổ xẻ nhiều như thời gian qua. Đó không chỉ là chuyện bản đồ “đường lưỡi bò” nằm trong phim Everest: Người tuyết bé nhỏ được ra rạp, không chỉ là chuyện tuyên truyền chính sách tham lam về Biển Đông của Trung Quốc trong Điệp vụ Biển Đỏ.
Phim Việt thiếu sự sáng tạo; phim Việt chỉ còn một màu, là màu… dễ; phim Việt bị cắt phi lý… là những ta thán của giới làm phim thời gian qua về cơ chế duyệt/cấp phim Việt Nam, nhất là khi phim Ròm của Trần Thanh Huy đoạt giải lớn nhất LHP Busan 2019 nhưng vẫn chưa được ra rạp, hay phim Thiên linh cái phải thay tên thành Thất Sơn tâm linh, cắt bỏ nhiều cảnh phim mới được phát hành…
"Đường lưỡi bò" lọt lưới kiểm duyệt, ra rạp toàn quốc |
Mới đây nhất, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đã đưa đơn xin rút khỏi Hội đồng Duyệt phim Quốc gia, rút khỏi công việc mà bà cho rằng có quá nhiều sức ép, dù bà đã làm rất nhiều năm qua.
Xoay quanh câu chuyện về kiểm duyệt, cấp phép phim này, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng hiện điện ảnh đang phải gánh quá nhiều điều không thuộc về điện ảnh.
Chốt lại những ồn ào về câu chuyện về kiểm duyệt phim thời gian qua, theo anh phương án khả thi nhất để tháo nút thắt này là gì?
Là bỏ cơ chế kiểm duyệt. Chúng ta đã thấy điện ảnh Hàn Quốc thay đổi, cất cánh nhiều sau khi nước này bỏ cơ chế kiểm duyệt, cấp phép phim. Khi đó họ tự do về sáng tạo. Dĩ nhiên cũng sẽ có những vấn đề, có những phim đi quá giới hạn này nọ, nhưng khi đó khán giả sẽ tẩy chay. Điều đó đáng sợ hơn đối với giới làm phim.
Khi nào chúng ta vẫn còn cơ chế kiểm duyệt, những sai sót của Hội đồng duyệt sẽ vẫn còn diễn ra. Nói một cách thật lòng, ở trường hợp phim để lọt bản đồ “đường lưỡi bò” mới đây tôi lại thấy thông cảm cho Hội đồng duyệt phim Quốc gia. Sai sót đó rất khó tránh, vì ý đồ được cài cắm tinh vi quá, lướt qua nhanh quá. Trong khi đó số lượng phim họ phải xem thì lại nhiều.
Cho nên, ai thay thế trong Hội đồng duyệt thì cũng vậy, cũng sẽ gặp khó khăn. Họ gặp khó khăn từ đơn vị quản lý mà ở đây là Bộ VH-TT-DL với những quy định ràng buộc, và khó khăn từ các ban ngành khác: bên Công an sẽ bảo ngành tôi không giống như thế này, anh Môi trường sẽ không vui vì sao lại “bôi xấu” tôi như kia… Nói chung điện ảnh chỉ nên là điện, nó không nên bị… áp bức bởi các ngành khác (cười).
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng |
Nhưng đến cả một đất nước như Mỹ, vẫn có những giới hạn trong sáng tạo điện ảnh. Mới đây nhất là Joker, để phim không bị gắn nhãn R (trên 16 tuổi), NSX phải cắt bớt những cảnh bạo lực…
Điều đó là đương nhiên. Chúng ta bỏ việc duyệt/cấp phim chứ không phải bỏ xếp loại độ tuổi cho phim. Ở Mỹ, Hiệp hội phát hành phim sẽ mời khoảng 100 khán giả, thường là các bậc phụ huynh, đến xem trước phim và tham chiếu từ ý kiến của các bậc phụ huynh này. Nếu họ cho rằng phim này đứa con 16 tuổi hay 13 tuổi của tôi không thể xem vì không phù hợp với kiến thức và tâm sinh lý của nó, phim sẽ bị gắn nhãn chỉ dành cho khán giả trên độ tuổi này.
Còn chúng ta, điều bất cập hiện nay không chỉ nằm ở duyệt/cấp phim mà còn ở quá trình xếp loại độ tuổi cho phim. Phim đã gắn nhãn 18+ nhưng vẫn bị cắt tơi tả. Điều đó không hợp lý. Đã xếp loại theo độ tuổi, nghĩa là xác định các chi tiết trong phim phù hợp với tuổi nào, vậy tại sao còn cắt? Vậy thì việc giới hạn độ tuổi kia còn có ý nghĩa gì?
Phim Thiên linh cái đổi tên thành Thát Sơn tâm linh, cắt nhiều cảnh mới được ra rạp |
Nếu nói ngắn gọn việc duyệt/cấp phim thời gian qua đã khiến điện ảnh Việt thiếu đi tiếng nói riêng biệt, liệu có đủ?
Thực tế là quy trình, quá trình và quan điểm duyệt/cấp phim hiện nay thui chột rất nhiều tư duy của người làm nghề. Rất nhiều khái niệm mà người làm phim bị gán ghép vô là “thuần phong mỹ tục”, “phản cảm”, “hiện thực xã hội”… nó rất cảm tính. Nếu như làm phim về một cô gái điếm, nó cần phải đúng hình ảnh, ngôn từ của cô gái điếm. Không thể bắt phim về gái điếm lại nói chuyện như một giáo viên.
Ở nước ngoài, nhà làm phim sẽ có sự cảnh báo, để trước khi họ bước vào rạp khán giả biết mình sẽ xem cái gì. Nghĩa là họ trao quyền quyết định về khán giả, tôi nghĩ điều đó quan trọng nhất.
Khán giả Việt nam nay cũng không còn như xưa, họ tiếp cận được rất nhiều sản phẩm điện ảnh đỉnh cao của thế giới, họ cũng nhận thức rất rõ quyền hưởng thụ của mình. Như mọi người đã thấy, thời gian qua đã có một số phim bị tẩy chay đấy thôi.
Anh có minh chứng nào rõ ràng nhất, dễ thấy nhất về “tác hại” của cơ chế kiểm duyệt hiện nay?
Cơ chế kiểm duyệt này đã khiến người làm nghề tự kiểm duyệt ngay từ khâu sáng tạo, sản xuất. Mỗi cảnh quay tốn rất nhiều tiền, nên không ai muốn phim mình quay tốn tiền thế để rồi bị cắt. Chính vì thế, bạn thấy đó, điện ảnh Việt bây giờ đa phần là phim hài hoặc tình cảm vui vui, vì đây là thể loại ít bị lưỡi kéo kiểm duyệt thò vào nhất. Như vậy thì điện ảnh phát triển làm sao được?
Rất nhiều người thắc mắc vì sao Thất Sơn tâm linh lại thắng lớn ở mùa phim hè vừa qua, đơn giản thôi, vì đó là món ăn lạ. Tôi không phủ nhận những điều tốt của phim này, nhưng khi một phim kinh dị chen giữa một hàng phim tình cảm, hài… thì nó trở thành một món ăn lạ, người ta sẽ muốn nếm.
Xem ra việc điện ảnh Việt sẽ còn khó nhiều nếu vẫn duy trì cơ chế kiểm duyệt như hiện nay?
Để bỏ đi Hội đồng duyệt phim Quốc gia, tôi biết là khó, nhưng trước mắt mình vẫn có thể có những chính sách hợp lý hơn, ví dụ như đã phân loại phim theo độ tuổi thì đừng cắt phim.
Tôi quả thật không hiểu vì sao các vị kiểm duyệt lại có quan điểm phim phản ánh đúng hay không đúng hiện thực xã hội. Phim Ký sinh trùng của Hàn Quốc đoạt biết bao giải thưởng lớn của quốc tế, nhưng có ai đánh đồng xã hội tăm tối trong phim cũng là xã hội Hàn Quốc ngoài đời? Có ai vì phim mà không muốn đến Hàn Quốc nữa?
Điều lớn nhất tôi muốn nói, chúng ta hãy tin khán giả. Phim nào không ổn, khán giả sẽ ngó lơ, và đó chính là “hình phạt” lớn nhất.