• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đào tạo Mỹ thuật nhìn từ hiệu ứng tranh “Cà khịa”

Những ngày giáp Tết, bức tranh “Thưởng trà” của danh họa Mai Trung Thứ trở nên nổi tiếng...

Ông Thành Đặng, giám đốc sáng tạo công ty Troll (được biết đến rộng rãi với fanpage Troll Bóng đá) phân tích: "Sở dĩ bức “Thưởng trà” có sức hút mạnh mẽ như vậy vì đây là một tác phẩm có giá trị, được thực hiện bởi một danh họa đồng thời cũng có những yếu tố “thời đại”.

Khung cảnh thưởng trà yên bình, nơi những ngày giáp Tết, cộng với hình ảnh hai cô gái từ “đối mặt” nhau lại có thể “đối thoại” và thậm chí “đối đầu” về nhiều vấn đề từ cơm áo, gạo tiền, tới “tình yêu tình báo”…"

Tranh Thưởng trà của danh họa Mai Trung Thứ
Tranh Thưởng trà của danh họa Mai Trung Thứ

Mặt tích cực ở đây là thông qua những nội dung “chế”, bức tranh được lan tỏa khắp, thay vì chỉ dừng ở khuôn viên bảo tàng, nhà sưu tập, hay tài liệu, và mọi người có thể thẩm thấu rất tự nhiên và tạo ra cảm hứng nghệ thuật. Đồng quan điểm này, chuyên gia đồ họa Mai Xuân Huy, được mệnh danh là “đệ nhất cao thủ photoshop” cũng khẳng định rằng, kỹ thuật, hay nội dung của ảnh chế không quan trọng bằng chất liệu gốc.

Việc đi tìm chất liệu ban đầu luôn là công việc tốn nhiều thời gian nhất của những “thợ chế” và một điều không bao giờ thay đổi là chất liệu phải tốt, thì mới tạo ra nền tảng cho sự thành công. Tất nhiên, ảnh chế, clip chế không phải là kênh duy nhất để hội họa nói riêng hay nghệ thuật nói chung được lan tỏa, nhưng cũng có thể gợi mở ra một hướng đi mới trong việc tiếp cận, thưởng thức cũng như đào tạo.

Hình ảnh chế hài hước từ tác phẩm của danh họa Việt Nam Mai Trung Thứ. (Ảnh: Phiếu bé ngoan)
Hình ảnh chế hài hước từ tác phẩm của danh họa Việt Nam Mai Trung Thứ. (Ảnh: Phiếu bé ngoan)

Họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định: "Dòng chảy xã hội rất nhanh, mạnh cũng đòi hỏi việc đào tạo mỹ thuật phải thay đổi để thích nghi. Giai đoạn 1960-1980 xuất hiện phong trào “Mỹ thuật quần chúng” tại Hà Nội đã tạo nên một lớp họa sỹ với những cái tên như Nguyễn Đình Huống, Cơ Chu Pin, Nguyễn Chính… dù không được học Trường Mỹ Thuật Yết Kiêu (ĐH Mỹ thuật Việt Nam) những đã khẳng định được tên tuổi của mình trong nền mỹ thuật Việt Nam.

Mấu chốt của vấn đề là thời đó, những họa sỹ của phong trào này dù ban ngày tham gia lao động sản xuất, phải đi học ban đêm, nhưng lại có động lực rất mạnh mẽ và các thầy cũng đều là những tên tuổi đầu ngành, học trừ Trường Mỹ thuật Đông Dương đào tạo. Động lực của giới trẻ, hay các cháu thiếu nhi hiện nay, theo tôi không chỉ nằm ở việc trở thành họa sỹ nổi tiếng, vì các cháu có nhiều hình mẫu, nhưng sẽ là việc thưởng thức nghệ thuật, mà đây lại là vai trò của những người thầy.'

Họa sĩ Mai Trung Thứ - một trong tứ kiệt danh họa Việt Nam thế kỉ XX
Họa sĩ Mai Trung Thứ - một trong tứ kiệt danh họa Việt Nam thế kỉ XX

Sẽ không thể lặp lại được phong trào mỹ thuật quần chúng như cách đây nửa thập kỹ, nhưng việc tạo ra một phong trào mỹ thuật mới, phù hợp với thời đại và nhấn mạnh việc đào tạo về khả năng cảm thụ, trải nghiệm tác phẩm là việc trong tầm tay.

Nhà văn Lữ Mai chia sẻ: "Con tôi đã được học các lớp mỹ thuật do nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng và các chuyên gia khác trong ngành tổ chức và điều tôi ấn tượng hơn hết là các cháu được tự do thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của mình trong việc quan sát, thưởng thức tác phẩm. Việc cầm cọ vẽ chỉ là hệ quả, khi các cháu được truyền cảm hứng, đam mê và khác biệt rất rõ là những nét vẽ dù ngây ngô chăng nữa thì cũng rất có hồn và nghiêm túc. Học văn đọc sách, học đàn nghe nhạc, học vẽ tất nhiên phải xem tranh.

Tôi cho rằng chính sự quan sát, trải nghiệm từ khi còn nhỏ sẽ giúp cho người nghệ sỹ có được một nền tảng rất vững chắc về tư duy nghệ thuật, về tâm hồn. Những điều này nếu không được tích lũy từ nhỏ sau này dù có được đào tạo cũng rất khó để lĩnh hội."

Bức tranh Cổng làng xưa của Họa sỹ Nguyễn Đình Huống, trưởng thành từ phong trào Mỹ thuật quần chúng, được giới chuyên môn đánh giá rất cao, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. 
Bức tranh Cổng làng xưa của Họa sỹ Nguyễn Đình Huống, trưởng thành từ phong trào Mỹ thuật quần chúng, được giới chuyên môn đánh giá rất cao, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. 

Dịch chuyển từ đào tạo kỹ năng, sang thưởng thức, trải nghiệm, sau đó mới quay trở lại việc đào tạo chuyên môn là xu hướng có thể thấy rõ. Nhưng PGS. TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nhấn mạnh rằng: "Việc đào tạo nghệ thuật nói chung cũng cần hướng đến việc tạo ra phong trào mạnh, để từ đó làm nền tảng cho việc đào tạo chuyên nghiệp. Một học sinh tiểu học được truyền cảm hứng yêu hội họa đã là điều đáng quý, nhưng nếu muốn theo học lên cao hơn cần những bước chuẩn bị bài bản nên cũng phải tính đến những giải pháp để giới thiệu cho các cháu hiểu được con đường chuyên nghiệp là như thế nào.

Tôi nghĩ rằng, giữa các trường học và các trường nghệ thuật cũng có thể phối hợp với nhau để các học sinh có thể đến tham quan, hiểu được các họa sỹ được đào tạo như thế nào, để từ đó được truyền cảm hứng. Thậm chí, chính cha mẹ các cháu trong những chuyến tham quan này cũng hiểu rõ và hiểu đúng về đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp để có thể hướng nghiệp cho con cái của mình."

Thái Ca

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật