• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đường lên xứ Lạng

Liệt kê ràn rạt địa danh xứ Lạng, như những kẻ ham đi thường nhấn “check in” trong hành...

Ðường lên xứ Lạng bao xa

Cách ba quả núi với ba quãng đồng.

Mới nghe thấy con đường thật dễ dàng thuận lợi vì chẳng bao xa. Đi nhiều ngẫm sâu, mới biết ba quả núi với ba quãng đồng ấy là một dặm dài thăm thẳm đất nước, được khắc họa, thống kê lại một cách chính xác, ít nhất là về mặt địa lý. Tiền nhân đã viết hay truyền khẩu câu ca dao này hẳn là những kẻ dũng cảm và từng trải, thêm vào trong đó có chút gì hóm hỉnh ngạo đời.

Đường AH1 nối Hà Nội lên Lạng Sơn, lúc tách lúc nhập với con đường cái quan cũ mà bài ca dao đã mô tả ước lệ ở trên. Tôi công tác tại một công trình thủy điện trên xứ Lạng, khi đi xe công ty, lúc đi xe tuyến. Có những chuyến xe đêm, nhắm mắt ngả lưng trên ghế, nghe nhịp xóc từng đoạn là biết mình đang chạy đến đâu trên quãng đường trường.

Thung lũng Bắc Sơn (Bắc Sơn, Lạng Sơn).
Thung lũng Bắc Sơn (Bắc Sơn, Lạng Sơn).

Êm ru mát ga, ấy là lúc xe đang đi qua quãng đồng thứ nhất, đồng bằng Kinh Bắc nằm bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm xưa. Cánh đồng nay vẫn phẳng lỳ nhưng chật chội tầm mắt, vướng víu góc nhìn bởi các khu công nghiệp, khu đô thị mọc lên như nấm. Chẳng còn thấy đâu chút lá diêu bông đồng chiều cuống rạ. Gái Bắc Ninh giấu nụ cười “như mùa thu tỏa nắng” sau tấm khẩu trang, nghìn nghịt tan ca. Có một cuộc du ngoạn khác trong tâm tưởng kẻ lữ hành, ngược chiều với vòng bánh xe đang lăn trên đường. Cuộc viễn du về miền quá khứ cổ tích, tìm “cô hàng xén răng đen” với ít nhiều mơ màng tiếc nuối.  

Xe qua cầu Như Nguyệt, ta gặp núi Nham Biền, rặng núi thứ nhất trong đoạn ca dao, nằm bên tay phải con đường. Núi Nham Biền chín mươi chín ngọn, nằm giữa hai quãng đồng như một chiếc đòn gánh, gánh hai dải nước Nhật Đức và Nguyệt Đức (sông Thương và sông Cầu). Ở đây, đời núi đời người có một sự trùng lặp ví von thú vị trong lời một ca khúc họ Trịnh: “Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt, rọi suốt trăm năm một cõi đi về”. Nhạc sỹ tài hoa đã đi về phía bên kia cánh đồng đời mình, bỏ lại rặng núi ngàn năm vẫn gánh theo một triết lý nhân sinh.

Núi Nham Biền như một cánh cửa khép lại quãng đồng thứ nhất, mở ra quãng đồng thứ hai. Đây chính là vùng đồng bằng Lạng Giang, nơi xảy ra trận quyết chiến chiến lược năm xưa, tiêu diệt toàn bộ viện binh quân xâm lược Minh, khiến Vương Thông ở Đông Quan phải cởi giáp đầu hàng. Đô đốc Thôi Tụ lẫn thượng thư Hoàng Phúc tự trói tay, “lê gối dâng tờ tạ tội” trên quãng đồng này. Trần Quốc Toản cũng tử trận nơi đây trong một trận huyết chiến, ngăn giặc Nguyên Mông tràn xuống miền đất Vũ Ninh quê mẹ.

Con ngựa hồng lạc bước

Lững thững về bồn cỏ sông Thương

Vắt ngang yên cương

Xác Hoài Văn hầu còn nóng

Giọt xuống bờ xanh

Vết mặt trời máu đọng.

Cảm khái đường xa thì tự ngâm lên một câu thơ như thế. Những ngày thu trong trời, nhìn qua cửa xe thấy lúa đồng Lục Ngạn, Lục Nam trải như tấm thảm vàng ròng, tít tắp đến tận chân núi xa Yên Tử. Khoan nói đến các đặc sản thảo thơm sinh ra từ thóc lúa cá tôm đồng này: bánh đa Kế, mì Chũ, rượu Vân, trám Xuyên, gỏi Thắng… Chỉ riêng tên đất đơn âm đã đủ nói lên bề dày một văn hóa thuần Việt.

Một góc thành phố Lạng Sơn
Một góc thành phố Lạng Sơn

Những ngọn đèn bừng lên qua cửa kính xe một đêm mưa nào đó, đánh dấu từng phố trấn nối nhau qua trên con đường lên biên giới, khiến lòng người đi thêm ấm áp. Những phố Giỏ, phố Tráng, phố Vôi, phố Kép hay phố Mẹt có điều gì quyến luyến, để con sông Thương chẳng nỡ chia xa, cứ quanh quẩn lượn đi vòng lại.

Quả thật lạ kỳ, chỉ trong đoạn đường ngắn vài chục cây số, có tới ba lần tại cầu Xương Giang, Cầu Lường, cầu Hữu Lũng, lữ khách gặp lại sông Thương. Con sông đa tình dùng dằng níu kéo, như câu Quan họ gọi người ơi người ở đừng về. Lại thương Nguyễn Phi Khanh ngày bị bắt giải sang Tàu, đeo gông đi bộ trên con đường thiên lý này, có sông Thương xót thương ba lần đưa tiễn, nhưng không biết ông có buồn thương câu hát này không?

Hết “quãng đồng” thứ hai, hiển nhiên tiếp đến “quả núi” thứ hai. Thực ra đây là đợt núi thấp cuối cùng của vòng cung Bắc Sơn. Đường xuyên qua khối núi Vân Nham, bên Yên Thế, bên Hữu Lũng. Cửa núi này cùng với dòng sông Thương, là địa giới tự nhiên giữa tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn. Qua khỏi cầu Lường là vấp mặt ngay vào núi quanh co. Đoạn quanh co này giống như một lời giới thiệu dài lời nhưng tối nghĩa, cho đến khi thung lũng Bắc Lệ đột ngột hiện ra thoáng đãng, và chúng ta biết đã thật sự ở trên xứ Lạng.

Thung lũng Bắc Lệ chính là “quãng đồng” thứ ba. Thung lũng này có đường tụ thủy là con sông Hóa, một chi lưu của sông Thương. Dải đồng bằng nhỏ hẹp kéo dài dưới chân dãy đá vôi Cai Kinh, bung tỏa ra đầy đặn ở đoạn cuối là cánh đồng Bắc Lệ. Trên bản đồ, hình hài đồng đất như cuống bầu treo trái, cho người ta liên tưởng đến cây đàn tính của người Tày. Một vùng bán sơn địa phong cảnh tuyệt vời.

Có bao lần, tôi đã muốn dừng lại nơi đây trong những mùa đẹp nhất, tắt máy điện thoại đi để kiếm tìm yên tĩnh.
Có bao lần, tôi đã muốn dừng lại nơi đây trong những mùa đẹp nhất, tắt máy điện thoại đi để kiếm tìm yên tĩnh.

Có bao lần, tôi đã muốn dừng lại nơi đây trong những mùa đẹp nhất, tắt máy điện thoại đi để kiếm tìm yên tĩnh. Một đôi ngày lúa đồng gặt rộ, nghe chim ngói về giữa triền sông già khuất bóng, giữa vùng đồi xanh khuất sóng, để thấy mình bé đi như một dấu chấm, tan giữa một chiều thu quá rộng.

“Quả núi” thứ ba, rặng đá vôi Cai Kinh uy nghiêm là trục xương sống chạy dọc cánh đồng này. Cánh cung Bắc Sơn với trầm tích carbonat từ kỷ Than đá sang kỷ Permi đột khởi dựng nên thành lũy. Ngày u ám qua Quỷ Môn quan, ngó núi Mã Yên chìm lấp trong sương, nhớ chuyện ma cụt đầu Liễu Thăng mà cảm phục cha ông thuở trước. Tiếng ngựa hí quân reo vẫn còn văng vẳng đâu đây.

Những người ken khiên cản giặc

Chiều sương bay ải Nội Bàng

Những người thân lùa gió bấc

Đêm mưa mờ ải Chi Lăng.

Mùa na Đồng Bành, Đồng Mỏ cứ thế trôi qua. Còn lâu mới đến mùa hồng Bảo Lâm hay mùa đào Mẫu Sơn tít trên Cao Lộc. Mới đến mùa quýt Bắc Sơn đã là vào lúc chớm đông. Gió bấc giật ù ù qua khe núi, thổi bay tung lá vàng lá đỏ những rặng bàng sân ga xép Bản Thí, Yên Trạch. Qua cầu Mai Pha ấy là đã đến Lạng Sơn, thành phố biên cương của Tổ quốc.

Vừa chấm dứt hành trình qua “ba quả núi với ba quãng đồng”, kẻ giang hồ xuống xe gặp ngay mùa tứ chiếng. Hít dài một hơi gió Bắc mà lòng chẳng thấy nhớ nhà. Nỗi nhớ bỗng rơi đâu mất khi nghe tiếng chuông reo bạn gọi. Tiếng chuông mến khách, nhắc câu bầu rượu nắm nem từ một quán rượu biên thùy.

Thì đã trót mảng vui, đã uống nốt cả một trời quan tái nên quên hết, chừ biết sao em?

Xuân Tùng

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật