Isabel chẳng liên quan gì đến công cuộc đo đạc. Thế kỷ 18, khi những đoàn đo đạc được cử đi khắp nơi để các định các điểm mốc thế giới, phụ nữ chẳng có vai trò gì. Nói gì đến một người phụ nữ bản địa vùng Riobamba (Ecuador ngày nay), mặc dù xuất thân danh giá, nhưng mang một nửa dòng máu da đỏ Quechua - thứ dòng máu mà những kẻ xâm lược Tây Ban Nha vẫn cho rằng thuộc thành phần hạ đẳng.
Công viên Trung tâm thế giới với điểm mốc 0.0.0 tại Quito, Ecuador |
Isabel đáng lẽ được hoạch định một cuộc sống như rất nhiều người đàn bà ở các nước thuộc địa Nam Mỹ thế kỷ 18 khác. Isabel xinh đẹp thông minh, có bố là một điền chủ ở Riobamba. Ngay cả tên người ta thường gọi bà, cũng là một cái tên đầy danh giá: Isabel của ngôi nhà thủ lĩnh (Isabel de Casa Mayor). 13 tuổi, thành thạo 4 ngoại ngữ, bà lấy Godin de Odonais - một nhà địa lý học người Pháp. Những người Pháp vốn chỉ được cấp kinh phí vài tháng đến vùng đất này để đo điểm mốc 0.0.0. Nhưng vì mâu thuẫn giữa nhà nước Pháp, Tây Ban Nha, Godin và đồng nghiệp bị mắc kẹt lại Riobamba vài năm, các nguồn tài trợ bị tạm dừng.
Và ông quyết định kết hôn với Isabel, một quyết định nhanh chóng của người đã từng tuyên bố không hứng thú với hôn nhân. Cuộc hôn nhân với 3 người con chẳng đủ sức giữ chân một người châu Âu như Godin. Ông muốn về Pháp. Nhưng ông lại chẳng muốn về theo cách thông thường, ông muốn tranh thủ đi du lịch ở một vài nơi quanh vùng Amazon. Và ông tìm cách đi Guiana - một thuộc địa của Pháp ở Nam Mỹ, sát biên giới Brazil, bỏ lại Isabel và con cái với lời hẹn nhiều nhất 1 năm sẽ trở về. Thế rồi ông mất tích 20 năm, chẳng một dòng tin tức.
Isabel đã có thể lựa chọn như nhiều người phụ nữ bị bỏ lại. Bà có thể tái giá, sau khi cả ba đứa con qua đời vì bệnh đậu mùa - một thứ bệnh phổ biến ở Nam Mỹ khi đó. Bà có thể tiếp tục yên ổn ở Riobama. Cha bà giàu có và có địa vị. Chẳng có gì khác lạ. Chưa từng có người phụ nữ nào ở Riobamba vượt khỏi dãy núi Andes và rời khỏi thượng nguồn sông Amazon.
Tượng Isabel trong một khu vườn nước Pháp |
Nhưng cuối cùng Isabel vẫn rời đi, kiên quyết, khi vừa có tin rằng có một con tàu Bồ Đào Nha đang ở phía hạ nguồn, và con tàu ấy có thể đưa bà đến gặp chồng mình. Đoàn người lên con thuyền vượt Amazon, toàn những gã đàn ông háo hức muốn đến châu Âu du lịch, chỉ có duy nhất người phụ nữ lớn tuổi nhất - đi tìm thứ bà cho là hạnh phúc. Chỉ có điều, suốt nhiều tháng ròng rã trong khu vực nguy hiểm nhất thế giới, 42 người đã bỏ cuộc. Có kẻ bỏ mạng vì bệnh tật, vì mệt mỏi, có kẻ tìm cách quay đầu trở lại Riobamba, có kẻ dừng chân giữa chừng. Họ bỏ lại người phụ nữ duy nhất chỉ còn một nửa bộ quần áo và một nửa cái chăn, cô độc trong rừng già.
Không ai có thể biết người phụ nữ ấy đã nghĩ gì khi một mình lạc suốt 9 ngày. Nhưng trong những lời kể lại, bà chưa từng ca thán hay có ý nghĩ bỏ cuộc. Ngay cả khi được cứu sống và đang trong tình trạng gần như hấp hối, bị lấy cắp hết số trang sức còn lại, khi người ta bảo bà con tàu Bồ Đào Nha mà bà đang hướng đến ấy đã đi rồi, bà vẫn nhất quyết đi tiếp chứ không trở về. Đàn bà mà bước chân ra đi, ít khi quay đầu lại lắm.
Sông Amazon |
Lịch sử thường rất thiên vị. Hình như chưa từng có câu chuyện nào về những người đàn ông bất chấp để đi tìm vợ con mình như thế. Godin cũng không khác. Ông rời Riobamba và khi bị mắc kẹt ở Guiana, ông làm việc trong các đồn điền kiếm tiền, thứ tích cực nhất ông có thể làm là gửi các bức thư thỉnh nguyện lên nhà vua để mong chờ được... về nước Pháp. Về nước Pháp chứ không phải quay lại tìm Isabel. Còn Isabel, bà tự quyết định dong thuyền vượt sông để tìm chồng. Câu chuyện về hành trình của Isabel chỉ được nhắc đến trong bức thư của Godin gửi thầy giáo mình sau này.
Chắc là Isabel hạnh phúc. Bà tìm lại được Godin, may sao ông vẫn còn đợi bà. Bà không bao giờ kể lại chuyến đi của mình. Ngay cả khi sống với Godin ở Pháp, với căn bệnh nấm da không thể chữa được - hậu quả của những ngày lang thang trong rừng Amazon, những cơn ác mộng vẫn lặp lại, chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương, và không thể có thêm người con nào, chắc là bà vẫn hài lòng với lựa chọn của mình. Chỉ vài tháng sau khi Godin mất, Isabel cũng qua đời.
Hẳn Isabel chưa bao giờ hối hận vì hành trình của mình. Cái hành trình mà ngay cả trong thế kỷ hiện này vẫn xứng đáng là điều kỳ diệu, hành trình của người đàn bà vượt 3000 dặm từ thượng nguồn sông Amazon, một mình sống sót giữa rừng già với niềm tin mãnh liệt về cuộc đoàn tụ.
Những câu chuyện về Isabel rất ngắn. Nhưng rất lâu sau này, người ta dựng tượng bà ở một khu vườn nước Pháp, người ta kể về bà trong những câu chuyện kì lạ vùng Nam Mỹ, còn nhiều hơn cả về người chồng - nhà địa lý học Godin.
Đó là hành trình của người đàn bà cương quyết bước ra khỏi dãy núi dài nhất thế giới trước mặt, để đi tìm hạnh phúc mà bà tin.