• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Miền mơ tưởng

Một lối sống cũ, một suy nghĩ khác vẫn mãi là bí ẩn trong những ngôi nhà sàn gỗ mang tính...

Măng Đen thủa ban sơ

Rời Konplông lâu rồi mà giai điệu, ca từ bài hát “Truyền thuyết Măng Đen” vẫn văng vẳng, lôi cuốn như thiên nhiên kỳ vĩ; Nơi những con người chất phác, hiền hòa với những nét văn hóa riêng có làm mê đắm lòng người …

Cao nguyên Măng Đen.
Cao nguyên Măng Đen.

Đi săn mây

Giọng hát của em Plâyku YSill như tiếp lửa cho đêm rượu cần lung linh, huyền diệu… Xua tan hết mệt mỏi của chuyến đi dài 700 km từ Đà Lạt đến Măng Đen… Sự hào sảng cũng được tích lũy từ những ngọn núi, dòng sông nơi chúng tôi cố ý lượn qua: từ Hòn Giao, Ma Rak – Hành lang sinh cảnh duy nhất kết nối từ phía Nam Đông Trường Sơn đến Kon Ka Kinh, Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum - Tây Trường Sơn - 5h sáng chúng tôi lên đường săn mây, xe chạy 5 km/giờ qua những cánh rừng bạt ngàn ở huyện Konplông.

Càng lên cao, tiết trời càng lạnh… Những ngọn núi, những cánh rừng, những chú vượn má vàng thoắt ẩn, thoắt hiện trong những áng mây… tiếng dòng thác Pa Sỹ hay thác Đắc Ke, Lê Ba ầm ào tạo vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết của rừng Tây Nguyên. Cuộc săn mây dẫn chúng tôi tìm đến nơi có được sự bình yên: Hồ Đăk Ke, hồ Toong Đam… hai trong bảy hồ nước tuyệt đẹp của vùng sơn cước này…

Thủa ban sơ

Khi màn sương bắt đầu bảng lảng nhường chỗ cho những gốc cây cổ thụ ngàn năm trên đỉnh thác Pa Sy, từng đoàn người với đủ mọi xúc cảm cùng hiện ra trước mắt - Trời ơi! Tượng nhà mồ… Đẹp quá! Nhiều người thốt lên trước một rừng tượng gỗ được sắp đặt để đón chào du khách từ dưới chân núi lên đến đỉnh đèo…

Miền mơ tưởng

Chúng tôi dừng lại ở công viên Tượng gỗ, gần trung tâm hành chính huyện Konplông: Nhiều bà bầu, bà mẹ bồng con, ông lão thổi kèn bầu như bước ra từ huyền thoại, làm nên một Tây Nguyên vừa lạ lòng, vừa xa xôi… vừa thật, vừa ảo… Họ đã sinh ra và lớn lên trên miền đất này… đã từng yêu thương, giận hờn, tha thứ, chia ly… và khi về với tổ tiên, họ được dân làng tạo thành tượng gỗ với tính cách đặc trưng, rồi dựng nhà mồ…

Chúng tôi “lác cả mắt” khi chứng kiến nghệ nhân A Gông - 43 tuổi và AIA - 34 tuổi người Xê Đăng buôn Kon Du, xã Măng Cành, huyện Konplông, Kon Tum, dùng rìu phác thảo tượng gỗ… Sau đó, dùng đục để tạc từng hình dáng tổng thể chi tiết: mắt, mũi, miệng… Sau khoảng 2 tiếng đồng hồ, hai tác phẩm với hai dáng vẻ, hai cảm xúc, hai tâm hồn sống động, đáng yêu đã đứng lên trên mảnh đất người đời.

Miền mơ tưởng

Thích ứng và sinh tồn

Tây Nguyên đang thay đổi mạnh mẽ; Nhưng quá khứ vẫn cuộn chảy trong máu của cổ dân nơi đây. Một lối sống cũ, một suy nghĩ khác vẫn mãi là bí ẩn hiển hiện trong ngôi nhà Rông cao vút, trong những ngôi nhà sàn gỗ mang tính biểu tượng của người Sê Đăng, Ba Na ở Kon Tum.

Trang phục và nhạc cụ của họ đã dẫn tôi khám phá một buôn làng tuyệt đẹp: Trong ngôi nhà của họ vẫn còn đây đó một cụ bà, một thiếu phụ, một bé gái đang thả hồn mình vào những sợi chỉ dệt nên những bức thổ cẩm trên nền đen là những hoa văn đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím… Dệt nên cái nhìn của họ về rừng, núi, sông, suối… về không gian, về tình yêu siết bao hồn hậu họ dành cho ông, bà, tổ tiên và cho chồng con, cháu chắt mình…

Miền mơ tưởng

Không có công thức cố định, nên nghệ nhân mặc sức sáng tạo; Mỗi người dệt có một ý tưởng khác nhau với cách làm được truyền miệng từ đời này sang đời khác… tạo nên những họa tiết hoa văn đa dạng khiến ta ngạc nhiên và thích thú…

“Nếu không còn cây xanh, không còn tạc tượng gỗ, không còn dệt thổ cẩm, không còn múa cồng chiêng thì Konplông không còn bản sắc. Do đó, chúng tôi định hướng phát triển kinh tế bền vững: Duy trì bản sắc dân tộc đi đôi với việc bảo vệ rừng. Từ hai năm trở lại đây, mỗi năm chúng tôi trồng 400 ha rừng. Vận động và hỗ trợ bà con đưa tượng gỗ và thổ cẩm thành sản phẩm dịch vụ - Phát tiển du lịch sinh thái với khám phá trải nghiệm bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa” - TS Đào Duy Khánh - Bí thư huyện ủy Konplông nói.

Trong khu rừng cổ nguyên sinh

Xuất phát từ Vũng Tàu, vẫn còn ngây ngất với trận địa pháo và hầm ngư lôi núi Lớn; bên ngọn hải đăng vời vợi biển trời… Hôm ấy, Google Map đã dẫn chúng tôi lòng vòng quanh suối Mai. Đến đúng 11h trưa thì tấm biển chỉ đường vào Vườn quốc gia Cát Tiên hiện ra trước mắt.

Từ QL 20 vào đến trạm kiểm lâm cửa rừng khoảng 20 km. Nơi đây là xã Tà Lài, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Từ ngàn năm trước, người Mạ, người Stiêng đã cộng cư với tê giác, bò tót, nai, heo, chồn, khỉ, voọc, chim cò, cá sấu… suốt dọc thượng nguồn sông Đồng Nai. Một đặc trưng riêng của người Stiêng ở Tà Lài là rừng bờ rào bằng đá ong. Có lẽ từ xa xưa, người Stiêng đã ở trong những căn nhà bằng đá ong mà tôi đã từng tháp tùng GS Trần Quốc Vượng khảo sát và bắt gặp năm 2001.

Miền mơ tưởng

Ngày ấy, thầy trò chúng tôi được ngồi trên thuyền độc mộc do già Ruôn cầm lái, vẻ đẹp bất tử của Bến Cụ, thác Trời… vẫn còn đó hệt như một giấc mơ: Già Ruôn đánh tay lái xuất sắc lách qua ngọn thác dữ như làm xiếc… Giờ đây, bên bến nước xưa, một lần nữa chúng tôi nghiêng mình kính nể người thầy thời điểm ấy đã 69 tuổi vẫn ngồi trên mũi thuyền, rất bình thản mỗi khi thuyền sắp lật… Rồi thầy dẫn đầu đoàn ghé từng hang động bên sông, khảo sát thánh địa Cát Tiên xa hơn trong một chuyến đi ngược dòng đôi bờ: bờ Bắc Lâm Đồng, bờ Nam Đồng Nai – Bình Phước…

Còn chúng tôi “ngược dòng” theo con đường bộ mà Vườn quốc gia mở ra cho khách đi tham quan, nghiên cứu, học tập. Những cây cổ thụ 4000 – 5000 năm tuổi cứ xao động bởi bầy khỉ đít đỏ, voọc đuôi trắng… Chúng tôi mải miết đi về phía có tiếng vượn hót – hót chứ không phải hú – có lẽ so với tất cả các âm thanh trong rừng, tiếng vượn hót là lạ lùng nhất, nó tạo cho ta một cảm giác như đang được gần lắm với đường chân trời. Thảo nào người xưa thường ngâm nga câu “chim kêu, vượn hót…” nên nhớ tiếng chim là “kêu”. Nếu bạn nghe tiếng vượn hót bạn phải thừa nhận người xưa “chỉ có đúng”. Sáng hôm ấy, chúng tôi nghe thấy cả tiếng voi, tiếng nai tác, tiếng các loài chim… Dưới tán cây cổ thụ hàng ngàn năm tuổi mới thấy đời người thật nhỏ bé, thật ngắn ngủi…

Đêm ấy, tôi “đãi” vợ chồng Hòa – Duyến một chuyến xem thú – cả Việt Nam chỉ có Vườn quốc gia Cát Tiên là có dịch vụ này. Ngồi trên chiếc xe Jeep được chế cho 12 du khách nhưng hôm ấy mưa to nên chỉ có 3 kẻ “dở hơi” là cứ nằng nặc đòi đi xem thú.

Miền mơ tưởng

Hai kiểm lâm và một lái xe ngồi trên ca bin – một nữ hướng dẫn viên cầm đèn pha đứng ở hàng ghế trên cùng – cả đội đều khuyên chúng tôi hủy chuyến vì mưa to quá sợ cây đổ và không gặp được thú… Chúng tôi hú lên khi thấy 3 chú nai đầu tiên xuất hiện, tiếp đến 12 chú, rồi 19… rồi quá đông; bọn chồn, cáo lang thang một mình ngay bên đường; Thương nhất là 4 chú chim tụ lại tránh mưa ngay trong tầm với… “Có bò tót” - cô hướng dẫn viên nói. Duyến hỏi “Sao biết?”, trong bóng đêm dày đặc 8 chú bò tót xếp hàng ngang mắt bắt đèn hiện ra; bất ngờ nhất đối với cả nhân viên kiểm lâm: 12 chú bò tót đi cùng với một đám nai đông không thể đếm xuể - các bạn ấy nói rằng có nhiều người đã làm kiểm lâm 10 năm mà chưa từng thấy bò tót, đây là lần đầu tiên bò tót đi với nai. Trời ơi! 14 chú nữa kìa… cùng ngược sông Đông Nai, nai đàn đàn, lũ lũ ở cả hai bên đường… Tuyệt nhất khi trở về, đàn bò tót tụ lại đủ “34 đồng chí”… lạ nhất là vẫn một hàng ngang?!!!

Đinh Thị Nga

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật