• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người Châu Á – Thái Bình Dương tự tin đi du lịch trở lại

Chỉ số Tự tin Du lịch của Booking cho thấy, dù khát vọng du lịch mạnh mẽ đang bị dồn nén,...

Khi Châu Á và Châu Đại Dương bắt đầu hồi phục trở lại sau những năm đóng cửa biên giới và cách ly nghiêm ngặt, sự đa dạng về tâm lý và mức độ tự tin đối với du lịch của người tiêu dùng trên khắp Châu Á Thái Bình Dương đã trở nên rõ rệt hơn.

Để mang đến một bức tranh tổng thể về mức độ tự tin của khách hàng trong khu vực khi họ khám phá thế giới trở lại, cũng như liệu họ có chào đón khách du lịch từ nước ngoài hay không, Booking đã cho ra mắt Chỉ số Tự tin Du lịch APAC.

Chỉ số Tự tin Du lịch nghiên cứu về mức độ thoải mái tổng thể, các động lực thúc đẩy và mối quan tâm của khách hàng trên khắp Châu Á Thái Bình Dương, cũng như sự khác biệt của những yếu tố này trong khu vực. 

Được kết hợp cùng những thông tin chuyên sâu và dữ liệu độc quyền, nghiên cứu được ủy thác này đã thăm dò ý kiến của 11.000 khách du lịch từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp Châu Á và Châu Đại Dương từ tháng 4 đến tháng 5 năm 2022.

Người Châu Á – Thái Bình Dương tự tin đi du lịch trở lại - Ảnh 1.

Trong 11 thị trường được thăm dò ý kiến, Ấn Độ là quốc gia tự tin nhất với 86% du khách Ấn Độ cho biết họ có ý định đi du lịch trong 12 tháng tới, tiếp theo là Việt Nam và Trung Quốc. Trong khi các thị trường Bắc Á như Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản xếp hạng thấp hơn về mức độ tự tin tổng thể, ý định đi du lịch của những người được khảo sát vẫn tương đối cao (trên 60%).

Nghiên cứu chỉ ra rằng Ấn Độ, Việt Nam và Trung Quốc là các quốc gia có số người được khảo sát đồng ý nhiều nhất với việc sẵn sàng chấp nhận hoặc bỏ qua các yếu tố cản trở chính - bao gồm cả việc chịu đựng sự gián đoạn và chi phí đi lại - để có thể được đi du lịch. Ngược lại, đa số người Nhật được hỏi (75%) bày tỏ sự không chắc chắn với việc mở lại biên giới, cũng như sự chuẩn bị sẵn sàng của đất nước họ để tiếp đón du khách quốc tế một cách an toàn (82%).

"Thật vui và phấn khởi khi thấy du lịch ở Châu Á Thái Bình Dương dần dần hồi phục trong bối cảnh hầu hết các hạn chế về biên giới đang được nới lỏng." - Laura Houldsworth, Giám đốc Điều hành khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Booking cho biết. "Điều này đã làm hồi sinh không chỉ người tiêu dùng mà cả ngành du lịch nói chung. 

Chỉ số Tự tin Du lịch APAC của chúng tôi phản ánh thực tế đó là mặc dù ý định du lịch vẫn mạnh mẽ nhưng sự tự tin du lịch lại khác biệt ở các quốc gia trên toàn châu Á vì nhiều lý do.

Đây là một dấu hiệu đầy hứa hẹn về những cơ hội dành cho ngành du lịch để nắm bắt và hợp tác cùng nhau ngay bây giờ nhằm củng cố niềm tin của du khách nói chung, từ đó chúng ta có thể thực sự tạo điều kiện dễ dàng hơn để mọi người du lịch và trải nghiệm thế giới trở lại một cách bền vững".

Người Châu Á – Thái Bình Dương tự tin đi du lịch trở lại - Ảnh 2.

Các động lực du lịch hàng đầu

Mong muốn đi du lịch vẫn mạnh mẽ trong du khách Châu Á Thái Bình Dương nói chung, với 2 yếu tố được cân nhắc hàng đầu đó là chi phí và việc dễ dàng lập kế hoạch và đặt chỗ cho chuyến đi. Cả hai đều có thứ hạng cao trên tất cả các thị trường, ngay cả khi các hạn chế tiếp tục được nới lỏng trong khu vực.

Mong muốn "chỉ cần đi đâu đó" (46%) cũng nổi lên như một động lực hàng đầu để đi du lịch đối với người tiêu dùng APAC sau 2 năm cách ly và với bối cảnh du lịch thay đổi nhanh chóng; ngay tiếp theo sau là "nơi nghỉ dưỡng để nạp lại năng lượng cho tinh thần" đối với 36% người được khảo sát. Đối với Thái Lan, những chuyến đi như vậy là động lực chính cho 76% người được khảo sát, một tỷ lệ cao hơn nhiều so với bất kỳ thị trường nào khác.

Những yếu tố chính ngăn cản du lịch

Rõ ràng là sự bất ổn do tình hình COVID-19 thay đổi liên tục vẫn đang gây khó khăn cho khách du lịch. Khi được hỏi về mối quan tâm hàng đầu của họ và điều gì sẽ ngăn cản họ đặt một chuyến đi, "chi phí du lịch" được xem là yếu tố cản trở số một đối với 38% tổng số người được khảo sát. Tiếp theo là "nỗi sợ bị cách ly" (37%) và "nguy cơ bị mắc kẹt lại do các quy định về biên giới thường xuyên thay đổi" (37%).

Những mối lo ngại hàng đầu đối với một số điểm đến có sự khác nhau đáng kể. Ở Singapore, Trung Quốc và Hồng Kông, mối lo ngại hàng đầu là nguy cơ bị mắc kẹt tại điểm đến do các quy định mới về biên giới - lần lượt là 61%, 53% và 55% - trong khi ở Nhật Bản, mối bận tâm hàng đầu của 47% người được khảo sát là bị ốm trong khi đi du lịch.

Khi được hỏi liệu du khách có chấp nhận sự gián đoạn như một phần của du lịch hiện nay hay không, điều thú vị là gần một nửa số người Nhật (47%) và Hàn Quốc (32%) trả lời không - đây cũng là 2 thị trường duy nhất có số liệu khảo sát như vậy.

GIA HÂN

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật