Là nước xuất khẩu cà phê thứ hai trên thế giới, chẳng lạ lẫm khi cà phê đã len lỏi vào từng ngõ ngách ở Việt Nam. Ly cà phê mà ta đang cầm trên tay là minh chứng sống động nhất của những cuộc xê dịch vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Từ giai đoạn người Pháp chiếm đóng, những đồn điền cung cấp cà phê bắt đầu hình thành ở nhiều nơi. Từ cốc cà phê sang trọng trong cuộc sống của giới thượng lưu, đến tầng lớp trí thức trong những buổi gặp gỡ thân mật, tách cà phê đã có những bước chuyển mình đi vào đời sống của người Việt mà chẳng phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, vùng miền, chức vị.
Ghé chân tại những quán cà phê còn là cách để người ta tìm lại những ký ức đã đánh mất. Như cách mà những vị khách lớn tuổi ghé chân lại Cheo Leo mỗi ngày, nơi đã lưu giữ ngày ngồi lê la bàn chuyện tán đổ một nữ sinh Gia Long của mấy cậu học trò Petrus Ký. Hay như cách người Hoa ngồi chấm bánh mì sữa ở quán cà phê vợt chợ Thiếc và nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ của quê hương mình để gìn giữ nét văn hóa từ quê cha đất tổ. Hoặc như cách mà những bộ vest comple chỉn chu xuất hiện tại Tùng, gợi nhớ về một thời vàng son của thế hệ trí thức tài hoa ở Đà Lạt.
Ảnh: internet. |
Những người trẻ như tôi có thể chẳng có ký ức nào trong những không gian ấy, nhưng luôn tìm đến những góc cà phê để phần nào tìm về với những thăng trầm mà chúng tôi chỉ mới được nghe, được kể. Hay đơn thuần là tìm một góc lặng suy nghĩ, nhìn ngắm chính mình, và có chăng đặt câu hỏi về thực tại cuộc sống như cách mà những người trẻ cô đơn trong “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối” mà Patrick Modiano từng viết.
Với tôi, ở Việt Nam, nơi mà tôi có cơ hội được khám phá nhiều góc cà phê nhất có thể, thì văn hóa quê hương còn lặn sâu trong những giọt cà phê đậm đặc tí tách hay trong những quán cóc ven đường. Đó có thể là ly cà phê đen đá lợt màu đánh đều ở chợ nổi Cần Thơ, nhưng đó cũng có thể là cúp cà phê đậm vị lâu lâu được chiết ra dĩa của quán cà phê chợ người Hoa ở chợ Thiếc quận 5, hay là cốc cà phê trứng sền sệt và thơm lừng ở Giảng hoặc ly cà phê thơm mùi thời gian ở Tùng.
Ngày đó tôi mê Tùng (Đà Lạt) như cách một cô gái mộng mơ tìm kiếm người đàn ông lịch thiệp và ưu tú của riêng mình. Tôi mê Tùng vì sự bình thản của Tùng với nhịp sống riêng của nó, với âm nhạc, tranh ảnh bài trí xung quanh, với những bộ bàn ghế nâu đỏ cũ, với cung cách phục vụ chẳng hề hối hả và đặc biệt, với khói thuốc nhẹ nhàng, đơn độc.
Tôi mê Tùng vì sự bình thản với nhịp sống riêng của nó (Ảnh: internet). |
Đó là cách ánh đèn vàng dịu nhẹ chưa bao giờ chỉnh sáng hơn cần thiết, là cách mà người ra kẻ vô nhưng chẳng bao giờ tạo ra sự náo loạn, là cách mà người ta có thể vội vã ở ngoài kia, nhưng xin được phép chọn bình yên nơi đây, trong một quán nhỏ nằm ở con dốc Hòa Bình. Dẫu cho thời tiết khắc nghiệt hay dòng người có tấp nập bao nhiêu, nhưng ở Tùng lúc nào cũng chảy tràn chất “thơ mộng, u hoài, tịnh mặc, đứng ngoài những huyên náo thế cuộc” (chữ của Phạm Vĩnh Nguyên).
Lịch sử của Tùng gắn với một phần lịch sử di cư của người Việt lên miền cao nguyên Lang Biang, nơi được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu trong lành và yên bình để bắt đầu xây dựng cuộc sống mới. Sự gắn bó mật thiết của cặp vợ chồng chủ quán với những biến động lịch sử và văn hóa của vùng đất này đủ lâu để họ hiểu về gu thưởng thức cà phê của giới công chức, trí thức tinh hoa. Sự thấu tỏ đó được thổi hồn không chỉ qua những công thức rang xay cà phê riêng, mà còn là ở nét duy mỹ trong việc thiết kế một Tùng điềm nhiên và lịch thiệp.
Ảnh: internet. |
Với nét cá tính không trộn lẫn, Tùng là nơi dừng chân của bao nhiêu tên tuổi tài hoa trong làng thơ ca, nhạc họa Việt Nam. Chẳng những thổi hồn ru cho những bài ca của Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Tùng còn là nơi để những “con người đi trước thời đại rồi lại không thuộc về thời đại” như Phạm Công Thiện, Bùi Giáng tìm về với sự cô độc của chính mình, với thế giới nội tâm sâu lắng và sự khắc khoải suy tư không ngừng về thực tại. Cặp vợ chồng nhạc sĩ tài hoa Lê Uyên – Phương cũng từng nói về Tùng trong những trang nhật ký của mình: “Những giọt cà phê nhiều khi đã không được uống vì cái vị đắng của nó mà vì cái vị đắng của cuộc chiến kéo dài tưởng chừng như vô tận so với cuộc đời hết sức ngắn ngủi của chúng ta… Biết bao nhiêu chuyện đã xảy ra trong một quán cà phê, ở đó đôi lúc đã là nơi mà những khúc quanh của một đời người bỗng mở ra trước mắt… Những quán cà phê lúc bấy giờ đã thực sự trở thành cái nhà của chúng tôi, ngoài giờ đi làm, đi học ra, cà phê là nơi chúng tôi thường xuyên có mặt, bất kể ngày đêm, ở đó, chúng tôi có thể tìm gặp những người hiểu được mình và có thể thổ lộ mọi điều riêng tư mà không ai phàn nàn gì cả”.
Nhưng sự bất an, loạn lạc đấy đôi khi không chỉ diễn ra trong thời chiến, mà còn là cả khi ta tưởng chừng đã có được hai chữ gọi là “hòa bình, tự do”. Trong sâu thẳm mỗi con người, nỗi cô đơn dường như chưa bao giờ biến mất nhưng luôn e dè khi nói ra. Ở những quán cà phê, người ta cho phép những góc khuất đó được xuất hiện mà không bị đánh giá. Người ta biết, ở một quán cà phê tưởng chừng như đông đúc, xô bồ, nhưng hóa ra đó lại là nơi bình yên đến tận cùng, khi ta chỉ ở trong thế giới của chính ta. Ba Gà (Đà Nẵng) là một nơi như vậy. Đắm mình trong những bản nhạc rock bất hủ, ai cũng có quyền được sống trong một thế giới mà họ đã từng muốn chối từ.
Ba Gà dường như là quán hiếm hoi có được gu nhạc riêng của mình ở Đà thành (Ảnh: internet). |
Nằm khuất sau gốc cây ở ngã tư Lê Đình Dương, Ba Gà là quán cà phê cũ kỹ mà chất chơi nhất ở Đà thành mà tôi từng biết. Lần đầu đến đây, tôi thấy lắm nỗi xa lạ và tò mò. Hầu hết khách đến quán là nam giới, với những điếu thuốc mịt mờ cùng những ly cà phê đen đặc trước mặt. Nhưng ai đến Ba Gà rồi, ngồi ở đó từ sáng khi trời còn se lạnh đến khi những dòng xe cộ tấp nập hối hả xung quanh thì chẳng thể nào nhầm lẫn nó với bất cứ quán cà phê nào khác. Với họ, Ba Gà dường như là một phần của cuộc sống lắm đỗi quen thuộc ở thành phố biển này. Đây dường như là quán hiếm hoi có được gu nhạc riêng của mình ở Đà thành mà tôi từng ghé chân. Uống cà phê mà thiếu nhạc hay như phần tâm hồn đẹp chẳng tìm được tri kỷ.
Nếu như ở Cheo Leo, người ta chết lặng trong những bản tình ca bất hủ của cố nhạc sĩ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn thì ở Ba Gà, những ngày sục sôi tuổi trẻ ngạo đời lại chảy tràn trong những khúc rock mãnh liệt, hay mấy bản tình ca da diết của Bee Gees. Chẳng có một quy củ nào hết, cũng chẳng có một sự đầu tư về mặt thiết kế, nó đơn thuần chỉ là quán cà phê vỉa hè bình dân với những bộ bàn ghế nhựa đơn giản, đậm khói thuốc và nhạc hay. Bình dân, là cách mà người ta gọi về một quán cà phê vỉa hè có mức giá vừa phải, nhưng ở Ba Gà, sự bình dân ngạo nghễ đó chẳng dễ bị sao chép, đó là kiểu bình dân rất thật, rất đời.
Niềm rung cảm với mùi hương cà phê có lẽ đã hình thành khi tôi còn bé, lúc sinh ra và lớn lên ở mảnh đất cao nguyên cà phê bạt ngàn. Trường học cũ của tôi nằm không xa tiệm cà phê bên đường. Mỗi lần hít hà mùi cà phê rang cháy, tôi lại ước rằng mình sẽ có được chai nước hoa với mùi thơm cà phê đặc trưng. Hương thơm của những lần rang xay cà phê đó vẫn chưa bao giờ làm tôi hết rung động. Để đến khi lớn, tôi nghĩ “say” không còn là mang nghĩa bóng nữa, mà thật sự là việc gục ngã trong vị giác.
Đó là khi đầu lưỡi chạm vào những giọt cà phê Da Vàng (Kon Tum) đầu tiên. Vị cà phê như cách mà người Tây Nguyên đã sống cuộc đời của họ: đậm đà và đầy mê hoặc. Da Vàng là sự tận tâm khi muốn đạt đến sự hoàn mỹ trong cả một hành trình dài từ đất đai, người trồng cho đến rang xay trực tiếp bằng sự đủ đầy để đảm bảo những ly cà phê là nguyên chất, đậm vị nhất. Cà phê luôn được rang lâu hơn một chút để tạo ra nhiều hương vị mà vẫn giữ được sự nguyên chất.
Đến một quán cà phê, đôi lúc là để gặp gỡ, hay tìm về chốn cũ, nhưng đôi khi, đơn thuần chỉ là cách người ta đến, gỡ bỏ những nhãn mác khác nhau, gọi một ly cà phê và tận hưởng cuộc đời. Đó cũng là cách mà khách tìm đến Cheo Leo, một cái tên đã lắm đỗi thân thương với người Sài Gòn. Cheo Leo gần như là quán cà phê lâu đời nhất chốn thành thị này, đây là nơi mà bao thế hệ học sinh của trung học Petrus Ký ngày nào cũng í ới gọi nhau sau mỗi giờ đến lớp. Để rồi bây giờ, người đi rồi chẳng biết nhớ thương chi, chỉ có những người ở lại vẫn còn tìm lại chút hồn xưa cũ bằng cách đốt điếu thuốc, nhâm nhi ly cà phê sữa nóng trong tiếng nhạc buồn tênh.
Cheo Leo chưa bao giờ phụ lòng thực khách với cách pha độc đáo, bài bản nhưng không kém phần nghệ thuật, lãng tử (Ảnh: internet). |
Hơn 80 năm tuổi đời, được ấp ủ chăm chút chỉn chu từ ông Vĩnh Ngô, đến nay đã và đang được lưu giữ bởi những người con gái của ông, Cheo Leo chưa bao giờ phụ lòng thực khách. Hương vị cà phê với cách pha độc đáo, bài bản nhưng không kém phần nghệ thuật, lãng tử vẫn luôn được giữ nguyên. Khách uống cà phê vợt, âu cũng có những tiêu chuẩn riêng của họ. Chính vì vậy, lửa, nước, cà phê luôn phải được chắt chiu kỹ càng để đảm bảo đúng hương vị như kỳ vọng. Một ly cà phê pha bằng vợt, nhìn sẽ thấy chẳng sánh bằng ly cà phê phin, nhưng mùi thơm thì lúc nào cũng ngào ngạt và hậu vị luôn là thứ khiến người ta day dứt mãi.
Trong khung cảnh nhộn nhịp của một con hẻm Sài Gòn với tiếng í ới gọi nhau thức giấc, với cách từng chiếc xe máy tìm cách di chuyển qua những con hẻm, thì Cheo Leo vẫn cứ thong thả với nhịp sống của chính mình, như một nét duyên ngầm mà chẳng nơi nào bắt chước được. Nét duyên đó chẳng cần thay áo mới cho mảng tường bám đầy vết đen, nét duyên đó chẳng cần chỉn chu đóng lại từng con ốc vít nơi kệ sách cũ kỹ, nét duyên đó chẳng cần đầu tư những bộ bàn ghế mới sang trọng. Chỉ cần là Cheo Leo, là tiếng chửi duyên dáng của người miền Nam, là những bản nhạc tình ca Pháp hay những bản nhạc vàng của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, là cách ly bạc xỉu được thể hiện chính mình với đậm vị sữa len lỏi vị cà phê, là mùi khói thuốc chẳng bao giờ khiến người ta khó chịu. Cheo Leo, như cách mà người Sài Gòn sống cuộc đời họ bao nhiêu năm nay, duyên dáng, chân tình, hào sảng mà lắm đỗi bao dung.
Cheo Leo là cách người Sài Gòn chơi với cuộc đời. Còn Long là cách mà người Đà Nẵng kể về câu chuyện văn hóa riêng của mình. Long là quán cà phê nào luôn đông từ sáng đến trưa, từ trời mưa đến trời nắng, dù trong cả những ngày Đà Nẵng lạnh run hay mưa bão. Long là nơi mà người ta nhìn thấu được một Đà Nẵng chân chất, gần gũi và bình dị vô cùng. Đó là nơi mà người ta sẵn sàng mượn một tờ báo để đọc, cẩn thận lật nhẹ để tránh nhăn nhúm, rồi chỉn chu gửi tiền cho người bán báo, sau đó í ới gửi trả lại để họ lại có thể bán được cho ai khác. Thế là cả buổi sáng ở Long, người bán báo vẫn có thể kiếm được doanh thu đề ra nhưng không bị hao hụt về số lượng quá nhiều. Nhưng chẳng người mua báo nào phiền lòng về điều đó.
Long là nơi mà tôi chẳng cần biết anh là ai, đã vào đây thì đều là anh em đồng chí (Ảnh: internet). |
Long là nơi mà tôi chẳng cần biết anh là ai, làm chức vị gì, có tiếng tăm bao nhiêu, đã vào đây thì đều là anh em đồng chí ngồi chơi cờ, hút thuốc bên những cái bàn vuông ghế đẩu góc đường. Người Đà Nẵng coi Long như đài truyền hình địa phương thu nhỏ, nơi mà những nhà nghiên cứu về lịch sử truyền miệng hay những nhà hoạch định chính sách nên đặt chân tới để lắng nghe người dân bày tỏ suy nghĩ về chính sách mới. Thương hiệu hơn 30 năm tuổi đời này đã đặt dấu mốc riêng không chỉ trên bản đồ cà phê Đà Nẵng mà còn dọc khắp đất nước với quy trình tự thu mua, rang xay và sản xuất nên khó bị bão hòa trong sự nhộn nhịp của thế giới cà phê ở Việt Nam.
Vẫn là dải đất miền Trung nắng gió thân tình đó, nhưng những góc cà phê ở Huế lại mang lại những dư vị khác so với thành phố biển Đà Nẵng. Chiều là cái tên đầu tiên mà tôi nghĩ về khi nhắc đến cà phê ở Huế. Khách nhận ra Chiều bởi những khung cửa gỗ tĩnh lặng vững chãi, bởi ánh nắng xen qua từng khe cửa sổ vào mỗi sáng, hay bởi những bản tình ca cứ nối đuôi nhau vang lên nơi góc quán. Cũng là những bản nhạc của Trịnh Công Sơn, của Phạm Duy, nhưng Chiều lại cho tôi tìm thấy một góc khác của chính mình. Đó không phải là một phần con người nhộn nhịp, sôi động chân tình như Cheo Leo đã gửi gắm, mà là một phần con người dung dị, bình tĩnh, và pha cả một chút cô đơn.
Chiều trở về với những ánh đèn vàng dịu êm nơi góc tường, tạo nên một cảm giác về sự riêng tư (Ảnh: internet). |
Nằm gọn trong đoạn giao giữa hai con phố Đặng Thái Thân và Phùng Hưng ở thành nội, Chiều, theo một cách may mắn nào đó, được thấm đẫm nhịp điệu chậm rãi bình thản của bờ Bắc xứ Huế. Đối diện Chiều là lầu Tứ Phương Vô Sự của Hoàng thành Huế, nơi đã in dấu một trang sử hào hùng của dân tộc. Chiều, không cầu kỳ và kiểu cách, với những bộ bàn ghế gỗ đơn giản, mấy bình hoa khô và những bức tranh treo tường. Nhưng ở Chiều, đặc biệt là những buổi chiều tối, khi không còn ánh sáng mặt trời nâng đỡ, Chiều lại trở về với những ánh đèn vàng dịu êm nơi góc tường, tạo nên một cảm giác về sự riêng tư.
Chiều trầm mặc, chắc cũng vì những sóng gió mà nó từng đi qua. Đó là những ngày tháng vật lộn vì không đi kịp với thị hiếu, vì những bản nhạc tiền chiến không đủ để giữ chân những tâm hồn rực lửa của người trẻ như những nơi sang trọng, đương thời lúc bấy giờ. Nhưng chủ nhân của nơi này vẫn giữ gìn Chiều như một cách để giữ gìn tâm hồn mình, vẫn duy trì và nuôi dưỡng góc cà phê này suốt hơn 20 năm.
Cà phê, trong bối cảnh rộng hơn, là câu chuyện của lịch sử và văn hóa. Nhưng suy cho cùng, trong một không gian nhỏ hẹp và an toàn hơn, đó là câu chuyện của một tâm hồn con người. Tìm thấy một quán cà phê hay, cũng như tìm thấy một tâm hồn đồng điệu và một người bạn tri kỷ. Nhưng cũng chẳng có gì bất ngờ khi đó là cách mà ta tìm thấy chính mình.