Áo dài và đầm lụa đang dẫn đầu xu hướng thời trang của những phụ nữ sành điệu. Chất liệu lụa tôn vinh body khiến vẻ đẹp phụ nữ sang trọng, lịch lãm, uyển chuyển, dịu dàng… Thế nên chẳng có gì bất ngờ nếu 99,9% phụ nữ thích tham gia vào việc dệt lụa.
Chúng tôi đến thủ phủ dâu tằm tơ của Việt Nam tại thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng. Đi một vòng khép kín từ: Nhân giống tằm, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa… Ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp những người phụ nữ: Đầu tiên là nơi nhân giống tằm, nuôi tằm con… Nơi này phải riêng biệt, sạch sẽ, không ruồi, muỗi, kiến…
Người đầu tiên chúng tôi gặp là nghiên cứu sinh Nguyễn Kim Chi tại trại nuôi tằm con, thôn 6, xã Đambri, TP Bảo Lộc. Đây là một nghề khó, đã và đang thử thách người phụ nữ gốc Huế này 11 năm, từ khi cô tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Huế. Để thực hiện việc nuôi, giữ giống tằm, chọn tạo trứng tằm, chuyển giao công nghệ là nhiệm vụ của Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên giao cho, Chi đã tham gia bảy đề tài, và trở thành Thạc sĩ khi vừa tròn 29 tuổi.
Hiện tại Chi vẫn nỗ lực nghiên cứu xây dựng mô hình nhân giống tằm để cung cấp tằm con cho cả tỉnh… và sẽ là Tiến sĩ của một ngành chuyên biệt, đòi hỏi nghiên cứu trong thực tế. Tại trại nuôi tằm con, cũng là cơ sở của gia đình mình, Chi cùng chị gái Nguyễn Thị Nhật Minh mỗi tháng ươm 350 hộp tằm giống, mỗi hộp trị giá 580 ngàn đồng. Muốn cho tằm con ăn lá dâu phải thái sợi nhỏ như thuốc lào và phải rắc thật nhẹ, thật đều.
Chúng tôi đến gặp người đầu tiên ươm tơ trên máy tự động: vợ chồng ông bà Huỳnh Tấn Phước – Phạm Thanh Huyền – Công ty TNHH tơ tằm Nhật Minh, nơi có 70 nữ công nhân ươm tơ, 6 nam còn lại làm công việc đốt lò, sấy tơ, bảo trì, bảo vệ.
Tại đây, chúng tôi nhận ra chỉ có thể là bàn tay và khối óc của phụ nữ mới đạt được sự khéo léo cần thiết khi nối từng sợi tơ… trong tiếng máy rầm rầm, những người phụ nữ đi theo sợi tơ, nối tơ, đặc thù của ươm tơ là cúi xuống, vươn lên, đi lại… Nên hầu hết 70 chị em ươm tơ đều có vóc dáng khỏe đẹp đáng mơ ước của phụ nữ.
Chúng tôi lại tìm thấy vẻ đẹp đó trong 130 nữ công nhân dệt lụa của công ty Dệt tơ tằm Việt silk – nơi xuất sang Nhật Bản 100 tấn lụa may kimono mỗi năm. Người Nhật nổi tiếng bởi sự kỹ lưỡng trong mọi phương diện.
Vì thế, việc chọn tấm lụa để may kimono thách thức nỗ lực của những nữ công nhân Việt Nam. Mẫu do người Nhật đưa, đòi hỏi người dệt lụa không được sai sót. Bởi vì, chỉ cần một lỗi nhỏ cả cây lụa sẽ được trả về “đơn vị gốc”. Ở đây, sự tinh tế đã được nâng lên đẳng cấp cao, đòi hỏi trình độ tay nghề lão luyện.