Trong trường hợp tốt nhất, doanh thu 1,5 nghìn tỷ baht sẽ đến từ du khách quốc tế và 880 tỷ baht từ du lịch nội địa, Thống đốc TAT Yuthasak Supasorn cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng con số đó sẽ tương đương với khoảng 80% hiệu suất của ngành trước khi đại dịch xảy ra.
Trước đó, vào tháng 6, Chính phủ Thái Lan đã công bố một chiến lược mới có tên gọi là “SMILE” (Nụ cười) nhằm đảm bảo phát triển bền vững ngành du lịch hậu đại dịch COVID-19.
Chính phủ Thái Lan muốn nâng mức đóng góp của ngành du lịch cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ mức 20% trước đại dịch COVID-19 lên 30% vào năm 2030.
Trong khi đó, Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) dự báo nước này sẽ đón khoảng 7-10 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm nay sau khi các biện pháp kiểm dịch được dỡ bỏ vào tháng trước.
Chiến lược "SMILE" của Thái Lan được viết tắt từ các chữ S (Bền vững về mọi khía cạnh), M (Nhân lực: Nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động du lịch lên tiêu chuẩn quốc tế), I (Nền kinh tế bao trùm: Đảm bảo tất cả các khu vực kinh tế đều được đưa vào ngành du lịch), L (Bản địa hóa: Thúc đẩy tính độc đáo của các cộng đồng như là điểm thu hút du lịch), và E (Hệ sinh thái: Thúc đẩy du lịch sinh thái và môi trường địa phương).
Theo Thủ tướng Prayut, chiến lược "SMILE" sẽ giúp cải thiện bền vững ngành du lịch của Thái Lan và đảm bảo rằng nước này thích ứng với sự thay đổi của thế giới về mọi khía cạnh. Đây cũng là bước đệm để Thái Lan hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến du lịch chữa bệnh, điều sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế.