Huyền thoại thời trang Karl Lagerfeld qua đời ở tuổi 85
Karl Lagerfeld được cho là đã làm việc liên tục trước khi mất. |
Trong một buổi chiều đượm buồn của tháng 2, tin tức ông hoàng Karl Lagerfeld qua đời đã gây chấn động. Nhiều người bày tỏ sự tiếc thương và trân trọng những cống hiến của nhà thiết kế người Đức dành cho Chanel suốt 36 năm. Từ thương hiệu đứng trước bờ vực phá sản, Lagerfeld đã vực dậy nhãn hàng và giúp nó trở thành đối thủ đáng gờm của Louis Vuitton và đế chế Versace.
Mối quan hệ giữa Karl Lagerfeld và Chanel là câu chuyện dài về tình yêu thời trang. Hơn 35 năm trong cuộc đời, người giám đốc sáng tạo quá cố này đã cống hiến niềm đam mê và cuộc sống cho nhà mốt Pháp. Hồi kết của mối "lương duyên" huyền thoại không chỉ là cú sốc lớn đối với Chanel, mà còn làm rung chuyển ngành công nghiệp thời trang cao cấp.
Hàng loạt thương hiệu thời trang danh tiếng phải xin lỗi khách hàng Trung Quốc
Mẫu áo thun gây 'sóng gió' của Coach. |
Tháng 8/2019, các hãng thời trang hàng đầu thế giới như Versace, Givenchy và Coach đã phải đồng loạt xin lỗi khách hàng Trung Quốc. Nguyên nhân là sản phẩm của các hãng này được thiết kế với nội dung đi ngược lại chính sách "Một Trung Quốc".
Cụ thể, 3 thương hiệu này đã sản xuất chiếc áo thun in tên thành phố của các nước trên thế giới. Đặc biệt, Bắc Kinh, Thượng Hải được chú thích thuộc Trung Quốc, nhưng Hong Kong, Macau và Taiwan (Đài Loan) lại được xem như quốc gia độc lập.
Sau đó, loạt thương hiệu quốc tế khác tiếp tục bị người Trung Quốc phản đối vì để Hong Kong, Đài Loan, Macau là quốc gia độc lập trên trang web như Calvin Klein, Gucci, hãng trang sức Swarovski.
Zac Posen từ bỏ thương hiệu mang tên chính mình
Zac Posen từ bỏ giấc mơ về một thương hiệu mang tên chính mình vì không đủ vốn để tiếp tục kinh doanh. |
Tháng 11 vừa qua, thương hiệu nổi tiếng của Posen – House of Z - không thể duy trì do hết hợp đồng tài trợ với công ty đầu tư Yucaipa Cos. (Mỹ), khiến 60 nhân viên mất việc kể từ tháng 11. Zac Posen nói trên WWD: "Tôi rất đau lòng khi nghĩ về khách hàng và cộng sự. Tôi đã làm việc với tất cả nhiệt huyết và sự cẩn trọng".
Nhà thiết kế giải thích rằng những nhà đầu tư hiện tại muốn bán thương hiệu cho một tập đoàn lớn hơn. Ban giám đốc điều hành quyết định không tăng vốn đầu tư và hết kinh phí để hoạt động, buộc phải đóng cửa.
"Tôi thật sự cảm kích đội ngũ đã giúp đỡ mình trong suốt cuộc hành trình. Bản thân luôn tự hào về những gì chúng ta đã đạt được. Tất nhiên, tôi luôn hy vọng tương lai sẽ mang lại những gì tươi sáng hơn", anh chia sẻ.
Victoria's Secret tuyên bố dừng show diễn
Dàn thiên thần bốc lửa trên sàn diễn của Victoria's Secret Fashion Show. |
Tháng 5/2019, L Brands – công ty mẹ của Victoria's Secret có đưa ra thông báo rằng sẽ không phát sóng Victoria's Secret Fashion Show 2019 trên truyền hình nữa. Ngày 21/11, ông Stuart Burgdoerfer – Tổng Giám đốc Tài chính của tập đoàn đã đưa ra thông báo quyết định sẽ hủy show diễn năm nay với lý do thương hiệu đang cân nhắc lại về việc sử dụng show diễn để làm truyền thông, kết nối với khách hàng.
Nhiều chuyên gia nhận định chương trình mất sức hút do quan niệm thẩm mỹ về vóc dáng, sức hấp dẫn của phụ nữ đã thay đổi. Theo công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, show nội y lớn nhất hành tinh mất một nửa lượng khán giả trong hai năm qua và có lượng người xem thấp nhất lịch sử vào năm 2018 (3,27 triệu lượt).
Chưa kể, đầu năm 2019, trong một bài phỏng vấn trên Vogue, Tổng giám đốc Marketing Ed Razek đã đưa ra một phát ngôn đụng chạm đến người mẫu ngoại cỡ và cộng đồng người chuyển giới, làm dấy lên làn sóng tẩy chay thương hiệu Victoria's Secret trên toàn cầu.
Các thương hiệu lớn phá sản: Forever 21 và Barneys New York
Liên tiếp trong tháng 8 và 9, hai thương hiệu nổi tiếng - Barneys New York và Forever 21 - đệ đơn phá sản lên tòa.
Theo WWD, biểu tượng thời trang xa xỉ Barneys New York có 5.000 "chủ nợ", nợ mỗi nơi vài triệu USD. Theo thông tin được công bố thì Barnes New York đã bán mình cho Authentic Brand Group với giá 270 triệu USD, chấm dứt kỷ nguyên của một tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ thời trang.
Thương hiệu có tuổi đời gần 100 năm này đã trải qua nhiều thăng trầm và biến cố, Barneys liên tục đổi chủ và gặp thêm rắc rối về nhân sự cấp cao. Trong lúc đó, Barneys New York không thể chống chọi nổi với chi phí thuê địa điểm quá cao, đồng thời thói quen mua sắm của người tiêu dùng Mỹ thay đổi, chuyển sang mua hàng trực tuyến.
Forever 21 đóng cửa 178 cửa hàng ở Mỹ cùng hầu hết địa điểm ở châu Á, châu Âu, đóng cả công ty con Riley Rose. Phó Chủ tịch Linda Chang cho biết nhà mốt vẫn trong quá trình tái cấu trúc hoạt động kinh doanh và tái định vị thương hiệu. Năm qua, hãng gặp khủng hoảng khi vướng phải lùm xùm kiện tụng với ca sĩ Ariana Grande và thương hiệu thời trang thể thao Adidas. Ngoài ra Forever 21 phá sản bởi thương hiệu bình dân này đang "kiệt sức" sau quãng thời gian kinh doanh thua lỗ và cạn kiệt vốn.
Cuộc chia tay giữa nhà thiết kế và thương hiệu
Keren Craig (trái) và Georgina Chapman (phải), đồng sáng lập Marchesa. |
Tháng 6, Keren Craig rời Marchesa - thương hiệu cô sáng lập cùng Georgina Chapman năm 2003. Marchesa gặp khó khăn từ cuối tháng 10/2017 khi đạo diễn Harvey Weinstein – chồng của Chapman - bị tố cáo tấn công tình dục. Weinstein cũng bị một số nữ diễn viên như Felicity Huffman, Renée Zellweger và Kerry Washington cáo buộc lạm quyền để ép họ mặc trang phục Marchesa lên thảm đỏ. Thương hiệu sau đó phải hủy bỏ những show thời trang của mình.
Demna Gvasalia chia tay Vetements - thương hiệu ông thành lập cùng anh trai Guram Gvasalia năm 2014 - hồi tháng 9. Trong 5 năm làm việc với thương hiệu thời trang Pháp, Gvasalia nhanh chóng thúc đẩy phong cách streetwear (thời trang đường phố) tới đông đảo người dùng. Khi ra đi, ông nói đã hoàn thành sứ mệnh với hãng, muốn mở một kỷ nguyên mới cho cả bản thân và thương hiệu cũ.
Cuộc hợp tác mới giữa nhà thiết kế với các tập đoàn, thương hiệu
Rihanna và chủ tịch LVMH Bernard Arnault (thứ hai từ phải) tại Paris tháng 10/2015. |
Tập đoàn thời trang xa xỉ LVMH ký hai hợp đồng với Rihanna (tháng 5) và Stella McCartney (tháng 7). Giới báo chí đánh giá hai hợp đồng này báo hiệu một bước tiến khỏi vùng an toàn của tập đoàn thời trang lâu đời. Nữ ca sĩ Rihanna cho biết: "Tôi và LVMH dành rất nhiều thời gian để sáng tạo ra cái chúng tôi gọi là DNA của Fenty, tôi là nàng thơ". Gia nhập LVMH, Stella McCarney tiếp tục là giám đốc sáng tạo và nắm đa số quyền sở hữu nhãn hiệu thời trang mang tên mình. Cô đồng thời giữ vai trò cố vấn đặc biệt cho hội đồng quản trị trong việc phát triển thời trang bền vững của tập đoàn.
Từ tháng 4, hơn 1.150 cửa hàng bán lẻ của Kohl’s tại Mỹ phân phối độc quyền sản phẩm của thương hiệu Elizabeth & James – được sáng tạo bởi hai nhà thiết Ashley và Mary-Kate Olsen. Theo Business of Fashion, hai chị em phụ trách thiết kế, còn gã khổng lồ bán lẻ chịu trách nhiệm quảng bá, giới thiệu các bộ sưu tập. Ashley Olsen nói trên Elle: "Chúng tôi muốn Elizabeth & James đến với nhiều khách hàng hơn, hợp tác với Kohl’s giúp đạt được điều đó".
"Cú lội ngược dòng" của Bottega Veneta
Điều kỳ diệu năm 2019 mang tên Daniel Lee. |
"2019 là năm tuyệt vời đối với tôi", Daniel Lee chia sẻ cùng tạp chí Vogue sau khi thắng lớn tại Fashion Awards 2019 với nhiều giải thưởng danh giá cho hạng mục "Thương hiệu của năm", "Nhà thiết kế trang phục nữ của năm"...
Sự lựa chọn Daniel Lee cho vị trí "thuyền trưởng" đã khiến doanh thu của Bottega Veneta tăng trưởng mạnh mẽ, các nhà phê bình cho rằng thương hiệu Italy đã định hướng lại cách ăn mặc của phụ nữ trong thời đại của chủ nghĩa tối giản theo hướng sang trọng và đầy ứng dụng.