Cởi mở khi đánh giá về chất lượng phim Việt Nam, các nghệ sĩ mong muốn điện ảnh Việt tiếp tục chuyển động mạnh mẽ hơn để được khán giả quốc tế đón nhận.
NSND Lan Hương (BGK hạng mục phim Việt Nam dự thi): “Đang có những phim bị lẫn giữa điện ảnh, truyền hình và sân khấu”
NSND Lan Hương |
Phim Việt Nam dự thi ở DANAFF I rất đa dạng. Tôi có ấn tượng với bộ phim Maika- cô bé đến từ hành tinh khác vì đây là phim dành cho thiếu nhi rất hiếm hoi. Với các nhà làm phim tư nhân thì đầu ra là yếu tố được đặt lên hàng đầu nên việc chọn đề tài cũng được tính toán để đáp ứng mục đích này. Các phim đậm đặc chất nghệ thuật ít được quan tâm. Thậm chí ở ngoài rạp có không ít phim đang bị lẫn giữa các loại hình điện ảnh, truyền hình và sân khấu. DANAFF là cơ hội để các nhà làm phim học hỏi nhau thông qua các tác phẩm đến từ các nền điện ảnh khu vực Châu Á -Thái Bình Dương. Tôi được biết, một số tác phẩm dự thi tại DANAFF I đã từng tham dự các LHP hạng A của thế giới. Nếu muốn điện ảnh Việt phát triển hơn nữa thì việc cọ sát và học hỏi là điều cần thiết và thật sự giá trị đối với những nhà làm phim Việt. Cá nhân tôi mong muốn điện ảnh Việt có nhiều phim dành cho thiếu nhi chất lượng. Đây là đề tài thật sự đang rất trống.
Diễn viên, đạo diễn Moon So-ri (Chủ tịch Ban Giám khảo hạng mục phim Châu Á dự thi): "Điện ảnh Việt Nam đang chuyển động để phát triển hơn nữa"
Diễn viên, đạo diễn Moon So-ri |
Năm 2016 tôi tham gia giảng dạy trong dự án “Gặp gỡ mùa thu” của đạo diễn Phan Đăng Di và nhận thấy các diễn viên Việt Nam rất nhiệt huyết; điện ảnh Việt Nam đang chuẩn bị từng bước để phát triển hơn nữa. Lần quay trở lại này với tư cách giám khảo, tôi đã xem một số phim của Việt Nam, thấy phim Việt Nam có sự đầu tư nhiều hơn; đa dạng về thể loại nhưng để đánh giá chất lượng của phim Việt và so sánh với các nền điện ảnh khác trong khu vực thì chưa thể. Tôi cần phải xem nhiều hơn; cần phải biết ở mỗi bộ phim các nhà làm phim đã khai thác hết những khía cạnh cần nhấn nhá trong tính cách của mỗi nhân vật hay chưa; câu chuyện phim đã được khai thác triệt để hay vẫn còn những vấn đề làm chưa tới…? Nếu bản thân những người làm phim còn thấy tiếc vì những điều chưa làm được thì có nghĩa bộ phim chưa phải đã đạt chất lượng tốt nhất. Cá nhân tôi rất ấn tượng với điện ảnh Việt Nam nhưng để chinh phục số đông khán giả Hàn Quốc thì điện ảnh Việt cần có thời gian khắc phục những mặt còn hạn chế và vươn lên. Cậu ruột của tôi sống tại thành phố Hồ Chí Minh nên Việt Nam đối với tôi rất gần gũi, thân thiện. Khi đóng phim “Phong hậu” tôi rất muốn khán giả thế giới đón nhận bộ phim này. Khi sang Việt Nam, tôi rất hạnh phúc khi thấy khán giả Việt Nam yêu thích phim Phong hậu và biết đến vai diễn của tôi trong phim.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh: “ Tôi chưa thật sự tự tin khi triển khai các dự án phim lịch sử lớn”
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh |
Tôi có 3 phim tham dự Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần này, trong đó Trạng Tí, Em và Trịnh tôi làm đạo diễn; Tiệc trăng máu tôi là nhà sản xuất. Tôi mong có nhiều liên hoan phim quốc tế được tổ chức tại Việt Nam để những người làm phim như tôi có điều kiện cọ sát, học hỏi từ các phim của đồng nghiệp quốc tế. Hiện công ty tôi đang triển khai hai dự án phim lịch sử lớn về Bạch Đằng Giang và Vua Hùng. Sẽ cần 10 năm để thực hiện dự án lớn này. Thât sự tôi chưa tự tin khi thực hiện các dự án phim lịch sử lớn.Muốn làm phim lịch sử đạt chất lượng cao cần một tập thể giỏi trong khi điện ảnh Việt đang gặp nhiều hạn chế khi triển khai thể loại phim này. Chỉ riêng việc thiếu tư liệu để xác định giai đoạn lịch sử đó trang phục thế nào, họa tiết ra sao… đã gây ra rất nhiều tranh cãi khiến các nhà làm phim không đủ tự tin để thực hiện dự án. Ai phải rất dũng cảm và liều mạng nữa mới dám đầu tư triển khai các dự án phim lịch sử.
Đạo diễn Đức Thịnh: “ Tôi mong điện ảnh Việt Nam mỗi năm có vài phim nghệ thuật chất lượng”
Đạo diễn Đức Thịnh |
Khi làm phim, các nhà nhà làm phim tư nhân luôn đặt yếu tố doanh thu lên hàng đầu. Rồi luôn phải nhìn ngó xem phim nào doanh thu cao, phim nào thắng lớn để nương vào đó để chọn đề tài hợp gu với khán giả từng giai đoạn. Dù coi trọng vấn đề doanh thu, thậm chí là yếu tố sống còn của các hang tư nhân nhưng chúng tôi cũng vẫn tự ý thức phải làm phim tử tế. Tôi ủng hộ các nhà làm phim làm phim nghệ thuật nhưng lại bị kẹt trong mâu thuẫn bỏ tiền làm phim thì phải thu hồi vốn. Vì thế hai năm nay tôi chưa có phim mới. Tuổi tôi bây giờ cũng đến lúc nên nghĩ việc mình muốn làm gì; cái gì thôi thúc mình thực hiện dự án A, B. Tôi mong điện ảnh Việt Nam mỗi năm có vài phim nghệ thuật chất lượng, như trường hợp dự án phim Đất rừng phương Nam của đạo diễn Nguyễn Qaung Dũng. Với các dự án phim như thế, người làm phim phải dám dấn thân và rất dũng cảm.