“Trên đời này không ai yêu cũng khổ
Được nhiều người yêu chắc gì đã sướng hơn?”
– thơ Anh Ngọc, 1990.
40 năm, đã cả một đời người. Ít nhất thì thời gian trôi qua cũng đã điểm đến đúng số tuổi trời của anh, John Lennon, khi anh gục xuống dưới những viên đạn và cả nụ cười lạnh lùng của Mark David Chapman.
Quá nhiều lời xưng tụng đã trở thành sáo rỗng. Quá nhiều nỗi tiếc thương đã trở nên giả tạo. Cũng đã quá nhiều giai thoại về anh trở thành những câu chuyện tầm phào. Ngoại trừ một việc không có gì thay đổi: Anh thực sự là một trong những người phát ngôn vĩ đại và có tầm ảnh hưởng lớn nhất, thông qua âm nhạc, đối với thế hệ của mình, và có lẽ là cả không ít những thế hệ kế cận. Dù điều đó chưa chắc đã là may mắn.
Tay máy nghiệp dư Paul Goresh (trái) chụp hình cùng John Lennon chỉ vài giờ trước khi huyền thoại này bị sát hại ngày 8/12/1980. Tình cờ là đằng sau họ chính là Mark David Chapman - kẻ sau đó đã nã súng vào thần tượng của mình lúc 22h50p (giờ Bắc Mỹ) |
Ta thử nhìn vào chính Chapman, trong khi cố gắng gạt sang bên mọi cảm xúc căm giận. Y, ở rất nhiều khía cạnh, là sản phẩm của John. Y được tạo nên từ âm nhạc cũng như phong cách sống của John. Y đã từng có những khoảng thời gian dài muốn trở thành bản sao của thần tượng mình, ít nhất là về mặt ngoại hình. Và y giết John, để được nổi tiếng như anh, người từng làm cả thế giới Cơ Đốc giáo phát khùng với tuyên bố: “The Beatles còn nổi tiếng hơn cả Chúa Jesus”.
Một kẻ điên, không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng, nếu kẻ điên đó chính là người nhập tâm nhất những câu từ mà John viết cho bài “Watching the wheels”, và cả những thông điệp khác, thì sao?
“People say I'm crazy Doing what I'm doing Well, they give me all kinds of warnings To save me from ruin When I say that I'm okay, well they look at me kinda strange "Surely, you're not happy now, you no longer play the game"
Phải làm cái này hay phải nói điều kia, chắc chắn thần tượng của Chapman không chấp nhận. Cái lớp vỏ “goodboy” thời khởi nghiệp, anh đã cùng Beatles vứt vào sọt rác từ rất lâu trước khi cùng Yoko Ono khỏa thân trên giường trước ống kính máy ảnh, để cụ thể hóa khẩu hiệu “Make love, not war”. Anh thảy vào những bài hát mang đậm dấu ấn của mình những câu từ sặc mùi ma túy tổng hợp, những liên tưởng mà người nghe chỉ có thể đoán mò. Như “No one I think is in my tree I mean it must be high or low” trong Strawberryfield forever, hay như “I am he as you are he as you are me. And we are all together. See how they run like pigs from a gun. See how they fly. I'm crying…” trong I am the walrus.
John không bao giờ là một thần tượng chỉn chu mẫu mực không tì vết. Trái lại, bất cứ ai tôn thờ anh đều hiểu rằng anh điên rồ, cẩu thả, bê tha, bất cần và vô trách nhiệm đến đâu. Ta chỉ cần nhìn cách anh đối xử với con trai đầu với người vợ trước của mình, Julian Lennon, đặt nó cạnh sự cưng chiều mà anh dành cho “Beautìul boy” Sean Lennon – con trai của anh và Yoko Ono.
Và nếu nhìn nhận mọi thứ theo luật nhân quả, điều không thể nói là không từng vọng đến tâm trí của John sau quãng thời gian tới Ấn Độ, ta sẽ có thể nhớ đến bài Instant Karma (Quả báo) với một cái rùng mình: “Instant Karma's gonna get you, Gonna knock you right on the head. You better get yourself together. Pretty soon you're gonna be dead".
Vấn đề là, khi những người hâm mộ già nua và mệt mỏi của anh gần như đã không còn cảm hứng gì để nghe anh ca ngợi tình yêu trong Woman hay Oh my love, đã chán ngán những ngọn cờ lý tưởng cao rộng mà anh phất lên trong Imagine, Happy Xmas hay Working class hero, họ vẫn có thể bất chợt đắm chìm vào một thứ bản ngã cá nhân đầy khiếm khuyết mà anh vẽ lên bằng sự uể oải trong cả cách nhả hơi lẫn âm điệu.
Sự thờ ơ và chán chường ấy, như cách anh phủ nhận tất cả trong ca từ của God, đôi khi lại chính là thứ ma túy khó cưỡng lại nhất. Nó đơn giản và dễ chấp nhận. Nó bất cần nên nó nhẹ nhàng. Nó là một miền Vô Ưu. Nó tạo ra một thế giới suy tưởng riêng bất khả xâm phạm, như cách những nốt nhạc của anh có thể vang lên rõ ràng trong trí não, ngay cả khi người ta đang ngồi giữa một quán café rầm rầm thứ âm nhạc hiện đại thấm đẫm màu sắc rap – hiphop, chờ cho qua giờ tắc đường và qua cả cơn lười nhác, để oằn người trở lại với những trách nhiệm đang chờ. Hoặc là cảm nhận khao khát được khơi lên những cơn điên khùng không thể kiềm chế, trong cái nhịp điệu chán chường lặp đi lặp lại của thực tại.
5h chiều 8/12/1980, Mark Chapman tiến đến phía Jonh và Yono - khi đó vừa bước xuống xe - để xin chữ ký. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc John đang cúi xuống ký tên. Hơn 5 tiếng sau, Mark Chapman đã bắn 5 phát súng vào thần tượng. Lời khai của hắn cho thấy vào thời điểm xin chữ ký, hắn đã giấu khẩu súng gây án trong túi áo. |
I'm just sitting here watching the wheels go round and round I really love to watch them roll No longer riding on the merry-go-round
Cũng sắp sửa đến giờ Mark David Chapman kết thúc rất nhiều những ngày nhàn tản như thế trong cuộc đời mình, đi đến đợi ở cửa khu căn hộ Dakota, siết cò và lạnh lùng trả lời khi được hỏi: “Mày có biết mày vừa làm gì không thế?” – “Tôi vừa giết John Lennon”.
Y, một cách vô thức, chính là người làm lễ phong thánh cho John, vĩnh viễn, bất kể anh đã từng là ai, đã từng sống như thế nào, đã từng phủ nhận tất cả ra sao…trước khi trở thành một lãnh tụ tinh thần toàn cầu.