Năm 2020 trôi qua với nhiều nỗi đau, bi kịch và nước mắt. Chúng ta phải đối diện với dịch bệnh, thiên tai, kéo theo đó là tình trạng thất nghiệp đi kèm với nợ nần đáng báo động. Đáng buồn, trong thời khắc mà con người cần nhau nhất, chúng ta vẫn phải chứng kiến một vài những cách hành xử xấu xí trên mạng xã hội.
Thích thì… ghét thôi!
Aristotle, triết gia Hy Lạp ở thế kỷ thứ tư trước Công nguyên, cho rằng căm ghét là một cảm xúc thuộc về bản năng, bao gồm cố gắng muốn tiêu hủy đối tượng bị ghét, hoặc nhìn thấy nó bị phá hủy. Nếu giận dữ mong muốn đối tượng của mình bị đau đớn thì căm ghét muốn đối tượng của mình bị hủy hoại.
Trong thời đại ngày nay, internet, đặc biệt là mạng xã hội đã trở thành một môi trường mới, và hoàn hảo, để kích hoạt khoái cảm thích hủy hoại người mà mình ghét, của cư dân mạng.
Mới đây, Hoa hậu Hương Giang có lẽ là trường hợp ồn ào nhất khi có một nhóm anti-fan (tên gọi chung cho những người căm ghét, tẩy chay một nhân vật nào đó - PV) lên đến 150.000 thành viên chỉ vì hay nói “đạo lý” trên sóng truyền hình. Hội nhóm này không chỉ dừng lại ở việc nói xấu, mà chuyển sang đào bới chuyện quá khứ, thêu dệt những tin đồn thất thiệt về đời tư, xúc phạm giới tính của nàng hậu.
Hương Giang (trái) và ca sĩ Thủy Tiên là hai trong số những nghệ sĩ chịu ảnh hưởng nặng nề từ các nhóm anti-fan (Ảnh minh họa: internet). |
Quyền năng ảo trên tay, nhóm anti-fan quá khích tấn công thẳng vào sự nghiệp, hình ảnh của Hương Giang. Fanpage của những chương trình mà cô tham gia tràn ngập những bình luận, hashtag kêu gọi tẩy chay nhằm gây áp lực với nhà sản xuất buộc phải cắt sóng. Mặt khác, các thành viên liên tục gửi tin nhắn cho các nhãn hàng và tuyên bố tẩy chay nếu họ không kết thúc làm việc với cô.
Phần thắng thuộc về số đông. Nhiều nhãn hàng đã gỡ tên Hương Giang khỏi các chương trình quảng bá. Sức ép cũng khiến cô phải rời khỏi vị trí khách mời ở vòng chung kết Hoa hậu Việt Nam 2020, buộc phải viết thư xin lỗi đến khán giả và tạm rút khỏi showbiz.
Trường hợp tương tự với ca sĩ Thủy Tiên sau sự việc cô tự đứng ra kêu gọi 150 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lũ. Không cần lập luận hay sự lên tiếng của cơ quan pháp luật, một nhóm cư dân mạng tự cho mình quyền “thay trời hành đạo” đã đứng lên kêu gọi “tẩy chay” Thủy Tiên, sự việc còn đẩy lên đỉnh điểm là “tấn công” trực tiếp vào công việc và đời tư của gia đình ca sĩ, các bài viết hạ thấp uy tín và công kích Thủy Tiên xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội.
Ở đây, có lẽ khoan bàn tới chuyện đúng sai, vì đó là trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Cái chúng ta nói đến chỉ là cách ứng xử của cư dân mạng, một bộ phận người dùng thậm chí còn không quan tâm đến chuyện lý lẽ, bởi đôi khi sự “ghét” của họ cũng chẳng có lý do, thậm chí rất đông người còn có hội chứng “ghét cho… vui”, “thấy người ta ghét cũng ghét”, hoặc đôi khi chỉ là để “hóng”, “chửi góp vài câu thôi chứ có để ý chi tiết đâu”…
Họ cứ tiếp tục sự “tấn công ảo” của mình như một thói quen hay một thú vui, cũng không cần để tâm hậu quả của những sự việc này đi đến đâu, bởi cái họ đối mặt chỉ là màn hình và bàn phím, và đặc biệt, không cần phải chịu trách nhiệm về sự tổn thương của người khác. Với một sự nhiệt tâm kỳ lạ, họ dần trở thành những kẻ độc địa và hung hãn dưới mác chính nghĩa, rồi bị người khác điều khiển để trục lợi mà có thể chính bản thân cũng không hay.
Văn hoá anti-fan thực tế không hề mới, nhưng mức độ chỉ mới được nâng cấp trong thời gian gần đây, đặc biệt trong năm 2020 vừa qua với những group kín ngày càng lớn mạnh, thậm chí rất đông tầng lớp trí thức, hiện đại cũng tham gia… góp vui. Có vẻ như không điều gì khiến con người xích lại gần nhau nhanh hơn việc cùng ghét một ai đó. Những hội nhóm hàng chục nghìn, trăm nghìn chỉ trong vài ngày, để cùng nhau ném đá, gây áp lực tinh thần lên một người nổi tiếng nào đó, mà đôi khi cũng không bởi một lý do cụ thể nào cả:
Lâm Vỹ Dạ xuất hiện quá dày đặc trên sóng truyền hình nên “anti”!
Trấn Thành khóc quá nhiều nên “anti”!
Một tấm ảnh lộ một hành động chưa đẹp của Ninh Dương Lan Ngọc, Khánh Vân, không cần rõ nguồn cơn, cứ “anti” đã!
Cộng đồng mạng đã từng là anh hùng đúng nghĩa, khi góp phần lan tỏa thông tin và bày tỏ quan điểm của số đông dân chúng – những người vốn ít có cơ hội lên tiếng. Tuy nhiên sự lạm dụng mạng xã hội, thứ “quyền lực ảo”, khiến nhiều người dùng quên mất rằng họ không có quyền thay thế quan tòa để phán xét, định tội cho bất kì ai. Ranh giới giữa người phê bình và kẻ thù ghét rất rõ ràng. Trong khi những người phê bình giới hạn được ảnh hưởng tâm lý họ gây ra và sự tranh chấp thì những kẻ thù ghét lại lấy một sự bất đồng nho nhỏ làm lí do chỉ trích quyền tồn tại.
Ảnh minh họa: internet. |
Khó có cách nào để làm hài lòng anti-fan, thực tế là cái họ cần đơn giản chỉ là hạ nhục đối tượng nhằm thỏa mãn cảm giác ưu việt về mặt đạo đức cũng như sự chiến thắng. Sau khi đạt được mục đích, đẩy đối tượng bị ghét đến một hậu quả nào đó, thỏa mãn sự hả hê, một phần lớn anti-fan theo trend (xu hướng), theo hiệu ứng đám đông, ghét vì... rảnh nhanh chóng tan rã, các nhóm anti nhanh chóng giảm nhiệt. Những group anti cũng được đổi tên thành nhóm ăn dặm, bán mỹ phẩm online mà chả mấy ai quan tâm.
Không có lí do gì để biện hộ cho sự tàn nhẫn
Một ông lão kể chuyện cho cậu bé:
“Có hai con sói luôn chiến đấu trong ta. Một con được lấp đầy với sự tức giận, ghét bỏ, ghen tị, xấu hổ và dối trá. Con sói còn lại thì khác, nó chứa đầy tình yêu thương, niềm vui, sự thật và hòa bình. Trận chiến này hoành hành trong chúng ta và tất cả mọi người”.
Cậu bé suy nghĩ một lúc rồi hỏi:
- Con sói nào sẽ thắng ạ?
Ông lão trả lời:
- Là con sói mà cháu cho nó ăn.
Mạng xã hội là ảo, tổn thương là thật. Nghệ sỹ cũng là con người, cũng có lúc đúng lúc sai, lúc “Giận quá mất khôn”, hoặc bị đẩy đến đường cùng, ăn miếng trả miếng. Thậm chí có những người trở nên trầm cảm, tự kỉ, dẫn đến tự kết liễu cuộc đời như diễn viên Sulli, Go Hara… của Hàn Quốc.
Những bốc đồng phút chốc, những sự ghét bỏ theo phong trào trong lúc rảnh rỗi của ai đó có thể là những vết xước khó lành trong tâm trí người khác.
Và không có lí do gì để biện hộ cho sự tàn nhẫn.