• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cha đẻ của Bluezone, thí sinh từng thất bại 'Đường lên đỉnh Olympia'

Thí sinh từng thất bại trong “Đường lên đỉnh Olympia“ tạo ra Bluezone, là Trưởng phòng...

Tuy nhà nhà đều dùng ứng dụng Bluezone nhưng ít ai biết người đứng đằng sau "app quốc dân" này lại là chàng trai chưa đến 30 tuổi.

10 năm trước, anh chàng cũng từng tham gia thi
ava-1601308452003225748850
10 năm trước, anh chàng cũng từng tham gia thi "Đường lên đỉnh Olympia". 

Duy Khánh xuất hiện trong “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 9 và anh đã có phần thi chẳng mấy thành công khi chỉ giành giải 3 tuần. Thế nhưng, chàng trai thất bại năm đó giờ đây đã trở thành Trưởng phòng cấp cao, phòng An ninh di động, Trung tâm nghiên cứu Mã độc lập thuộc tập đoàn Công nghệ Bkav. Anh chàng cũng là người viết những dòng code đầu tiên cho ứng dụng Bluezone – một trong những ứng dụng góp công lớn trong chiến dịch chống lại dịch COVID-19 của nước nhà.

Để có được thành công hiện tại, Duy Khánh nỗ lực không ít. Anh chia sẻ, “Đường lên đỉnh Olympia” là thất bại đầu đời của anh, từ một “tượng đài sừng sững” trong học tập của trường bỗng chỉ như “hạt cát trong sa mạc”. Nhưng chính thất bại đó lại trở thành động lực để anh hoàn thiện mình hơn trong suốt quãng thời gian sau này, theo Dân Việt.

“Cho đến giờ, mình lại thấy thất bại ấy thật may mắn, giống như một người chị yêu quý từng nói: “Thành công là cạm bẫy, thất bại là món quà””, Khánh chia sẻ.

Võ Duy Khánh, Trưởng phòng cấp cao An ninh di động, một trong những người tạo ra ứng dụng Bluezone. Ảnh chụp màn hình.
Võ Duy Khánh, Trưởng phòng cấp cao An ninh di động, một trong những người tạo ra ứng dụng Bluezone. Ảnh chụp màn hình.

Rời khỏi hành trình Olympia, Duy Khánh tập trung tối đa cho kỳ thi học sinh giỏi và năm đó, anh là học sinh duy nhất của trường giành được giải ở cả 3 môn Toán, Hoá, Tin. Anh cũng xếp loại xuất sắc cho năm học cuối cấp. 

Tốt nghiệp THPT, Duy Khánh cùng lúc đỗ vào hai trường đại học top đầu cả nước: Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Y Hà Nội (ngành Y Đa khoa Hệ ngoài ngân sách). Từ chối mọi lời khuyên nhủ của gia đình, thầy cô và bạn bè, Khánh quyết định theo học trường Đại học Bách khoa vì sở thích lập trình.

 Ảnh: FBNV
 Ảnh: FBNV

Ngay khi mới là sinh viên năm 2, Duy Khánh đã được nhận thực tập ở Tập đoàn Công nghệ Bkav. Học tập và rèn luyện một cách nghiêm túc, anh đã có được vị trí như hiện tại.

“Mình cũng gặp phải nhiều khó khăn như mọi sinh viên khác. Tuy nhiên, tư duy của một lập trình viên đã giúp mình giải quyết các vấn đề theo những dòng code. Đó là tìm ra bản chất của vấn đề, chia nhỏ vấn đề, xử lý từ chính bản chất của vấn đề.

Giống như thi “Đường lên đỉnh Olympia”, ai cũng muốn giành giải Nhất nhưng ép buộc mình phải nhất sẽ tạo ra áp lực. Một năm có 144 người thi thì chỉ có một quán quân duy nhất, những người thất bại như mình rất nhiều. Và mình luôn thấy, mỗi người đều có giá trị riêng, chỉ là họ có thể tìm ra và cho người khác thấy giá trị đó hay không mà thôi”, Duy Khánh chia sẻ.

 Ảnh: FBNV
 Ảnh: FBNV

Sau gần 10 năm, cậu học trò từng thất bại trong Đường lên đỉnh Olympia đã trở thành Trưởng phòng Cấp cao và là người viết những dòng code đầu tiên cho ứng dụng quốc dân Bluezone. Một hành trình rất dài và khó khăn nhưng là minh chứng cho việc nếu ai thật sự có quyết tâm thì sẽ gặt được trái ngọt.

"Không chỉ Công nghệ thông tin mà tất cả ngành học, một khi bạn đề ra mục tiêu thì phải cố gắng thực hiện được nó, còn không sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Đó là bản chất của cuộc sống.

Mình đã từng không nghe theo mọi người học Y để theo đuổi thứ mình thích. Hiện nay các bạn trẻ đã thay đổi rất nhiều trong suy nghĩ và mình thấy được đôi chút bản thân trong đó. Tuy nhiên, bất cứ ngành học nào các bạn cũng nên chọn thứ mình thích và làm thật tốt thứ mình có".

Ảnh: FBNV
Ảnh: FBNV

11 năm qua, sự thay đổi mạnh mẽ nhất của Khánh không phải là vị trí trong công việc hay số tiền tiết kiệm, mà là sự thay đổi trong suy nghĩ. Anh chàng từng muốn làm việc cật lực, kiếm tiền mua nhà, mua xe… Nhưng rồi những biến cố xảy ra khiến anh ngẫm ra nhiều điều hơn.

“Tại sao hồi nhỏ chúng ta hay được bố mẹ hỏi rằng: “Con có được phiếu bé ngoan không, có được giấy khen không?” mà rất ít khi được hỏi là: “Con học được gì? Con biết giải bài toán theo bao nhiêu cách?”. Khi đi làm cũng vậy, ta thường được hỏi là đang làm gì, lương bao nhiêu, khi nào mua xe, làm nhà, lấy vợ… mà rất ít khi được hỏi là “Có hạnh phúc không?”. Sắm nhà, tậu xe có lẽ là mục tiêu 10 năm trước của mình. Còn giờ đây, mình chỉ mong mang lại giá trị cuộc sống và tinh thần cho nhiều người”, Khánh chia sẻ.

Ảnh: FBNV
Ảnh: FBNV

Cùng với niềm đam mê lập trình, Duy Khánh có sở thích đi du lịch, chụp ảnh. Khó có thể tìm thấy điểm chung ở một trưởng phòng cấp cao An ninh mạng với một chàng trai tóc xù, phong cách bụi bặm, mê trải nghiệm trên những cung đường. Nhưng Duy Khánh chính là như vậy. Anh khi làm việc thì rất nghiêm túc nhưng trong những lần du lịch bụi lại rất phóng khoáng. Khánh thích đi, thích chụp ảnh và quay thật nhiều cảnh đẹp để đem về cho bố mẹ, cô, dì, chú, bác và cả những người không có nhiều cơ hội đi xa được nhìn ngắm.

Và nếu may mắn, Duy Khánh mong những hình ảnh, video của mình sẽ giúp Việt Nam được biết đến nhiều hơn. “Đừng chết mà bị lãng quên” là cuộc sống mà Duy Khánh theo đuổi.

(Tổng hợp)

AN LY

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật