Nửa đêm 10/11 theo giờ Việt Nam, các hạng mục đề cử chính thức của Grammy 2024 - giải thưởng âm nhạc cao quý nhất hành tinh được công bố. Đặc biệt, album Gieo của nhóm nhạc Ngọt được nhận đề cử cho Best Boxset or Special Limited Edition Package - Hạng mục Thiết kế ấn phẩm đặc biệt.
Đề cử được trao cho Giám đốc sáng tạo kiêm nhà thiết kế Duy Đào - chỉ đạo nghệ thuật và thiết kế cho album.
Kết quả này nhanh chóng trở thành sự kiện đáng chú ý, không chỉ với giới thiết kế hay âm nhạc mà còn khiến cộng đồng mạng xôn xao. Bởi lẽ đây được xem là lần đầu tiên Việt Nam có đại diện nhận đề cử ở hạng mục này.
Với cư dân mạng, Duy Đào có thể là một cái tên chưa quen thuộc nhưng thực tế, trước khi được biết đến rộng rãi cùng với đề cử Grammy 2024, anh đã có tiếng tăm trong lĩnh vực thiết kế.
Nếu phải “flex” về bản thân, có lẽ Duy sẽ cần kha khá thời gian mới có thể kể hết những giải thưởng đã đạt được. Anh cũng có cơ hội làm việc với các khách hàng uy tín và dự án thiết kế nổi tiếng của Google, Facebook, Pinterest, Twitter, Logitech, Oppo, Apple Music,... tạo được uy tín nhờ cung cấp các giải pháp sáng tạo đặc biệt. Trong nước, anh cũng là người lãnh đạo dự án thay đổi nhận diện Vinamilk hồi đầu năm.
Đào Đức Duy
- Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội.
- Tốt nghiệp Cử nhân Mỹ thuật tại Art Center College of Design - trường ĐH tư thục ở California (USA).
- Hiện đang làm việc ở cả Mỹ và Việt Nam.
- Sáng lập Studio DUY.
- Từng làm việc với nhiều thương hiệu toàn cầu: Google, Facebook, Pinterest, Twitter, Oppo, Apple Music,, Logitech, Spotify, Bảo tàng đương đại The Broad (USA) và Bảo tàng Nghệ thuật thành phố Los Angeles (USA),...
- Tác phẩm được xuất bản và nhận nhiều giải thưởng uy tín thế giới trong lĩnh vực thiết kế: 3 lần đoạt giải thưởng của Art Director Club (Hiệp hội Nghệ thuật), 2 lần đoạt giải thưởng International Design Award (Thiết kế Quốc tế Toàn cầu), 4 lần đoạt giải thưởng của Type Director Club (Hiệp hội Thiết kế Nghệ thuật Chữ), và 2 lần đoạt giải Adobe Achievement Award (Giải thưởng Thành Tựu Adobe),...
Cùng trò chuyện để hiểu rõ hơn về con đường đến với đề cử Grammy 2024 và quan điểm làm nghề của Duy Đào!
Oẳn tù tì với Thắng (Ngọt) để chốt deadline thiết kế
Chúc mừng Duy và ekip! Có lẽ bây giờ nhớ lại khoảnh khắc hạnh phúc khi biết mình được đề cử Grammy 2024, cảm xúc của Duy vẫn còn nguyên?
Lúc có kết quả là nửa đêm, có bà, mẹ và vợ ngồi chờ xem bên cạnh nhưng tôi đã chạy mấy vòng trong phòng. Hâm thật! Sau đó tôi gọi cho mọi người trong ban nhạc và ekip thiết kế dự án để chia “ngọt”.
Thực ra tôi hay ở trong tình trạng sắp xúc động. Từ lúc chưa biết được đề cử tôi đã có rất nhiều cảm xúc. Buổi sáng hôm đó, mới chỉ biết là đến đêm sẽ có kết quả, tôi ngồi ngẩn tò te một mình trong phòng, nghĩ về công sức của mọi người và bản thân rồi nhìn vào tường rơm rớm nước mắt.
Trong quá trình làm việc, lúc mới nghe mấy bản thu đầu của Ngọt gửi để tôi và team sáng tác, tôi đã xúc động. Đến khi thiết kế rồi sản xuất cùng mọi người, thấy ai nấy đều cố gắng hết mình, tôi cũng xúc động, vui và tự hào.
Thông báo chính thức về các đề cử cho hạng mục Thiết kế ấn phẩm đặc biệt ở Grammy 2024 |
Nhắc đến quá trình làm việc, cơ duyên hợp tác của bạn và Ngọt từ đầu như thế nào?
Tôi và 2 thành viên khác của Ngọt (cụ thể là Thắng và Nam Anh) lớn lên cùng 1 tuyến phố nhưng phải mất hơn 20 năm, chúng tôi mới có duyên gặp nhau. Lần đầu tiên, tôi giúp nhóm làm tựa đề cho MV Mấy Khi rồi làm tiếp album 4 và duy trì mối quan hệ vừa hợp tác và được làm bạn nhau từ lúc đó.
Mặc dù tự nhận không phải fan cứng của Ngọt như nhiều các bạn trẻ khác nhưng tôi luôn tự hào về Ngọt và những gì các bạn làm được. Tôi tôn trọng các giá trị của người Việt và muốn đóng góp phần nào để giúp sức nhau. Vì vậy tôi cũng kéo rất nhiều người khác trong team là fan cứng hơn mình để làm cùng nhau.
Những ý tưởng thiết kế đầu tiên của album Gieo bắt đầu thành hình ra sao?
Đầu tiên là sự chỉn chu mà ban nhạc muốn tạo ra ở các khía cạnh ngoài âm nhạc cho sản phẩm của mình. Sau đó là phong cách âm nhạc của album (psychedelic rock - nhạc rock ảo giác), năng lượng cũng như màu sắc tích cực của ban nhạc nói chung và từng thành viên nói riêng.
Với tôi, thiết kế nào cũng phải có mục đích, từ lâu nay việc mua và sở hữu album đĩa CD vật lý không còn là để nghe nhạc nữa. Người ta tìm đến album vật lý vì mong muốn có thêm các cảm xúc nên tôi coi giá trị của chúng như là các tác phẩm điêu khắc, việc tương tác với chúng như là lễ hội. Và mối quan hệ giữa nhạc - người - vật nên là sự gắn kết chặt chẽ, để chúng có thể nhớ về nhau và đối thoại với nhau trong khoảng thời gian sống cùng nhau.
Tổng hoà những điều này, ý tưởng thiết kế của album Gieo là tôi muốn có một lễ hội được gieo kín trong chiếc hộp thời gian. Trái với ngoại hình giản dị, bên trong đó là lễ hội màu sắc đầy năng lượng, nơi mà những cảm xúc được hữu hình hóa, những lời nhắn nhủ được gửi gắm tới tương lai. Nó cũng là cánh cổng để mời người nghe đến với những điều thú vị trong thế giới Gieo của Ngọt, nơi mà màu sắc, âm nhạc và cảm xúc mang đậm chất psychedelic của những thập kỉ trước được tái diễn.
Gieo ra đời trong khoảng thời gian Ngọt đang tạm ngừng hoạt động và xã hội đang dần trở lại trạng thái "bình thường mới" sau Covid 19. Vì vậy tôi và mọi người mong muốn tạo ra một sản phẩm lạc quan, vui tươi, gợi lên không khí lễ hội. Tên album Gieo cũng do tôi đặt, bắt nguồn từ ý tưởng rằng mọi sáng tạo là kết quả của quá trình tích lũy, giống như vòng đời của hạt giống. Những hạt giống này được gieo trồng một cách ẩn dụ trong chiếc hộp thời gian, có nhiều gửi gắm đến tương lai.
Ý tưởng thiết kế của album Gieo là một lễ hội được gieo kín trong chiếc hộp thời gian |
Cái khó nhất khi làm album Gieo là gì? Có kỷ niệm nào đặc biệt mà bạn muốn kể với mọi người không?
Không hẳn là khó nhưng cũng là một cái vướng. Thắng bảo phải ra album sớm tại fan đòi “nợ” còn tôi thích có thêm thời gian làm để chỉn chu trong suy nghĩ. Cuối cùng chúng tôi… oẳn tù tì rồi chọn một ngày deadline ở giữa để phù hợp với cả hai bên.
Còn kỷ niệm thì có những cái khá hâm. Lần chụp ảnh nhóm, khó khăn lắm mới sắp xếp được một buổi thì 3/4 thành viên cùng sốt cao. Mọi người vẫn cố gắng lết đến chụp nhưng chỉ chụp được vài kiểu thì sập luôn tại phòng chụp nên mới có bộ ảnh “Thắng nằm sập”. Một lần khác tôi cố tình cài người của mình ở buổi chụp ảnh quảng cáo của nhóm để có được những khoảnh khắc họ ở ngoài.
Duy Đào (đội mũ đen) cùng với Ngọt |
Khi thiết kế, Duy có hình dung Gieo sẽ đạt kết quả đặc biệt nào đó không?
Tiêu chuẩn cá nhân của tôi luôn cao nên nếu nói là không hình dung thì không đúng. Tôi làm thiết kế cho nhiều chủ đề và đối tượng, nói về sản phẩm âm nhạc thì tiêu chuẩn cao nhất là Grammy. Đấy là tiêu chuẩn mà tôi hướng tới, không phải vì muốn được đề cử thì mới cố gắng làm tốt.
Với người từng đạt nhiều giải thưởng như Duy, cảm giác khi có thêm một cột mốc mới là đề cử Grammy có khác gì so với khi đạt những thành tựu đầu tiên không?
Tôi nghĩ là vẫn thế, không có sự thay đổi nhiều. Tôi luôn biết khả năng, tiêu chuẩn của mình và những đội ngũ làm cùng, khi đạt giải thì được nhiều người khác biết thêm. Nhưng với tôi thì dự án tiếp theo sẽ luôn là hay nhất dù bây giờ chưa biết đó là gì.
Sở thích chỉ làm mình vui, đam mê mới khiến mình thay đổi cuộc sống của người khác
Quay lại câu chuyện của bản thân Duy, bạn bắt đầu hành trình của một nhà thiết kế và giám đốc sáng tạo như thế nào?
Bản thân tôi tự nhận là designer, art director nhưng tôi cũng không phải là người làm công việc đấy giỏi nhất ở gia đình mình. Người giỏi hơn là ông nội tôi, NSND Đào Đức - chỉ đạo mỹ thuật/ họa sĩ thiết kế đầu tiên và xuất sắc của xưởng phim Việt Nam. Tôi có chút nghệ sĩ nhưng cũng không phải là người “nghệ” nhất trong nhà. Người đó là bố tôi, hoạ sĩ Việt Nam có tầm ảnh hưởng lớn - Đào Hải Phong, sẽ luôn nghệ hơn tôi. Tôi chỉ may mắn được thừa hưởng nhiều giá trị và đang cố gắng giữ gìn các truyền thống của gia đình để cũng giống như ông và bố, giúp phát triển và lưu truyền văn hoá và sáng tạo của người Việt.
Được sự hậu thuẫn từ gia đình rất quan trọng, nhưng phải làm thế nào nếu mình không thích điều mà gia đình hướng cho? Quan trọng hơn là làm sao để tìm được cái mình thích rồi biến nó thành công việc kiếm ra tiền, đạt được những thành tựu?
Ai cũng có nhiều sở thích nhưng tôi nghĩ nếu chỉ làm những việc trong sở thích thì khó để thành nghề và thành công được. Tôi tin rằng với bất kỳ nghề gì, đặc biệt là những nghề “được ăn cả ngã về không” như nghệ thuật, thể thao, âm nhạc,... cần “nâng cấp” 1 trong những sở thích đấy để trở thành đam mê.
Khi thích một cái gì đó, bạn chỉ thay đổi được cuộc sống của bạn, ví dụ tôi thích tự học đánh đàn guitar thì cuộc sống của tôi có thêm màu sắc âm nhạc. Nhưng khi bạn đam mê cái gì đó, bạn sẽ có cơ hội thay đổi được cuộc sống của những người xung quanh. Đam mê là vừa thích vừa say mê với việc mình làm. Và khi say mê với việc mình đang làm mỗi ngày thì chắc chắn bạn sẽ phát triển được khả năng đó, thực dụng hơn nữa là kiếm tiền được. Quan trọng nhất là không được nhầm sở thích với đam mê, dễ nhầm lắm nha!
Với nhiều người, việc tìm ra một thứ gì đó không quan trọng bằng việc giữ nó. Chẳng hạn bạn tìm ra công việc rồi nhưng làm sao để duy trì cảm hứng với nó đây?
Theo góc nhìn cá nhân, tôi nghĩ cảm hứng luôn đi cùng với ước mơ của con người và dòng chảy của cuộc sống. Vậy nên cảm hứng cho công việc của tôi được tìm thấy ở những nơi có nhiều ước mơ con người và cuộc sống, ở bên ngoài phạm vi ngành nghề hay công việc của mình.
Ngành thiết kế là nơi tôi học và trau dồi nhiều kiến thức chuyên môn, không phải là nơi tìm cảm hứng hay động lực. Với tôi, những nơi dồi dào cảm hứng hơn là thể thao, nghệ thuật, thiên nhiên, khoa học, âm nhạc và đời sống xung quanh. Những nơi này đều chứa đầy ước mơ của con người cũng như có nhiều màu của cuộc sống.
Nói vậy có nghĩa là cần có nhiều trải nghiệm sống thì mới tạo nên những thứ đi vào lòng người?
Dù bạn là ai hay làm nghề gì thì cũng luôn cần có vốn sống tốt để tiếp cận được với những người xung quanh. Với nghề thiết kế hay sáng tạo điều này càng cần thiết hơn. Cuộc sống luôn tự kể câu chuyện hay cho những người thú vị để họ kể lại câu chuyện đó cho các khán giả của mình.
Trong thực tế, tác phẩm nào khi đến với khán giả cũng có nguy cơ đối mặt với ý kiến trái chiều. Quan điểm của Duy về chuyện này thế nào?
Nhiều người thường phủ nhận ngay một giá trị nghệ thuật/ văn hoá nếu họ không thích. Nhưng tất cả mọi thứ đều có giá trị nếu đúng thời điểm và đúng chỗ. Trong mỹ thuật có 1 câu nôm na là “không có màu nào xấu, chỉ là tô chúng ở đâu để nó đẹp”. Cực đoan hơn thì có câu của Rick Rubin - producer tài ba nhất của thế kỉ 20, “The audience comes last. The audience doesn't know what they want. The audience only knows what's come before” (Tạm dịch: Khán giả đến cuối. Khán giả không biết họ muốn gì. Khán giả chỉ biết những thứ đã đến rồi).
Người ta thường thấy 2 kiểu người làm sáng tạo nghệ thuật phổ biến là được đào tạo bài bản ở trường lớp và làm nghề theo bản năng. Duy ấn tượng với kiểu nào hơn?
Người làm sáng tạo nghệ thuật không thể thiếu cả hai, chỉ là cái nào trội hơn trong cách làm việc của người đó thôi. Những người bản năng nhất tôi biết đều có kiến thức bài bản rất vững, chỉ là họ không thể hiện nó 1 cách cụ thể. Và ngược lại những người bài bản nhất tôi làm cùng lại luôn đưa ra quyết định quan trọng bằng bản năng. Quan trọng là bạn tin vào góc nhìn của bản thân.
Sự chai lì cảm xúc khi làm nghề lâu có lẽ là lo lắng của nhiều người làm sáng tạo. Duy có không? Và bạn làm cách nào để giải quyết?
Thực ra tôi còn khá trẻ, để trả lời được câu hỏi này có lẽ phải cần mấy chục năm nữa. Nhưng để dự đoán thì tôi nghĩ, khi cảm hứng và động lực được lấy từ những nơi dồi dào cả về cảm xúc lẫn kiến thức đã nói ở trên thì việc chai lì cảm xúc chưa chắc đã là bài toán khó vượt qua. Với tôi, thứ đáng quý và cảm xúc nhất luôn là ước mơ của con người và dòng chảy của cuộc sống. Hai điều đó luôn vô tận cho cảm hứng lẫn động lực của mỗi cá nhân.
Trong cả công việc lẫn cuộc sống, deadline đáng sợ nhất Duy từng trải nghiệm là gì?
Deadline thiết kế thiệp cưới của tôi năm ngoái. *cười*
Cảm ơn Duy vì những chia sẻ này!