Cố nhạc sĩ Phó Đức Phương là một trong những nhạc sĩ tài năng của nền âm nhạc Việt. Các ca khúc của ông đều thể hiện tình yêu non sông đất nước con người với màu sắc đa dạng, có nét cuốn hút riêng. Âm nhạc Phó Đức Phương vừa giàu bản sắc dân gian vừa chứa đựng chất hàn lâm cổ điển.
Đã nhiều thập kỷ trôi qua những những sáng tác của ông vẫn được nhiều thế hệ đón nhận và ghi nhớ, trong đó phải kể đến Hồ trên núi, Trên đỉnh Phù Vân, Huyền thoại hồ núi Cốc...
Hồ trên núi
Nhạc sĩ Phó Đức Phương đã sáng tác ca khúc Hồ trên núi dựa vào cảm hứng từ hồ Cấm Sơn ở Bắc Giang. Với ca từ giản dị được chuyển tải qua âm hưởng dân ca quan họ, Hồ trên núi đã trở thành bài ca đi cùng năm tháng được nhiều thế hệ ca sĩ, người yêu nhạc yêu thích.
Bài hát được nhạc sĩ sáng tác năm 1971 cho bộ phim tài liệu nghệ thuật Sông nước quê hương của đạo diễn Khánh Dư. Thời điểm này ông cùng đoàn phim lên Lục Ngạn (Bắc Giang) thăm một số công trình thủy lợi, trong đó có hồ Cấm Sơn. Trong khoảnh khắc đang đi trên thuyền ông đã có cảm hứng để sáng tác bài hát này.
Hồ Cấm Sơn mang sự quyến rũ riêng, khoảnh khắc được chiêm ngưỡng nó đã thẩm thấu vào lòng nhạc sĩ tạo ra tác phẩm ghi dấu ấn trong lòng khán giả suốt nhiều năm qua. Có người nói bài hát mang âm hưởng dân ca Tày, Nùng nhưng cũng có người cảm nhận có nhiều nét dân ca quan họ.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương từng chia sẻ: "Quê ngoại ở Bắc Ninh nên khung cảnh êm đềm của làng quê, câu ca quan họ vùng Kinh Bắc tạo cảm xúc cho tôi viết những bài hát mang đậm chất dân ca như: Trên quê hương quan họ, Huyền thoại hồ Núi Cốc, Một thoáng Tây hồ, Về quê, Hồ trên núi…".
Trên đỉnh Phù Vân
Trên đỉnh Phù Vân - một trong những sáng tác được yêu mến nhất trong kho tàng ca khúc của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Tác phẩm được viết theo đơn đặt hàng của đạo diễn Lê Hùng và tác giả Nguyễn Khắc Phục cho vở kịch Yêu trên đỉnh Phù Vân của Đoàn kịch Hải Phòng khoảng năm 1995.
Với âm hưởng dân gian đương đại cùng những tiết tấu nhanh, chậm cùng giai điệu và ca từ ma mị, ca khúc gây dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả. Đặc biệt với thông điệp về khát vọng tình yêu được viết theo âm hưởng dân gian đương đại với tiết tấu nhanh, chậm đan xen là điều khiến ai cũng phải thừa nhận rằng thực sự khó quên.
Năm 1996, lần đầu tiên Mỹ Linh trình bày ca khúc này và nhanh chóng nhận được sự yêu mến của khán giả. Thời điểm lựa chọn bài hát, nhiều người cho rằng Mỹ Linh quá liều lĩnh bởi với một giọng ca nhẹ âm hưởng dân gian đương đại, cùng những thanh âm lên xuống liên tục chưa khi nào dễ dàng. Thế nhưng trái với suy nghĩ của mọi người, cô lại thể hiện rất tốt, thậm chí Phó Đức Phương còn dành lời khen ngợi cô là người thể hiện đúng và hay nhất tinh thần bài hát.
Cho đến thời điểm này, phiên bản đầu tiên của Mỹ Linh vẫn còn được liên tục nhắc tới. Ca khúc Trên đỉnh Phù Vân dù đã 2 thập kỷ trôi qua vẫn mang lại cảm xúc vẹn nguyên như thuở ban đầu.
Tháng 12/2016, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã tổ chức một liveshow đầu tiên và duy nhất mang tên “Trên đỉnh Phù Vân”. Liveshow “Trên đỉnh Phù Vân” khắc họa con đường nghệ thuật 50 năm của nhạc sĩ với nhiều tác phẩm nổi tiếng và ông đã lựa chọn tên của ca khúc này cho liveshow của mình như một cột mốc đáng nhớ. Hơn 20 bài hát của ông đã được vang lên qua giọng hát của Thanh Lam, Tùng Dương, Tấn Minh, nhóm Năm dòng kẻ, nhóm M4U, Bằng Kiều, Thu Phương, nhóm Việt Bắc, nhóm Tứ Tử...
Chảy đi sông ơi
Tác phẩm được Phó Đức Phương sáng tác vào năm 1997 khi đạo diễn Trọng Khôi đặt hàng ông viết nhạc cho vở kịch Thuyền lá (kịch bản Chu Thơm) của Nhà hát Kịch Việt Nam. Đối với Phó Đức phương đây cũng là một bản tình ca dữ dội nhất, những người yêu nhau không đến được với nhau, người đó nghĩ đến việc tự tử nhưng khi đứng trước dòng sông, mọi đau khổ chợt tan biến.
"Có thể coi đó những bản tình ca dữ dội nhất mà tôi từng viết, nó không nhất thiết phải là "anh yêu em" hay chia tay, bi lụy. Mà sự thất tình đó gai góc đến kinh khủng, tôi tưởng chừng như chẳng thế vượt qua được.
Như trong bài Chảy đi sông ơi, tôi lúc đó thất tình đến mức chỉ muốn ra sông để tự tử. Nhưng trong lúc chạy từ triền đê xuống đến bờ sông, sự bao dung, độ lượng và hiền hòa của dòng sông khiến tôi từ bỏ ý định tự tử trước đó. Còn Trên đỉnh phù vân, nó cũng là cảm xúc khi thất tình, muốn bỏ lên núi để quên đời vậy. Tôi không giống với nhiều người hay viết về một người phụ nữ nào đó, bởi tôi không tin vào những cảm xúc bất chợt. Hôm nay yêu đấy nhưng mai biết thế nào được" - ông từng chia sẻ.
Nhạc sĩ kết hợp âm nhạc dân gian và tiết tấu hiện đại tạo cảm giác gần gũi với công chúng. Ca khúc được Việt Hoàn, Ngọc Tân, Quang Lý và nhiều ca sĩ thể hiện.
Huyền thoại hồ núi Cốc
Hồ Núi Cốc còn là chốn hẹn hò cho các cặp đôi vì gắn liền với nhiều câu chuyện tình yêu bất diệt. Nổi tiếng nhất chính là câu chuyện của chàng Cốc và nàng Công - đôi trai gái đã trở thành biểu tượng tình yêu, linh hồn của hồ Núi Cốc. Chuyện tình yêu đẹp mà bi thảm đó đã trở thành nguồn cảm hứng và đi vào ca khúc Huyền thoại hồ Núi Cốc của nhạc sĩ Phó Đức Phương.
Ca từ da diết: "Một người đau nước mắt thành sông. Một người chờ, chờ hóa núi. Ơi chàng trai ơi ngọn núi biếc. Ơi cô gái ơi dòng sông sâu" như đang gợi nhắc về những nỗi đau, sự gắn bó mãi không rời.
Huyền thoại Hồ Núi Cốc của nhạc sĩ Phó Đức Phương với những câu hát mượt mà, tha thiết sẽ mang lại sự tình tứ, nhiều xúc cảm đặc biệt không chỉ về tình yêu đôi lứa mà còn là tình yêu với non sông với vùng miền của Tổ quốc. Từng câu hát giàu hình tượng, kết hợp dân ca quan họ Bắc Ninh tạo cảm giác người nghe như đang ngồi trên thuyền, xuôi theo nhịp chèo trên mặt hồ lộng gió.