• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phim “Bố già” phá kỷ lục 300 tỷ, Trấn Thành: “Tôi làm phim, tôi cần tiền!”

Chiến thắng của “Bố Già” một lần nữa đưa vấn đề cân bằng giữa tính nghệ thuật và...

Phim điện ảnh “Bố Già” của Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng vừa lập kỷ lục phim ăn khách nhất lịch sử điện ảnh Việt với hơn 300 tỷ doanh thu. Chiến thắng của “Bố Già” một lần nữa đưa vấn đề cân bằng giữa tính nghệ thuật và doanh thu của phim ảnh vào tâm điểm dư luận.

“Tôi làm phim, tôi cần tiền!”

Ngay từ khi vừa ra mắt, những kỷ lục liên tiếp được mang về cùng con số ấn tượng: 300 tỷ của “Bố Già” ngay lập tức làm dậy sóng những cuộc tranh luận bất tận về bộ phim. Một bộ phim không có quá nhiều giá trị nghệ thuật, chỉ với một đề tài và một câu chuyện đời thường, một cách kể chuyện thời thượng, cùng một chiến lược truyền thông bài bản, đã phã vỡ mọi kỉ lục doanh thu ngay tại các phòng vé nội địa.

Cảnh trong phim
Cảnh trong phim "Bố già" (Ảnh: internet).

Bên cạnh rất nhiều những lời khen ngợi, một bộ phận những người yêu điện ảnh cho rằng, sự lan tỏa và thành công quá lớn của một bộ phim nặng về thương mại, ít giá trị điện ảnh và yếu tố sáng tạo như “Bố Già” sẽ khiến điện ảnh Việt Nam trở nên dễ dãi, thẩm mỹ khán giả sẽ bị kéo lùi lại. Cộng thêm bộ phim có quá nhiều những yếu tố “câu khách” được tính toán rõ rệt như những câu thoại rất “trending”, những trào lưu mới của giới trẻ được cài cắm dày đặc… khiến cho bộ phim trở nên mang nặng tính dàn xếp và tính toán.

Khoảng hai năm về trước, phong trào “giải cứu phim” trở thành một trong những câu chuyện ồn ào nhất trong giới làm điện ảnh và trên mạng xã hội. Hàng loạt các bộ phim gắn mác “phim nghệ thuật”, được chăm chút kĩ lưỡng nhưng rồi vẫn ế ẩm và “đắp chiếu” khi ra rạp, như “Song Lang”, “Thưa mẹ con đi”, “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi”…

Các nhà làm phim liên tục đưa ra hàng loạt lý do để lý giải cho việc phim của họ bị “thất thu” ngay trên “sân nhà”: Khán giả chưa đủ hiểu về nghệ thuật để thấy được cái hay của phim, sự đối đầu không cân sức với các “phim bom tấn” từ Hollywood, kinh phí truyền thông và quảng cáo hạn chế, v.v…

Poster phim
Poster phim "Bố già" (Ảnh: internet).

Nhưng rồi, giữa hàng loạt lý do, phim vẫn thất bại và nhanh chóng “out” khỏi rạp. Đoàn làm phim lỗ vốn, bộ phim rơi vào quên lãng.

Câu chuyện về “nghệ thuật” và “tiền bạc” có vẻ “xưa như trái đất” nhưng lại luôn tồn tại ngay trước mắt, và ngày càng trở thành vấn đề “sống còn” khi mà khán giả ngày càng có nhiều lựa chọn hơn, họ có quyền quyết định trả tiền cho sản phẩm mà họ cảm thấy hấp dẫn. Nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm từng có nhận định: “Lý tưởng nhất cho điện ảnh, là phim thương mại mà vẫn có giá trị nghệ thuật, còn phim nghệ thuật vẫn hấp dẫn về mặt giải trí”.

Có nhiều khi, người làm phim mải mê với nghệ thuật, với “cái tôi” cá nhân mà quên mất mình làm phim cho ai? Ai là người trả tiền để xem phim? Vì rõ ràng, khi một bộ phim được mang ra rạp, trừ khi được tài trợ hoàn toàn về kinh phí, còn để bán vé, phim cần đồng hành với cuộc chơi của thị trường, của người xem. Như trong một lần giới thiệu phim “Bố Già” tại một cụm rạp, diễn viên Trấn Thành đã thẳng thắn chia sẻ: “Nói doanh thu mà không thích, không muốn là xạo nha quý vị. Tôi làm phim, tôi cần tiền!”.

Cân bằng thế nào?

Tất nhiên, sẽ rất khó để so sánh câu chuyện doanh thu giữa hai dòng phim vốn có những mục tiêu và cộng đồng khán giả khác nhau. Tuy nhiên, nếu cứ ỷ lại với quan điểm rằng dòng phim nghệ thuật là kén khán giả và khó bán vé, để khư khư cuộc chơi chủ quan của chính mình, phục vụ cái tôi cá nhân thì liệu phim nghệ thuật Việt có thể đi xa đến đâu?

Tạo hình nhân vật ông Ba Sang do chính Trấn Thành thủ vai (Ảnh: internet).
Tạo hình nhân vật ông Ba Sang do chính Trấn Thành thủ vai (Ảnh: internet).

Thực tế là bất cứ một nền điện ảnh nào cũng phân ra thành các dòng phim khác nhau, đó là: phim thương mại, phim nghệ thuật/độc lập, và một phần nhỏ của phim nhà nước. Sự phát triển cân bằng của tất cả các dòng phim là những điều kiện cần thiết để phát triển bền vững cho nền điện ảnh của một quốc gia. Sự cạnh tranh của đa dạng các thể loại phim cũng tạo ra một thị trường sôi động và nhiều tính cạnh tranh hơn cho các nhà làm phim.

Nhìn lại dòng chảy của điện ảnh, từ những kinh đô điện ảnh lớn nhất thế giới như Hollywood, Trung Quốc, Pháp, Hàn Quốc… chúng ta luôn có những tác phẩm điện ảnh mang đậm tính nghệ thuật nhưng vẫn không hề thiếu đi sự hấp dẫn về thị hiếu, như những bộ phim của Quentin Tarantino, Christopher Nolan, Trương Nghệ Mưu, Vương Gia Vệ, hay mới đây nhất là chiến thắng của “Parasite” của Bong Joon Ho tại Oscar 2020, là những minh chứng rõ ràng về sự thành công của những bộ phim nghệ thuật nhưng vẫn đầy đủ tính hấp dẫn tại phòng vé.

Hay ngay tại nội địa, chúng ta có “Ròm”, “Mắt biếc”, “Hai Phượng”, hay “Tiệc trăng máu”… là những thành công bước đầu, minh chứng cho những sự kết hợp giữa nghệ thuật và thương mại. Tất nhiên, để cân bằng một cách vừa phải để thu hút được cả khán giả yêu điện ảnh nghệ thuật hàn lâm và khán giả bình dân phổ quát thì còn là một con đường học hỏi và sáng tạo rất xa, nhưng rõ ràng, đó là một hướng đi đúng đắn và đáng để nghiên cứu.

Dàn diễn viên trong phim
Dàn diễn viên trong phim "Bố già" (Ảnh: internet)

Con đường theo đuổi nghệ thuật thực sự luôn khó khăn, nhưng có lẽ, cũng qua rồi thời đại của những “cuộc vui” với điện ảnh một cách hồn nhiên và bảo thủ, một chiều. Với sự bắt tay giữa nội dung, công nghệ và truyền thông, cùng sự tham gia của các nền tảng mạng xã hội, phải chăng các nhà sản xuất nên biết lắng nghe và nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khán giả nhiều hơn? Và để làm được điều này, rõ ràng mỗi người làm phim cần có những hướng tư duy mới, cởi mở và bớt định kiến hơn, biết lắng nghe nhiều hơn.

Như đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng chia sẻ: “Tôi nghĩ điện ảnh là một nghề, mà nghề thì phải hướng đến chuyên nghiệp, tức là phải sống được bằng nghề, phải thương mại. Khi nền tảng thương mại vững sẽ có đủ rạp, có khán giả, có nhu cầu phát triển đa dạng. Lúc ấy sẽ có nhiều quỹ cho phim độc lập, phim thể nghiệm, phim tác giả… sẽ có nhiều nhu cầu xem những phim khác với phim thương mại. Thực tế thế giới cho thấy khi mà thương mại phát triển nó cũng cần nghệ thuật, còn khi nghệ thuật được nhiều sự đồng cảm, thì cũng sẽ có thương mại”.

Lan Anh

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật