"Nữ thần thanh xuân" sụp đổ hình tượng vì scandal chấn động
Ngày 18/1, vụ việc gây chấn động làng giải trí Hoa ngữ nói riêng và cả đối với làng giải trí châu Á nói chung chính là scandal của Trịnh Sảng và bạn trai cũ Trương Hằng. Cụ thể, Trương Hằng bất ngờ đăng tải bài viết trên Weibo bày tỏ sự bức xúc khi mình bị phỉ báng và chửi rủa suốt thời gian dài nhưng buộc phải im lặng. Trương Hằng cho biết mình không lừa đảo ai, cũng không cho vay nặng lãi đến mức phải trốn ở Mỹ như lời đồn đại.
Trong bài đăng này, Trương Hằng tiết lộ mình phải ở Mỹ là để 'chăm sóc, bảo vệ cho hai sinh mệnh bé nhỏ vô tội'. Nhiều người suy luận rằng trong thời gian yêu Trịnh Sảng anh đã có gia đình, tuy nhiên ngay sau đó Trương Hằng khẳng định hai đứa bé này được sinh nhờ nhờ phương pháp mang thai hộ. Cặp đôi bí mật kết hôn tại Mỹ và sau đã nhờ người mang thai hộ dù vậy cuối cùng họ lại ly hôn và đường ai nấy đi. Phía Trịnh Sảng được cho là không muốn nhận nuôi hai đứa trẻ này, cuối cùng Trương Hằng là người một mình bay qua lại ngữa Mỹ và Trung Quốc để chăm sóc con.
Nữ diễn viên Trịnh Sảng. |
Sau đó, bạn của Trương Hằng đã cung cấp với truyền thông hai văn kiện là giấy khai sinh của hai đứa trẻ này tại Mỹ. Trong bức hình chụp đăng tải một phần văn kiện cho thấy một bé gái được sinh ở bang Nevada vào ngày 4/1/2020, bố là Trương Hằng (Zhang Heng), mẹ là Trịnh Sảng (Zheng Shuang). Trong văn kiện còn lại là giấy khai sinh một bé trai sinh ngày 19/12/2019 tại Colorado. Tên người mẹ vẫn là Trịnh Sảng và bố vẫn là Trương Hằng.
Ngay sau khi sự việc này xảy ra, top hotsearch của Weibo tràn ngập các từ khóa Trịnh Sảng, Trương Hằng, scandal nhờ mang thai hộ rồi rũ bỏ trách nhiệm, cổ phiếu Prada sụt giảm... Đặc biệt một trang Weibo chính thức trong giới chính trị Trung Quốc bất ngờ đăng bài phản đối nạn mang thai hộ trái phép tại Trung Quốc.
Nhiều người cảm thấy bị sốc trước thông tin này bởi Trịnh Sảng vốn được mệnh danh là "nữ thần thanh xuân" được rất nhiều người yêu mến. Chưa hết, sau đó một đoạn ghi âm được bạn của Trương Hằng cung cấp được cho cuộc đối thoại giữa bố mẹ của Trịnh Sảng và bố mẹ của Trương Hằng. Lúc này cả hai bên gia đình đang thảo luận về tương lai của hai đứa bé khi cặp đôi đã đường ai nấy đi. Trong đó, chính Trịnh Sảng đã nói về việc không muốn thừa nhận hai đứa bé và muốn mang đi cho.
Bạn trai Trương Hằng hiện đang ở Mỹ chăm sóc hai con. |
Tối 19/1, tài khoản Weibo của Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đăng bài lên án hành vi của Trịnh Sảng. Cơ quan này cho rằng là người của công chúng nhưng Trịnh Sảng đi ngược lại giá trị đạo đức và coi thường pháp luật.
Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương còn có bài đăng đanh thép và gay gắt nói về Trịnh Sảng: "Việc mang thai hộ và vứt bỏ con cái của Trịnh Sảng là lợi dụng kẽ hở của pháp luật. Mang thai hộ là hành động nghiêm cấm tại Trung Quốc. Việc sử dụng tử cung của phụ nữ như một công cụ sinh sản, mua bán sinh mạng như hàng hóa hoặc thậm chí vứt bỏ chúng theo ý muốn là vi phạm pháp luật, không chỉ gây tổn hại đến sức khỏe của phụ nữ, hiện thực hóa việc bóc lột phụ nữ mà còn chà đạp lên quyền và lợi ích của công dân, làm băng hoại đạo đức con người."
Uỷ ban còn chỉ rõ Trịnh Sảng đã lợi dụng kẽ hở pháp luật Trung Quốc và Mỹ. Nữ diễn viên nhiều lần điên cuồng vướng phải ranh giới của pháp luật, đảo lộn thế giới quan, nhân sinh quan, giá trị đạo đức của công chúng.
Sau 1 ngày dài diễn ra drama với Trương Hằng, Trịnh Sảng đã chính thức phản hồi bằng một bài đăng dài trên Weibo. Nữ diễn viên ngầm xác nhận chuyện có con với tình cũ: "Đây là chuyện riêng vô cùng đau lòng của tôi, vốn không muốn nói nhiều trước mặt mọi người nhưng việc đã đến nước này bị người có ý đồ xấu từng bước từng bước tung ra". Tuy nhiên cô chỉ tập trung vào việc bị tống tiền: "Trong các thủ tục pháp lý của Trung Quốc, chúng tôi đã nhiều lần từ chối tiết lộ hành vi tống tiền về quyền riêng tư. Trong quy trình pháp lý ở Mỹ, tôi cũng dẫn đầu trong việc duy quyền".
Fan hâm mộ đồng loạt "quay lưng" với cô, hàng loạt chỉ trích chĩa mũi dùi về phía cô bởi việc làm của Trịnh Sảng không đơn thuần là vấn đề cá nhân mà là vấn đề đạo đức - một điều mà ở bất kỳ xã hội nào cũng đều đề cao. Cho đến hiện tại Trịnh Sảng vẫn chưa đưa ra bất kỳ lời giải thích nào cho việc nhờ người mang thai hộ cũng như nói về việc từ chối nhận con.
Đến rạng sáng 21/1, Tổng cục Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc (NRTA) chính thức ban hành văn bản cấm sóng trên mọi phương diện đối với Trịnh Sảng. Đây là lần đầu tiên có nghệ sĩ bị Quảng điện cấm trực tiếp, kết thúc sự nghiệp có thể nói là hào quang nhưng sóng gió của nữ diễn viên ở tuổi 30.
"Mang thai hộ không phải là chuyện riêng cá nhân, nó không phù hợp với pháp luật và vi phạm đạo đức xã hội. Trung Quốc nghiêm cấm mọi hình thức mang thai hộ. Việc mang thai hộ rồi bỏ rơi là trái đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục. Vi phạm pháp luật, mang thai ở nước ngoài, có ý định ruồng bỏ, đạo đức của 1 diễn viên như vậy là vô cùng thiếu sót. Bất luận là tác phẩm có chất lượng như thế nào, việc người này thể hiện đạo đức trên truyền hình và trực tuyến đều mang lại điều tiêu cực cho khán giả", bài đăng của NRTA nhấn mạnh.
Những hậu quả mà Trịnh Sảng hứng chịu còn ở phía sau khi cô phải đền bù tổn thất cho nhà sản xuất, đối tác. Các bộ phim, các chương trình bị ảnh hưởng cũng lần lượt lên tiếng, chưa kể là từ một diễn viên yêu thích, Trịnh Sảng trở thành "vết nhơ" đối với ngành giải trí.
Sự tồn tại ngang nhiên của các cơ sở "đẻ thuê chui" tại Trung Quốc
Mang thai hộ là việc một người phụ nữ nhận ủy thác của người khác để sinh con (đẻ thuê) - bào thai và người mang thai hoàn toàn không có quan hệ về di truyền. Việc này đã phá vỡ quan niệm truyền thống về khả năng sinh sản và trật tự sinh sản, kéo theo hàng loạt vấn đề pháp lý, luân lý, đạo đức và các vấn đề xã hội khác, thậm chí hình thành một "ngành công nghiệp đen" tại nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc. Dù là một dịch vụ bất hợp pháp ở Trung Quốc tuy nhiên không thể phủ nhận rằng các cơ sở chui vẫn hoạt động ngang nhiên tại Trung Quốc.
Sự kết hợp giữa tình trạng vô sinh đang gia tăng, cùng với sự nới lỏng của chính sách 1 con tại nước này đã dẫn đến sự bùng nổ thị trường đen mang thai hộ ở Trung Quốc. Các loại hình mang thai hộ vẫn luôn tồn tại, điển hình là dưới dạng những tờ quảng cáo "việc nhẹ lương cao" hấp dẫn xuất hiện đầy rẫy trong các nhà vệ sinh nữ.
Theo một thống kê sơ bộ của Nhật báo Pháp luật, hiện Trung Quốc có hơn 400 cơ sở mang thai hộ hoạt động "chui". Những người được gửi gắm việc mang thai đa phần là những cô sinh viên có ngoại hình ưa nhìn, học vấn cao nhưng thiếu kinh nghiệm như. Sau khi lấy được trứng "tươi", họ sẽ đóng gói, bán lại và thậm chí còn đấu giá.
Thậm chí, Trung Quốc còn là một thị trường sôi động với chi phí trung bình của một "thương vụ" từ 650.000 tệ đến 980.000 tệ. Ước tính, tại Trung Quốc có 8.000 đường dây tổ chức mang thai hộ, đa phần tập trung tại Vũ Hán, Quảng Châu, Bắc Kinh.
Ở Trung Quốc, hoạt động mang thai hộ thường diễn ra lén lút, hoặc người có tiền sẽ sang Mỹ - nơi pháp luật công nhận việc mang thai hộ - để được giúp đỡ. Các bước được tiêu chuẩn hóa bao gồm các bậc cha mẹ tương lai và bà mẹ mang thai hộ sẽ có luật sư hỗ trợ, có đơn vị trung gian để giải quyết các thủ tục và ký hợp đồng. Việc ký kết hợp đồng sẽ nêu rõ trách nhiệm pháp lý của cả hai bên, có thể dài tới vài trăm trang. Phí mang thai hộ hợp pháp trung bình khoảng 200.000 USD.