• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thanh Kim Huệ - người hóa thân nàng Lan huyền thoại của cải lương

Sau hơn 40 năm, Thanh Kim Huệ chứng thực thành công đến với bà không chỉ vì may mắn, khi liên...

Nghệ sĩ cải lương Thanh Kim Huệ qua đời ở tuổi 67, sau thời gian dài điều trị ung thư. Thập niên 1970, Thanh Kim Huệ làm nên cơn sốt trên thị trường băng đĩa với tuồng cải lương Lan và Điệp (soạn giả Loan Thảo). Suốt 50 năm làm nghề, tên tuổi Thanh Kim Huệ luôn gắn chặt với Lan - nhân vật huyền thoại của sân khấu cải lương.

Cuối những năm 1960, soạn giả Loan Thảo viết tuồng Chuyện tình Lan và Điệp dựa trên phiên bản chuyển thể của Trần Hữu Trang. Ông từng muốn giao cho Lệ Thủy, nhưng sau đó đổi ý. Ông tìm một giọng ca mới vào nghề để diễn trọn vẻ ngây thơ, e ấp khi yêu của Lan.

Tình cờ, cô bé Bùi Thị Huệ - lúc đó mới 14 tuổi - vừa ký hợp đồng cho hãng đĩa Việt Nam. Trước đó, cô chỉ kinh qua vài dạng vai nô tỳ, đào hạng ba ở đoàn Kim Chung. Sau một lần nghe Bùi Thị Huệ cất giọng, soạn giả quyết định chọn Thanh Kim Huệ thu chính cho băng cùng Chí Tâm - vai Điệp.

NS Thanh Kim Huệ.
NS Thanh Kim Huệ.

Thanh Kim Huệ diễn trọn vẻ bối rối lẫn thiết tha của một thiếu nữ miền Tây trước mối tình đầu. "Đến lời 'Có vợ rồi nên tử tế với người ta', nghe đờn kìm vang lên, tôi vỡ òa vì khóc thương cho nhân vật", nghệ sĩ hồi tưởng trong một lần phỏng vấn vào tháng 3/2020.

Thanh Kim Huệ lấy bao nước mắt của khán giả nhiều thế hệ khi xuống vọng cổ: "Lá bàng ngoài kia cũng ngập ngừng rơi trong gió/Như nỗi buồn xưa chồng chất giữa tim sầu/... Mái tranh xưa chắc u buồn quạnh quẽ/ Vì người con gái tên Lan không về nữa bao giờ". 

Năm 1974, bà ra đĩa nhạc và càng trở nên nổi tiếng. Bà cho biết, một thời gian dài lưu diễn các tỉnh miền Tây, đi đến đâu, bà và Chí Tâm đều được khán giả đề nghị hát lại các trích đoạn, gọi bằng biệt danh "cô Lan", "anh Điệp".

Thanh Kim Huệ nghiễm nhiên bước vào hàng những giọng ca nữ ăn khách nhất sau năm 1975, các hãng đĩa liên tiếp mời cộng tác. Nghệ sĩ Bạch Tuyết nói: "Cả đời đi hát, tôi thấy chỉ có vài nữ nghệ sĩ có chất giọng 'lạ' như thế. Ngoài Mỹ Châu, Lệ Thủy, người thứ ba là Thanh Kim Huệ". 

Năm 2019, sau khi được nghệ sĩ Gia Bảo thuyết phục, bà mới diễn tuồng này sau hàng chục năm. Lần đầu đóng Lan trên sân khấu, ở tuổi ngoài 60, giọng bà vẫn vang ngân, có lúc lấn lướt bạn diễn Chí Tâm.

Thập niên 1980, bà lần đầu đóng đào lẳng trong tuồng kinh điển Ngao, Sò, Ốc, Hến của đoàn cải lương Sài Gòn 1. Nghệ sĩ nghiên cứu kỹ tích cổ, tự sáng tạo để thể hiện nhân vật khác biệt với nguyên tác. Vai Thị Hến qua nét diễn hội tụ thanh sắc của Thanh Kim Huệ trở nên giàu sức sống.  Trong nhiều phân đoạn, khán giả tưởng bà diễn ngẫu hứng, kỳ thực đều có tính toán kỹ lưỡng.

Đầu thập niên 1990, khi cải lương thất thế vì thị trường băng đĩa, ca nhạc lên ngôi, đoàn hát Sài Gòn 1 do vợ chồng Thanh Kim Huệ quản lý rơi vào cảnh bấp bênh. Sau đó bà phải bán nhà vì thua lỗ. Sau này, họ mở một tiệm ảnh, gây dựng cuộc sống trở lại để nuôi hai con ăn học.

Cú sốc lớn nhất đời bà là khi con gái đột ngột qua đời sau một lần bạo bệnh. Một thời gian dài, bà ôm nỗi nhớ con vào trong, tìm đến Phật pháp để khuây khỏa. Những năm cuối đời, âm thầm chịu đựng bệnh tật, Thanh Kim Huệ sẵn lòng nhận lời biểu diễn khi được mời vì nhớ khán giả.

Tháng 5 vừa qua, bà tham gia chương trình Dấu ấn huyền thoại, bà vẫn khoe giọng hát khỏe, lối ca ngọt ngào. Lúc nhập viện điều trị, bà vẫn hát "chay" trọn bản vọng cổ, gửi lời cảm ơn y - bác sĩ ở tuyến đầu.

Thanh Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật