Sinh năm 1978, Trần Ly Ly từng tự nói về thế hệ mình: “7x là thế hệ đứng giữa 6x còn tràn ngập lý tưởng, và 8x với những luồng tư duy (buộc phải) mới. Cho nên, 7x luôn có sự dao động về mặt cảm xúc, một sự đấu tranh mãnh liệt để quyết định sẽ bước tới hay lùi lại, họ buộc phải tư duy nghiêm túc để tìm ra con đường cho riêng mình. Đó là thế hệ đại mâu thuẫn”.
Thế nhưng, dù tự nhận mình là một 7x điển hình, thì ở Trần Ly Ly, người ta vẫn không hề thấy sự khó khăn để chị tìm ra hướng đi riêng, chị thoải mái và tự do với tất cả mọi thứ đến với mình, thả lỏng, như nước, như không khí. Và cũng vì thế, mà thật khó để vẽ nên được chân dung của Trần Ly Ly một cách đầy đủ. Ở chị là sự hội tụ vừa vặn của lý trí, của cảm xúc, một chút khắc nghiệt của quá trình lao động bền bỉ, sự sâu sắc của hiểu biết và nhận thức, thêm một chút tâm linh, và thăng hoa.
Trần Ly Ly (Ảnh: Thảo Ted). |
Giờ đây, ở tuổi 42, một trong 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam, một đạo diễn nghệ thuật với những ý niệm nghệ thuật mới trong trình diễn, Giám đốc nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam… Trần Ly Ly không chỉ tự do và thăng hoa trên con đường của riêng mình, mà chị còn tạo ra thêm nhiều con đường khác nhau, tạo ra ngày càng nhiều hơn những giá trị cho công chúng đương đại và cho cả những thế hệ nối tiếp.
Và hãy cùng lắng nghe Trần Ly Ly nói về chính mình, về hành trình nghệ thuật, về những khác biệt trong thế hệ, về tôn giáo, về con người và về một năm 2020 vừa qua.
Lý trí và cảm xúc
Có một điều mà càng ngày tôi càng nhận ra nó rõ hơn trong con người mình, đó là sự phát triển cả hai mặt: lý trí và cảm xúc. Như là tôi có hai cái não ấy, hoàn toàn mạch lạc, và không hề bị “mix” với nhau, khi cần “tỉnh”, tôi “tỉnh” đến cực kỳ, từng chi tiết nhỏ, từng con kiến cũng không qua mắt tôi được. Đây có lẽ cũng là tố chất giúp tôi có năng lực quản lý, vì tất cả những gì thuộc về quản lý, tài chính, công việc, con người đều rất cần rõ ràng và logic.
Nghệ thuật cũng vậy, tôi rất logic, logic 80% rồi, sau đó 20% mới là cảm xúc để thăng hoa. Bạn đừng nghĩ nghệ thuật là không khoa học, ngược lại, cực kỳ khoa học! Khi bạn đạt đến tất cả các chỉ số vàng, mà cái chỉ số vàng trong nghệ thuật cực kỳ khoa học nhé, thì khi đó cộng thêm một chút với cảm xúc và thăng hoa, nó mới thành xuất chúng.
Ảnh: Thảo Ted. |
Nếu ai cho rằng nghệ sĩ chỉ có bay bổng và say sưa mơ mộng, người đó nhầm, không có đâu. Nghệ thuật trước hết cần năng khiếu, nhưng cái năng khiếu đấy chỉ là một cái phần trăm rất nhỏ để nó nuôi dưỡng đam mê thôi. Còn nghệ thuật thực sự là lao động, lao động và lao động, một cách khắc nghiệt và kỷ luật. Đặc biệt trong múa, là sự rèn luyện khốc liệt, là sự “khó” được lặp đi lặp lại trong một thời gian rất dài.
Như chúng tôi đã từng, cứ 7h sáng dù mùa đông lạnh giá hay mùa hè nóng bức, không cần biết, không có ngày “đèn đỏ, đèn xanh” gì đâu, tập hết, đấy là một sự kỉ luật, kỷ luật là một sự tối cao của nghề nghiệp bạn ạ. Chúng tôi phải luyện tập kinh khủng cả về cơ thể, trí tuệ, cảm xúc, bền bỉ đến một độ nhất định thì có thể tốt nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, thì khoảng một nửa thì “fail”, một nửa thì rơi, một phần ba còn lại làng nhàng, và một số ít mới trở thành tài năng.
Cho nên tôi không nhớ đã đọc ở đâu, hình như là Phật giáo Ấn Độ, là trong mười nghìn người mới có một người đàn bà hoa sen, nghĩa là người đàn bà làm nghệ thuật. Tôi không kiêu ngạo, nhưng điều đó đúng, tôi nghĩ nó đáng để tự hào!
“Maybe wrong!”
Nghệ thuật là dấn thân và hy sinh tột cùng. Bạn hỏi tôi về cái “ngưỡng” nào cho sự đam mê của một người phụ nữ giữa nghệ thuật và gia đình đúng không. Thì tôi trả lời rằng, không ai nói trước được gì, đến một thời điểm, một khoảnh khắc nào đó, mọi thứ nó tự đến và tôi khuyên tất cả mọi người, hãy để nó tự nhiên.
Ảnh: Thảo Ted. |
Tôi ví dụ nhé, có nhiều nghệ sĩ ballet ở nước ngoài lựa chọn không sinh con, bởi trong thời điểm đó, họ không thấy việc đấy quan trọng bằng cái lý tưởng nghệ thuật mà họ muốn hướng tới, giống như người đi tu ấy. Nhưng có thể khi đến một thời điểm khác, có thể một đứa bé đến với họ một cách tự nhiên và cũng có thể lúc ấy bạn lại thay đổi, con người bạn lại có nhu cầu cần có một thứ tình cảm khác để sẻ chia theo một hình thức khác, đấy là đứa con. Và rõ ràng lựa chọn lúc ấy của bạn có thể khác.
Suy nghĩ và nhận thức, nhu cầu của con người luôn thay đổi, cho nên chỉ có thể tự mỗi người biết mình cần gì. Tôi muốn nói rằng, đam mê về nghề nghiệp sẽ là một đam mê không thay đổi trong nhiều năm, cho đến khi nó thay đổi, chứ không phải mãi mãi không thay đổi nhé. Không có gì là mãi mãi không thay đổi bạn ạ.
Và trong một quãng đường dài đó, nó có thể chuyển từ cánh cửa này sang cánh cửa khác, nó vẫn là nghệ thuật, nhưng đam mê của con người nó có “level”, nhiều biểu hiện khác nhau. Khi bạn 20 bạn đam mê kiểu khác, 30 bạn đam mê khác kiểu khác, 40 thì càng khác nhiều hơn, và cho đến 50 tuổi, biết đâu bạn bỗng ngỡ ngàng nhìn lại bạn chẳng đam mê cái này một chút nào.
Tất cả chỉ là một cái “tool”, một cái công cụ để mình mở ra cánh cửa khác, cái đam mê ấy có thể cao hơn cái đam mê mà mình đã và đang làm. 20 tuổi bạn yêu khác, 50 tuổi bỗng một sáng thức dậy, bạn cảm thấy tình yêu của mình 30 năm qua: “Maybe wrong!”, không sao cả! Mình chấp nhận tất cả mọi thứ đều đẹp và đáng trân trọng.
Công nghệ số
Nghệ thuật trong thời đại ngày nay, ta đang sống trong một thời đại bùng nổ về thông tin, về phương tiện tiếp cận. Ta phải chấp nhận thực tế đó, nó là dòng chảy của xã hội, tất yếu. Nghệ thuật tất nhiên cũng không nằm ngoài.
Tôi không thấy có gì lo lắng cả, mạng xã hội, Youtube hay TikTok, hay là bất cứ một nền tảng công nghệ số nào, nó sẽ hay bởi nó thách thức các hình thức còn lại. Rõ ràng, bạn phải thay đổi đi, cuộc chơi phải thú vị hơn, đừng có chán nữa, chán thì khán giả họ bỏ về hết thôi. Trời ơi, khán giả bây giờ họ có rất nhiều kiến thức, nghệ thuật bây giờ cũng có quá nhiều cách để để “reach” tới khán giả, thế thì phải làm thế nào để họ có thể rời khỏi cái sự ấm áp của căn nhà họ để đến sân khấu? Đó phải là chất “live”, với hơi thở của con người sống, phải có tình của con người trong đó, để tạo ra những cảm xúc thật, điều này không công cụ internet nào mang lại cho bạn được.
Ảnh: Thảo Ted. |
Cuộc chơi của nghệ thuật tất nhiên luôn ngày càng khó hơn, tuy vậy vì khó hơn nên cũng sẽ hay hơn, đừng lo lắng, ai giỏi thì sẽ tìm ra cách thay đổi hợp lý, ai giỏi sẽ tồn tại, ai chưa đủ giỏi thì gặp khó khăn, tất yếu, nó kích thích, nó cạnh tranh, có cạnh tranh thì mới có phát triển chứ.
Các bạn cũng đừng quá “dè chừng” với các nền tảng hay thể loại mới, không việc gì phải sợ cả, các loại hình nghệ thuật đủ hay sẽ gặp nhau, hàn lâm hay đường phố cũng vậy thôi, đủ hấp dẫn thì sẽ có khán giả. Đến một ngưỡng nào đó, các nghệ sĩ trẻ của Rap hay Hip Hop sẽ tìm hiểu về hàn lâm, hoặc các nghệ sĩ hàn lâm sẽ tìm hiểu về các thể loại nghệ thuật của lớp trẻ, như một nhu cầu tự nhiên.
Tôi không hề ngần ngại việc kết hợp bất cứ loại hình nghệ thuật nào với nhau, Rap với Múa đương đại chẳng hạn, tại sao không?
Các thế hệ
Tôi thích 9x, very much. Thực ra chưa nghiên cứu sâu lắm, nhưng con tôi đang là 9x, và gần như một cách tự nhiên không phải cố gắng, tôi hấp thụ được những tư duy và cách cảm nhận về nghệ thuật của bọn trẻ. Tôi thấy chúng thông minh, “smart” vô cùng.
9x là thế hệ dám đưa ra những khái niệm mới toanh, và không hề nhảm nhí đâu nhé, I’m sorry, vô cùng hay ho. Kể cả những gì mà nhiều người cho rằng nhảm nhí, cách ăn mặc hay những cách sử dụng ngôn ngữ mới của chúng, tôi đều thấy vô cùng thú vị và hay ho. Hoặc là tôi có thể ngồi hàng giờ để lắng nghe, hoặc cãi nhau tranh luận với con tôi về Rap Việt, Omg I like very much.
Giới trẻ hiện nay chúng nó dám xây dựng, dám đi vào những khái niệm mới. Hay là bạn thấy không, bây giờ ông bà 30 tuổi, 40 tuổi, hội 7x, 8x vẫn vừa lái xe vừa nghe Ngọt, vẫn hát ong ỏng “Em có đi trà đá hồ Gươm”, oh so beautiful, đấy là “memory” – ký ức. Mà có thế hệ nào không có ký ức, những cái đó được 9x ghi lại, kể lại một cách duyên dáng, đáng yêu hơn, gần gũi hơn. Rõ ràng, GenZ cũng đi trà đá hồ Gươm, 7x cũng đi trà đá hồ Gươm, oh, we meet, chúng ta gặp nhau. Con người mà, hồ Gươm vẫn ở đó, trà đá vẫn ở đó, đó là văn hóa.
Đó chính là việc gặp nhau trong nghệ thuật, không còn ranh giới, không còn tuổi tác, thế hệ, nó là không gian chung, không gian của nghệ thuật và con người.
Tôi thấy mỗi thế hệ đều có những cái hay riêng và những thách thức riêng. Như thế hệ 7x của tôi, thế hệ bản lề, đứng giữa 6x và 8x. Như bạn biết đó, 6x là thế hệ của lý tưởng, tâm hồn họ tuyệt vời, trong sáng và đầy nhiệt huyết. 8x thì khác, tôi gọi đó là thế hệ “opening”, nghĩa là họ chỉ có một con đường là phải thay đổi, 1986 chúng ta mở cửa ồ ạt, mà rõ ràng quá độ.
Vậy nên 7x chính là thế hệ “mix” giữa sự cổ điển, truyền thống với cái “opening”, cho nên thế hệ ấy là thế hệ đại mâu thuẫn, quá nhiều luồng tư duy, có những người thiên sang 6x, có những người thiên sang 8x, nhưng không sao cả, bởi vì mâu thuẫn nên nó sản sinh ra một thế hệ với nhiều cơ hội hơn, cũng khó khăn hơn, thách thức hơn vì trong con người ta có sự dao động về mặt cảm xúc, có sự trăn trở mãnh liệt. Thành ra khó hơn, mà vì khó hơn, nên hay hơn!
Những giá trị
Tôi cho rằng nghệ sỹ cần phải biết kiếm tiền. “Tiền” ở đây có thể không phải là tiền nhé, cho nên đừng hiểu kiếm tiền chỉ là kiếm tiền. Câu này rất rộng, không phải hôm nay mình kiếm 10 triệu hay 5 triệu, không phải, mà đấy là một loại giá trị.
Thương hiệu là một thứ tiền, mà không bao giờ hết cả. Chủ yếu bạn có khả năng xây dựng giá trị của cá nhân và cống hiến cho cộng đồng. Nghệ sỹ giỏi sẽ tạo được thương hiệu tốt, tăng level, nghiễm nhiên có tiền. Ví dụ như tôi, tôi vẫn có ích, có giá trị cho ai đó, thì tôi vẫn có tiền, dù ít dù nhiều, nhưng đấy là một giá trị.
Tôi nghĩ người giỏi thực sự có rất nhiều cách để sống. Nghệ sĩ của mình cũng có thói quen so sánh và kêu ca về thu nhập. Tôi chỉ muốn cho lời khuyên: Đừng bao giờ so sánh, vì mỗi thị trường có sự định giá khác nhau. Ở thị trường này, ở level này thì mình kiếm được tiền rồi này, còn ở thị trường khác cái level nó khác, thu nhập cũng khác.
Tất nhiên để nói rộng ra, nghệ sĩ làm classic ở nước ta thì vẫn chưa được ghi nhận một cách đích đáng. Nhưng tôi muốn nói, người nghệ sĩ đủ giỏi không bao giờ thiếu tiền. Còn mình đừng so sánh với người khác, mình sống được với đam mê của mình là ok rồi, có đói khổ gì đâu.
Còn thực sự, cứ phấn đấu mãi mà chỉ ở những thứ hạng thấp nhất, chật vật không đủ sống, tôi khuyên bạn nên bỏ nghề. Trong nghệ thuật nó có những cái level khác nhau, mình sẽ phải chấp nhận. Một là mình quyết liệt chinh phục đỉnh cao nhất ở mức A, tỏa sáng, nếu mình ở mức B chấp nhận B, C chấp nhận C, còn cứ mãi ở mức D thì nên suy nghĩ về việc chuyển đổi.
Chứ bây giờ bản thân bạn làm mãi một việc mà không thấy hay, không hạnh phúc với sản phẩm của mình, khán giả cũng không thấy hay, thì bạn có nên tiếp tục làm không? Rõ ràng là không!
Khả năng của mỗi con người ở những mức độ khác nhau, nghệ thuật lại càng rõ rệt hơn. Cho nên cần tỉnh táo lựa chọn cho mình cái mà mình thấy thoải mái và hạnh phúc, có thể mang giá trị cho bản thân và cho xã hội. Đấy là giá trị cao nhất!
Phật giáo và tĩnh tâm
Tôi là người theo đạo Phật, tất cả các quan điểm về tư duy nghệ thuật mà tôi vừa nói, tư duy về thời gian và sự đam mê, đấy là thuận theo tự nhiên, đó là quan điểm của Phật. Khi duyên đến đón nhận nó một cách yêu thương. Khi duyên hết chào nó một cách kính cẩn. Chúng ta ngồi đây hôm nay cũng là “Duyên”. Mình nhìn nhận tất cả một cách tự nhiên, thả lỏng. Tức là bình thường, vật đổi sao dời, như trong cái vật lý nói đấy, chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác, đừng có cố cưỡng lại nó, giống như là mình rồi cũng sẽ chết đi, và mình chấp nhận chuyện đó. Tất yếu.
Cho nên, một năm vừa qua, nhìn lại, riêng cá nhân tôi thì tôi thấy Covid không quá tồi tệ như mọi người nghĩ đâu. Một năm dịch bệnh và có thể là nhiều “thất thu” (cười), nhưng chúng tôi cũng đã có một năm đáng suy ngẫm, một năm với nhiều tĩnh tâm, nhiều những nhận thức mới và một năm để mở ra những cánh cửa khác. Như bản thân tôi đã tự mở ra cho mình cánh cửa hội họa. Tôi chẳng dừng lại ngày nào, không chán nản một giây phút nào.
Và nhà hát cũng thế, mọi người ở nhà hát vẫn bình tĩnh sống, an yên đến khi nào mở cửa trở lại. Nhưng không có nghĩa là chúng tôi dừng lại. Chúng tôi vẫn luyện tập, vẫn sống. Chúng tôi vẫn làm “Những người khốn khổ” rất thành công, làm rất nhiều chương trình phục vụ Nhà nước và khán giả. Chúng tôi vẫn lao động và chia sẻ khổ đau với nhân loại.
Ví dụ, trong thời gian giãn cách xã hội, chúng tôi làm các sản phẩm video múa tại nhà, và chia sẻ lên facebook cho cộng đồng, lan tỏa năng lượng tích cực. Đó là cần thiết bạn ạ.
Không có gì không hay cả. Đôi khi đói khổ một chút để khi thấy no mới cảm nhận được nhiều cái hay hơn chứ. Cho nên dù thế nào, hãy nhìn về nó bằng con mắt hân hoan, kính cẩn.
Tôi là người theo Phật giáo, tôi tin rằng mọi thứ đến đều có nguyên do của nó và mình hãy luôn luôn nhìn vào cái điểm tích cực mà nó đem lại. Thế giới đã làm gì để phải chấp nhận cái thực tại của Covid. Con người đã làm gì và phải chấp nhận sự hủy hoại của tự nhiên?
Cảm ơn chị đã chia sẻ!