Ngày cuối của một năm biến động 2021, Trần Quang Đức “tái xuất” với “Chuyện trà – Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt”. Cuốn sách mà theo như chính tác giả, kể về trà “một cách tự nhiên”, “không nâng cao quan điểm của bất cứ việc gì”.
Trần Quang Đức trong một chuyến đi (Ảnh: NVCC) |
- PV: Nói tới trà, thời gian gần đây đang rộ lên phong trào uống trà kiểu cách, phải đúng chuẩn, cầu kỳ như kiểu trà đạo Nhật hay trà Trung Quốc. Nhưng đọc Chuyện trà của anh thì thấy, anh cho rằng uống trà không cần câu nệ đến vậy, vì xét cho cùng vẫn chỉ là thức uống. Quan điểm của anh về việc “cầu kỳ” đó ra sao?
Trần Quang Đức (TQĐ): Tôi cho rằng, mọi việc vẫn phải kinh qua từng bước, không thể đi tắt đón đầu. Từ sự qua loa, dễ dãi cho tới việc thưởng thức tinh tế, cầu kỳ. Trừ khi quá mức câu nệ thì đó là việc khác, nhưng anh vẫn phải đi vào hình thức chỉn chu, anh mới ngấm, mới hiểu cặn kẽ, sau rốt quay lại sự dung dị, bình thường. Sự dung dị ban đầu có tính chất bộc phát ngây thơ, sự dung dị sau cùng là lựa chọn có ý thức. Quan điểm của tôi là thế.
PV: Xét về việc thưởng trà của Trung Quốc hay Nhật Bản, họ vẫn có phần tư tưởng gửi gắm ở trong đó. Ví dụ như trong sách của mình, anh cũng nói tới Thiền sư Eisai, tổ sáng lập Thiền tông Nhật Bản và việc lịch sử trà đạo Nhật Bản được đánh dấu kể từ khi Eisai cho ra đời cuốn sách về trà. Eisai và những người sau đó cũng đều mang tinh thần Thiền vào trà đạo. Việt Nam có tinh thần như thế trong trà không?
Trong chương Trà tinh thần tôi đề cập tới việc uống trà của các vị trí thức, của các thiền sư như Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, thiền sư Viên Chiếu, Huyền Quang, v.v.. Trí thức Việt xưa kia tuy không định danh trà đạo, không biến việc thưởng trà thành nghi lễ cầu kỳ như người Nhật, song vẫn chia sẻ tinh thần thiền sâu sắc khi đối diện với chén trà. Xét đến cùng, mọi thao tác cũng như dụng cụ pha rót chỉ là hình thức. Hình thức có thể có những khác biệt theo thời gian, song tinh thần thưởng thức gắn với thiền đạo vượt qua giới hạn của quốc gia, dân tộc, trở thành tư tưởng chung của những người trí thức Á Đông yêu thích hương vị trà. Thiền trà thể hiện ở rất nhiều khía cạnh. Đơn cử là sự chú tâm trong pha rót, thưởng thức. Nếu không chú tâm, giác quan tán loạn, làm sao có thể chế tác cũng như thưởng thức trọn vẹn được một tách trà ngon.
Tuy nhiên, gần đây chẳng riêng gì ở ta, có rất nhiều trà nhân quá câu nệ về việc hành thiền khi thưởng trà, cũng lại là một thứ hình thức. Chú tâm, thiền định bản chất là vận động tinh thần bên trong, là việc cá nhân, không cần công khai cho người ngoài trông thấy. Nhiều người tạo dáng cho đẹp, hoặc giả ngồi thiền với nhau trước khi uống trà. Phải thực hiện đúng thế mới là Thiền ư? Không! Những việc đó trong ý niệm tức thời đã có thể đạt tới rồi. Dĩ nhiên người ta thích thì mình cũng không có gì chê trách. Nhưng xét đến cùng, đó là thức uống để mình hưởng sự thanh nhàn, mình pha rót và thưởng thức một cách bình thường, sự bình thường sau khi đã chấp nệ vào hình thức rồi xả ly hình thức.
PV: Đọc sách của anh thì thấy chia văn hóa trà của Việt Nam thành hai loại: một là trà bình dân như một thức uống bình thường, còn một là văn hóa trà trong giới trí thức, văn nhân.
Vâng, văn hóa trà Việt Nam chia làm hai. Một là lối uống bình dân, người ta coi trà là nước giải khát, người ta uống một cách thô mộc chất phác. Chè tươi là lối uống như thế. Còn hai là trong giới trí thức, quý tộc, ngoài lối uống chè tươi còn có lối uống trà tàu hay trà chuyên, chịu ảnh hưởng văn hóa trà Phúc Kiến nhiều hơn.
Theo lối uống trà chuyên, phẩm thưởng đủ sắc hương vị vận của trà. Phải nhàn hạ phong lưu, có điều kiện mới tìm hiểu, thưởng thức được. Bên cạnh đó, chuyện trà còn là câu chuyện đời sống tinh thần của văn nhân, trí thức, quý tộc ngày xưa. Trà là chất dẫn, để người ta luận bàn thơ ca, hội họa, tư tưởng thiền đạo. Đó cũng là lý do tôi dành riêng chương Trà tinh thần để viết về việc này. Không phải cứ chấp nê hình thức như trà đạo Nhật mới gọi là có tinh thần thiền.
Ảnh: NVCC |
PV: Vậy chúng ta có cần xây dựng một kiểu trà đạo như Nhật chẳng hạn không, để nâng tầm văn hóa trà, hay cứ để việc uống trà như hiện tại?
Cứ để mọi thứ phát triển tự nhiên, chấp nhận sự mộc mạc bình dân, lẫn cầu kỳ tinh tế. Trà chuyên kiểu cách, trà đá vỉa hè, trà chanh bụi phố hay trà sữa trân châu... chẳng cần bảo tồn hay xây dựng thì tự thân mỗi thức uống đều có sức sống, và có “tín đồ” riêng. Khi trải nghiệm nhiều và đủ, tôi tin tâm thái con người ta sẽ biết bao dung và chấp nhận mọi thứ khác biệt.
Nhưng để hình thành một thứ văn hóa trà chỉn chu thì sẽ cần rất nhiều sự vận động, chứ không chỉ đơn thuần là để mặc nó trôi đi.
Bản chất của sự xây dựng đó, không thể thiếu sức ảnh hưởng của giới trí thức. Họ tinh tế, kỳ công, họ tạo ra xu hướng, thị hiếu. Văn hóa trà Việt Nam đầu thế kỷ XX có sự ảnh hưởng đó, khi mà lối thưởng trà kiểu cách của văn nhân tri thức được dịp lan tỏa. Sau này, do lịch sử, chiến tranh, lối nhã thú đó bị khuất lấp, song vẫn âm ỉ chảy ngầm.
Giờ đây, khi kinh tế bắt đầu khởi sắc, có điều kiện, người ta quay trở lại thú chơi tinh thần thanh tao ấy. Nhưng dù sao, ít nhiều người thưởng trà Việt hiện nay đã mất đi kết nối tinh thần với đời sống trà như Cao Bá Quát và Phan Nhạ khi xưa. Chuyện trà cố gắng mang lại phần nào sự kết nối ấy.
PV: Thiếu sự kết nối thì có sợ đi chệch hướng? Chẳng hạn như sẽ đổ theo một phong cách nào đó, bắt chước trà Trung Quốc, trà Nhật, góp nhặt mỗi thứ một ít rồi cho rằng đó mới là văn hóa xịn, là cách uống chuẩn?
Chương cuối cùng của Chuyện trà có mục Muôn vàn kết nối. Ở đây, tôi nhấn mạnh rằng, mọi sự vật hiện tượng diễn ra đều không phải ngẫu nhiên, không tồn tại biệt lập. Tất cả vốn đều có sự kết nối, dù hữu hình hay vô hình. Văn hóa cũng vậy, làm gì có văn hóa nào thuần nhất. Tư tưởng, cũng như mọi thứ đang hiện hữu trong ta đâu phải tự nhiên sinh ra. Mình học ở đâu, học ngoại ngữ nào, đọc sách gì, v.v.. đều có sự ảnh hưởng nhất định, tất cả góp phần hình thành nên con người mình. Nếu nhìn từ góc độ ấy, tất cả các nền văn hóa đều có sự ảnh hưởng lại qua, đều có sự tương tác, tiếp biến. Sau rốt, cái gọi là phong cách, là văn hóa xịn, đến từ sự lớn mạnh trong cảm thức của chính mình, sau khi đã học hỏi, dung nạp đủ thứ hay ho. Còn ranh giới địa chính trị là sản phẩm do con người hiện đại tạo nên, văn hóa không có lằn ranh đó.
PV: Nghĩa là chúng ta nên xây dựng một văn hóa trà nằm ngoài địa chính trị ấy?
Theo tôi, một dân tộc lớn mạnh là một dân tộc sở hữu nền văn hóa lớn mạnh, đến từ tâm thái bao dung rộng lớn. Có câu “Hải nạp bách xuyên, hữu dung nãi đại” (nghĩa là biển thu nhận trăm con sông, vì sức dung chứa mới trở thành lớn mạnh). Vì sao văn hóa Lý Trần của chúng ta mạnh vì thời đó chấp nhận, bao dung cả văn hóa Trung Hoa lẫn văn hóa Chăm… Tương tự, trà cũng thế. Người Nhật du nhập văn hóa trà từ Trung Quốc sang, biến thành của mình, rồi hỗn dung tư tưởng Thiền tông, Nho giáo. Khi anh trải nghiệm và thu nạp càng nhiều, tâm thức bao dung văn hóa càng lớn.
Như tôi đã nói, chúng ta phần nào đứt gãy kết nối tinh thần với tầng lớp trí thức tinh hoa trước đây. Chúng ta xoáy sâu vào bản sắc Việt, tinh thần Việt, cho rằng nó là thứ gì đó thuần chất, đáng tự hào, không khác gì xây dựng lâu đài trên không, thậm chí vô hình trung lại thể hiện ngầm tâm thái tự ti. Nên cần có muôn vàn kết nối, kết nối Đông - Tây, kim - cổ. Khi đã pha trộn tất cả lại, có đủ sự lớn mạnh, ắt sẽ tự hình thành con đường của riêng mình.
Tác phẩm "Chuyện trà" của tác giả Trần Quang Đức. |
PV: Nhưng vẫn cần một mô hình chuẩn nào chứ?
Chuẩn mực là quy ước. Mô hình là lý thuyết. Sự vận động luôn mang nhiều biến số. Văn hóa trà Việt Nam có từ lâu đời. Chúng ta có văn hóa chè tươi dân gian trải dài cả mấy ngàn năm, cũng lại có văn hóa trà tàu gắn liền với sự ảnh hưởng từ phương Bắc, song luôn có sự tiếp biến. Sự tiếp biến ấy là tự nhiên. Mọi thứ luôn vận động biến đổi. Bún phở cũng khác mùi vị khi trở dần từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam.
PV: Anh có kỳ vọng gì với Chuyện trà không?
Tôi không kỳ vọng gì cả (cười). Chỉ là một công việc mình muốn hoàn thành và đã hoàn thành. Dùng từ kỳ vọng thì hơi quá. Song tôi tin cuốn sách là sự gợi mở muôn vàn kết nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa nét đẹp cổ xưa với nhịp sống tân thời, giữa thú vui tinh thần với gánh lo sinh kế… ít nhiều có tác dụng tích cực đối với văn hóa trà Việt nói chung. Và chắc chắn, Chuyện trà không chỉ là câu chuyện về trà.
PV: Tôi có nói chuyện với một người chuyên làm trà, anh ấy nói anh ấy kỳ vọng nhiều hơn ở cuốn sách, rằng anh ấy mong có thể tìm được thêm những khảo cứu về việc chế tác, làm trà.
Chuyện trà có chương Trà hương sắc, bàn về các bước chế tác trà chủ yếu. Song tôi chỉ lược khảo, bởi lẽ, tôi luôn phải cân đối giữa độc giả phổ thông và người làm nghề, thông tin quá chuyên môn e kén người đọc. Thứ đến, rất nhiều kỹ thuật chế tác vốn là bí mật nhà nghề, chẳng dễ gì có thể khai thác, và công khai cho đại chúng biết, buộc người làm trà phải học trực tiếp với tinh thần cầu thị.
Ngoài ra, trên thực tế, tôi có thể khẳng định, sách vở ở ta không có một trước tác chuyên biệt nào đề cập tới việc chế tác, làm trà trong lịch sử. Cho nên bạn đọc nào kỳ vọng thì đành kỳ vọng vậy thôi, không có làm sao khai thác. Toàn bộ cách chế tác trà đề cập trong sách được khai thác từ thư tịch cổ của Trung Quốc, Nhật Bản, và bản chất nó tương tự cách làm trà Việt Nam truyền thống, không có khác biệt.
Sách “Chuyện trà – Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt” do Công ty Sách và truyền thông Nhã Nam liên kết với NXB Thế giới phát hành.
Trần Quang Đức, sinh năm 1985 tại Hải Phòng. Chuyện trà là cuốn sách thứ hai của Đức sau cuốn sách khảo cứu về lịch sử trang phục Việt Ngàn năm áo mũ (2013). Ngoài viết sách, Đức hiện vẫn đang giảng dạy Hán Nôm và tư tưởng phương Đông. Anh đồng thời cũng là dịch giả của Trà kinh (2008), Chuyện tình giai nhân (2011), Trường An loạn (2012).
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sử: “Trong Chuyện trà, khi đọc chương 1 - 2 sẽ thấy anh Đức như một người khảo cứu, nhưng ở những chương tiếp theo lại là người yêu trà. Những thân phận của người viết cứ thay đổi như vậy, khó tách bạch”.
Phó chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam Nguyễn Thị Ánh Hồng: “Ngày gặp lại sau hai tháng với bản thảo cuốn Chuyện trà, Trần Quang Đức đọc cho chúng tôi nghe một vài đoạn trong cuốn sách, cả phòng khi thì cười rộ, khi thì tâm đắc vỗ đùi, lúc lại trầm ngâm suy tưởng. Bản thảo lần này không chỉ như suối nguồn tuôn chảy về kiến thức mà nhiều quãng là sự cô đọng, nhấn nhá của từng ngụm trà được ủ vừa đủ, rót ra đúng lúc. Có hương thơm thoảng của hoa và cỏ lá rừng già, có cái chát nhẹ nhưng ngọt dịu cuống lưỡi, có cái thanh mát như bạc hà lẩn khuất, uống rồi vẫn còn dư vị đâu đây, còn muốn nâng chén tiếp tục thưởng thức”.