• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Em còn nhớ hay em đã quên": Tác phẩm về Trịnh Công Sơn khiến người xem nhớ mãi không quên

"Em còn nhớ hay em đã quên" là một trong những bộ phim từng gây tiếng vang một thời.

Phim nói về Trịnh Công Sơn không nhiều, nếu phải kể đến tác phẩm gây ấn tượng nhất có lẽ khó lòng bỏ qua được Em còn nhớ hay em đã quên. Bộ phim do đạo diễn Nguyễn Hữu Phần sản xuất năm 1992.

Em còn nhớ hay em đã quên tái dựng 2 mối tình giữa Quang Sơn với Bích Diễm và Huyền Mi (nhân vật ẩn dụ của Khánh Ly). Trong đó, mối tình với Huyền Mi ở Đà Lạt trải qua nhiều biến cố, để lại trong lòng Quang Sơn những nỗi đau khôn nguôi, là cảm hứng để anh sáng tác những ca khúc bất hủ.

        Hoàng Hồng Nhị (phải) và Lê Công Tuấn Anh trong phim
Hoàng Hồng Nhị (phải) và Lê Công Tuấn Anh trong phim "Em còn nhớ hay em đã quên" 

Bộ phim với kinh phí vỏn vẹn 130 triệu đồng được đón nhận nhiệt thành khi xây dựng hình ảnh nam chính, cũng như không khí của bộ phim gần gũi với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên, điều bất ngờ là bộ phim này hoàn toàn không mang mục đích tái hiện cuộc đời của Trịnh Công Sơn, mà chỉ lấy cảm hứng từ nội dung của 11 ca khúc do vị nhạc sĩ sáng tác.

Nguyễn Hữu Phần từng chia sẻ: "Tôi phải khẳng định “Em còn nhớ hay em đã quên” không phải bộ phim chân dung kể về cuộc đời Trịnh. Chúng tôi sử dụng những bài hát của anh ấy để tạo ra một con người, thân phận nhạc sỹ. Cho nên khi gặp Trịnh Công Sơn, tôi cũng không nói làm phim về cuộc đời anh. Mà chỉ nói: Ông ơi ông cho tôi sử dụng một số bài hát của ông nhé và đưa ra một danh sách. Trịnh Công Sơn gật đầu đồng ý. Trong quá trình làm phim tôi tránh gặp gỡ, liên lạc với Trịnh để tập trung tinh thần, không bị phân tán".

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần.

"Trịnh Công Sơn có nhận được câu hỏi: Thưa anh Sơn đây có phải là cuộc đời của anh? Sơn đáp: Không, ông Phần bịa đó chứ. Nhưng mà giống tôi lắm. Trong cuộc họp báo một Việt kiều kinh doanh về điện ảnh có đề nghị mua phim này, với giá 5 ngàn đô. Hồi năm 92, số tiền ấy rất “to”. Nhưng ông ta đặt điều kiện, sẽ thay đổi, bằng cách lồng tiếng hát của Khánh Ly vào, để chiếm thị trường lớn hơn. Ngay lập tức tôi từ chối. Là vì tôi đã nghe lại Khánh Ly hồi Sơn ca 7 rất nhiều lần, tôi nghe cả Khánh Ly của hiện tại. Sơn ca 7 ở thời 74-75, tempo chậm lắm, không phù hợp. Với không trong sáng nữa. Không ngờ, Trịnh Công Sơn đứng bật dậy, hưởng ứng ý của tôi: “Đúng, đúng. Vừa rồi tôi sang Mỹ có đi hát với Khánh Ly, cô ấy không gây cho tôi cảm xúc. Tôi thấy cô bé hát trong phim rất được”.

Nội dung phim chỉ tham khảo về cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhưng đã truyền tải được câu chuyện, nhân vật và một “âm hưởng” rất Trịnh. Làm nên thành công của bộ phim không thể không kể đến sự đóng góp không nhỏ của các diễn viên, trong đó nổi bật là cố diễn viên Lê Công Tuấn Anh và nữ diễn viên Hoàng Hồng Nhị.

Trong phim, nam diễn viên Lê Công Tuấn Anh vào vai nam chính Quang Sơn (lấy cảm hứng từ Trịnh Công Sơn). Lê Công Tuấn Anh với nụ cười hiền hậu đã thể hiện tròn vai nhân vật Quang Sơn.

Nhân vật chính trong phim là Quang Sơn (Lê Công Tuấn Anh) - một nghệ sĩ lang thang. Rời khỏi Huế để tránh lệnh tòng quân, và cả quên đi mối tình đầu sớm bị chiến tranh chia cắt, anh trốn lên Đà Lạt. Lê Công Tuấn Anh đã lột tả một cách chân thực vai diễn Quang Sơn, từ ánh mắt biểu cảm, mà cho đến nay chỉ cần nhắc lại vai diễn để đời của nam nghệ sĩ, người ta khó lòng quên được nhân vật này. 

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ: “Tôi cũng đã đưa Lê Công Tuấn Anh đến nhà Sơn chơi. Sơn khen Lê Công diễn tốt. Sơn chỉ gặp Lê Công có hai lần như vậy (một đạo diễn Nguyễn Hữu Phần dẫn đến chơi và một lần ra mắt phim) thế nhưng đến năm 1996 khi Lê Công Tuấn Anh mất, tôi đọc trên một tờ báo thấy Sơn trả lời câu hỏi về Lê Công Tuấn Anh như thế này: “Tôi chỉ mới gặp Công một hai lần nhưng ngay từ đầu tôi đã thấy cậu ấy vô cùng nghệ sỹ và rất cô đơn”. Sơn đã nhận xét rất đúng về Lê Công Tuấn Anh và đấy cũng là lời giải thích chính xác nhất về cái chết của người diễn viên tài hoa này”.

 Cố diễn viên Lê Công Tuấn Anh trong phim
 Cố diễn viên Lê Công Tuấn Anh trong phim "Em còn nhớ hay em đã quên". Ảnh: CMH

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần kể khi ông đưa nam diễn viên đến gặp Trịnh Công Sơn, cố nhạc sĩ đã nhìn thấy ở chàng diễn viên trẻ một tâm hồn nghệ sĩ nhưng cô đơn. 

“Lê Công Tuấn Anh là một người nghệ sĩ rất cô đơn. Trước khi thành diễn viên nổi tiếng, anh ấy là một đứa trẻ sống lang thang cho nên rất yêu cuộc sống tự do. Chẳng hạn, bỗng dưng gặp một người bạn cũ từng sống trong trung tâm dạy trẻ mồ côi là anh ấy có thể “ngút ngàn” mấy ngày với bạn. Đang ngồi uống cà phê mà thấy đứa trẻ đánh giày đi qua mời đánh là anh ấy ngồi bệt xuống lấy dụng cụ của thằng bé đánh xong đưa tiền cho nó. Gặp những đứa trẻ bụi đời anh ấy rất hay chia sẻ với chúng nó. Bởi tính cách đó nên người nào yêu anh cũng không dễ dàng gì để chịu đựng”.

Năm 1996, khi đang quay dở dang phim Ngọt ngào và man trá - cũng của đạo diễn Nguyền Hữu Phần, nam diễn viên đột ngột tự tử, ra đi ở tuổi 29.

Còn với Hồng Hồng Nhi, thời điểm tham gia Em còn nhớ hay em đã quên, cô là một gương mặt hoàn toàn mới, chưa từng tham gia diễn xuất. 

Khi ê-kíp làm phim gần như tuyệt vọng vì không tìm được diễn viên cho vai ca sĩ Khánh Ly. Đạo diễn Hữu Phần được một người bạn ở Huế giới thiệu cho một sinh viên vừa tốt nghiệp trường nghệ thuật tên là Thanh Xuân nhưng không vừa ý ông.

Tình cờ được giới thiệu Hoàng Hồng Nhị lúc đó đang làm ở nhà hàng Hương Giang, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần tìm đến nhà. “Khi tôi đến nhà, Hoàng Hồng Nhị nhìn rất nhếch nhác. Rách rưới. Một nách 2 con nhỏ. Tôi hoàn toàn thất vọng. Nhưng trước khi về, tôi vẫn nhắn, nếu có dịp mời qua đoàn làm phim chơi. Không ngờ, hôm sau cô ấy đến thật. Khi đến, cô ấy mặc áo dài, trang điểm. Và cô ấy là một Hoàng Hồng Nhị hoàn toàn khác. Như thể lột xác vậy. Khi chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau, anh quay phim đã kín đáo ghi hình lại. Khi cô ấy về, chúng tôi mở đoạn phim ra xem, chúng tôi đã nhận ra ngay, cô ấy chính là Khánh Ly mà chúng tôi tìm kiếm”.

"Em còn nhớ hay em đã quên" được quay trong vòng 2 tháng và trong suốt quá trình đó Hoàng Hồng Nhị càng chứng tỏ mình là lựa chọn đúng đắn của đạo diễn. Bản thân cô khiến tất cả mọi người phải ngỡ ngàng về khả năng diễn xuất nhập tâm của chính mình. 

"Khi cô ấy bước ra và hát trước đông người, cô ấy run rẩy, hoang mang, và sợ hãi. Đó chính là Khánh Ly thuở ban đầu chạm ngõ nhạc Trịnh. Cũng là lần đầu Hồng Nhị được thể hiện mình trước đám đông. Không cần diễn, cảm giác sợ sệt của cô ấy lúc đó chính là điều tôi cần cho nhân vật", đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết.

Hoàng Hồng Nhị.
Hoàng Hồng Nhị.

“Càng quay, cô ấy diễn càng đạt. Hoàng Hồng Nhị đóng rất tốt vai diễn này”- đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhớ lại. 

Thế nhưng chỉ có điều, ông luôn linh cảm sẽ có điều gì không hay xảy ra với cô gái này sau khi phim kết thúc. Nguyễn Hữu Phần nhớ lại, ông rất lo sợ khi nghe cô nói: "Không biết khi phim kết thúc, cháu có quay trở lại với cuộc sống đời thường được không? Những ngày qua, cháu như đang sống trong một giấc mơ. Ước gì ngoài đời, cuộc sống của cháu cũng được như vậy".

“Tôi nhớ lúc ấy tôi đã nói với Hoàng Hồng Nhị rằng, trong cuộc đời mỗi người, cũng chỉ có vài lần được sống trong những giấc mơ như vậy. Bản thân chú cũng vừa đi qua giấc mơ. Trong bối cảnh điện ảnh khó khăn như thế này, chú không biết mình có được làm bộ phim tiếp theo nữa hay không. Thôi thì, hãy biết hài lòng với những giấc mơ đã có, và tiếp tục cuộc sống của mình”- đạo diễn Nguyễn Hữu Phần không ngờ, đó cũng là lần cuối cùng ông gặp Hoàng Hồng Nhị.

Nhiều năm sau này, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần vẫn áy náy về lời mời cô vào phim. Bởi nếu Hồng Nhị không mặc áo dài, trang điểm đẹp để đến trường quay "chơi" mấy ngày, sau đó theo lời mời của đạo diễn thì có thể cô đã không vào vai Khánh Ly rồi bị cuốn vào hào quang ảo rồi đánh mất bản thân. 

Ông kể lại rằng Hoàng Hồng Nhị sau đó không thể đối mặt được với chồng. Cô bỏ Huế vào Sài Gòn để theo đuổi ước mơ nghệ thuật. Mọi việc không theo ý muốn nên cô phải làm việc trong vũ trường, quán bar.

Trương Ngọc Ánh, nữ diễn viên từng đảm nhiệm vai Diễm trong Em còn nhớ hay em đã quên cho biết, sau khi kết thúc phim cô chỉ gặp lại Hoàng Hồng Nhị chỉ duy nhất 1 lần. Biết được cuộc hành trình đi tìm giấc mơ của người chị gặp nhiều cám dỗ cô vô cùng xót xa. 

Dù thế nào, vai Khánh Ly cũng là một bước ngoặt lớn trong đời Hoàng Hồng Nhị, vai diễn cũng phần nào đã giúp cô ghi dấu ấn trong lòng khán giả.

Thanh Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật