Bộ sách Lục tỉnh cầm ca đã chính thức ra mắt độc giả vào ngày 24/10 vừa qua tại Đường Sách T PHCM. Bộ sách nói về các loại hình diễn xướng Nam Bộ như hát bội, đờn ca tài tử, cải lương... bao gồm 4 tập, mỗi tập 60 trang.
Nhóm sáng tác Lục Tỉnh Cầm Ca gồm bốn người là Nguyễn Tấn Khiêm, Đặng Thị Ngọc Tú, Lục Phạm Quỳnh Nhi, Phan Khắc Huy. Trong đó Quỳnh Nhi là người trẻ tuổi nhất, cô sinh năm 1997 có niềm yêu thích hát bội từ lớp 11.
Nội dung của bộ sách là các kiến thức cơ bản kèm hình ảnh minh họa của các loại hình kể trên. Độc giả có thể quyét mã QR để nghe nản nam, sau bản sắc hay xem lễ xây chầu.... Mỗi giọng hát bội như nói lối, xướng, hát nam, hát khách, ngâm, thán..., được minh họa với từng video, giúp dễ phân biệt.
Bộ sách "Lục tỉnh cầm ca". |
Nội dung của mỗi tập sách được diễn giải tùy theo đặc trưng thể loại như Đường vào đờn ca tài tử điểm qua các nhạc cụ, Đường vào Hát bội có ảnh minh họa bộ diễn xuất và phục trang. Trong đó có miêu tả chi tiết kiểu hóa trang đặc thù, như vua mặc áo long bào vàng, đội mão cửu long, còn quan võ đội mão bình thiên, quan văn đội mão văn công.... Nhờ sự đa dạng, biến hóa màu sắc của các nhân vật, khán giả chăm chú xem trình diễn, theo dõi từng động tác trên sân khấu.
Bên cạnh đó bộ sách còn giúp khán giả có cái nhìn chân thực hơn về loại hình sân khấu Nam Bộ, ví dụ như người chơi nhạc tài hoa, hướng đến cái đẹp của âm nhạc, không màng tiền bạc, danh tiếng; người nghệ sĩ đờn Năm Vinh lấy tiếng đờn giải khuây còn nghề chính là cắt tóc...
Theo tác giả Quỳnh Nhi, đây là bầu không khí tri âm của những người tài tử hiểu nhau, hiểu âm luật và dùng tiếng đờn lời ca để giao đãi. Mỗi loại hình có đặc trưng riêng như khi chơi, tài tử đờn ứng tác, những chữ thêm ngẫu nhiên được gọi là "hoa lá" và tài tử ca phải xướng âm đúng cao độ, biết rung, ngân sao cho ra hơi; còn cải lương là "nghệ thuật tình cảm", kịch bản được chú trọng, với cốt truyện xoay quanh chuyện gia đình, xã hội, tình yêu....
Nhóm sáng tác "Lục Tỉnh Cầm Ca". |
Bộ sách cũng diễn giải về các loại hình diễn xướng khác như dân ca, hò, lý, nói thơ, nói tuồng, múa bóng rỗi, hát sắc bùa,...
Trong Đường vào Diễn Xướng Dân gian Nam Bộ, nhóm tác giả dẫn lời đánh giá của nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng, nhạc sĩ Lê Hải Đăng... để mọi người hiểu thêm về những loại hình ít người biểu diễn này.
Trưởng nhóm tác giả - anh Phan Khắc Huy - cho biết viết sách là nhờ nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng truyền cảm hứng. Nhóm tiếp cận nhiều nguồn tài liệu như Nhìn về sân khấu Hát bội Nam Bộ (Đinh Bằng Phi, 2005), Hò trong dân ca người Việt (Lư Nhất Vũ, Lê Anh Trung, Lê Giang, 2004),... Nghệ sĩ cải lương Lý Kiều Hạnh, Thanh Sơn, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Vương Hoài Lâm đóng góp ý kiến, nêu nhận xét trong quyển sách.
Người viết sách cũng đã quan sát các nghệ sĩ và các bản đờn ca của tài tử Sáu Hưng, đoàn hát bội Ngọc Khanh. 2 năm vừa qua, nghệ sĩ Ngọc Khanh và nhóm tác giả đã tổ chức hai lớp học, "dẫn đường" người đam mê tìm đến hát bội. Theo nghệ sĩ Ngọc Khanh, bộ sách sẽ giúp hát bội "sống lại".
Nhóm còn quảng bá các loại hình nghệ thuật qua dự án Thư Viện Diễn Xướng Nam Bộ Lục Tỉnh Cầm Ca, Vang Vọng Trống Chầu - làm mới các loại hình diễn xướng với cách diễn mới, lượt bớt các điển tích cổ xưa để gần gũi với hiện đại.