Không chỉ Việt Nam có nhiều di tích khiến công chúng “ngã ngửa” sau khi trùng tu, ngay cả ở các quốc gia dày dạn kinh nghiệm trong việc bảo tồn cũng có nhiều công trình tu sửa gây tranh cãi.
Nhà thờ Đức Bà Chartres, Pháp
Được xây dựng trong khoảng thời gian 1194-1220, nhà thờ Chartres có vẻ đẹp nghệ thuật Gothic của Pháp và phong cách thuộc kiểu Roman. Năm 1979, nhà thờ được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Tuy nhiên, cuộc trùng tu kéo dài một thập kỷ đã khiến di tích này có thêm “diện mạo” mới. Trang The New York Times gọi nhận xét cuộc tu sửa đã “xóa sạch quá khứ”. Martin Filler, một nhà phê bình kiến trúc, cũng lên tiếng mô tả dự án như một “sự mạo phạm tai tiếng đến thánh địa văn hóa”.
Patrice Bertrand, một nhà du hành chia sẻ: “Tôi đến đây để ngắm nhìn bức tượng, nhưng nó không còn nữa”. Sau khi nhà thờ được trùng tu, Đức Trinh Nữ da màu đã thay đổi với làn da trắng.
Bên trên là hình ảnh Đức Trinh Nữ trước khi tu sửa được chụp bởi Elena Dijour/Shutterstock năm 2013. Hiện nay, bức tượng đã “đổi màu da”. Ảnh: Roberto Frankenberg/The New York Times. |
Những hoạt động tu sửa khác cũng bị nhiều nhà phê bình phản đối. Họ cho rằng việc sơn lại nhà thờ không mang tính chất “cứu vãn” mà chỉ đang xóa bỏ di sản văn hóa vốn có.
Sự tương phản giữa trước và sau khi nhà thờ được trùng tu. Ảnh: Roberto Frankenberg/The New York Times. |
Cuộc trùng tu đã tốn không ít mực bút ở các trang báo của Pháp, Anh và Mỹ. Thậm chí, Bộ Văn hóa Pháp còn nhận được một bản kiến nghị để ngăn chặn dự án. Nội dung bản kiến nghị cho rằng, việc tu sửa đã vi phạm Hiến chương Venice năm 1964: nghiêm cấm sửa chữa các di tích vì lý do thẩm mỹ (mục đích cải tiến cấu trúc được chấp thuận).
Bên cạnh đó, công cuộc tu sửa cũng được nhiều người ủng hộ. Anne Marie Woods, một hướng dẫn viên tại nhà thờ, cho biết nhiều cuộc điều tra khảo cổ học bắt đầu từ những năm 1980 đã chứng minh “diện mạo giả mạo” giờ đây thực chất lại giống với bản gốc.
Theo Anne, các cột màu trắng và vòm trần đá nhiều màu sặc sỡ mới mẻ là xu hướng của các nhà thờ thời trung cổ, giống như những bức tranh treo tường và tượng cổng sặc sỡ. Tuy nhiên, lập luận này đã được phản bác với tư tưởng của The New York Times: “Chúng ta không có đôi mắt thời trung cổ, không thể nhìn thế giới như những người ở thời đại đó”.
Mặc dù có nhiều tranh cãi nảy sinh sau giai đoạn phục hồi, Nhà thờ Chartres đến nay vẫn tiếp tục là điểm đến thu hút khách du lịch.
Lâu đài Matrera, Tây Ban Nha
Theo CNN, cuộc trùng tu lâu đài Matrera là dự án tồi tệ nhất thế giới với những đánh giá “thảm họa”, “tàn sát di sản văn hóa”.
Thành quả của cuộc trùng tu đã khiến nhiều người dân địa phương và các nhà sửa học phẫn nộ. Phó chủ tịch nhóm di sản văn hóa Tây Ban Nha Hispania Nostra chia sẻ: “Tòa lâu đài mới không giống với bản gốc chút nào, cũng không có đặc điểm nào của một lâu đài thời trung cổ”.
“Đây là một sự xúc phạm, bê bối. Đa số mọi người đều không chấp nhận nổi “di tích” này”, ông nói thêm.
Ảnh: Leandro Hair |
Lâu đài sau khi được trùng tu. Ảnh: Ignacio Palomo Duarte. |
Khi những hình ảnh này được chia sẻ lên mạng xã hội, có rất nhiều bình luận chê bai xuất hiện: “Lâu đài Matrera trước và sau khi trùng tu, thật là một sai lầm…” hay “Đây là những công nhân xây dựng chứ không phải người phục chế”.
Năm 2018, giới di sản Tây Ban Nha cũng sốc khi chứng kiến một nhà thờ ở thị trấn Estella trùng tu bức tượng St.George. Theo The Guardian, giáo xứ đã tự quyết định và giao công việc này cho một giáo viên thủ công mỹ nghệ ở địa phương.
Bức tượng được đánh giá như nhân vật hoạt hình sau khi khôi phục. Ảnh: ArtUs Restauración Patrimonio. |
Sau đó, bức tượng đã được bên bộ phận di sản lịch sử của chính quyền Navarre khôi phục và chỉnh sửa. Quá trình này ước tính mất khoảng 1.000 giờ với chi phí khoảng 32.000 € hoặc 33.000 € (khoảng 850 triệu VNĐ). Phía bên nhà thờ phải lo liệu số tiền đó cũng như thêm 6.000€ (khoảng 150 triệu VNĐ) tiền phạt.
Tác phẩm điêu khắc trước, sau khi trùng tu năm 2018 bị hỏng, và thành quả cải tiến hiện nay. Ảnh: Chính quyền khu vực Navarre. |
Một “thảm họa” trùng tu nữa ở Tây Ban Nha là việc phục chế bức tranh Chúa Jesus ở nhà thờ Sanctuary of Mercy.
Bức họa phiên bản “phục chế”. Ảnh: AP. |
Lâu đài Ocakli Ada, Thổ Nhĩ Kỳ
Nếu như lâu đài Matrera vẫn giữ được một ít di tích cũ thì lâu đài Byzantine Ocakli Ada ở Thổ Nhĩ Kỳ đã gây tranh cãi với một vẻ ngoài hoàn toàn mới lạ.
Các nhà phục chế đã “tân trang” lâu đài với những viên đá mới tinh, khiến di tích trông như một khối vuông minh họa trong trò chơi Minecraft hay nhân vật trong phim hoạt hình SpongeBob của Mỹ.
“Lâu đài SpongeBob” của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Twitter |
Trên mạng xã hội, rất nhiều người đã để lại những bình luận mỉa mai "đài tưởng niệm SpongeBob", trong khi đó một nhà bình luận văn hóa nhận xét đó là vấn đề “khiến mọi người phải rơi nước mắt”.
Tượng Santa Barbara, Brazil
Việc trùng tu bức tượng Santa Barbara tại nhà thờ Santa Cruz da Barra đã khiến người dân địa phương sửng sốt. Sau khi 6 tháng phục chế, bức tượng bằng gỗ có làn da trắng, mắt kẻ đậm và một chiếc áo choàng sặc sỡ.
Teixeira, một người thường xuyên đến nhà thờ cho biết:”Họ đã biến Santa Barbara thành búp bê barbie!”.
Bức tượng trước và sau khi trùng tu. Ảnh: Milton Teixeira. |