Nguyễn Toàn Thắng là một trong những tác giả hiếm hoi hiện nay tại Việt Nam vẫn còn giữ được ngọn lửa đam mê và nhiệt huyết với thể loại sân khấu dân gian, đặc biệt là với đề tài lịch sử. Từ vở chèo “Nàng thứ phi họ Đặng” , đến các vở cải lương như “Người con của Vạn Thắng Vương” hay “Truyền thuyết Trinh Nương... các tác phẩm của Nguyễn Toàn Thắng luôn thể hiện sự trăn trở để sáng tạo và không ngừng đổi mới, để nuôi dưỡng cho những vốn cổ trong văn hóa dân tộc luôn có được sức sống mạnh mẽ trong lòng khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.
Mới đây nhất, vở chèo “Thần giữ của” do Nguyễn Toàn Thắng viết kịch bản, đã một lần nữa thể hiện những cách tân không ngừng của anh để mang đến cho khán giả những tác phẩm nghệ thuật dân gian với đầy sự mới mẻ, nhưng vẫn không mất đi bản sắc cổ truyền dân tộc.
Tác giả Nguyễn Toàn Thắng |
Dưới đây là những chia sẻ của Nguyễn Toàn Thắng về tác phẩm "Thần giữ của" và con đường nghệ thuật gắn với sân khấu dân gian của anh:
"Từ khi xác định sẽ là người viết kịch bản sân khấu chuyên nghiệp, tôi luôn có ý thức tự làm mới mình. Và một điều bắt buộc là kịch bản sau phải tốt hơn kịch bản trước ở một khía cạnh nào đó, nhất là về mặt nghề nghiệp. Nếu cứ giậm chân tại chỗ, khả năng tôi không làm việc này nữa là rất dễ xảy ra. Chính vì thế, mà sau một số vở diễn mang âm hưởng lịch sử như “Nàng thứ phi họ Đặng”, “Tướng quân ăn mày”, “Người con của Vạn Thắng Vương”, “Truyền thuyết Trinh Nương”, “Vì sao lạc xứ”…tôi bắt đầu chuyển sang đề tài dân gian.
Đầu tiên hăm hở lắm, bởi mảng dân gian dễ sáng tác hơn, lại không bị bó buộc như đề tài lịch sử vốn đóng đinh trong tâm trí khán giả về tình tiết cũng như nhân vật. Nhưng đến lúc bắt tay vào mới thấy không cái gì là dễ dàng cả, và chính điều này tạo cho tôi sự hứng khởi tối đa. Không dễ là bởi đa phần các câu chuyện dân gian hay cổ tích của người xưa đa phần đều đơn giản và mộc mạc, bởi để đáp ứng với nhu cầu của người thời ấy. Những câu chuyện có tình tiết éo le, nhiều nhân vật cũng như tính cách như Tấm Cám hay Thạch Sanh thì đã được khai thác đến mức tối đa. Tôi thì luôn tránh việc khai thác lại một câu chuyện đã được lên sàn quá nhiều.
Trích đoạn vở chèo Người con của Vạn Thắng Vương do Nguyễn Toàn Thắng viết kịch bản |
Ý tưởng về kịch bản “Thần giữ của” này đến với tôi bất chợt như bao kịch bản đã viết khác. Đầu tiên, khi đọc lại câu chuyện dân gian nguyên bản, tôi thấy có chút gì đó ma mị ở đây, và đó là điều làm tôi quan tâm nhất. Cách làm của tôi là phải nghĩ ra được một câu chuyện hấp dẫn, đủ giữ khán giả ngồi trong rạp đã, việc còn lại tính sau. Tôi không đặt nội dung tư tưởng hay giá trị gì trước nhất trong việc sáng tác, chắc bởi tôi có một cơ chế dị ứng tự thân với những tác phẩm nặng nề tính giáo dục hay tư tưởng mà đi xem vô cùng mệt mỏi. Cứ phải có một câu chuyện hấp dẫn đầu tiên, sau đó lúc viết, tự mình sẽ lái câu chuyện theo hướng chuyển tải một thông điệp nào đó. Với tôi, như thế cái thông điệp ấy sẽ ẩn sâu trong vở diễn, cho nên, tùy từng khán giả sẽ có một cách cảm nhận khác nhau.
Câu chuyện cổ tích về thần giữ của ấy bản thân nó đã có nhiều thông điệp luôn đúng với mọi thời đại rằng kẻ làm ác thì sẽ bị trừng trị, lại đúng với việc khán giả bây giờ luôn thích những vở diễn happ-end, mà trước kia người ta hay nói vui là ta thắng-địch thua. Với kịch bản này, tôi viết với lối giải mã câu chuyện cổ tích, gần như giữ nguyên các tình tiết chính, nhưng chủ yếu làm rõ thêm câu chuyện. Bởi vì nếu làm khác đi hay thậm chí viết thành một câu chuyện kịch khác thì quá dễ với tôi, nhưng ở đây tôi muốn khán giả thấy câu chuyện vẫn có nội dung chính như cũ nhưng đầy bất ngờ ở tuyến kịch, như thế mới vừa hiện đại vừa dân gian.
"Thần giữ của" - tác phẩm mới nhất của Nguyễn Toàn Thắng |
Xác định xong cách viết là điều khó nhất, còn lại việc thêm chiêu trò thì không quá sức với tôi. Ở câu chuyện cổ tích, chỉ là gã phú hộ muốn có thần giữ của là một cô gái đồng trinh nên mới đến gạ hỏi cưới con gái ông giám sinh, trong khi ông giám sinh cũng cần tiền để trang trải món nợ khác. Vậy thì câu chuyện đơn giản quá, không chằng chéo các mối quan hệ. Tôi mới nghĩ là, ông giám sinh phải vay tiền của chính gã phú hộ mới thành chuyện, và vay tiền phải có một mục đích gì đó lớn lao hơn, chứ ở truyện cổ tích chỉ đơn giản là trang trải nợ nần thì cũng nhạt nhòa quá. Tôi tự nhủ một cách hài hước rằng, xưa ở quê tự cung tự cấp được thì làm gì cần nhiều tiền thế nhất lại là một giám sinh già thanh bạch. Lý do ở đây là ông giám sinh đầu tư-dùng từ này cho hiện đại-vào việc ăn học của con bạn mình, lại là người yêu của con gái mình.
Đến đó, câu chuyện đã đủ phức tạp, và phần việc còn lại là gỡ dần xung đột giữa các mối quan hệ. Và lúc này thì kể bằng phong cách hài dân gian là đúng nhất, rất may tôi lại không đến nỗi kém về cách kể này khi có nhiều năm viết đủ thể loại hài từ kịch nói cho đến phim hài. Vả lại, cuộc sống hôm nay đã quá hối hả, một vở hài dân gian có lẽ là món ăn dễ thưởng thức nhất. Tất nhiên, là một vở dài vẫn phải có những trường đoạn lãng mạn, bi ai, và trong vở này cũng phải có một chút ma mị.
"Thần giữ của" vừa có những trường đoạn lãng mạn, bi ai, nhưng vẫn có một chút ma mị. |
Tôi bắt đầu kịch bản bằng cảnh đàn em của gã phú hộ đến đòi nợ ông giám sinh, bởi bắt đầu bằng cảnh ấy sẽ tạo được sự chú ý cho khán giả do sự náo nhiệt mà sân khấu dân tộc nhất là Chèo - đem đến. Cảnh này cũng có một chút hơi thở của đời sống hôm nay, khi mà nạn "tín dụng đen" đang hoành hành. Nhưng khác với những cảnh đòi nợ đẫm máu hay ghê rợn khác, đám đàn em này thực chất là nhân vật hề. Và câu chuyện từ lúc ấy sẽ dần dần trôi đi, mỗi lúc hé lộ thêm một chút. Khi viết, tôi lại luôn đứng ở góc độ khán giả. Nhiều khi khán giả chẳng quan tâm gì đến tư tưởng hay giáo dục gì đâu, chỉ quan tâm xem liệu ông giám sinh có trả được nợ không, rồi có gả con gái cho gã phú hộ không, tiếp theo đó là về với nhà ông phú hộ thì sống ra sao.. Nói chung, bản tính con người là tò mò, nên tôi luôn tìm cách đưa cho người xem cái họ muốn.
Kịch bản “Thần giữ của” này không phải là kịch bản đầu tiên trong chuỗi kịch bản dân gian mà tôi viết, thế nhưng số phận của nó lại may mắn sớm nhất là được dàn dựng ở Nhà hát Chèo Việt Nam. NSND Thanh Ngoan điện thoại cho tôi nói có cái kịch bản dân gian nào không đưa chị đọc, được thì triển khai ngay. Chỉ vài ngày sau, chị gọi lại cho tôi nói là được rồi nhưng nhà hát sẽ phải sửa sang lại cho hợp với Chèo. Tôi cười bảo: "Em hiểu công việc của mọi người mà". Và NSND Thanh Ngoan chỉ định NSUT Lê Thanh Tùng dàn dựng, bởi chất này hợp với Tùng nhất.
Trong suốt cả quá trình dàn dựng cho đến khi chạy đường dây, tôi hoàn toàn không đến lần nào. Tính tôi là vậy, không can thiệp vào công việc của người khác. Bởi nếu muốn làm đạo diễn, tôi sẽ đi học rồi tìm cách làm. Tôi chỉ thấy mình hợp nhất với công việc viết kịch, bởi từ nhỏ tôi đã cảm thấy mình rất được tin khi kể một câu chuyện bịa, còn khi kể thật thì ai cũng bảo là bịa, điều đó đến giờ vẫn đúng khi tôi dùng mạng xã hội.
Vở chèo "Thần giữ của" được NSUT Lê Thanh Tùng dàn dựng |
Khi xem đường dây, tôi có nói với đạo diễn là sẽ không bàn về việc kịch bản và vở diễn khác nhau thế nào mà chỉ góp ý trên bản dựng sao cho hay hơn. Thực sự thì tôi ít khi hài lòng hay không hài lòng với bản dựng của đạo diễn lắm, tôi chỉ đo theo khán giả và đồng nghiệp. Vở chèo “Thần giữ của” cũng vậy, thấy nhiều người khen, nên tôi nghĩ cũng ổn. Lúc viết cũng vậy, cứ viết xong là tôi không dám đọc lại vì nếu có, sẽ thấy dở kinh khủng. Chỉ khi đạo diễn hay lãnh đạo nhà hát bảo được, tôi mới dám tin là được.
Tất nhiên, lúc viết thì tôi hăm hở lắm, lúc đó tôi là nhất, cứ như một vị thần sáng tạo nào đó ấy. Tôi cũng thích cảm giác này, bởi nó đem cho mình niềm hưng phấn trong công việc không hẳn là nhọc nhằn-vì nghề nào chả nhọc nhằn-mà chính xác với tôi là vừa phải thật phiêu lãng lại phải cẩn thận như thể đang giải toán."