• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

200 năm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu: Tấm gương tiêu biểu về đạo lý làm người

Nguyễn Đình Chiểu đã sống một cuộc đời trọn đạo nghĩa, trong biến loạn vẫn giữ...

Tối 30/6, tại khu Lăng và mộ Nguyễn Đình Chiểu - Di tích Quốc gia đặc biệt (xã An Đức, huyện Ba Tri), UBND tỉnh Bến Tre phối hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam, Bộ VH-TT&DL tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 2022).

Ông Nguyễn Văn Bàn, Giám đốc Sở VH-TT&DL Bến Tre cho biết, kỷ niệm 200 năm sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh tổ chức chuỗi hoạt động phong phú, diễn ra trong tháng 6, cao điểm là ngày 29 và 30/6. Các tỉnh, thành phố (Long An, TPHCM, Thừa Thiên- Huế) tổ chức hành trình theo bước chân cụ Đồ tại các tỉnh thành có lưu dấu Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.

Ngoài ra, tổ chức Hội diễn Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông lần thứ XVIII; Giải Bến Tre Marathon; Hội chợ thương mại - Ẩm thực xứ Dừa năm 2022 và phá kỷ lục, xác lập kỷ lục thế giới 222 món ăn từ dừa. Thực hiện quy trình xác lập kỷ lục Việt Nam, kỷ lục thế giới đối với quyển sách thư pháp khổ lớn “Nguyễn Đình Chiểu thi tuyển” có kích thước 1,4m x 1,8m.

200 năm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu: Tấm gương tiêu biểu về đạo lý làm người

Hoạt động trọng điểm là trưng bày “Nguyễn Đình Chiểu cuộc đời và sự nghiệp” tại Di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu tại xã An Đức, huyện Ba Tri và gửi trưng bày ảo đến trụ sở của UNESCO tại Pháp. Song song đó, diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu với chủ đề “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay” quy tụ các nhà khoa ở các nước Pháp, Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc đăng ký tham dự.

Bà Nguyễn Thị Bé Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 200 năm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu là một sự kiện trọng đại để tôn vinh, khơi dậy lòng tự hào của dân tộc Việt Nam, một nhà thơ, một thầy thuốc, nhà yêu nước vừa được UNESCO vinh danh trong danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022 - 2023”; đồng thời, đây là cơ hội để Bến Tre giới thiệu, quảng bá khám phá và khơi dậy tiềm năng, xúc tiến du lịch, tạo sự lan tỏa rộng khắp.

Nhà văn hóa lớn của dân tộc

UNESCO khẳng định: “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam; tấm gương vượt qua nghịch cảnh và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời”. Ngoài sáng tác thơ văn, ông còn là một nhà giáo được người đời quý mến về tài năng, đức độ. Trọn đời dốc lòng dạy dỗ, truyền thụ cho môn sinh đạo làm người, đạo lý truyền thống của dân tộc. Điều đáng khâm phục nữa là khi bị mù, Nguyễn Đình Chiểu mới học làm thuốc và trở thành một thầy thuốc giỏi, một lương y tinh thông về y lý phương Đông và y lý Việt Nam. Có thể nói, trên thế giới hiếm có danh nhân nào đạt trên cả 3 lĩnh vực đồ sộ như Nguyễn Đình Chiểu: Thơ văn, Thầy giáo, Thầy thuốc.

Nguyễn Đình Chiểu đã sống một cuộc đời trọn đạo nghĩa, trong biến loạn vẫn giữ được phẩm cách thanh cao. Ông không chỉ là người con hiếu đạo, mà còn là người thầy giáo tâm huyết, một thầy thuốc mẫu mực, là nhà thơ yêu nước điển hình, có quan niệm văn chương nhất quán, dùng văn chương để chuyển tải chủ nghĩa anh hùng, vì lý tưởng và chiến đấu cho chính nghĩa. Sự rạch ròi, tính công bằng, luôn đứng về lẽ phải, ca ngợi, bảo vệ cái đúng, bảo vệ người yếu thế đã thể hiện tấm lòng thương dân, yêu nước của ông.

Nguyễn Đình Chiểu sống hòa mình vào Nhân dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân và đưa hình tượng người nông dân vào trong các tác phẩm của mình như những người tiêu biểu nhất của tinh thần yêu nước, với ý chí quật cường của dân tộc trong cơn khói lửa.

Đối với khu vực Nam bộ, nhất là tỉnh Bến Tre - vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ người Bến Tre nói riêng, Nam bộ và cả nước nói chung về đạo lý làm người, về tinh thần yêu nước và ý chí kiên cường, bất khuất. Nơi đây cũng ấp ủ, lưu giữ di hài của nhà giáo Võ Trường Toản; quê hương của Long Vân hầu Trương Tấn Bửu, của Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng và cũng là quê hương, nơi sống và làm việc của nhiều danh nhân văn hóa lịch sử. Đồng thời, trong thời kỳ đấu tranh cách mạng, vùng đất này tiếp tục sản sinh ra các danh nhân như Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Giáo sư Ca Văn Thỉnh, nhà thơ Lê Anh Xuân, Bác sĩ - Nhà giáo nhân dân Trần Hữu Nghiệp.

Ông Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho biết, tấm gương yêu nước, sống gắn bó mật thiết với Nhân dân, vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, đem tài năng và trí tuệ của mình tận tâm, tận lực phục vụ cho dân, cho nước của Nguyễn Đình Chiểu trở thành mạch nguồn truyền thống tốt đẹp, chảy mãi trên quê hương Bến Tre - quê hương Đồng Khởi anh hùng. Việc vận dụng, phát huy những giá trị tốt đẹp của truyền thống ấy vào việc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước ở hiện tại cũng như trong tương lai là trách nhiệm của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Bến Tre nói riêng, Nam bộ và cả nước nói chung.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nói rằng, từ năm 1975 đến nay, tỉnh Bến Tre luôn xác định phát triển kinh tế - xã hội trên nền tảng truyền thống văn hóa, nhân văn, chủ nghĩa yêu nước được trao truyền từ các bậc tiền nhân, trong đó có Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, và nhất là tinh thần Đồng khởi năm 1960 được nâng lên và xây dựng thành phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” ngày nay, biến tinh thần Đồng khởi trong đấu tranh giải phóng dân tộc thành phong trào Đồng khởi trong xây dựng quê hương, vươn lên thoát nghèo, làm giàu, xây dựng và phát triển tỉnh Bến Tre ngày càng giàu mạnh, thịnh vượng.

HÒA HỘI

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật