Bùi Hoài Mai sinh ngày 24/10/1962, ông là một họa sỹ, nhà nhiếp ảnh, người sưu tầm gốm cổ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đông Nam Á, kiến trúc sư thiết kế hàng loạt ngôi nhà cổ ở Việt Nam... Ông tốt nghiệp trường Mỹ thuật Yết Kiêu khóa 87. Tranh của ông phần lớn là cảnh nông thôn, ký ức về thời sơ tán, hay những không gian đậm màu Bắc bộ.
Ngoài hội họa, ông còn gắn bó và đam mê kiến trúc Việt cổ, ông được gọi vui là “kiến trúc sư tay ngang” vì tài năng và vốn hiểu biết uyên bác. Ông cũng nổi tiếng với những công trình resort mang phong cách làng cổ Bắc Bộ nổi tiếng: Long Beach Phú Quốc và Emeralda Ninh Bình, hay dự án chùa Linh Am Tự ở làng Na, Hiên Vân, Bắc Ninh... Ông cũng dành nhiều tâm huyết cho gốm Việt đương đại và lập “Bảo tàng gốm Việt” ngay trên nền xưởng gốm cá nhân do chính tay ông thiết kế và xây dựng, theo phong cách nhà Việt cổ, tại xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, Bắc Ninh.
Bạn bè, văn nghệ sỹ yêu thương ngưỡng mộ tài năng của Bùi Hoài Mai, dành cho ông biệt danh:"Kẻ lãng mạn cuối cùng của thế kỷ”.
Ngày 10/6 vừa qua, Bùi Hoài Mai "hạc giá vân du" về cõi Phật. Ngày tiễn cha, con trai lớn của ông, họa sỹ Sơn Nam Bùi Hoài, đã ghi lại những kí ức thân thương của 2 cha con:
Từ nhỏ, tôi thường băn khoăn, sao bố mình không giống bố người ta. Bố tôi thường xuyên đón tôi rất muộn thậm chí để quên tôi ở trường. Bố tôi, thay vì cho tôi đi chơi công viên thì kéo tôi lê la khắp các hàng đồ cổ, khắp mọi đình, chùa. Đằng trước nâng niu chiếc thạp gốm cổ, đằng sau chằng thêm tôi bon bon đi từ sáng sớm tới tối mịt. Hay khi tôi thi đại học, bố đã cùng tôi ngủ quên mà không đưa tôi đi thi, và vì thế tôi đã bỏ lỡ môn vẽ, môn mà tôi tự tin nhất. Khi bố tôi mua chiếc xe ô tô đầu tiên, một chiếc địa hình cũ rích, ông rủ ngay em trai tôi làm một chuyến offroad, rồi hào hứng đưa cả nhà đi ăn nhà hàng. Đến vườn hoa con cóc thì xe chết máy, mẹ con tôi vừa đói vừa phải đẩy xe một quãng đường dài.
Thế nhưng, vẫn người bố đó, ông đã cho tôi ăn Tết thoả thích toàn mỳ gói khi mẹ tôi ốm nặng không thể đi chợ. Vẫn là người bố đó, người luôn báo cáo với vợ rằng con trai mình “rất ổn” mỗi khi đi họp phụ huynh về, dù năm nào nó cũng chỉ được học sinh trung bình. Thay vì câu “con học bài chưa” thì câu tôi nghe nhiều nhất những năm tháng đó lại là “Jim ơi, đi chơi thôi” rồi dẫn tôi vào thế giới của nghệ thuật, điện ảnh và âm nhạc. Một ngày nọ, tôi mới nhận ra, không chỉ là một người bố khác biệt, ông còn là một người bạn tuyệt vời.
|
Bà nội tôi thì hay kể: “Ngày xưa thời bao cấp khó khăn, Mai được giao nhiệm vụ xếp hàng đổi tem phiếu lấy dầu ăn với gạo, thế mà nó lấy tem phiếu đi đổi mấy cái vé nhạc giao hưởng, cả nhà đành phải mang bụng đói đi nghe hoà nhạc, mà nghe cũng chẳng hiểu gì.” Nếu cuộc đời của hoạ sĩ Bùi Hoài Mai là một cuốn phim gồm những kỷ niệm của từng người trong chúng ta, tôi tin rằng đa phần là những kỉ niệm đẹp và đầy tiếng cười. Bởi, dù làm con, làm chồng, làm cha, làm thầy, làm bạn, dù trong hoàn cảnh hay vai trò nào, ông thích nhất là làm mọi người vui. Đó cũng là điều khiến ông được yêu quý ở những nơi ông sống và đi qua. Ông học rất nhanh và luôn muốn thực hành mọi điều mình học được. Không thể liệt kê hết những công việc ông đã làm suốt cuộc đời mình.
Vẽ tranh, làm kiến trúc, làm gốm, làm báo, làm phim tài liệu, dựng nhà, xây chùa hay nghiên cứu, sưu tập gốm cổ v.v. Dù làm gì, ông cũng đều để lại những thành tựu và dấu ấn riêng, mang lại giá trị không phải cho bản thân ông mà rất nhiều người khác. Có thể nói, ông dành cuộc đời mình để làm việc, tích luỹ tri thức và sẵn sàng chia sẻ. Nhiều ước mơ và dự định còn chưa kịp hoàn thành, nhưng ông đã kịp trao truyền lại kiến thức, niềm tin và cảm hứng cho rất nhiều học trò, và thế hệ tiếp nối. Đằng sau tất cả những gì ông làm là một tình yêu bất tận với nghệ thuật và văn hoá truyền thống Việt Nam. Tình yêu đó có lẽ được nuôi dưỡng từ thời thơ ấu trong những lần đi sơ tán ở nông thôn, hay thời sinh viên thường xuyên đi trực hoạ ở các đình chùa, trên các triền đê và các ngôi làng cổ. Khi cùng ngắm nhìn lại các tác phẩm, các công trình của ông, tôi đã thấy một dòng chảy tinh thần Việt Nam bên trong đó. Tinh thần đấy thật sự rất khó gọi tên, nhưng chắc chắn nó đã được gói gọn trong con người ông.
Họa sỹ Sơn Nam Bùi Hoài, con trai của họa sỹ Bùi Hoài Mai (Ảnh: FBNV) |
Bố tôi thường trích dẫn một trong những quy tắc tâm linh người Ấn Độ rằng: “Bất cứ điều gì xảy ra đều là những điều nên xảy ra”. Cũng giống như ông luôn nhắc về chữ “Duyên” trong Đạo Phật. Vậy nên, với ông không đặt nặng chuyện thành công hay thất bại, mà chỉ suy nghĩ rằng liệu thời điểm đó ta có sống hết mình để tìm kiếm vẻ đẹp của cuộc đời không. Vào những năm tháng cuối cùng, khi trở bệnh và phải nằm một chỗ. Với người luôn đầy năng lượng và thích di chuyển như ông, ai cũng nghĩ rằng đây thực sự là điều tồi tệ nhất. Nhưng ông đã có cơ hội tìm hiểu và tu tập Pháp Luân Công. Và Đại Pháp đã giúp ông có cơ hội để suy ngẫm và nhìn lại về cuộc đời, từng bước vượt lên trên hoàn cảnh và chính mình.
Nhà của họa sĩ Bùi Hoài Mai ở Bắc Ninh (Ảnh: Soi.vn) |
Bố tôi đang thực hiện chuyến đi cuối cùng ở thế giới này để bắt đầu một hành trình mới. Khi ra đi, ông không đem theo hành trang gì, nhưng ông đã để lại cho thế giới của tôi và mọi người xung quanh những di sản đẹp đẽ. Đó là những ký ức gắn liền với một đời người luôn ngập tràn sự hài hước, sự tử tế và đam mê. Giờ đây, bố đã tự do để đến với những hành trình mới.