• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cái chết không bao giờ nên là lựa chọn, Sơn Tùng MTP nên hiểu điều này!

Không đúng ở cái lý, MV của Sơn Tùng còn sai ở “cái tình”.

Chỉ mất chưa đầy 24 giờ để MV “There’s no one at all” của Sơn Tùng MTP hoàn tất chu kỳ của một sản phẩm âm nhạc: ra mắt, lan tỏa, tạo tranh cãi và có vẻ kết thúc bởi việc gỡ MV khỏi Youtube trên lãnh thổ Việt Nam. 

Sự phản đối không ngừng từ dư luận xã hội về nội dung gây kích động của MV này nằm ngoài tưởng tượng của Sơn Tùng như chính lời ca sĩ này thừa nhận trong thông báo xin lỗi khán giả. Song, đây không phải lần đầu tiên, và chắc chắn không phải lần cuối cùng, một sản phẩm âm nhạc có nội dung liên quan đến tự sát hứng chịu lo ngại về tầm ảnh hưởng.

“I Hate Myself and I Want to Die”

Tháng 1/1994, khi trả lời phỏng vấn với tạp chí “The Rolling Stone”, thủ lĩnh Kurt Cobain của Nirvana thừa nhận ca khúc “I hate myself and I want to die” chỉ là “một trò đùa không hơn”. Chính Kurt cũng nhấn mạnh anh hiểu phần lớn khán giả sẽ không hiểu ý nghĩa đằng sau cái tên gây kích động này và quyết định gạt nó khỏi “In Utero”, dù trong nhiều tháng Kurt muốn đây sẽ là tên tựa đề của album mới.

Ảnh: devianart
Ảnh: devianart

Ba tháng sau, mọi lý giải của Kurt trở nên vô nghĩa. Thủ lĩnh của Nirvana kê khẩu súng dưới cằm, bóp cò và giã biệt cuộc sống ở tuổi 27. Không ai có thể tin lời bào chữa “I hate myself and I want to die” chỉ là “một trò đùa” được nữa.

Cái chết của Kurt gây chấn động toàn cầu. Ít nhất 2 vụ tự sát đã xảy ra ở Mỹ với cảm hứng là sự ra đi đột ngột của người được coi là “Thủ lĩnh tinh thần” của thế hệ X.

Ảnh hưởng của từ cái chết của Kurt và những lời nhạc kích động của Nirvana kéo dài hơn nhiều người nghĩ. Năm 1997, tại ngôi làng Somain (Pháp), cách Seattle 17 giờ bay, Valentine Defontaine (12 tuổi) và Aurelie Leleu (13 tuổi) được mô tả hòa đồng và không gặp bất kỳ vấn đề nào về tâm lý cũng như xung đột với gia đình. Cả hai đặc biệt mê mẩn “Stay away” của Nirvana, nơi Kurt hát: “Rather be dead than cool”.

Trong nhiều tháng, hai cô bé liên tục nói với bạn bè rằng mình sẽ tự sát như thần tượng. Các bạn cùng lớp chỉ nghĩ đấy là lời nói đùa. Sau khi tan học vào ngày 14/5/1997, Aurelie đến nhà Valentine, nghe nhạc của Nirvana lần cuối và lên đạn cho khẩu súng có sẵn. Clement Gressier, 11 tuổi, phát hiện ra khẩu súng và định cầm đi chơi nhưng bị chặn lại. Cậu bé vùng vằng: “Nếu các chị muốn tự sát thì làm đi. Để xem em có quan tâm không?”.

20 phút sau, Gressier quay lại cùng hai cậu bạn, và phát hiện xác Valentine dựa lưng vào tường với máu ộc ra từ miệng. Còn Aurelie nằm trên sàn với đạn xuyên qua đầu. Bố mẹ của cả hai cô bé đổ gục. Các poster hình Kurt Cobain bị gỡ khỏi toàn bộ phòng của những đứa trẻ tại ngôi làng nhỏ Somain.

Trước Nirvana và Kurt Cobain, những cái chết được dẫn lối bởi âm nhạc kích động còn tới từ một ban nhạc đình đám chẳng kém: Metallica. Năm 1984, một trong tứ trụ dòng thrash metal mắt album “Ride the Lightning” với ca khúc gây chú ý: Fade to black. Sau khi khiến cả thế giới rock giật lắc dữ dội với album đầu tay “Kill Em All”, Metallica buộc tất cả sửng sốt với bản rock ballad nói về tự sát như chính James Hetfield thừa nhận sau này.

Life, it seems, will fade away

Drifting further, every day

Getting lost within myself

Nothing matters, no one else

I have lost the will to live

Simply nothing more to give

There is nothing more for me

Need the end to set me free

Ban nhạc Metallica năm 1984/ Ảnh: Randy Bachman/Getty Images
Ban nhạc Metallica năm 1984/ Ảnh: Randy Bachman/Getty Images

Những phụ huynh ở Mỹ lập tức lo ngại ca khúc này sẽ tạo ảnh hưởng xấu tới con cái họ. Quan điểm ấy có cơ sở khi hàng loạt vụ tự sát ở lứa tuổi vị thành niên diễn ra, từ uống thuốc ngủ quá liều đến ngồi trong ô tô cùng ống xả. Tất cả đều có mẫu số chung: nghe “Fade to black” trước khi tự sát.

Thủ lĩnh của Metallica, James Hetfied, phải đối mặt với vô vàn chỉ trích từ dư luận về lời ca kích động của “Fade to black”. James hiểu nhiều người đã tự sát vì ca khúc này và tiết lộ ban nhạc bị kiện, nhưng cũng nhấn mạnh bản thân cùng cả nhóm đã nhận được cả trăm bức thư cảm ơn từ người hâm mộ vì “được cứu sống nhờ Fade to black”. 

Thật khó để phụ huynh của những đứa trẻ tự sát chọn nhìn vào mặt kia của cốc nước vơi. “Fade to black” có thể cứu nhiều người, nhưng đã giết chết đứa con của họ.

Lời nhắc nhở cho Sơn Tùng

Thời gian che mờ nỗi đau. Sau nhiều thập kỷ, Nirvana hay Metallica vẫn đứng vững với vai trò biểu tượng của âm nhạc trong từng thời kỳ. Những vụ tự sát với cảm hứng từ những ca khúc của hai ban nhạc huyền thoại này cũng dần trôi vào quên lãng. Người thân của những nạn nhân đều chọn cách bước tiếp. “Fade to black” của Metallica trở thành kinh điển. “I hate myself and I want to die” và “Stay away” của Nirvana vẫn được một bộ phận công chúng đón nhận.

MV “There’s no one at all” của Sơn Tùng MTP thì chưa và có thể không bao giờ có được sự ghi nhận như thế.

Trước hết, sản phẩm của ca sĩ quê Thái Bình có thể sai về luật. Trong văn bản gửi Thanh tra Bộ và Cục PTTH&TTĐT (Bộ TT&TT), Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng sản phẩm của Sơn Tùng có dấu hiệu vi phạm quy định cấm “sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội” tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Chiều 29/4, Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông TPHCM đã có thư mời Sơn Tùng (tên thật Nguyễn Thanh Tùng) đến làm việc và cung cấp thông tin liên quan đến MV. 

MV mới đột phá nhưng Tùng đã sai cả lý và tình
MV mới đột phá nhưng Tùng đã sai cả lý và tình

Không đúng ở cái lý, MV của Sơn Tùng còn sai ở “cái tình”. Hình ảnh nhân vật chính trong MV nhảy lầu tự sát quá dễ để tạo ra hiệu ứng bắt chước như những gì từng diễn ra trong lịch sử âm nhạc với Nirvana và Metallica là các đại diện, đặc biệt là trong bối cảnh những vụ tự sát ở lứa tuổi vị thành niên diễn ra liên tục tại Việt Nam trong thời gian gần đây.

Đối tượng khán giả của Sơn Tùng đa phần là giới trẻ. Ở độ tuổi này, cảm xúc dẫn lối mọi hành động. Những đứa trẻ tuổi teen hay vị thành niên có quyền nhìn nhận phiến diện, dễ bị dụ dỗ và không thể phân biệt đúng sai. Viễn cảnh những đứa trẻ trong cơn lên đồng cảm xúc tiêu cực chọn cách kết liễu cuộc đời như thần tượng trong MV quả thực đáng sợ với bất kỳ bậc cha mẹ nào.

Đứng trên góc độ làm âm nhạc, Sơn Tùng đã đột phá khi phá vỡ vùng an toàn của chính mình với một MV khác biệt hoàn toàn so với bất kỳ sản phẩm nào trước kia. Tuy nhiên, ảnh hưởng càng lớn, trách nhiệm càng phải cao. Sơn Tùng phải hiểu mình có giá trị thế nào với những người hâm mộ. 

Trong góc nhìn của Sơn Tùng, cái chết của nhân vật chính trong MV có thể là hình ảnh biểu tượng cho lời kêu cứu của những đứa trẻ cô đơn, bị cô lập bởi xã hội, từ đó là lời cảnh tỉnh cho xã hội ngày càng phân hóa như hiện tại.

Song cái chết chưa và sẽ không bao giờ nên là một lựa chọn, ngay cả trong tư tưởng. Sơn Tùng nên hiểu điều này. 

  

Ngoạ Long

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật