• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cấm sóng, cấm diễn với những nghệ sĩ Việt vi phạm pháp luật

Người có sức ảnh hưởng như nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng (KOLs) có hành vi vi phạm...

Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng có hành vi vi phạm trong hoạt động biểu diễn, phát ngôn trên mạng xã hội, trong hoạt động quảng cáo... như phát hành MV (video ca nhạc) cổ xúy tự tử, ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ; đưa tin sai sự thật; quảng cáo tiền ảo, bói toán, mê tín, thổi phồng công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe... Tuy nhiên, mức phạt với mỗi hành vi vi phạm liên quan việc đưa tin sai sự thật còn quá nhẹ, chỉ từ 5-10 triệu đồng, trong khi mức phạt vi phạm về quảng cáo chỉ đến 80 triệu đồng.

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử nhận định nghệ sĩ, người nổi tiếng có hành vi vi phạm pháp luật sẽ ảnh hưởng không tốt đến xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Do đó, để chấn chỉnh tình trạng này phải có những chế tài xử lý mạnh hơn.

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa thông qua Quyết định 512 về việc cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, từ tháng 10/2023, nghệ sĩ và người có tầm ảnh hưởng (KOLs) vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội sẽ bị hạn chế các hoạt động: phát sóng, biểu diễn, quảng cáo.

  Một tiktoker từng bị lên án vì làm video

Một tiktoker từng bị lên án vì làm video "bẩn", miệt thị người nghèo - Ảnh: chụp màn hình

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết các biện pháp xử lý như "cấm sóng", "cấm mạng", "cấm diễn" nhằm mục đích từng bước làm lành mạnh không gian mạng, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, nhất là đối với giới trẻ. Do chưa có quy định pháp luật nên trước mắt sẽ sử dụng phương thức "khuyến nghị" hạn chế phát sóng, đưa tin, biểu diễn đối với đối tượng vi phạm.

Bộ VHTTDL cũng vừa ban hành Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL về tiêu chí và hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo có hiệu lực từ 20/5 tới.

Về các mức phân loại phim sẽ bổ sung thêm loại K (Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ) và loại C (Phim không được phép phổ biến). Việc phân loại phim sẽ căn cứ vào các quy định cụ thể hơn bao gồm tiêu chí về: Chủ đề, nội dung; Bạo lực; Khỏa thân, tình dục; Ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện; Kinh dị; Ngôn ngữ thô tục; Hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước.

Trước đó phim được phân loại theo các mức: P (Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi), 13+, 16+ và 18+ (Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13, 16, 18 tuổi trở lên).

Hiện các phim trước khi ra rạp được phân loại theo các mức: P (Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi), 13+, 16+ và 18+ (Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13, 16, 18 tuổi trở lên). Tuy nhiên, từ 20/5 tới, khi Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL về tiêu chí và hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo mới được Bộ trưởng Bộ VHTTDL ký ban hành có hiệu lực, việc phân loại phim sẽ có thay đổi để phù hợp với Luật Điện ảnh mới được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2022.

Trong đó, tiêu chí về khỏa thân, tình dục được quy định cụ thể và chi tiết với nhiều điểm nhất, trong đó có cả độ tuổi của nhân vật trong các cảnh tình dục và mức độ tác động của hoạt động tình dục đến người xem. Thông tư mới yêu cầu phim phải được hiển thị mức phân loại phim trong quá trình phổ biến, trừ phim phân loại P. 

Đối với phim được phổ biến trên truyền hình và không gian mạng, nhà sản xuất và nhà đài phải hiển thị nội dung cảnh báo bằng chữ viết hoặc lời nói chậm nhất trong 3 giây ngay sau khi bắt đầu phổ biến phim; vị trí hiển thị cảnh báo ngay sát phía dưới biểu tượng mức phân loại phim; hiển thị tối đa 33 lần trong quá trình phổ biến phim đối với phim có thời lượng từ 20 phút trở lên.

Thanh Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật