Sự việc nam thanh niên "bắt vợ" ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang theo hủ tục xa xưa vừa qua đã gây xôn xao dân mạng. Chính quyền địa phương đã kịp thời giải cứu bé gái, đồng thời, đang xem xét xử lý hành vi của thanh niên này.
Trao đổi với Zing, bà Triệu Thị Tình, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Hà Giang, cho biết qua xác minh bước đầu, vụ việc bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết, hành động bộc phát của nam thanh niên.
"Người H'Mông có một tục rất độc đáo, ý nghĩa là 'kéo vợ'. Đây là một phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc này. Tuy nhiên, nhiều người không hiểu rõ về phong tục, dẫn đến biến tướng và trở thành 'bắt vợ' với những hành động sai bản chất, vi phạm pháp luật", bà Tình chia sẻ.
Cảnh "bắt vợ" gây bức xúc tại Hà Giang. (Ảnh chụp màn hình clip). |
Bà Tình cho biết chính quyền địa phương thời gian qua rất tích cực tuyên truyền, nhắc nhở người dân "duy trì những phong tục tập quán tốt đẹp nhưng cũng bài trừ hủ tục". Dù vậy, tại một vài địa bàn vẫn xảy ra tình trạng "bắt vợ" với tính chất tự phát.
Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Hà Giang sẽ có văn bản, đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm việc cưới, tang và luật Hôn nhân gia đình.
Chia sẻ với Zing, ông Vương Duy Bảo (cháu nội Vua Mèo - Vương Chí Sình, nguyên Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch), cho biết ông rất buồn và có phần tức giận khi nhiều người hiểu sai về một phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc H'Mông.
Ông nhấn mạnh: "Tôi khẳng định dân tộc H'Mông không có 'bắt vợ'. Chúng tôi chỉ có tục 'kéo dâu', mang ý nghĩa nhân văn, tốt đẹp".
Ông cảm thấy bức xúc, xấu hổ khi xem clip trên. "Đây không phải là lần đầu tiên những clip như trên được chia sẻ. Năm ngoái, tôi cũng xem một clip thanh niên trẻ bắt vợ ở Hà Giang được đăng tải. Nhiều người bức xúc nói đây là một hủ tục của người H'Mông rồi lên án. Nhưng tôi khẳng định người H'Mông chúng tôi không có tục lệ nào có tên là tục "bắt vợ"", ông Bảo nói.
Theo ông Bảo, dân tộc H'Mông cũng có những thủ tục gần như người dân tộc Kinh. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn khó thực hiện đủ các bước trên nên người dân nghĩ ra tục "kéo dâu" để tiết kiệm chi phí và được xã hội người H'Mông đồng tình, công nhận. Nhưng điều kiện tiên quyết là đôi nam nữ phải yêu nhau, mong muốn trở thành vợ chồng.
"Để 'kéo dâu', đôi nam nữ sẽ hẹn nhau ở một địa điểm. Người con trai sẽ rủ thêm một vài người bạn để cùng đưa cô gái về nhà làm vợ. Trong khi đưa về, cô gái sẽ được kéo nên dân tộc H'Mông gọi tục này là 'kéo dâu' ", ông Bảo cho biết.
Theo ông Bảo, trong khi người con trai kéo dâu về, bố mẹ chàng trai ở nhà sẽ chuẩn bị một con gà trống (được coi là gà thần canh cửa, trừ tà của người H'Mông) để đón con dâu. Trước khi chính thức nên duyên, nhà trai sẽ phải làm mâm cơm cúng, báo với tổ tiên về việc cô gái sẽ làm dâu của gia đình. Sau đó, nhà trai còn phải chuẩn bị sính lễ sang nhà cô gái để xin phép. Nếu được chấp thuận, hai nhà mới chính thức trở thành thông gia. qua,
Về sự việc ở Mèo Vạc vừa qua, ông Bảo cho biết hành động của nam thanh niên là không thể chấp nhận. "Cậu ta có thể không hiểu về phong tục tập quán, có thể hiểu nhưng cố tình làm sai, biến tướng. Và điều này đã bôi nhọ, xúc phạm dân tộc H'Mông".
Ông Bảo cũng nhấn mạnh việc thời gian qua, nhiều người cố tình hiểu sai về tục "kéo dâu", lợi dụng phong tục tốt đẹp này để "làm bậy". Ông đề nghị các cơ quan chức năng cần khẩn trương tuyên truyền, đính chính về bản chất tốt đẹp của tục "kéo dâu".
"Trong phong tục, cái đẹp được gọi là phong tục tốt đẹp, còn cái xấu là 'hủ tục'. Khi người dân và chính quyền coi 'bắt vợ' (vốn bị hiểu sai từ tục 'kéo dâu') là hủ tục thì không khác gì thừa nhận phong tục của người H'Mông là xấu", ông Bảo nói.
Bên cạnh đó, cháu nội Vua Mèo cũng đề nghị cơ quan chức năng phải có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với những người lợi dụng phong tục tập quán, cố tình làm sai vì mục đích cá nhân.