Nền báo chí cách mạng Việt Nam thừa hưởng di sản đồ sộ từ sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã đặt những viên gạch đầu tiên để cùng Nhân dân cất tiếng nói, cũng là người làm báo đầu tiên xông pha trên nhiều mặt trận và đồng thời dẫn dắt nền báo chí cách mạng Việt Nam trong giai đoạn quan trọng của lịch sử nước nhà.
Từ đó cho đến nay, di sản mà Hồ Chí Minh để lại đã xây đắp nên bề dày chính trực của báo chí cách mạng, hướng sự nghiệp báo chí tiếp nối những giai đoạn phát triển và tiếp tục là kim chỉ nam để hệ thống báo chí, truyền thông khẳng định vai trò nòng cốt trong tiến trình thực hiện những mục tiêu mới của thời đại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (Ảnh tư liệu) |
Trước khi trở thành một nhà báo, phóng viên chiến trường, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lựa chọn con đường cách mạng để giải phóng dân tộc. Điều đó cho thấy rằng, đối với Bác Hồ, làm báo là một phương tiện hữu hiệu để làm cách mạng và báo chí là công cụ sắc bén có mục đích chân chính và rõ ràng. Với quan điểm đó, Người đã khai sinh ra dòng báo chí cách mạng tại Việt Nam với sự ra đời của tờ báo Thanh Niên, số ra ngày 21/6/1925, dựa trên lập trường tư tưởng theo lê-nin-nít về báo chí vô sản.
Tiếp đó, sau thời gian hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước và chắp bút sáng lập nên tờ Việt Nam độc lập, với mục đích kêu gọi nhân dân đoàn kết đứng lên đánh đuổi. Theo “làn gió cách mạng” cùng tinh thần dân tộc sục sôi trong lòng tầng lớp trí thức thời bấy giờ, nhiều tờ báo, tạp chí khác đã phát triển dưới sự tiên phong của Việt Nam độc lập. Cứu quốc, Cờ giải phóng, Tạp chí Cộng sản cùng nhiều tờ báo ở các địa phương liên tục xuất hiện, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền đường lối cứu nước trong cán bộ, nhân dân.
Từ đó về sau, trải qua các cuộc cách mạng trên cả nước, báo chí đã đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp của Đảng và chính quyền non trẻ bấy giờ, giữ vai trò tiên phong trong việc tuyên truyền, giáo dục về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với quan điểm xuyên suốt: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nền tảng đó sống mãi cho đến tận bây giờ, là kim chỉ nam mà bác Hồ đã gửi gắm cho lớp lớp các thế hệ làm báo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các phóng viên báo đài. (Ảnh tư liệu) |
Di sản
Bao nhiêu năm cống hiến cuộc đời cho cách mạng cũng là phần lớn thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng, phát triển và đồng hành cùng nền báo chí Việt Nam. Chắp bút từ lửa chiến tranh, bài báo viết nên từ máu và nước mắt với ý chí quyết tâm góp tiếng nói kêu gọi độc lập dân tộc. Xuyên suốt quá trình đó, Người đã để lại bề dày tư tưởng cho báo chí cách mạng, là nguồn di sản vô giá của báo chí hiện đại.
Nội dung tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng nêu rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tính chất của báo chí cách mạng; trong đó có vai trò, nghĩa vụ, đạo đức, phong cách của người làm báo. Đối với Hồ Chủ tịch, Người “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Từ quan điểm đó về cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng Việt Nam: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất đất nước, cho hòa bình thế giới”, hệ thống báo chí hoạt động vì con đường đi lên của Đảng và chính quyền, hay nói chung là vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của toàn thể nhân dân. Ngoài mục đích đó, báo chí không phải là công cụ vì những lợi ích bè phái, cá nhân hay đi ngược lại với con đường chính trị mà Đảng và Nhân dân đã chọn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với phóng viên Báo Việt Nam độc lập tại Thái Nguyên, tháng 1-1964. Ảnh: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch |
Với tôn chỉ, mục đích rõ ràng, báo chí cách mạng Việt Nam có vai trò và nhiệm vụ như là một chiến sĩ cách mạng, sử dụng vũ khí sắc bén là “cây bút, trang giấy”. Người từng dẫn lời của Lênin, cho rằng: “Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung. Vì vậy, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, đi sâu vào nghiệp vụ của mình; cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công”. Để thực hiện được nhiệm vụ cách mạng mà mỗi tờ báo trân trọng gánh vác, Người đặt mối quan tâm đối với việc xây dựng đội ngũ nhà báo vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Người căn dặn: “Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”. Bởi làm báo là làm cách mạng, bài báo cũng là tác phẩm có mục đích được viết bằng những nhà báo tu dưỡng đạo đức, trau dồi tư tưởng. Do vậy, người làm báo phải học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hiểu thấu đời sống nhân dân ở mọi tầng lớp, luôn nâng cao trình độ văn hóa, rèn giũa nghiệp vụ, giữ cho cây bút sắc, tấm lòng trong.
Sáng lập nên nền báo chí cách mạng Việt Nam, đã kinh qua nhiều vị trí, không chỉ ở vai trò là nhà báo, phóng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động biên tập, in ấn, xuất bản,… Thấu suốt hoạt động của tổ chức báo, đồng thời tạo lập rõ nền tảng, vạch nên đường lối phát triển, Người đã để lại nguồn di sản quý giá để báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục mở rộng và tạo nên những thành tựu mới cho đến tận ngày nay, “phò tá” sự nghiệp cách mạng của Đảng cũng như vì cuộc sống Nhân dân mà chắp bút, lan tỏa tư tưởng cách mạng.
Vững tương lai từ nền di sản
Nền báo chí cách mạng Việt Nam đang ở giai đoạn quan trọng của sự phát triển, với những cơ hội và thách thức mà thời đại đặt ra. Không chỉ thay đổi trong phương thức sản xuất, cuộc cách mạng công nghệ toàn cầu đã thay đổi toàn diện cách thức báo chí phải vận hành để tiếp cận sâu sát với nhân dân, đồng thời, việc vận hành của nền kinh tế thị trường tạo nên quá trình cạnh tranh gắt gao hơn đối với mỗi cơ quan, tòa soạn, ảnh hưởng sâu sắc đến mỗi một người làm báo. Trong bối cảnh đó, di sản của Hồ Chủ tịch về tôn chỉ và mục đích, vai trò và nhiệm vụ cũng như phẩm chất của người làm báo càng quý giá và rõ ràng hơn bao giờ hết, giúp soi sáng con đường mà hệ thống báo chí cần phải bước tiếp ở bước chuyển mình đầy thử thách mà kỷ nguyên đặt ra.
Theo đó, cuộc cách mạng chuyển đổi số không còn là khái niệm xa lạ đối với hệ thống báo chí Việt Nam. Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội nhà báo 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, chuyển đổi số được nêu ra như là một bước phát triển quan trọng mà tất cả các cơ quan báo chí cần thích ứng và “mượn gió Đông” để phát triển lớn mạnh, sớm tiếp cận với công chúng, nhân dân có những thị hiếu đọc tin tức thay đổi. Tại đây, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã trình bày tham luận chuyển đổi số trong hoạt động báo chí để nâng cao hiệu quả truyền thông phù hợp với xu thế hiện nay, trong đó nêu ra những công tác chuyển đổi số điển hình tại một số tòa soạn, cơ quan báo chí. Bước chuyển mình của hệ thống báo chí trong thời đại hoàn toàn phù hợp với lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Viết cho ai?”, bởi đông đảo quần chúng nhân dân đã thay đổi cùng thời đại, việc chuyển mình của những tờ báo là hoạt động thiết yếu để báo chí có thể gần dân hơn, sát dân hơn và trở thành người bạn cũng nhân dân.
Và dù có tham gia vào công cuộc chuyển đổi số, hệ thống báo chí Việt Nam cũng như Đảng, Nhà nước vẫn quán triệt tôn chỉ, mục đích cũng như vai trò, nhiệm vụ phục vụ sự nghiệp phát triển của dân tộc. Trong đó, tính Đảng luôn được gìn giữ và phát triển, như Người yêu cầu “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”.
Về đội ngũ người làm báo, trong thời điểm chuyển biến đầy thách thức của thời đại, phóng viên, nhà báo, người đứng trong hàng ngũ thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền càng cần gìn giữ phẩm chất mà Hồ Chủ tịch đã căn dặn. Một bộ phận phóng viên, nhà báo có biểu hiện suy thoái, lợi dụng phương tiện báo chí để trục lợi cá nhân, vì lợi ích nhóm. Khi đó, ngòi bút không còn “bén”, bài viết cũng không còn là “tờ hịch cách mạng” mà đã trở thành thứ chữ mục ruỗng, được viết nên từ một nền tảng chính trị lỏng lẻo, thiếu bản lĩnh, thiếu lập trường và méo mó bởi thời cuộc. Vào thời điểm phân hóa cao như vậy, những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ làm báo vừa “hồng” vừa “chuyên” lại soi sáng hơn bao giờ hết. Bởi nếu phóng viên, nhà báo nào không còn phù hợp với những tiêu chuẩn của một “chiến sĩ cách mạng” cũng không thể trở thành một người làm báo chân chính. Nhiều người đã từng đứng dưới ngọn cờ của báo chí cách mạng, mượn danh xưng phóng viên, nhà báo của các tạp chí, tòa soạn, thậm chí là cơ quan của Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam, để thực hiện hành vi trục lợi riêng. Khi đó, những nền tảng mà Bác Hồ đã đặt ra cho người làm báo chính là tấm lưới phân loại những người còn đủ điều kiện phục vụ cho Đảng, chính quyền và Nhân dân.
Hồ Chủ tịch đã đi xa, nền báo chí cách mạng Việt Nam cũng vẫn vũ thay đổi và phát triển cùng với vị thế của đất nước cũng như nhập cuộc cùng các làn sóng báo chí, truyền thông trên thế giới. Sự tiến triển cả về “chất” và “lượng” của báo chí nước nhà trong những năm gần đây đã đóng góp cho sự phát triển toàn diện của chính trị - kinh tế - văn hóa xã hội, đi sâu len lỏi vào tạo nên nhiều thay đổi tích cực, kết nối con người và lan tỏa những điều tốt đẹp. Và di sản làm báo của Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên ở đó, sống mãi cùng nền báo chí cách mạng Việt Nam để tiếp tục tính chiến đấu, không khuất phục và sàng lọc cái xấu, và báo chí thực sự là người đồng hành chính trực của Nhân dân.