• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyên gia thảo luận, tìm kiếm giải pháp phát triển ngành Công nghiệp điện ảnh Việt Nam và Đông Nam Á

Chiều 14/3, Hội thảo quốc tế “Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện...

Hội thảo do Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Đại sứ quán Đan Mạch, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam phối hợp tổ chức. Sự kiện thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn khi diễn ra đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam 15/3/1953 - 15/3/2023.

Chiều 14/3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam và Đông Nam Á”. Ảnh: Hoàng Toàn
Chiều 14/3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam và Đông Nam Á”. Ảnh: Hoàng Toàn

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam chia sẻ: Trong nhiều thập kỷ của thế kỷ trước, Điện ảnh Việt Nam vốn được thế giới biết đến như một nền điện ảnh chiến tranh, là minh chứng của từng giai đoạn lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiệm vụ xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam đang được xem là nhiệm vụ mũi nhọn trong sự nghiệp phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo. Ảnh: Hoàng Toàn
TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo. Ảnh: Hoàng Toàn

“Luật Điện ảnh được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua tháng 6/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc phát triển công nghiệp điện ảnh. Từ chỗ, điện ảnh chỉ được coi là ngành nghệ thuật, Luật Điện ảnh đã xác định điện ảnh cũng là một ngành công nghiệp, một ngành kinh tế. Khung pháp lý đã có, nhưng để hiện thực hóa được luật vào cuộc sống cần có những cơ chế, chính sách cụ thể và phù hợp của Nhà nước nhằm phát huy năng lực sáng tạo của các nhà làm phim, thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước cho điện ảnh, khuyến khích hợp tác công – tư trong sản xuất, phát hành phim, phát triển thị trường điện ảnh và xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam ngày càng lớn mạnh hơn. Bởi vậy, việc tập trung trao đổi chính sách tại Hội thảo, tiếp thu kinh nghiệm giữa các nhà quản lý, các nghệ sĩ, nhà làm phim thuộc các thế hệ của điện ảnh Việt Nam với các chuyên gia từ những nước đã có quá trình xây dựng công nghiệp điện ảnh từ nhiều thập kỷ và các nước gần gũi trong khu vực Đông Nam Á là rất bổ ích và thiết thực” – TS. Ngô Phương Lan phát biểu.

Chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất phim

Trong phiên thảo luận thứ nhất liên quan tới vấn đề “Chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất phim”, các diễn giả cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh, các chính sách của Nhà nước về tài trợ sản xuất phim, hỗ trợ phát hành phim trong nước vô cùng quan trọng.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ việc Nhà nước đặt hàng, trích ngân sách sản xuất một số phim, góp phần tạo ra nhiều bộ phim hay cho điện ảnh Việt Nam. Trong đó, hai yếu tố chính góp phần tạo nên thành công của bộ phim gồm: Kịch bản được viết chuyên nghiệp, tổ chức chặt chẽ, nội dung được xã hội quan tâm. Thứ hai, được giao cho đội ngũ đạo diễn, quay phim, diễn viên… rất sáng tạo, tìm tòi.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh nêu ý kiến trong phiên thảo luận thứ nhất liên quan tới vấn đề “Chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất phim”. Ảnh: Hoàng Toàn
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh nêu ý kiến trong phiên thảo luận thứ nhất liên quan tới vấn đề “Chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất phim”. Ảnh: Hoàng Toàn

Cũng theo Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh để lựa chọn phim hay, đội ngũ chất lượng được Nhà nước hỗ trợ sản xuất, khâu sàng lọc phải kỹ càng hơn. Thông qua việc tổ chức các cuộc thi có quy mô, chất lượng huy động nhiều đối tượng tham gia, để “đãi cát tìm vàng”, các cơ quan quản lý nhà nước có thể chọn được nhiều kịch bản tốt, những người làm phim tốt để sản xuất được những bộ phim thành công.

“Nhà nước có quan tâm tới khâu sản xuất, nhưng còn “thả nổi” phần phát hành. Nhà nước cần quan tâm tới cả khâu phát hành để những bộ phim hay, có tính nghệ thuật có cơ hội đến với công chúng” – Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh nêu ý kiến.

Bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Hoàng Toàn
Bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Hoàng Toàn

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, Cục đã tổ chức một số cuộc thi về kịch bản cho từng loại hình phim để tạo nguồn cho Nhà nước và các nhà sản xuất đầu tư, nhưng chưa được thường xuyên.

Cũng theo bà Lý Phương Dung, các chính sách “bắt tay” giữa Nhà nước và tư nhân cũng đang được các cơ quan quản lý nghiên cứu để tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy sáng tạo những tác phẩm chất lượng cho điện ảnh Việt Nam.

Chia sẻ những chính sách của chính phủ Đan Mạch trong phát triển ngành công nghiệp điện ảnh, ông Jacob Neiiendam, Trưởng ban Quốc tế tại Viện phim Đan Mạch (DFI) cho biết Đan Mạch hiếm khi tài trợ 100% cho việc sản xuất một bộ phim. Với một kịch bản tốt, một đội ngũ làm phim tốt, nhà sản xuất có thể tiếp cận ngân sách một phần. Nhưng nhà sản xuất phim vẫn có quyền kêu gọi đầu tư, tài trợ từ bên ngoài. Chính phủ Đan Mạch cho rằng, điều này sẽ góp phần tạo cơ hội cho nhà làm phim có không gian sáng tạo nghệ thuật. Bên cạnh đó Chính phủ sẽ dành ngân sách đầu tư giáo dục, phát triển những mạng lưới, những kết nối hỗ trợ việc phát hành, hợp tác đầu tư… để phim được tiếp cận với công chúng, thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh phát triển.

“Phim giống như một “đứa trẻ”, có đời sống rất dài. Chúng ta cần làm tất cả những việc có thể để “đứa trẻ” có cơ hội phát triển” - ông Jacob Neiiendam, Trưởng ban Quốc tế tại Viện phim Đan Mạch (DFI) nhấn mạnh.

Tham gia thảo luận về vấn đề này, ông Đỗ Duy Anh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng, để sử dụng tối ưu nguồn lực Nhà nước, khi lựa chọn phim đặt hàng hằng năm, cần phải mở rộng đề tài, không chỉ về đề tài chính trị, dân tộc thiểu số… mà mở rộng đầu tư những phim đề tài giải trí một cách có chọn lọc để có được những bộ phim vừa đáp ứng được nhu cầu giải trí, vừa đáp ứng yêu cầu về tính dân tộc, tính hiện đại, tính nhân văn…

Bên cạnh đó, ông Đỗ Duy Anh cũng cho rằng các chính sách, văn bản dưới Luật Điện ảnh cần quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường phát hành phim trong nước, quảng bá phim ra nước ngoài.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế và phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia

Phiên thảo luận thứ hai với chủ đề
Phiên thảo luận thứ hai với chủ đề "Chính sách hợp tác quốc tế trong quảng bá và hợp tác sản xuất phim". Ảnh: Hoàng Toàn

Trong khuôn khổ Hội thảo, hai phiên thảo luận với chủ đề “Chính sách hợp tác quốc tế trong quảng bá và hợp tác sản xuất phim” và chủ đề “Khuyến nghị về chính sách, biện pháp thúc đẩy sáng tạo và phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia”, các chuyên gia Điện ảnh, nhà sản xuất, cán bộ nghiên cứu đến từ Indonesia, Thái Lan, vương quốc Anh và Việt Nam đã chia sẻ các chính sách phát triển công nghiệp điện ảnh tại các nước ASEAN và trên thế giới, những chính sách thu hút đầu tư quốc tế trong hoạt động điện ảnh, đào tạo và phát triển nhân lực, nuôi dưỡng tài năng điện ảnh, phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia, xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, phát hành phim ra thị trường điện ảnh quốc tế và phân phối trên các nền tảng kỹ thuật số...

Biên kịch, đạo diễn Phan Đăng Di đặt ra các vấn đề liên quan đến việc quảng bá điện ảnh Việt Nam ra quốc tế tại phiên thảo luận với chủ đề “Chính sách hợp tác quốc tế trong quảng bá và hợp tác sản xuất phim”. Ảnh: Hoàng Toàn
Biên kịch, đạo diễn Phan Đăng Di đặt ra các vấn đề liên quan đến việc quảng bá điện ảnh Việt Nam ra quốc tế tại phiên thảo luận với chủ đề “Chính sách hợp tác quốc tế trong quảng bá và hợp tác sản xuất phim”. Ảnh: Hoàng Toàn

Tham gia trao đổi tại Hội thảo, biên kịch, đạo diễn Phan Đăng Di đưa ra vấn đề về việc thiết lập gian hàng quốc gia, tạo cơ hội giới thiệu, quảng bá điện ảnh Việt Nam, thu hút sự quan tâm, hợp tác sản xuất và đầu tư quốc tế khi tham gia các liên hoan phim, hội chợ phim quốc tế.

“Tại các sự kiện điện ảnh quốc tế đều chưa có gian hàng quốc gia giới thiệu về điện ảnh Việt Nam một cách chính thống và bài bản, cung cấp thông tin về tác phẩm điện ảnh Việt, các bối cảnh làm phim, điều kiện làm phim, chính sách ưu đãi trong hợp tác sản xuất phim… để các nhà làm phim nước ngoài biết đến và xúc tiến hợp tác” -  Đạo diễn Phan Đăng Di nêu ý kiến. Ông cho rằng Cục Điện ảnh, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nên có sự quan tâm đến vấn đề này.

Phiên thảo luận thứ ba có chủ đề
Phiên thảo luận thứ ba có chủ đề "Khuyến nghị về chính sách, biện pháp thúc đẩy sáng tạo và phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia" do nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc điều phối.  Ảnh: Hoàng Toàn

Phát biểu tại Hội thảo, ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bày tỏ, Luật Điện ảnh được thông qua vào tháng 6/2022 với nhiều điểm mới, tiên tiến đã góp phần tạo ra hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp điện ảnh. Tuy nhiên, để điện ảnh Việt Nam tiến kịp với điện ảnh quốc tế và thực sự đi vào đời sống, thì việc xây dựng những chính sách hỗ trợ, triển khai có hiệu quả, phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia, xây dựng công nghiệp điện ảnh là rất cần thiết. Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh đến việc hợp tác công - tư, huy động các nguồn lực xã hội hóa tham gia vào việc phát triển điện ảnh.

“Trước đây chúng ta chưa đưa danh mục của ngành văn hóa nói chung cũng như ngành điện ảnh nói riêng vào trong ưu đãi. Vì vậy, chưa huy động được các nguồn lực xã hội hóa tham gia vào phát triển điện ảnh. Nếu có thêm nguồn lực này sẽ tạo thêm được nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo thêm được nhiều hướng đi để quảng bá điện ảnh Việt Nam ra thế giới” - Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu.

Qua những phân tích, giải pháp cụ thể, thiết thực, các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nghệ sĩ sáng tạo, các nhà làm phim Việt Nam và Đông Nam Á có thêm nhiều thông tin tham khảo để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh ở mỗi nước và cùng nhau tạo sự phát triển chung của điện ảnh khu vực.

Những ý kiến, đề xuất thiết thực, những giải pháp có hiệu quả được chia sẻ tại Hội thảo quốc tế về điện ảnh lần này giúp các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nghệ sĩ sáng tạo, các nhà làm phim Việt Nam và Đông Nam Á có thêm nhiều thông tin tham khảo để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh ở mỗi nước và cùng nhau tạo sự phát triển chung của điện ảnh khu vực.

Các diễn giả, đại biểu tham gia Hội thảo chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Hoàng Toàn
Các diễn giả, đại biểu tham gia Hội thảo chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Hoàng Toàn
Diệu Thuần - Hoàng Toàn

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật