Những câu chuyện ly kỳ về cuộc đời họ chính là nguồn cảm hứng bất tận cho phim ảnh, thi ca, hội họa… ở mọi thời đại.
Nữ hoàng Cleopatra
Danh tiếng và nhan sắc của nữ hoàng xinh đẹp tài ba này được ca tụng trong sử sách, cả ở thời cổ đại lẫn hiện đại, là đề tài cho rất nhiều tác phẩm hội họa, nhạc kịch, văn chương, âm nhạc… Nổi tiếng nhất trong số đó là vở kịch Antony và Cleopatra của William Shakespeare và bộ phim điện ảnh Cleopatra (1963).
Cleopatra là con của Pharaoh Ptolemy XII Auletes, bà được biết đến như người cai trị cuối cùng của Vương quốc Ptolemaic, Ai Cập trong giai đoạn năm 51 TCN cho tới khi qua đời vào năm 30 TCN. Nổi tiếng với sắc đẹp mê hoặc, sự thông thái, giọng nói có sức hút, thông thạo 9 thứ tiếng cùng tài năng lãnh đạo bộc lộ từ sớm, thật khó lòng để tìm được người phụ nữ nào hoàn hảo đến thế.
Với trí thông minh và đầu óc đầy mưu lược, bà đã tận dụng nhan sắc trời phú của mình vô cùng hiệu quả khi làm say đắm lần lượt hai vị tướng tài ba của Hy Lạp là Julius Caesar và Marcus Antonius.
Cleopatra gặp Julius Caesar (lúc này đã kết hôn với Calpurnia) khi mới 21 tuổi và họ cùng nhau sinh một bé trai 9 tháng sau đó. Từ đó, Caesar đã từ bỏ kế hoạch thôn tính Ai Cập và thậm chí còn ủng hộ ngôi vị của Cleopatra. Sau cái chết của Caesar, cô say mê Marc Antony, kết hôn với anh ta, và đã sinh ra 3 đứa con.
Hai cuộc hôn nhân đầy mùi chính trị của Cleopatra đều nhằm mục đích giữ vững ngôi báu và đưa Ai Cập thoát khỏi sự thôn tính từ La Mã.
Tuy nhiên, hồng nhan bạc phận, sau thất bại ở trận Actium và Ai Cập bị chiếm trở thành một tỉnh của Đế Quốc La Mã mới thành lập, quá tuyệt vọng bà đã tự sát bằng việc cho rắn độc cắn kết thúc cuộc đời nổi tiếng của mình ở tuổi 39.
Mata Hari, vũ công thoát y
Sinh ra ở Hà Lan, Margaretha Geertruida "Margreet" MacLeod, hay còn gọi là Mata Hari, đã kết hôn với một đội trưởng đội thực dân Hà Lan và cùng chồng di cư sang Indonesia. Sau cuộc hôn nhân chóng vánh, cô trở về châu Âu và trở thành một vũ công thoát y có tiếng, rồi dần dần bước chân vào chốn đèn đỏ và có mối quan hệ nhiều sĩ quan quân đội cao cấp cũng như các chính trị gia.
Vào đầu Thế chiến thứ nhất, Mata Hari trở thành một gián điệp hai mang. Tuy nhiên, nhiều tài liệu nói rằng cô không thực sự là một gián điệp mà chỉ là một cô gái biết quá nhiều và bị kết án tử hình vì đã gián điệp cho kẻ thù trong thời chiến tranh.
Tuy nhiên, hình mẫu một vũ công xinh đẹp biết dùng nhan sắc của mình để thăm dò các bí mật quân sự quốc gia vẫn là một câu chuyện có sức truyền cảm hứng mạnh mẽ trong lịch sử thế giới.
Eleanor, nữ công tước xứ Aquitaine
Eleanor (1122-1204) trở thành nữ công tước xứ Aquitaine khi còn là một đứa trẻ. Bà được coi là một những người phụ nữ xinh đẹp, giàu có và quyền lực bậc nhất ở Tây Âu trong thế kỷ 12 (thời Trung cổ).
Năm 1137 khi mới 15 tuổi, nàng Eleanor xinh đẹp đã kết hôn với vua Louis VII của Pháp và trở thành hoàng hậu. Sau 15 năm chung sống, hai người đã có với nhau 2 người con gái trước khi quyết định ly hôn vào năm 1152.
Điều kỳ lạ là chính Hoàng hậu Eleanor đã đệ đơn ly hôn trước và gây chấn động Hoàng gia Pháp vì đây là sự kiện chưa từng có trước đó. Sau khi cuộc hôn nhân kết thúc chóng vánh, cô được ban cho một phần đất với điều kiện nhà vua sẽ giữ hai người con gái của mình.
Vào năm 1154, Eleanor tái hôn với công tước Henry xứ Anjou, người sau này trở thành Vua Henry II của Anh. Đó là lí do hiện tại một nửa nước Pháp thuộc về nước Anh, và cũng là tiền đề cho một cuộc chiến kéo dài hàng trăm năm giữa hai đất nước.
Sau 13 năm chung sống, hai người đã có với nhau 8 người con (5 con trai và 3 con gái). Trong suốt thời gian chung sống, không những quán xuyến việc nhà, vị hoàng hậu xinh đẹp còn trở thành cánh tay đắc lực cho vua Henry trong việc cai trị đất nước.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai người trở nên lạnh nhạt sau khi 8 người con trưởng thành, Eleanor đã phát động một cuộc nổi dậy chống lại Henry dưới sự hỗ trợ của con trai cả và người chồng đầu tiên của mình. Sự việc bại lộ vào năm 1173 và vua Henry đã quyết định giam lỏng Eleanor trong 16 năm sau đó.
Sau cái chết của Henry, con trai cả của ông là vua Richard I lên ngôi đã ra lệnh thả tự do cho mẹ mình vào năm 1189. Khi vua Richard I lãnh đạo cuộc Thập tự chinh thứ 3, Eleanor giữ vai trò nhiếp chính tối cao dù tuổi đã cao. Bà qua đời vào năm 1204 và là một bà hoàng có ảnh hưởng rất lớn tới chính trị của Tây Âu trong thế kỷ 12.
Marie Antoinette, hoàng hậu Pháp
Marie Antoinette (1755 - 1793) là con gái út của nữ hoàng Áo. Năm 14 tuổi bà rơi vào cuộc hôn nhân chính trị với thái tử Pháp người sau này là vua Louis XIV nhằm thúc đẩy quan hệ ngoại giao của hai nước.
Bà nổi tiếng là một bà hoàng xinh đẹp với đôi mắt biết nói, làn da trắng mịn được chăm sóc kĩ lưỡng, cơ thể luôn toát lên mùi hương đặc biệt do nước hoa chính bà tạo nên bằng các hương liệu đắt tiền. Vẻ đẹp quyến rũ đầy mê hoặc của bà đã làm say đắm nhiều người đàn ông, trong đó có cả hồng y giáo chủ Louis René Edouard de Rohan.
Xinh đẹp là vậy nhưng cuộc đời bà cũng lắm chông gai với nhiều tai tiếng từ lối sống xa hoa hoang phí, ngoại tình, và đặc biệt là vụ án “Chuỗi kim cương” đã khiến hình ảnh bà trở nên xấu xí trong lòng dân chúng Pháp bấy giờ. Dù được đánh giá là khôn ngoan và điềm tĩnh, song người phụ nữ đẹp nhất châu Âu đã phải chấm dứt cuộc đời sóng gió của mình trên đoạn đầu đài trong cuộc cách mạng Pháp 1973.
Phryne, kỹ nữ nổi tiếng thời Hy Lạp cổ đại
Phryne (thế kỷ thứ 4 TCN) tên thật là Mnesarete trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “đức hạnh”, tuy nhiên nàng lại chọn cho mình con đường trái ngược sự mong muốn của cha mẹ đó là trở thành gái lầu xanh. Với làn da ô liu đặc biệt và vẻ đẹp chim sa cá lặn Phryne đã trở thành kỹ nữ nổi tiếng thành Athens bấy giờ.
Được truyền tụng nhiều hơn cả về Phryne là câu chuyện cô phải lộ ngực trần ra trước mọi người để đổi lấy lòng thương hại trong một phiên tòa chống lại cô.
Athenaeus (một nhà hùng biện Hy Lạp nổi tiếng) đã ca ngợi vẻ đẹp của cô nhiều lần và viết rằng, nhân dịp lễ hội Eleusinia và Poseidonia, cô buông tóc và khỏa thân bước lên từ biển. Câu chuyện này cũng đã truyền cảm hứng cho họa sĩ Apelles tạo ra bức tranh nổi tiếng Aphrodite Anadyomene.
Bên cạnh nhan sắc mỹ miều, kỹ nữ nổi tiếng này còn sở hữu tính cách phóng khoáng thậm chí là khá ngông, nét đặc biệt của nàng đã thu hút những công tử vương tôn quý tộc lúc bấy giờ. Để có được trái tim của mỹ nhân, họ sẵn sàng mang tặng nàng nhiều của cải quý giá, việc này đã khiến khối tài sản của Phryne ngày một lớn.
Sự giàu có của Phryne được chứng minh qua sự kiện nàng đề nghị bỏ tiền ra để xây lại bức tường Thebes bị Alexander Đại đế phá hủy năm 336 TCN với điều kiện tên nàng phải được khắc trên bức tường với nội dung : “bị phá hủy bởi Alexandros, được khôi phục bởi kỹ nữ Phryne”.
Sắc đẹp của cô gái lầu xanh này là hình mẫu, niềm cảm hứng sáng tác bất tận cho hội họa điêu khắc ở Hy Lạp cổ đại.
Bathsheba, Israel
Vị vua thứ 2 của Vương quốc Israel người đánh bại tên khổng lồ Goliath, vua David, được miêu tả là một người chính trực nhưng không phải không mắc lỗi lầm. Và có lẽ sai lầm lớn nhất của ông là yêu nàng Bathsheba.
Năm 975 TCN, trong một lần tình cờ vua David bắt gặp một phụ nữ đang tắm, ngay lập tức nhà vua say đắm trước nhan sắc lộng lẫy của nàng. Bất hạnh thay mỹ nhân ấy lại là Bathsheba - vợ của Uriah, một bề tôi trung thành của ông.
Không thể thoát khỏi ám ảnh vẻ đẹp của Bathsheba và ý muốn chiếm hữu nàng, đức vua và Bathsheba đã đi quá giới hạn nhiều lần dẫn đến việc nàng có thai. Để che giấu sai lầm của mình nhà vua đã để Uriah chết bằng cách sắp anh vào vị trí nguy hiểm nhất trong đội quân khiến anh chàng bị giết trong trận chiến.
Sau khi Uriah chết, Bathsheba trở thành vợ đức vua và hạ sinh một người con trai. Tuy nhiên, có lẽ chính hành động tội lỗi của họ đã khiến thần linh phẫn nộ và trừng phạt, khiến đứa trẻ mất sau đó ít lâu.
Cléo de Mérode, vũ công hàng đầu nước Pháp
Cléo de Mérode (1875 – 1966) là một vũ công hàng đầu nước Pháp. Không chỉ có tài khiêu vũ tuyệt vời, nhan sắc quyến rũ, dịu dàng của Cléo còn khiến nàng trở thành nàng thơ của rất nhiều nghệ sĩ Pháp nổi tiếng lúc bấy giờ.
Vẻ đẹp của Cléo thậm chí còn khiến cho trái tim của Léopold II (vị vua Bỉ) "tan chảy" sau khi xem nàng khiêu vũ trong một buổi diễn ballet. Có nhiều lời đồn thổi cho rằng nàng trở thành tình nhân đặc biệt của vua Léopold đệ nhị - người đã từng có 2 con với một cô gái làng chơi, và danh tiếng của cô bị ảnh hưởng không nhỏ bởi điều đó.
Tuy nhiên, những lùm xùm trong tình ái với những nhân vật nổi tiếng không làm ảnh hưởng tới sự nghiệp của Cléo mà còn giúp tên tuổi của nàng vượt ra khỏi biên giới nước Pháp.
Trở thành một ngôi sao quốc tế, biểu diễn ở khắp châu Âu và nước Mỹ, có giai đoạn, mái tóc của Cléo từng trở thành biểu tượng thời trang của phụ nữ Pháp. Hình ảnh của cô có mặt ở khắp mọi nơi, nhan sắc và phong cách của cô luôn là tiêu điểm chú ý của phái đẹp toàn nước Pháp.
Mối tình lãng mạn của nàng vũ công xinh đẹp cùng chàng họa sĩ tài ba Gustav Klimt sau đó đã đi vào lịch sử màn bạc năm 2006 trong một bộ phim ngắn mang tên "Klimt".
Sau năm 1950, Cléo quyết định rút lui khỏi nghiệp diễn và lui về sống cuộc đời ẩn dật. Vào năm 1966, người đẹp nức tiếng một thời qua đời.
Thiếu phụ Godiva
Godiva là một người phụ nữ xinh đẹp, vợ của Bá tước Leofric, sống ở nước Anh trong giai đoạn 980-1067. Cô không chỉ xinh đẹp tuyệt trần mà còn vô cùng hào phóng khi đóng góp rất nhiều tiền của các nhà thờ và tổ chức từ thiện.
Vì thương cảm cho dân chúng Coventry bị chồng mình đánh thuế quá nặng, nàng đã yêu cầu chồng giảm thuế. Bá tước Leofric chấp nhận lời yêu cầu, nhưng với điều kiện Godiva phải khỏa thân cưỡi ngựa dạo quanh thành phố, tin chắc rằng nàng sẽ không đời nào làm vậy.
Thế nhưng Godiva đồng ý và làm thật, dù vậy lại đề nghị dân chúng ở yên trong nhà và đóng hết cửa. Chỉ có một chàng Tom tò mò lén nhìn trộm qua ổ cửa sổ, nhưng ngay khi chưa kịp choáng ngợp trước sắc đẹp của nàng thì Tom đã bị mù cả hai mắt. Cảm động trước tinh thần dũng cảm của vợ, Bá tước Leofric chấp nhận giảm thuế nặng cho dân chúng.
Dương Quý Phi, một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc
Dương Quý Phi (719-756) còn được gọi là Dương Ngọc Hoàn, một sủng phi nổi tiếng của vua Đường Huyền Tông. Nàng được xếp vào một trong tứ đại mỹ nhân trong lịch sử Trung Quốc. Sắc đẹp của nàng tương truyền là tuyệt trần đến nỗi khiến hoa thu mình lại vì hổ thẹn.
Hậu cung hàng ngàn mỹ nữ, được sủng hạnh một đêm đã là chuyện hiếm có, nhưng Dương Quý Phi lại trở thành sủng phi, được vua Đường Huyền Tông nhất mực yêu mến.
Vì quá sủng ái nên nhà vua đã ban nhiều bổng lộc cho anh chị em thân thích của Dương Quý Phi và trọng dụng trong triều đình. Từ đó, thế lực và vị thế của Dương gia ngày càng lớn mạnh. Điều này đã dẫn tới nhiều cuộc nổi loạn và nội chiến trong triều đình nhà Đường.
Đó cũng có thể là lý do mà nàng quý phi họ Dương tuy được sủng ái bậc nhất nhưng lại không được phong là hoàng hậu.
Chuyện tình của nàng và Đường Huyền Tông luôn là thiên tình sử khiến hậu thế tò mò và trở thành một trong những đề tài hấp dẫn được các nhà làm phim khai thác. Đặc biệt, cái chết của Dương Quý Phi cũng là một ẩn số trong lịch sử khiến các sử gia tranh cãi.
(Tổng hợp)