Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Cục Điện ảnh cho biết sẽ lập 'Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng' để xử lý phim mạng có nội dung xấu.
Tổ công tác này sẽ thực hiện một số nhiệm vụ về hoạt động quản lý phổ biến phim trên không gian mạng (gọi tắt là phim mạng). Các nhiệm vụ này cũng nằm trong quy định trong chức năng nhiệm vụ của Cục Điện ảnh bao gồm: Tiếp nhận hồ sơ, trả lời bằng văn bản với đề nghị công nhận phân loại phim mạng; cấp, thu hồi giấy phép phân loại phim đối với phim chưa đủ điều kiện phim phổ biến trên không gian mạng; xây dựng và quản lý hệ thống dữ liệu về phân loại phim mạng; kiểm tra nội dung phim, phân loại phim, hiển thị kết quả phân loại phim mạng; tiếp nhận thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim; tiếp nhận đầu mối, thông tin liên hệ của đơn vị, tổ chức phổ biến phim; yêu cầu chủ thể phổ biến phim mạng dừng, gỡ bỏ phim vi phạm; yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp có nền tảng truyền thông số ngăn chặn, gỡ bỏ phim vi phạm; têu cầu tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông triển khai các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn việc truy cập phim vi phạm.
Cục Điện ảnh khẳng định đã có những điều, khoản quy định về phổ biến phim mạng: Luật điện ảnh năm 2022; nghị định số 131/NĐ-CP ngày 31-12-2022 quy định chi tiết một số điều của Luật điện ảnh; Nghị định số 128/2022/NĐ-CP ngày 30-12-2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo…
Những đơn vị không thực hiện quy định của pháp luật về phim mạng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Cá nhân không được phép phổ biến phim mạng. Khoản 1 điều 21 của Luật điện ảnh quy định: "Chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan".