Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết Cục phối hợp với Thanh tra Bộ VHTT&DL rà soát sản phẩm có nội dung vi phạm trên không gian mạng.
Theo ông Vi Kiến Thành, trên các trang mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin nhanh đa nền tảng, các nền tảng chia sẻ video trực tuyến thường xuyên đăng tải các video có nội dung được dàn dựng hoặc biên tập một cách cẩu thả, được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên những năm gần đây, việc quản lý chưa được phân định rõ ràng giữa Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ Công an và Bộ VHTTDL.
Ảnh minh họa |
Trong quá trình xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) 2022, Ban soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng, đưa ra định nghĩa để xác định đâu là phim, đâu là những sản phẩm không phải là phim ảnh.
Theo quy định tại Luật Điện ảnh 2022, các nền tảng mạng xã hội như TikTok, YouTube, Instagram, Facebook, Zalo... liên quan đến nội dung “phim ngắn phản cảm” sẽ không được coi là phim. Đây chính là “sản phẩm ghi hình về hoạt động của một hoặc nhiều người, mô tả các sự kiện, tình huống hoặc chương trình thực tế”. Các sản phẩm này chịu sự điều chỉnh của Luật An ninh mạng.
Để rà soát, xử lý các nội dung “bẩn” khiến dư luận bức xúc, lãnh đạo Cục Điện ảnh cho biết, Cục Điện ảnh trình văn bản tham mưu lãnh đạo Bộ VHTTDL một số nội dung như thống nhất với lãnh đạo Bộ TT&TT về phạm vi, đối tượng quản lý các nội dung trên không gian mạng; đề xuất lãnh đạo Bộ VHTTDL có văn bản gửi Bộ TT&TT đề nghị hướng dẫn các nhà cung cấp nội dung trên không gian mạng thực hiện nghiêm túc Luật Điện ảnh.
“Trường hợp các nhà cung cấp nội dung chưa thể tự phân loại phim, có thể gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý về điện ảnh xin thẩm định và phân loại. Cục Điện ảnh sẽ đề nghị lãnh đạo Bộ VHTTDL cho thành lập Phòng quản lý phim trên không gian mạng thuộc Cục Điện ảnh để đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực mới này”, ông Vi Kiến Thành cho biết.