• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại biểu Quốc hội: Netflix liên tục vi phạm quy định cần phải xử lý nghiêm

Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi về trách nhiệm của những người đóng vai trò "gác cổng"...

Liên quan đến việc Netflix - nền tảng chiếu phim trực tuyến lớn nhất thế giới, liên tục gây bức xúc, phẫn nộ vì phát hành những nội dung gây tranh cãi, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định, khi đến Việt Nam hoạt động kinh doanh thì các doanh nghiệp có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Đại biểu Hòa cho biết, tình trạng Netflix vi phạm các quy định pháp luật, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của Việt Nam xuất phát từ nội dung không được biên tập, biên dịch theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. 

Đại biểu Quốc hội: Netflix liên tục vi phạm quy định cần phải xử lý nghiêm

Ông Hòa cũng tỏ ra hoài nghi về trách nhiệm của những người đóng vai trò kiểm duyệt các nội dung, chắc chắn không thể đổ lỗi cho việc nội dung đó chỉ được chiếu trên nền tảng trực tuyến, lại do nước ngoài sản xuất nên khó can thiệp.

ĐBQH Phạm Văn Hòa nói: "Muốn thực hiện vai trò quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực được đầy đủ, khách quan, công bằng thì phải có quy định cụ thể để ràng buộc. Chúng ta tạo điều kiện cho các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới vào Việt Nam nhưng không có nghĩa là thả nổi, để xảy ra vi phạm thì phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, dù là doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp nước ngoài đều phải bị xử lý như nhau".

Ông Hòa kiến nghị, với những nội dung cung cấp trên các nền tảng xuyên biên giới vi phạm quy định pháp luật, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa, chủ quyền đất nước, phải yêu cầu nhà cung cấp gỡ bò và xem xét mức độ vi phạm. Nếu nghiêm trọng, làm hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam thì phải dừng hoạt động.

Các nền tảng xuyên biên giới thường viện dẫn việc tránh đánh thuế 2 lần, không đặt chi nhánh công ty tại Việt Nam để tránh nộp thuế. Tuy nhiên theo Luật Quản lý thuế 2019 đã quy định kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.

Đến thời điểm này, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình đang được gấp rút hoàn thiện để trình Chính phủ ký ban hành.

Luật sửa đổi sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp cung cấp truyền hình xuyên biên giới được tham gia kinh doanh tại Việt Nam, cạnh tranh bình đẳng. Điều này có nghĩa là họ phải tuân thủ các điều kiện kinh doanh dịch vụ truyền hình như doanh nghiệp Việt Nam về giấy phép, biên dịch - biên tập, các nghĩa vụ về thuế...

"Chúng ta không phân biệt đối xử doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, nhưng cơ quan quản lý nhà nước phải quản lý cho được các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới, xem xét các dịch vụ đó có hoạt động theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam hay không, hay núp bóng làm ăn phi pháp, hoặc có những nội dung vi phạm các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam hay không", đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Việc yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới, trong đó có Netflix phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam không phải gây khó khăn mà là để tạo ra sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ông Hòa nêu rõ: "Nếu cứ để như hiện nay thì các doanh nghiệp truyền hình xuyên biên giới với khối lượng nội dung thông tin số xuyên biên giới khổng lồ, được cập nhật liên tục hàng ngày, sẽ là thách thức và khó khăn về quản lý, biên tập, biên dịch nội dung theo quy định của Luật Báo chí, Luật Điện ảnh và các quy định pháp luật khác.

Đồng thời, nó cũng đẩy doanh nghiệp của Việt Nam vào thế khó khăn, không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới nhiều lợi thế và rơi vào cảnh "cá lớn nuốt cá bé".

Ông cũng cho rằng, đối với doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần có sự ưu tiên hơn trong điều kiện pháp luật cho phép để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển, nâng cao nội lực đất nước.

Thanh Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật