Ngay sau khi công chiếu, bộ phim Em và Trịnh đã nhận về vô số ý kiến trái chiều, đặc biệt là các chi tiết hư cấu trong phim khi nói về cuộc đời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhiều người không khỏi băn khoăn, liệu nhà sản xuất, đạo diễn có vi phạm luật hay không khi xây dựng nhân vật trong phim không đúng với nguyên mẫu?
Trao đổi với Thanh Niên, tiến sĩ (TS) Nguyễn Ngọc Sơn, Chuyên gia nghiên cứu về luật điện ảnh - Phụ trách khoa Luật, Trường đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM), cho biết: "Pháp luật Việt Nam không cấm việc sản xuất và trình chiếu các bộ phim về những nhân vật có thật hoặc được xây dựng từ những nhân vật có thật. Nhiều bộ phim ở các thể loại (phim truyền hình, phim lịch sử, phim điện ảnh) được sản xuất từ những nhân vật có thật hoặc về những nhân vật có thật. Điều quan trọng khi làm phim về những nhân vật có thật, nhà sản xuất, đạo diễn phải đảm bảo không bôi nhọ hay xâm phạm đến bí mật riêng tư của nhân vật. Ở điểm này, tôi cũng cần lưu ý rằng những bí mật riêng tư phải là “bí mật”. Những câu chuyện đã được công khai thì việc khai thác không vi phạm quy định về bảo vệ bí mật riêng tư".
Về việc tác phẩm điện ảnh có bắt buộc phải miêu tả toàn bộ sự thật về các sự kiện, nhân vật, ông Sơn nhấn mạnh, pháp luật không có quy định về vấn đề này. Theo khoản 7 Điều 4 luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định “Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”. Khái niệm "tác phẩm” theo luật Sở hữu trí tuệ quy định có tác phẩm điện ảnh. Do đó, có thể thấy rằng pháp luật cho phép những người tạo nên tác phẩm có thể sáng tạo.
"Tuy nhiên, theo điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng. Dĩ nhiên, những sáng tạo đơn giản tình tiết trong phim như trang phục, lời nói vui, hành động ăn sữa chua hay đi thăm nhau... (cho dù chuyện này không xảy ra trên thực tế) thì cũng không đủ để quy kết tác phẩm điện ảnh xâm phạm danh dự, uy tín của nhân vật", ông Sơn cho biết thêm.
"Các tác phẩm điện ảnh không phải là phim tài liệu hay phim tư liệu về cuộc đời của một nhân vật nào đó, tác phẩm điện ảnh là một “tác phẩm” được quy định trong luật Sở hữu trí tuệ và luật Điện ảnh. Người tạo ra tác phẩm điện ảnh có thể sáng tạo, chỉnh sửa, thêm thắt các tình tiết để cho tác phẩm được hay hơn và hấp dẫn hơn. Cố nhiên, việc sáng tạo này vẫn phải đảm bảo không xâm phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của nhân vật có thật mà tác phẩm đề cập.
Kinh nghiệm làm phim trên thế giới, nhiều tác phẩm điện ảnh ở nhiều thể loại có đề cập hoặc khai thác đới tư hoặc công việc của nhân vật có thật và các nhà biên kịch, đạo diễn cũng sáng tạo, sửa đổi, thêm thắt nhiều sự kiện (thậm chí không có thật) để làm cho tác phẩm hay hơn, hấp dẫn hơn trước công chúng. Ví dụ như bộ phim The Two Popes đã đề cập của đạo diễn Fernando Meirelles, các sự kiện về hai vị giáo hoàng đương đại và diễn biến câu chuyện của toàn bộ bộ phim gần như là hư cấu. Người xem vẫn đón nhận, các nhân vật có trong bộ phim cũng bình thản đón nhận. Bộ phim này cũng được một số đề cử giải Oscar danh giá".
Về vấn đề, gia đình cố nhạc sĩ, Em và Trịnh đã đồng ý, ông Sơn cho rằng sự đồng ý của gia định cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không chỉ là cơ sở pháp lý quan trọng mà còn thể hiện sự gắn kết của những người sản xuất bộ phim đối với gia đình nhạc sĩ. Về mặt pháp lý, sự đồng ý của những người thừa kế trong gia đình nhạc sĩ là sự đồng ý cho phép khai thác các tư liệu có thật và tạo dựng những câu chuyện trong toàn bộ đường dây kịch bản của bộ phim.
Theo ông Sơn, các đạo luật có liên quan như Bộ luật Dân sự, luật Sở hữu trí tuệ, luật Điện ảnh không có quy định cấm việc xây dựng nhân vật hư cấu hay hư cấu câu chuyện của nhân vật có thật.: "Ở góc độ nào đó, pháp luật bảo hộ quyền sáng tạo của người làm phim miễn sao không xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của nhân vật. Ranh giới mà pháp luật đặt ra chỉ là sự sáng tạo phải tôn trọng nhân phẩm, danh dự và uy tín của người khác. Pháp luật không hạn chế quyền sáng tạo của người sản xuất một tác phẩm điện ảnh.
Việc khởi kiện hoặc yêu cầu đính chính chỉ có cơ sở khi các câu chuyện hư cấu mà người làm phim đưa ra có dấu hiệu xâm phạm danh dự, uy tín và nhân phẩm. Việc khởi kiện hoàn toàn do các cá nhân liên quan quyết định. Song với những câu chuyện trong nội dung của bộ phim, việc khởi kiện khó có thể xảy ra do bộ phim chủ yếu tôn vinh những tác phẩm bất hủ của nhạc sĩ.