Làm nghệ sĩ, có ai mà không muốn đủ tư cách để nói rằng tôi đi theo một con đường riêng. Nhưng một con đường riêng cũng có thể bị bít lối.
Đường của Đen
Trong số ba người, sự trở lại của Đen Vâu đạt được hiệu ứng tốt nhất.
Mang tiền về cho mẹ trở thành một kho meme (ảnh chế), một bia hứng đạn cho những chỉ trích đối với chủ nghĩa tiêu dùng của tầng lớp trung lưu thành thị, một bịch bông cho những nạt nộ về văn hóa giáo dục với đòn roi của người Á Đông, thậm chí là một bài học vỡ lòng về tiền chết.
Đen trong MV Mang tiền về cho mẹ |
Nhưng trước hết, nó là một sản phẩm âm nhạc được đông đảo "đồng âm" của Đen yêu thích. Và nếu có vấn đề gì thực sự với nó thì đó là một sản phẩm âm nhạc khá rập khuôn.
Nghe Mang tiền về cho mẹ rồi nghe lại Đi về nhà ra mắt cũng tầm này năm ngoái, ta có cảm giác như đang xem một thương hiệu phim Tết, mỗi năm lại ra một phần với môtip y hệt nhau nhưng cái duyên đã giảm.
Chưa bao giờ nghe một bản rap của Đen mà có nhiều ý sượng đến vậy ("Giờ con đeo túi tò te đi mua cho mẹ cái túi Dior") hay đầy tính hô hào đến vậy ("Tiền con kiếm là tiền lương thiện/ Đem sức lực ra làm phương tiện"), hay sáo như vậy ("Sống phải đẹp như là hoa hậu dù không cần thiết được tặng vương miện").
Với người viết, phần hay nhất của Mang tiền về cho mẹ là vocal của Nguyên Thảo với giọng hát vẫn mênh mang như đồi cỏ hồng Đà Lạt thuở nào.
Và trong số những hiệu ứng mà bản nhạc này đạt được, có lẽ hiệu ứng quan trọng là nhiều khán giả trẻ chưa quen Nguyên Thảo sẽ trở về tìm chị thời Suối và Cỏ, thời Cánh Cung¸ để nghe chị bay vào ngày xanh, nghe chị hát với "trái tim nguyên khôi" và "giấc mơ đời mình".
Đường của Linh
Đen cũng xuất hiện trong Gieo quẻ, MV mới của Hoàng Thùy Linh. Nhưng nếu như Đen đang đi con đường riêng đến mòn thì Linh dường như vẫn còn rất nhiều công trình hay ho để nâng cấp con đường của cô.
Gieo quẻ tiếp bước phong cách mà Hoàng đã đặt ra, nhưng Linh của lúc này đã "nhập đồng" hơn trước rất nhiều.
Hoàng Thùy Linh trong MV Gieo quẻ |
Nghe Gieo quẻ, ta như người đi qua đường bỗng nghe thấy âm thanh rộn ràng từ một ngôi đình đang tổ chức nghi lễ hát văn (ca khúc bắt đầu bằng một đoạn prelude mang âm hưởng một giá chầu văn), ta không thể không bước vào xem có gì ở đó. Và bước vào rồi thì đừng rời mắt được.
Khi Hoàng Thùy Linh vào bài, tiếng đàn nhị vẫn réo rắt bên dưới những lớp nhạc dance EDM. Trên YouTube từng có một màn biểu diễn của một nghệ sĩ độc tấu đàn nhị trên nền nhạc EDM của Alan Walker khá thú vị, nhưng màn biểu diễn ấy chỉ giống như buổi giao lưu gặp gỡ giữa các dòng nhạc mà thôi vì ta vẫn thấy vách ngăn giữa chúng.
Còn ở Gieo quẻ, tất cả nhuần nhuyễn tạo thành một tổng thể: từ giọng hát ngày càng gần một cô đồng của Hoàng Thùy Linh đến cú drop chuyển tiếp giữa phần nhạc dân tộc và phần nhạc điện tử, đến cả ca từ khiến ta phì cười về trạng thái sống hậu dịch bệnh của mình. Gieo quẻ mà không bị lạc quẻ chính là như vậy.
Đường của Lý
Lý vẫn thế - một đám mây trôi đến bầu trời, vào bất cứ lúc nào đám mây ấy muốn. Trong vòng một tháng, Lý ra liền hai album.
Lần gần nhất phỏng vấn Lý hồi tháng 8 năm ngoái, khi Lý kẹt lại ở Măng Đen, Lý nói với tôi rằng mình đang sống như thần tiên tỉ tỉ vậy: ngày ngày đánh cờ, đọc sách, tản bộ.
Nghe Cây lặng, gió ngừng và Có dừng được không cũng ra cái chất thần tiên tỉ tỉ ấy, một thứ âm nhạc lửng lơ nơi tận cùng thế giới, nơi thời gian dừng lại, nơi phong cảnh đã trở thành tâm thức.
Lê Cát Trọng Lý với album Cây lặng, gió ngừng |
Người ta dễ có cảm giác âm nhạc của Lý năm này qua năm khác chẳng có gì thay đổi, lúc nào cũng như một con suối biết buồn, buồn trong sự hồn nhiên tĩnh lặng. Nhưng vì là một con suối nên thứ âm nhạc ấy dù trong vắt, cách xa cõi thế song nó không khép kín mà vẫn tiếp nhận mọi thứ quanh mình, đất, lá, hoa, gió.
Nghe Cây lặng, gió ngừng là ngồi trong một ngôi nhà âm nhạc làm bằng củi, giữa mùa đông, chỉ tiếng piano và tiếng guitar như chắt ra từ đêm sâu - kiểu âm nhạc rất điển hình của Lý. Nhưng Có dừng được không thì khác. Đó là một album đầy tính điện ảnh với nhiều trọng tâm ở phần instrumental.
Ta có thể nghe nó và tưởng như mình đang theo một bộ phim, một bộ phim kiểu Nomadland dẫn ta vào những chốn hoang sơ.
Sử dụng dàn nhạc dây nhưng Có dừng được không không mang cảm giác thính phòng, mà cách phối rộng mở khi thì như tiếng rền của núi, khi thì như tiếng ngựa phi trên triền đồi (đặc biệt là hai bài cuối sử dụng 4 đàn cello), xen lẫn với những câu hát bằng một ngôn ngữ lạ đầy bí nhiệm như trong vòng tay của cõi tịnh độ, của vương quốc cổ Shambhala.
Và con đường âm nhạc của Lý, dù có thể vẫn là con đường ấy thôi, nhưng mỗi lần đi, Lý luôn tìm thấy một điều gì mới ven đường. Sau rốt, tìm một con đường mới đã khó, nhưng con đường mới mãi rồi cũng có thể trở thành con đường cũ.