Lấy điện ảnh để kích cầu du lịch là vấn đề thế giới đã làm từ lâu và rất hiệu quả. Đây cũng là vấn đề được Việt Nam quan tâm nhưng lại chưa hiệu quả vì nhiều lý do.
Du lịch thế giới “hốt bạc” nhờ điện ảnh truyền cảm hứng
Đến Việt Nam tham dự LHP châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất (năm 2023), ông Franck Priot, cựu Giám đốc Điều hành của Film France, Ủy ban Điện ảnh Pháp tiết lộ, có 10% khách du lịch đến Anh sau khi đã xem các phim, các chương trình truyền hình của Anh; 41% khách du lịch đến Pháp sau khi đã xem các phim và chương trình truyền hình của Pháp. Các bộ phim được quay ở những địa điểm đẹp là những “gợi ý”, chỉ dẫn cho khách du lịch một cách hiệu quả nhất về điểm đến trước khi họ “khoác ba lô lên vai” đến Pháp.
Dự án phim của Nhật tại Gunma góp phần thu hút lượng lớn khách du lịch tới đây. |
Khẳng định, điện ảnh đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế địa phương, ông Francis Smith, Nhà sáng lập Công ty IFA Media (Singapore) nói: “Chúng tôi coi phim là nguồn thu quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế nên đã xây dựng chính sách đặc biệt để thu hút các đoàn làm phim đến quay tại các địa phương của Singapore”.
Ông Yoshitaka Sugihara, Giám đốc Chính sách công Netflix Nhật Bản thì khẳng định 4 dự án phim của Netflix sản xuất tại Gunma (Nhật Bản) đã góp phần thu hút một lượng lớn khách du lịch đến địa phương này, trong đó có 40.000 khách du lịch từ Thái Lan đến Gunma sau khi xem phim.
Việc khách du lịch “bị hút” tìm đến các “bối cảnh” của những bộ phim nổi tiếng đã khiến chính quyền các địa phương ý thức hơn trong việc tạo điều kiện để các đoàn phim quay tại địa phương mình. Những hình ảnh “định vị” thương hiệu địa phương khi lên phim đã truyền cảm hứng cho khách du lịch “khoác ba lô lên đường” để được diện kiến những cảnh đẹp đã bước vào phim.
Tại New Zealand, trong 3 năm loạt phim “Chúa tể những chiếc nhẫn ra mắt”, khách du lịch đến New Zealand tăng từ 1,6 triệu lên trên 2 triệu người. Các tour du lịch tham quan những điểm quay ba bộ phim này luôn sốt vé. Ở Hàn Quốc, khách du lịch tìm đến các khu du lịch của Lotte World để được chơi... đu quay vì đó là địa điểm quay bộ phim “Nấc thang lên thiên đường”. Những tour tham quan đảo Jeju và công viên Dae Jang Geum giới thiệu lại những điểm quay của bộ phim “Nàng Dae Jang Geum” hay những điểm quay “Bản tình ca mùa đông” cũng đặc biệt hút khách.
Công viên Dae Jang Geum giới thiệu lại những điểm quay của bộ phim “Nàng Dae Jang Geum” đặc biệt hút khách. |
Tại Mỹ, nhiều tour tham quan gắn với việc giới thiệu các điểm quay những bộ phim “sốt vé” hoặc khiến khán giả màn ảnh nhỏ “điên đảo” vì độ hấp dẫn. Đơn cử như New York rất nổi tiếng với tour “Sex and the city”; New Jersey kéo những fan hâm mộ bộ phim truyền hình “The Sopranos” đến check in các điểm mà gia đình “bố già” trong phim sinh sống; Santa Barbara (bang California) khiến khách du lịch mê mẩn với những cánh đồng trồng nho bát ngát trong phim “Sideways”.
Khách du lịch đến thăm tượng đài của Wallace, Scotland tăng 300% một năm sau khi phim “Trái tim dũng cảm” ra đời, khách sạn The Crown ở Amersham, Anh được đặt kín chỗ đến... ba năm kể từ khi phim “Bốn đám cưới và một đám ma” trình chiếu, “Ðiệp vụ bất khả thi 2” giúp lượng khách du lịch đến công viên quốc gia Sydney tăng 200% trong năm 2000…
Cần làm gì để điện ảnh có thể kích cầu du lịch tại Việt Nam?
Khi bộ phim “A tourist’s guide to love” (Hành trình tình yêu của một du khách) do Mỹ sản xuất với hơn 90% bối cảnh quay tại các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam như: TP Hồ Chí Minh, Hội An, Đà Nẵng, Hà Giang… phát hành trên Netflix (21/4/2023), mọi người đều hy vọng đây là cơ hội quảng bá cho du lịch Việt với khách quốc tế.
Nhưng để nói, từ “A tourist’s guide to love” khách nước ngoài “đổ bộ” vào Việt Nam như nhiều bộ phim quốc tế đã làm thì… phải chờ. Không phủ nhận các cảnh quay trong phim rất đẹp nhưng nó lại đã rất quen thuộc với khách quốc tế, trong khi sức hút từ nội tại nền văn hóa Việt mà khán giả có thể thẩm thấu từ phim thì lại nhạt nhòa.
Bộ phim “A tourist’s guide to love” với bối cảnh ở Việt Nam. |
Nói đơn giản, “A tourist’s guide to love” vẫn là một bộ phim tình cảm cũ kỹ trong phương thức thể hiện với cái nhìn khuôn sáo của người phương Tây về con người, văn hóa Việt Nam. Phim chưa hay, không hấp dẫn thì việc hút khách xem và qua đó để hút khách đến những bối cảnh thể hiện trong phim cũng sẽ mức độ. Trong khi đó, ở trong nước, nhiều địa phương cũng chưa thật sự ý thức việc khai thác bối cảnh phim phục vụ du lịch.
Một ví dụ tại Hà Giang, ngoài bối cảnh trong phim “Chuyện của Pao” đang được khai thác trong tour du lịch, còn nhiều bối cảnh “lung linh” khác gây ấn tượng với khán giả trong phim “Lặng yên dưới vực sâu” bị “bỏ quên”.
Đơn cử như bối cảnh nhà của nhân vật chính nằm trên đường đi xuống Hẻm Tu Sản- một điểm tham quan nổi tiếng của Mèo Vạc. Đây là ngôi nhà khá cổ, cảnh quan đẹp là điểm check in hấp dẫn đem lại nguồn thu nhập cho địa phương và chủ nhà.
Nhưng do không được khai thác, bảo quản và hiện tại bị một ngôi nhà khác mới xây che khuất, phá vỡ cảnh quan nên những “tín đồ” của bộ phim “Lặng yên dưới vực sâu” khi đến Hẻm Tu Sản chỉ biết tiếc nuối vì không thể tiếp cận bối cảnh. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều bối cảnh phim bị lãng quên và mất hút ở nhiều địa phương.
Ngôi nhà trong bối cảnh phim "Chuyện của Pao". |
Liên quan đến vấn đề “kích cầu du lịch”, đạo diễn Lương Đình Dũng, tác giả bộ phim “578: Phát đạn của kẻ điên”, than thở: “Tôi đã từng quay 2 bộ phim “Cha cõng con” và “578: Phát đạn của kẻ điên” có nhiều cảnh đẹp của Việt Nam và được chiếu ở quốc tế.
Tôi cũng muốn thông qua các phim của mình để quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam. Nhưng gần như tôi không có sự ủng hộ nào của các khu du lịch, các địa danh đoàn phim đến quay vẫn phải trả tiền như dịch vụ. Hiếm hoi mới có được sự ủng hộ của lãnh đạo của một tỉnh. Hiếm lắm. Thậm chí bối cảnh quay xong, ngôi nhà đó để lại ít ra cũng cho những khách du lịch vãng lai đến trú ngụ mưa nắng thì được ít hôm cũng thành củi.
Khi phim “578: Phát đạn của kẻ điên” được chiếu tại 2 LHP lớn châu Âu, chúng tôi đi miệt mài và đầy hứng khởi gặp tỉnh, gặp Sở xin phối hợp để cùng quảng bá du lịch ra với bạn bè quốc tế. Chúng tôi đều nhận được câu trả lời: Sở không có kế hoạch quảng bá trong phim. Vậy tại sao các nhà làm phim Việt lại bị trách là không tận dụng cảnh đẹp, địa danh của Việt Nam. Chúng tôi có cơ hội, chúng tôi muốn làm cũng không phải dễ dàng.
Nhiều ngành nghề đặc trưng của Việt Nam mơ ước được quảng bá các sản phẩm của mình qua các bộ phim ra quốc tế như các nước Hàn Quốc, Nhật Bản... Vậy sao ngành cà phê, nước mắm hay Hiệp hội du lịch không nắm thế chủ động đầu tư vào một vài bộ phim phát hành ra quốc tế, đó là thế chủ động hoàn toàn và không chờ ăn may, sự thật đôi lúc tiền đầu tư một bộ phim không bằng một chiếc xe ô tô”.
Cũng theo đạo diễn Lương Đình Dũng, với mức đầu tư cho điện ảnh ở Việt Nam hiện nay rất ít khả năng tạo ra những bộ phim đủ sức quảng bá và ảnh hưởng ra nước ngoài. “Ngành điện ảnh có ước mơ cũng khó làm được gì? Còn chúng tôi những nhà làm phim khát vọng được làm những điều ấy cũng không thể. Trong thế giới phẳng hiện nay, sự kết hợp các nhà làm phim nhiều nước với nhau là cách nhanh và hiệu quả để đốt cháy giai đoạn của ngành điện ảnh nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam”- đạo diễn Lương Đình Dũng khẳng định.
Đạo diễn Phạm Thiên Ân nhận giải Camera d'Or cho phim đầu tay xuất sắc tại LHP Cannes 2023. |
Tại LHP Cannes 2023, bộ phim “Bên trong vỏ kén vàng” của đạo diễn Phạm Thiên Ân với bối cảnh Việt Nam đã nhận được “cơn mưa lời khen” từ giới chuyên môn trước khi chiến thắng giải Camera vàng. Bộ phim này có sự hợp tác sản xuất của 4 quốc gia: Việt Nam, Singapore, France, Spain. Rất có thể, đây cũng là một “cơ hội” để du lịch nắm bắt thu hút khách quốc tế đến Việt Nam khi cái tên Việt Nam được xướng lên đầy tự hào tại một LHP danh giá bậc nhất của thế giới.
Và trong lúc phim Việt vẫn loay hoay với bài toán “doanh thu” (phim tư nhân) và “đầu ra” (phim nhà nước đầu tư ), rất ít bộ phim có khả năng kích cầu du lịch thì việc thu hút các đoàn phim nước ngoài đến Việt Nam quay phim, biến Việt Nam thành “trường quay” của những bộ phim “bom tấn” của thế giới là giải pháp hiệu quả cho mối lương duyên điện ảnh- du lịch, phát triển kinh tế.
Tác phẩm "Bên trong vỏ kén vàng" của Phạm Thiên Ân đoạt giải Camera vàng tại LHP Cannes 2023. |
Muốn vậy, cần có những chính sách ưu đãi đối với các đoàn phim, như ưu đãi về thuế; giảm chi phí, tăng chiết khấu… cho các đoạn phim khi quay tại các địa phương. Ông Yoshitaka Sugihara - Giám đốc Chính sách công của Netflix đưa ra kinh nghiệm thực tế, muốn tạo ra địa điểm quay phim lý tưởng, cần có một chuỗi cung ứng điện ảnh, đặc biệt là việc nâng cao cơ sở hạ tầng để phục vụ cho những bộ phim có đẳng cấp cao, điều này mang tới rất nhiều thuận lợi. Chính quyền địa phương nên có sự chủ động quảng bá, hướng dẫn và tạo điều kiện nhiệt thành để các đoàn làm phim tới tham quan và hiểu được tiềm năng của nơi đó.
Theo ông Stephen P. Jenner - Phó Chủ tịch Truyền thông châu Á, Thái Bình Dương – MPA, các chương trình ưu đãi sản xuất phim tốt nhất sẽ bao gồm: ưu đãi cho sản xuất trong nước và nước ngoài, ưu đãi sản xuất hậu kỳ và kích thích toàn bộ hệ sinh thái sản xuất. Có khoảng 100 chính sách ưu đãi như vậy trên toàn thế giới. Ông cũng cho rằng, nếu muốn thu hút đầu tư từ doanh nghiệp lớn vào nhỏ, phải có chính sách ưu đãi hoàn vốn hấp dẫn, để họ thấy được điện ảnh là một ngành tiềm năng.
Ông Francis Smith - Nhà sáng lập IFA Media chỉ ra, thông thường các nhà làm phim rất muốn tạo mối quan hệ với chính quyền địa phương các nước để mang lại lợi ích cho đôi bên, thế nên cần có chính sách hỗ trợ cho các nhà làm phim mới nổi hay những người đã định hình được tên tuổi của mình, từ đó sẽ có bước đi lớn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh cho Việt Nam.