Tham gia chuyến đi thực tế này có 35 hội viên là các nhà văn, nhà thơ từ 4 Chi hội của Hội Nhà văn Hà Nội, Nhà thơ Nguyễn Thị Mai - ủy viên BCH, Trưởng Ban Công tác Hội viên làm Trưởng đoàn.
Xứ Thanh là mảnh đất lưu lại nhiều dấu ấn đậm nét về lịch sử và văn hoá. Nếu như sông Hồng mở ra nền văn minh của dân tộc Việt ở phía Bắc, thì sông Mã quê Thanh với dòng chảy bắt đầu từ văn hoá đồ đá cũ (núi Đọ) tới nền văn hoá đá mới (Đa Bút), văn hoá tiền kim khí (Gò Trũng, Hoa Lộc) làm nên nền văn hoá Đông Sơn - đồ đồng, góp phần làm cho văn hoá Việt phát triển rực rỡ. Cũng bởi vậy, vùng đất này đã được đã được ghi dấu trong các sáng tác văn chương từ xưa và bây giờ vẫn nguyên sức khám phá tạo nhiều cảm hứng cho các tác giả. Trong số 35 hội viên đi thực tế lần này, nhiều hội viên đã có những sáng tác hay về Thanh Hóa, cả thơ và văn xuôi.
Các hội viên Hội Nhà Văn Hà Nội đi thực tế tại Thanh Hóa |
Tối ngày 19/9, đoàn đã có buổi giao lưu thơ rất sôi nổi và ấm tình văn chương với các nhà văn, nhà thơ tại Hội VHNT tỉnh Thanh Hoá. Đồng chủ trì buổi giao lưu là nhà thơ Nguyễn Việt Chiến - đoàn Hà Nội và nhà thơ Phạm Thị Kim Khánh - đoàn văn nghệ sĩ Thanh Hoá. Các nhà thơ hội viên của Hà Nội và Thanh Hoá đồng thời cũng là hội viên Nhà văn Việt Nam như Hoàng Việt Hằng, Phạm Thị Phương Thảo, Trịnh Quốc Thắng, Chu Thu Hằng, Thế Đức, Đinh Ngọc Diệp, Huy Trụ, Nguyễn Thị Mai, Lâm Bằng và nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Đàng.
Nhà thơ Lâm Bằng, ủy viên BCH Hội VHNT Thanh Hoá, Trưởng ban thơ Thanh Hoá cùng các nhà thơ: Phạm Đăng Sương, Phạm Khang, Vũ Quang Trạch, Hoàng Thăng Ngói, Hải Minh, Trần Đàng, Nguyễn Thị Cúc, Hoàng Quốc Cảnh, Nhà văn Trịnh Mai Hương (Trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình Thanh Hoá)… đọc thơ và giao lưu cùng đoàn...Đêm thơ đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho các hội viên của hai Hội - hai vùng đất giàu truyền thống lịch sử, đậm đà sắc màu văn hoá của dân tộc.
Đêm thơ giao lưu giữa đoàn Hà Nội và các nhà thơ xứ Thanh |
Trong chuyến đi này, Đoàn đã tới một số địa danh địa danh như: Đền Sòng Sơn, nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, nổi tiếng trong dân gian với câu ca “Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh” ở Thị xã Bỉm Sơn; Đền Cô Tiên nằm trên đỉnh hòn Đầu Voi, cuối dãy núi Trường Lệ về phía Tây Nam gắn liền với du lịch biển Sầm Sơn. Mùa thu, nắng trong và nền trời xanh ngắt khiến những con sóng trên biển như trắng hơn, thơ mộng hơn…
Các hội viên tham gia chuyến đi đã có thêm nhiều kỷ niệm, ấn tượng tốt đẹp cùng những cảm nhận, suy ngẫm về vùng đất giàu truyền thống và bản sắc quê hương Thanh Hoá.
Ngay trong và sau chuyến đi, nhiều hội viên đã có những sáng tác về vùng đất giàu bản sắc văn hóa này.
THOÁNG XỨ THANH
Đá xanh còn ấm bàn chân
Thành xưa vọng mãi dư âm một thời
Tây Giai sừng sững nắng phơi
Đại Ngu ấn Quốc ngàn đời còn đây
Vua thần áo vải dựng xây
Lam kinh trống trận dâng đầy khí thiêng
Lê Lai cứu chúa trận tiền
Câu hò sông Mã cồng chiêng xứ Mường
Bến Đầm ai thả sợi thương?
" Khúc ru Lang Chánh " đêm trường quặn đau
Quế hoa...hương quế gội đầu
Câu thơ chết lặng dòng sâu cửa Hà
Giao mùa khánh tiết tháng ba
Dao cau chém đá xây tòa tháp tim
Xứ Thanh ngược sóng đi tìm
Lan rừng chớm vụ ...hằn in mắt chiều!
(Nguyễn Đăng Thuyết)
TẠM BIỆT SẦM SƠN
Tạm biệt Sầm Sơn rừng cây no gió
Lấp la lấp ló biệt thự giàu sang
Ngọn cỏ mơ màng xanh từ trong ruột
Bao nhiêu nà nuột khoe cái xuân tình
Bao nhiêu nụ xinh bình minh đón đợi
Bãi bờ vời vợi cát trắng mênh mông
Thoả chí tang bồng ngọn nguồn xê dịch
Rậm rà rậm rịch thỏ thẻ lứa đôi
Để lại chỗ ngồi về miền phiêu lãng
Vừng đông chưa rạng đã chật nụ cười
Trắng phau bờ cát mênh mông biển người
Tạm biệt lời mời thì nhân xứ sở
Ra về mắc nợ câu thơ níu lòng
Từ trong ánh mắt hẹn ngày chờ mong.
Sẽ làm con còng ngày đêm xe cát
Chữ là từng hạt càng xe càng đầy
Trang văn ấp ủ bềnh bồng chân mây.
Ra về ai nhớ ai đây
Ấm nồng từng cái bắt tay hẹn lòng.
(Nguyễn Lâm Cẩn)