Nếu so với miền Bắc thì Nam bộ là vùng đất không có nhiều lễ hội. Tuy vậy, lễ hội ở miền Nam hầu như vùng nào, tháng nào cũng có những nét rất riêng. Tiêu biểu nhất là lễ Kỳ Yên . Kỳ Yên có nghĩa là lễ cầu an, tế thần thành hoàng lớn nhất trong năm của một vùng quê, tại ngôi đình thần. Lễ hội này mang những nét văn hóa riêng của người dân các tỉnh Nam bộ.
Hằng năm, Lễ hội Kỳ yên thu hút đông đảo người dân đến tham dự. |
Hàng tháng đình cúng hai ngày 15 và 30. Lễ Kỳ Yên (cầu an) là lễ lớn nhất tại đình thường tổ chức từ ngày 11 đến 13/9 âm lịch. Lễ vật chính là 3 con vật (tam sanh) dê - trâu - heo (không có trâu có thể thay bằng bò). Trong những ngày Kỳ Yên tại đình Bình Hòa diễn ra những nghi thức : Lễ rước sắc (đưa sắc về đình); Lễ thượng kỳ — khai môn; Lễ khán sắc; Lễ Túc yết; lễ đàn cả; Lễ tế Tiền hiền Hậu hiền; lễ xây chầu.
Lễ Kỳ Yên năm nay sẽ diễn ra 2 ngày tại đình Bình Hòa từ ngày 8 - 9/10 dương lịch, tức 10 và 11/9 âm lịch. Lễ vật chính cúng thần không nhất thiết phải là tam sanh như lệ xưa mà chỉ là mâm cỗ với nhiều món ăn.
Chương trình lễ ngày nay gồm: Lễ Khai môn thượng kỳ; Lễ Khám sắc; Lễ tế Thành hoàng và lễ cầu an; Lễ cúng Tiền hiền Hậu hiền và các anh hùng liệt sĩ ; Các ban quản lý đình cùng nhân dân cúng thần; Lễ thành. (Buổi lễ bắt đầu từ 7h và kết thúc lúc 14h).
Chương trình lễ Tế Thần diễn ra sáng nay, ngày 9/10. |
Đình Bình Hòa là ngôi đình có kết cấu và mặt bằng điển hình của ngôi đình cổ ở miền Nam thế kỷ 19. Bộ cột gỗ của ngôi đình hết sức quí giá cùng với 39 hiện vật có giá trị về mặt lịch sử và nghệ thuật còn lưu giữ trong đình. Đình đã duy trì sự thờ cúng theo phong tục thờ thần của người Việt nam. Sự tồn tại của đình là sự hiện diện của nền văn hóa truyền thống Việt Nam, là yếu tố tích cực của văn hóa cộng đồng được phát huy trong xã hội hiện đại.
Trong suốt buổi lễ, người chủ trì sẽ đọc văn khấn tế Tiền hiền, Hậu hiền, Anh hùng liệt sĩ. |
Thông thường, lễ Kỳ Yên được tổ chức trong 3 ngày, gồm nhiều lễ tế, nhằm cầu trời thêm thanh bình, đất thêm tươi tốt, con người được sống lâu, quỹ dữ bị tiêu diệt. Tuy mỗi nơi tổ chức có thể khác về giờ, ngày tháng, thứ tự và chi tiết, nhưng thường thì các lễ được tiến hành trang trọng ở một ngôi đình. Ở lễ Kỳ Yên, phần lễ chiếm phần quan trọng hơn phần hội. Các đối tượng cúng lễ là một tập hợp thần linh đông đảo không chỉ riêng có thần Thành hoàng Bổn cảnh.
Vào những ngày này, các ngôi đình dù ở miền Tây Nam bộ hay khu vực thành phố luôn thu hút rất đông người đến thắp nhang, xem lễ rước thần, nghe đọc tế văn nguyện cầu và cảm tạ các vị thần linh. Đến đây, ai cũng cầu mong gia đình mình vạn sự được bình an, người nông dân trúng mùa, người kinh doanh phát tài, phát lộc... Sẽ là chưa trọn vẹn nếu đi Lễ hội Kỳ Yên mà không thưởng thức hát bội. |
Lễ hội Kỳ Yên đã trở thành một nét văn hóa tâm linh truyền thống độc đáo của người dân Nam bộ. Cho nên, đây là một hoạt động văn hoá đặc trưng là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân. |
Lễ Kỳ Yên cũng là dịp để người dân họp mặt, bàn chuyện, vui chơi, thắt chặt tính cộng đồng. Còn hát xướng trong ngày lễ Kỳ yên không phải là văn nghệ bình thường mà mang nội dung nghi lễ. Chương trình văn nghệ phải có nội dung đạo lý, kết thúc có hậu. Đặc biệt, bữa tiệc trong ngày lễ Kỳ Yên ở Nam bộ chỉ mang tính liên hoan, chiêu đãi, hoàn toàn không có chuyện ăn nhậu say sưa như những lễ hội khác.