• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đọc sách “Triết học ngôn ngữ Voloshinov và một số vấn đề học thuật hậu huyền thoại Bakhtin” của Ngô Tự Lập

Cuốn sách của Ngô Tự Lập không dừng lại ở vụ đạo văn thiên niên kỷ của Bakhtin, mà còn...

Cuốn sách mới vẫn tiếp tục phong cách của Ngô Tự Lập: cẩn trọng, nghiêm túc và khoa học.

Chương đầu tiên của cuốn "Triết học ngôn ngữ Voloshinov và một số vấn đề học thuật hậu huyền thoại Bakhtin” - tác phẩm mới nhất của Ngô Tự Lập chắc chắn là một cú sốc khó chịu đối với những người hâm mộ M.M. Bakhtin. Bakhtin là ai? Đó là người từng được cho là nhà tư tưởng vĩ đại bậc nhất thế giới trong thế kỷ XX. Nhưng có một vấn đề gây tranh cãi dai dẳng: hầu hết những tư tưởng cách tân được coi là của Bakhtin lại nằm trong các tác phẩm của V.N. VoloshinovP.N. Medvedev. Vì Voloshinov đã chết vì lao phổi năm 1936 và Medvedev bị chính quyền Stalin xử bắn năm 1938, vào thập niên 1970, Bakhtin đã khá dễ dàng khiến giới học giả khắp thế giới tin rằng ông là tác giả đích thực của hầu như tất cả những công trình nghiên cứu của Voloshinov và Medevedev mà ông mô tả là học trò của mình.

“Triết học ngôn ngữ Voloshinov và một số vấn đề học thuật hậu huyền thoại Bakhtin” là tác phẩm mới nhất của Ngô Tự Lập vừa xuất bản vào đầu năm 2020
“Triết học ngôn ngữ Voloshinov và một số vấn đề học thuật hậu huyền thoại Bakhtin” là tác phẩm mới nhất của Ngô Tự Lập vừa xuất bản vào đầu năm 2020

Tuy nhiên, vô số những điều khó tin và mâu thuẫn trong tác phẩm và hồ sơ của Bakhtin khiến người ta ngày càng nghi ngờ những lời tuyên bố của ông. Các nghiên cứu thực hiện vào thập niên 1990 sau khi Liên Xô sụp đổ dần dần cho ta thấy sự thật. Năm 2011, trong cuốn sách công phu dày 630 trang, Bakhtine démasqué – Histoire d’un menteur, d’une escroquerie et d’un délire collectif (Lột mặt nạ Bakhtin, câu chuyện về một kẻ lừa dối, một chuyện bịp bợm và một cơn mê sảng tập thể), J.P Bronckart và C. Bota đã tổng hợp các nghiên cứu đó, chứng minh rất thuyết phục rằng Bakhtin không chỉ khai man lý lịch, đạo văn mà còn và ngụy tạo thông tin nhằm chiếm đoạt tác phẩm của Voloshinov và Medvedev - hai người bạn, mà thực ra là thầy, đồng thời cũng là hai ân nhân, của Bakhtin.

Ngô Tự Lập không chỉ giới thiệu cuốn sách của Bronkart và Bota, mà còn bổ sung nhiều thông tin quan trọng từ rất nhiều nguồn tài liệu tiếng Anh và tiếng Nga. Kết luận rất rõ ràng: vì sự lương thiện trí thức, chúng ta cần phải chấp nhận sự thật, khôi phục danh dự cho Voloshinov và Medevedev, đồng thời trả lại cho họ những tư tưởng vĩ đại từng bị Bakhtin mưu toan chiếm đoạt.

Tác phẩm mới nhất của Ngô Tự Lập lật lại vụ
Tác phẩm mới nhất của Ngô Tự Lập lật lại vụ "đạo văn thiên niên kỉ" của Bakhtin với V.N. Voloshinov và P.N. Medvedev

Nhưng cuốn sách của Ngô Tự Lập không dừng lại ở vụ đạo văn thiên niên kỷ của Bakhtin, mà còn đặt ra những vấn đề lý luận quan trọng hơn nhiều.

Chương 2 của cuốn sách, “Bối cảnh và tiến trình”, giới thiệu một bức tranh toàn cảnh về bối cảnh học thuật tại Nga và Liên Xô vào hai thập niên đầu thế kỷ XX, đặc biệt là sau Cách mạng tháng Mười. Những khảo sát công phu của tác giả giúp người đọc cảm nhận rất sống động sự hình thành của những ý tưởng cách tân của Voloshinov và các học giả và nghệ sĩ Liên Xô trẻ tuổi khác như Vygotsky trong tâm lý học, Medvedev trong phê bình văn học, Eiseinstein trong điện ảnh… mà ông mô tả như là “ba mũi giáp công trên mặt trận khoa học xã hội và nhân văn”, đó là Phê bình văn học, Tâm lý học và Ngôn ngữ học. Nó cũng giúp chúng ta nhận thức lại về các hình thái và đóng góp của chủ nghĩa Marx.

Ngô Tự Lập viết: “Theo chúng tôi, trong quá khứ, những đóng góp của chủ nghĩa Marx cho kinh tế học cùng những hệ quả chính trị - xã hội của nó, như lý thuyết về giá trị thặng dư, về bóc lột và đấu tranh giai cấp…, được đề cao hơn, che mờ những đóng góp của chủ nghĩa Marx trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Tuy nhiên, gần đây, bức tranh dường như đã đảo ngược: những đóng góp của chủ nghĩa Marx trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đang ngày càng được đánh giá cao hơn, và điều đó được thể hiện rõ nhất qua ảnh hưởng của nó đối với chủ nghĩa hậu hiện đại”.

Nhưng trọng tâm của cuốn sách là ở Chương ba, “Từ ngôn ngữ học đến siêu ngôn ngữ học”. Nội dung của chương sách trình bày một cách cực kỳ sinh động và dễ hiểu cuộc cách mạng có lẽ là quan trọng nhất thế kỷ XX trong khoa học xã hội và nhân văn do Voloshinov thực hiện vào thập niên 1920. Cuộc cách mạng này có thể gọi bằng nhiều cái tên khác nhau, như “Đối thoại luận”, “Hậu hiện đại”, hoặc “Hậu cấu trúc” đều thỏa đáng. Tất cả những lý thuyết và khái niệm này, Ngô Tự Lập viết, “không những đã hình thành dưới ảnh hưởng sâu sắc và trực tiếp của chủ nghĩa Marx, mà thậm chí có thể nói không quá lời, rằng chủ nghĩa Hậu hiện đại về căn bản là Chủ nghĩa Marx Mới (Neo-Marxism)”.

Tác giả Ngô Tự Lập
Tác giả Ngô Tự Lập


Chủ nghĩa Hiện đại dựa trên niềm tin vào Cái tôi duy lý của con người như là Chủ thể sáng tạo ra các sản phẩm tư tưởng (thơ văn, pháp luật, hệ thống chính trị, tôn giáo…) với nội dung và giá trị hoàn chỉnh được quy định trọn vẹn bởi các thành tố nội tại, tức là Cấu trúc, của nó.

Quan điểm của Voloshinov khác hẳn. Xuất phát điểm của ông là luận điểm về bản chất ký hiệu của toàn bộ đời sống tư tưởng. Để hiểu được luận điểm này, chúng ta cần phân biệt tín hiệuký hiệu. Tín hiệu có bản chất kỹ thuật, thông tin của nó luôn cố định. Ký hiệu trái lại, có bản chất xã hội, ý nghĩa của ký hiệu không bao giờ ổn định. Ngô Tự Lập đưa ra một ví dụ. Có ba loại túi là Hadoda (Đồ da Hà Nội), Sadoda (Đồ da Sài Gòn) và Louis Vuitton. Khởi thủy, các nhãn hiệu này đơn thuần mang tính kỹ thuật: chúng giúp ta nhận diện và phân loại các sản phẩm: người thủ kho xếp chúng vào các ngăn, nhân viên ngành thuế xác định mức thuế… Kết quả nhận diện và phân loại chúng chỉ không phụ thuộc vào bối cảnh và người nhận diện chúng.

Tuy nhiên, vẫn là những nhãn hiệu ấy, trong một cộng đồng người, lại có những ý nghĩa khác nhau: đẹp hay xấu, sang trọng hay quê mùa, đáng mơ ước hay đáng khinh bỉ… Những ý nghĩa này không bao giờ xác định và cố định, mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố: người phát ký hiệu, hệ quy chiếu, người tiếp nhận, bối cảnh tiếp nhận, mối quan hệ giữa các thành viên của cộng đồng tiếp nhận, không gian văn hóa trong đó sự tiếp nhận diễn ra, mối quan hệ giữa các ký hiệu. Nói cách khác, ý nghĩa của ký hiệu mang tính tình huống, liên nhân (tính đối thoại); tính liên ký hiệu (liên văn bản), được quy định bởi tình huống cụ thể và bởi khí quyển văn hóa rộng lớn hơn của quá trình giao tiếp xã hội, trong đó sự phát, truyền dẫn và tiếp nhận ký hiệu diễn ra.

Một tác phẩm khác của Ngô Tự Lập được coi như cuốn nhập môn lý luận văn học theo tinh thần của triết học ngôn ngữ Voloshinov
Một tác phẩm khác của Ngô Tự Lập được coi như cuốn nhập môn lý luận văn học theo tinh thần của triết học ngôn ngữ Voloshinov

Những luận giải của Voloshinov về bản chất ký hiệu của tư tưởng, như vậy, đã tạo nên nền tảng cho những thay đổi cách mạng trong các khoa học xã hội và nhân văn nói chung, trong ngôn ngữ học nói riêng, trước hết là ngữ dụng học và lý thuyết diễn ngôn. Ngôn ngữ học trước Voloshinov coi ngôn ngữ như là hệ thống tín hiệu, trong đó mỗi ngôn bản nói hoặc viết (text) ứng với một nội dung duy nhất, ổn định, được quyết định bởi ý đồ của người nói hoặc bởi những đặc điểm hình thức của ngôn bản và các thành tố của nó. Nhưng ngôn ngữ sống động không phải là một hệ thống tín hiệu, mà là một hệ thống ký hiệu. Hai âm “Ấy chưa” vốn chỉ là hai âm thanh thuần túy vật lý. Dưới dạng ngôn bản thuần túy, tách rời khỏi văn cảnh, “Ấy chưa?” không có nghĩa. Nó chỉ thực sự có nghĩa khi nó gắn với những yếu tố phi ngôn từ của một ngữ cảnh giao tiếp nhất định. Ngôn bản gắn với ngữ cảnh như vậy chính là diễn ngôn. Vì ngữ cảnh không bao giờ lặp lại, diễn ngôn luôn luôn là duy nhất. Ý nghĩa của diễn ngôn cũng vậy, luôn luôn là duy nhất.

Voloshinov, với bài báo thuộc loại đặc sắc nhất lịch sử ngôn ngữ học công bố năm 1926 nhan đề Diễn ngôn trong đời sống và diễn ngôn trong thơ (Tiếng Anh: Discourse in Life and Discourse in Art; Tiếng Pháp: Le Discours dans la vie et dans la poésie) chắc chắn là người đầu tiên dùng từ “diễn ngôn” theo nghĩa chúng ta hiểu hiện nay. Đó là lý do vì sao Lilie Chouliaraki và Norman Fairclough khẳng định trong Discourse in Late Modernity: Rethinking Critical Analysis (Diễn ngôn trong thời hiện đại hậu kỳ: Tư duy lại về phân tích diễn ngôn phê phán): “Cơ sở cho quan điểm biện chứng như vậy về diễn ngôn và ngôn ngữ được Voloshinov đặt nền móng trong cuốn sách tuyệt vời viết trong thập niên 1920” (The basis for such a dialectical view of discourse and language was laid in a remarkable book by Voloshinov written in the 1920). [4:48]

Trong lý luận văn học, ông cũng là người khởi xướng những khái niệm quan trọng như Lý thuyết Liên văn bản, Tiểu thuyết phức điệu, Thể loại lời nói.

Ngô Tự Lập (4 tháng 6 năm 1962) là một nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa và sáng tác ca khúc xuất sắc nhất tại Việt Nam trong thế kỉ XX.

Ông là cựu sĩ quan hải quân, tốt nghiệp Đại học hàng hải Baku (Nga), Đại học Luật Hà Nội, Đại học Sư phạm Fontenay-St Cloud (Cao học), Đại học bang Illinois (Tiến sĩ). Từ năm 2016, ông lãnh đạo Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI)

Ngô Tự Lập đã xuất bản hơn 20 cuốn sách, trong đó có 4 tập truyện ngắn, 2 tập thơ, 5 tập tiểu luận và nhiều công trình dịch thuật từ tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh. Ông cũng đạt nhiều giải thưởng, được đề cử giải thưởng PEN cho hạng mục Thơ dịch với tập Black Star. Một số tập thơ, truyện, tiểu luận của ông được xuất bản tại Pháp.

Năm 2019, ông được trao tặng huân chương Hiệp sĩ văn học nghệ thuật của Pháp, đây là danh hiệu dành cho các cá nhân có thành tích nổi bật hoặc có nhiều đóng góp trong lĩnh vực Văn học và Nghệ thuật tại Pháp và trên thế giới.

LA

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật