• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội 1985-2015: Dấu ấn của những nhân văn và những nỗi đau sâu thẳm

Sự kiện được coi như chuyến du hành vào bên trong cuộc sống của thành phố Hà Nội yêu quý,...

18 bức ảnh đường phố được William Crawford chụp trong khoảng năm 1985 đến 2015

Triển lãm “Hà Nội 1985 - 2015, những năm tháng bị lãng quên” gồm 18 bức ảnh đường phố, được William Crawford chụp giai đoạn 1985 - 2015.

18 bức ảnh đường phố này sẽ được trưng bày tựa như một cuốn nhật ký của dòng chảy thời gian trong không gian nghệ thuật. Người xem sẽ được thấy quá trình Việt Nam thay đổi từ một nền kinh tế bao cấp với hàng hóa và dịch vụ hạn chế, vươn lên thành một trong những nền kinh tế thành công nhất ở Đông Nam Á...

William Crawford là một trong những nghệ sỹ nhiếp ảnh đầu tiên đến với Việt Nam thời kỳ sau chiến tranh, năm 1985 và ông tiếp tục quay lại đây làm việc liên tục trong 30 năm.

Là một người Mỹ chứng kiến sự tàn phá và mất mát của chiến tranh, ông thôi thúc muốn đặc tả sự nhân văn luôn tồn tại song song với những nỗi đau sâu thẳm. Nhạy cảm với những sắc thái tinh tế của đời sống hàng ngày và những tập quán của người dân ở vùng đất xinh đẹp này, ông đã ghi chép lại hình ảnh cuộc sống đời thường của người Việt Nam và những thay đổi trong ba thập kỷ.

Hà Nội qua góc nhìn của William Crawford
Hà Nội qua góc nhìn của William Crawford

Nghệ sỹ bị mê hoặc với các con phố trong phố cổ Hà Nội, nơi tiết lộ tất cả các mặt của đời sống truyền thống và các nghề thủ công của người Việt Nam. Liên tục trở đi trở lại trong nhiều năm, ông đã chớp được những khoảnh khắc tinh tế khi đất nước này chuyển đổi từ thời kỳ sau chiến tranh và vươn lên thành một đô thị phát triển vượt bậc. Sau nhiều năm, ông đã tạo được một tình bạn với những người dân nơi đây trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Với 3 thập kỷ thời gian, những bức ảnh của ông đã trở thành nhật ký của những con người nơi đây trong nỗ lực hàn gắn quá khứ với những vết thương chiến tranh, bằng một tính nhân văn giản dị và sự ghi nhận phẩm cách của những con người. Những khoảnh khắc riêng tư trong cuộc sống, một vận động viên đang luyện thể hình, những cậu thanh niên chia sẻ bên chén trà, vẻ đẹp của bàn thờ truyền thống thờ cúng tổ tiên, đã trở thành những bằng chứng của sức mạnh, tinh thần và khả năng của con người để vượt qua những biến cố với lòng trắc ẩn, tình yêu thương và trí tuệ.

Hà Nội 1985-2015: Dấu ấn của những nhân văn và những nỗi đau sâu thẳm

Các bức ảnh đều được chụp bằng phim, cũng là một sự nhấn mạnh cho sự chuyển dịch của các phương tiện cũ, nhường đường cho kỷ nguyên số, giống như bản thân cảnh quan đô thị cũng phải lùi lại nhường chỗ cho những gì của thời đại ngày nay.

Lời hồi đáp từ Nguyễn Thế Sơn

Song song những hình ảnh về cuộc sống đời thường Hà Nội, tại Không gian Triển lãm Manzi là một bộ sưu tập khác với 8 tấm ảnh mặt tiền những ngôi nhà phố cổ mà William Crawford đã chụp gần 30 năm trước, đồng hành với 8 tác phẩm nhiếp ảnh phù điêu tương ứng, như một lời hồi đáp của nghệ sỹ Nguyễn Thế Sơn.

Để hồi đáp những hình ảnh của William Crawford, Sơn đã dùng nhiếp ảnh phù điêu, chất liệu độc đáo đã mang lại cho anh giải thưởng khi tốt nghiệp thạc sỹ nhiếp ảnh nghệ thuật ở Học viện Nghệ thuật Trung ương Bắc Kinh, Trung Quốc năm 2012. Dựng nên một cấu trúc 3 chiều với các lớp ảnh chồng lên nhau, nghệ sỹ đã khiến tác phẩm sống động như thật, kèm theo hình ảnh con người và phương tiện ở phía trước các ngôi nhà với đủ loại từ xưa đến nay, xe đạp, xe máy cho đến ô tô xa xỉ, đủ mọi biểu tượng của sự thay đổi chóng mặt nơi thành phố. Khi đèn nê-ông chiếm chỗ của đèn dầu, các bảng quảng cáo đã xuất hiện, lấn át bầu không khí yên tĩnh và hòa vào nhịp đập của đời sống đương đại.

Những bức ảnh như lời hồi đáp của Nguyễn Thế Sơn
Những bức ảnh như lời hồi đáp của Nguyễn Thế Sơn

Vẻ đẹp bình yên nhường chỗ cho đời sống sôi động hỗn loạn của thành phố thời hiện đại luônchuyển động và chạy đua tới tương lai. Thế Sơn được biết đến với những nỗ lực quảng bá nghệ thuật Việt Nam không chỉ với các tác phẩm của anh, mà còn qua rất nhiều các dự án nghệ thuật công cộng mà anh thực hiện, ví dụ như Phố nghệ thuật Phùng Hưng hay dự án Phúc Tân, những công trình đã mang nghệ thuật đến với công chúng bằng cách khuyến khích cả nghệ sỹ và người dân cùng chung tay khiến cho nghệ thuật mang lại lợi ích cho văn hóa, môi trường và du lịch.

Thông tin sự kiện
Thông tin sự kiện

Triển lãm thuộc khuôn khổ Biennale Nhiếp ảnh quốc tế Photo Hanoi’23, khai mạc lúc 18 giờ ngày 26.4, dự kiến kéo dài đến hết 20.5, tại Manzi Art Space, 14 Phan Huy Ích, Hà Nội.

Sự kiện có sự hỗ trợ, chung tay của Đại sứ quán Hoa Kỳ, ông David Thomas, nhà sáng lập Hiệp hội Nghệ thuật Đông dương IAP, và ông William Crawford Jr., con trai của nhiếp ảnh gia William Crawford, người đã đồng hành cùng cha mình trong nhiều chuyến đi đến Hà Nội trong quá khứ, với những nỗ lực đầy trách nhiệm trong việc in ấn những bức ảnh của cha mình, như một cách thể hiện tình yêu và sự kính trọng.

Sự kiện được coi như chuyến du hành vào bên trong cuộc sống của thành phố Hà Nội yêu quý của chúng ta, cả trong quá khứ và hiện tại, để hướng tới tương lai với đầy năng lượng và lòng biết ơn.

Suzanne Lecht

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật