• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Họa sỹ Lê Thị Lựu, tranh viễn xứ tìm về quê hương

Vẻ đẹp của họa sỹ phảng phất nỗi buồn của một phụ nữ thuần Việt nhưng lại rất...

Cùng thời với danh họa Picasso

Trong cuốn sách “Lê Thị Lựu - Ấn tượng hoàng hôn” - tác giả Thụy Khuê như đưa người đọc quay trở lại Việt Nam - Pháp những năm 40 của thế kỷ 20, lúc đó có một người đàn bà đa tài vì gia đình, thời thế mà sang Pháp sống, bà đã để lại cho nền mỹ thuật Việt Nam và thế giới rất nhiều tác phẩm có giá trị.

Họa sỹ Lê Thị Lựu.
Họa sỹ Lê Thị Lựu.

Là một trong số hiếm hoi Tốt nghiệp thủ khoa trường Mỹ thuật Đông Dương khóa III, cùng thời với họa sỹ Nguyễn Gia Trí, họa sỹ Lê Thị Lựu là một họa sỹ tài năng khẳng định qua các bức họa. Bà đã từng tặng Phụ nữ Tân văn bức ký họa về thời cuộc. Trong đó nội dung bức họa mô tả giới lao động và giới trí thức khi thất nghiệp rất dí dóm và hiện đại.

Từ năm 1933-1935, bà làm Giáo sư các trường danh tiếng tại Việt Nam như trường Bưởi, trường Nữ sư phạm (Hàng Bài), trường nữ sinh áo tím Sài Gòn, Mỹ nghệ và trang trí Gia Đinh. Năm 1940 bà theo chồng sang Pháp đúng trong thời gian Paris đang sống trong chiến tranh, thực phẩm khan hiếm, đời sống khó khăn và nghệ thuật bị đình chỉ. Ông bà bôn ba một thời gian, sống ở Nice 1 năm sau đó năm 1942 bà lại theo chồng sang châu Phi khi ông Ngô Mạnh Tân chồng bà nhận chức Giám đốc vườn thử nghiệm thực vật Kindia xứ Guinée.

Nữ họa sỹ bên chồng và con
Nữ họa sỹ bên chồng và con

Tại Kindia, bà từ chối làm giáo viên, lặng lẽ chăm con và kiếm sống, bà chỉ vẽ khoảng mươi bức như tranh cô gái đông trinh bản xứ do tòa sứ đặt, thiếu nữ bản địa. Năm 1945, gia đình trở lại Paris và bà làm thủ quỹ cho hội Liên hiệp trí thức, tham dự các buổi họp của phong trào Hòa bình thế giới (đôi khi có cả họa sỹ Picasso tham dự).

Chồng bà khẳng định bà không vẽ nhiều, sau một thời gian, khi bà quay trở lại hội họa, bà đã đi xem nhiều bảo tàng, thậm chí đi học tại Ecole du Louvre để lấy lại cảm hứng. Có lẽ đối diện với nghệ thuật hội họa châu Âu không khỏi khiến bà cảm thấy nhỏ bé, nhưng rồi bà đã xác định được con đường đi của mình, “Lê Thị Lựu thán phục thiên tài Picasso luôn thay đổi bút thuật, nhưng trong thâm tâm, Lựu không sao tạo được những ý thức hệ song song với con đường của họa sỹ số 1 ấy”.

Bức tranh lụa
Bức tranh lụa "Chị dạy em viết chữ nho" năm 1946.

Ngoài tranh của phái cổ điển và ấn tượng, bà Lựu không thích tranh trừu tượng. Bà nghĩ rằng: “Mình phải thành thật với chính mình, không vì thế mà cũng không nên a dua hoặc đi ngược dòng thời đại, phải sáng tạo theo quan niệm hội họa do chính mình đặt ra”. Từ đó, bà đã lấy lại tự tin.

Những bức vẽ đầy nội tâm

Bắt đầu khởi động lại sáng tác, bắt đầu từ dòng tranh lụa nhỏ, cả ba bức tranh đều được các nhà sưu tập mua hết và được giải Nhất Premier Prix và được phong là thành viên thực thụ Societaire của Hội, tức là tranh không bao giờ phải qua ban giám sát. Bà vẽ bao nhiêu, tranh được mua hết bấy nhiêu, nên tuy nhiều nhà sưu tập, gallery ở Pháp, Ý, Thụy Sỹ, Syria… mời nhưng bà toàn… ”nợ” và không có triển lãm bởi số tranh không bao giờ có đủ 40 bức để làm triển lãm cả.

Một vài tác phẩm của nữ họa sỹ.
Một vài tác phẩm của nữ họa sỹ.

Theo nhà văn Thụy Khuê, người tâm huyết và có công rất lớn trong việc đưa bộ sưu tập 26 bức tranh gia đình bà Lê Thị Lựu tặng Bảo tàng Mỹ Thuật TP Hồ Chí Minh vào năm 2019 đã nói: “Đề tài của họa sỹ Lê Thị Lựu thường vẽ nằm trong chữ thiếu: thiếu phụ, thiếu nữ, thiếu nhi”.

Quả vậy, cho dù trong tranh lụa, hay sơn dầu, với đề tài phong cảnh, con người, đa phần nét bút của bà Lựu kết hợp giữa sự hòa hợp nhưng không kém phần sắc sảo. Sắc màu hài hòa, dịu dàng, có đôi chút thơ mộng. Thân phận con người toát lên trong tác phẩm rất rõ nét.

Từ người mẹ bế con, những đứa trẻ chơi với nhau, Kiều, hay những người dân địa phương tại Pháp và châu Phi, nơi bà đã từng sinh sống được thể hiện sinh động và đầy tình cảm. Có lẽ nỗi nhớ về Đông Dương, Việt Nam, nơi bà sinh sống cũng khá mạnh, nhiều khi nét vẽ đậm chất Á Đông rất mạnh trên tranh của bà.

Họa sỹ Lê Thị Lựu, tranh viễn xứ tìm về quê hương
Bức
Bức "Chân dung người Guinée" năm 1943.

Thật đồng cảm với quá trình sáng tác của bà: Bắt đầu chọn khổ lụa rồi sắp bút, sắp thuốc, chọn băng nhạc, vì vẽ phải có kèm thanh âm ru trí tuệ. Giở mấy trang sách hội họa để hòa mình với các họa phẩm. Đề tài định trước được phác họa bằng than fusain. Sửa đi sửa lại cho đến khi cho là được mới vào màu. Phác đều các màu để xem cân đối của các mảng. Khi vào chi tiết thì vẽ mặt trước nhất, tạo xong mặt là bức tranh gần như hoàn tất. Khi vẽ, bà Lựu mải mê quên đói, quên khát, quên cả ca nhạc bên tai…

Sống trong lòng nước Pháp, người đàn bà đẹp, lại đa sầu đa cảm, người xa quê thường hay quyến luyến đất nước, nên thường đưa cảnh làng xóm, quê hương, con người vào tranh của mình. Thực ra, đây là phản ứng trước những cảnh đau lòng của đất nước. Có một chiều không nén được nỗi buồn, bà đã lấy lụa vẽ một em nhỏ có đôi mắt buồn rười rượi, đó là bức “Em bé mồ côi” mà về sau nhà nghiên cứu Thụy Khuê đặt lại tên thành “Giông tố”.

Hiến tặng 26 bức tranh vô giá

Năm 2018, nhà nghiên cứu Thụy Khuê tại Pháp đã tập hợp tư liệu mà bà đã dày công nghiên cứu sưu tập và đồng hành cùng gia đình họa sỹ Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm, Lê Phổ, để đưa ra những góc nhìn đầy đủ nhất về cuộc đời và tác phẩm của nữ họa sỹ.

Năm 2018, bộ sưu tập 26 bức tranh của bà trong đó có cả bộ sưu tập của vợ chồng nhà nghiên cứu Thụy Khuê đã được đem tặng lại Bảo tàng Mỹ thuật Tp HCM. Đây là một sự kiện quan trọng hiếm có với nền mỹ thuật Việt Nam.

Một trong những tác phẩm của nữ họa sỹ Lê Thị Lựu.
Một trong những tác phẩm của nữ họa sỹ Lê Thị Lựu.

Theo bà Thụy Khuê, năm 1975, khi gia đình bà Lựu về Hà Nội thăm nhà, Hội Mỹ thuật tỏ ý muốn có một bức tranh. Bà đã chọn vẽ bức “Phụ nữ gặt lúa”. Bức tranh này không biết ở đâu.

Câu hỏi này đã được nhà nghiên cứu Quang Việt viết trên tạp chí Mỹ thuật (ông cũng được chồng bà nhờ tìm lại bức tranh đó), theo Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sau khi nghe câu chuyện này đã kiểm tra lại trong kho lưu trữ của Bảo tàng Mỹ thuật phát hiện có một bức tranh lụa của bà Lê Thị Lựu có tên “Sơn nữ” và ở tình trạng bảo quản tốt. Vậy bức “Sơn nữ” ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và bức “Phụ nữ gặt lúa” có phải là một không? Thực hư chưa phân tỏ.

Bức tranh
Bức tranh "Sơn nữ" của nữ họa sỹ.

Trong cuốn “Lê Thị Lựu - Ấn tượng hoàng hôn”, phần tranh ông bà Thụy Khuê – Lê Tất Luyện tặng cũng có một bức tranh Sơn nữ khá giống như bức trên trong bài báo mà tác giả Quang Việt phản ánh, chỉ khác nhau phần cổ áo của cô gái và màu sắc hậu cảnh phía sau. Nếu không quan sát kỹ sẽ có thể bị nhầm lẫn hai bức là một.

Ngày 1/4/2018, tại phiên đấu giá Nghệ thuật Đông Nam Á hiện đại và đương đại của nhà Sotheby’s Hồng Kông đã đấu giá thành công bức “Trẻ em nghịch hoa” của bà Lê Thị Lựu với giá 207.821 USD. (Bức “Le rêve Mơ Mộng” của Vũ Cao Đàm được bán với giá 127.890 USD, bức “Mère et fille Mẹ và con gái” của Mai Trung Thứ bán 47.959 USD). Đây cũng là những người bạn đồng nghiệp rất thân của bà tại Pháp.

Một tác phẩm của nữ họa sỹ.
Một tác phẩm của nữ họa sỹ.

Ngoài tài năng về hội họa, bà Lê Thị Lựu còn làm thơ. Những dòng thơ cũng khá mềm mại, buồn man mác…nhưng cũng đầy nghị lực: “Khóc thầm chi mấy chục ngàn đêm/Viết bao nhiêu chỉ bao thêm khổ lòng/Nợ trần giả mãi chưa xong/Cắn răng cam chịu sót lòng chẳng rên” (Vô đề 1); “Nghĩ nhân thế, mềm gan lắm lúc/ Nhìn non sông bạc tóc như chơi” (Vô đề 5).

Một người đẹp, được xếp vào hàng mỹ nhân, lại tài năng, sống qua nhiều thời kỳ lịch sử, luôn đau đáu với quê hương. Có nhà nghiên cứu nào đó đã gọi những người như bà là người viễn xứ và tác phẩm viễn xứ. Dù đi đâu, nơi nào, vẫn luôn nặng tình quê, tình người. Hãy trân trọng với những tác phẩm vô giá mà bà đã trao tặng cho quê hương Việt Nam.

Codet Hanoi

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật